Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với công tác tổ chức và phương thức hoạt động của các thiết chế tập thể như đảng chính trị, các nghị viện, hội đồng địa phương hay đoàn thể chính trị. Bài viết phân tích những đặc trưng của nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ ra vai trò của các cá nhân trong thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ, các yếu tố tác động tới ý chí cá nhân trong quá trình thực hành nguyên tắc và mối quan hệ giữa các nhóm yếu tố tác động đó.

Vai trò của cá nhân trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ
Vai trò của cá nhân trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ

10.6.10

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với công tác tổ chức và phương thức hoạt động của các thiết chế tập thể - Ảnh: TTXVN

1. Quyền cá nhân trong hệ thống dân chủ

 

Hình thức đặt ra câu hỏi đối với nhiều người, sau đó dựa vào sự đồng thuận của số đông để quyết định công việc đã có từ rất xa xưa. Lịch sử thành văn (lưu giữ sự kiện qua ghi chép lưu truyền cho các thế hệ) đã ghi nhận hình thức bầu cử thông qua lựa chọn như thế từ 300 - 400 năm trước Công nguyên ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt là Hy Lạp, La Mã.

 

Thuật ngữ “dân chủ” (Democracy) - nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, nơi sản sinh ra các hình thức lựa chọn qua bầu cử gắn liền với các chính kiến, tranh luận, phản biện trong các hội nghị hay cả ngoài trời. Ngay từ tiền sử, đã xuất hiện hình thức bầu chọn bằng cách đếm “vỏ con sò” (nay chỉ biết được qua những di chỉ khảo cổ). Tuy nhiên, khái niệm dân chủ là một chứng tích của hình thức lựa chọn theo số đông bên cạnh các hình thức lựa chọn bỏ qua vai trò của quần chúng (như cha truyền con nối, kẻ mạnh chiến thắng kẻ yếu...).

 

Có thể nói, lịch sử loài người cũng chính là lịch sử đi tìm bản ngã đích thực cho mỗi cá nhân. Do sự khác biệt về dân trí, sự thông thái, chữ viết, hoàn cảnh, điều kiện sống..., các cá nhân có vị thế khác nhau trong hệ thống xã hội. Việc định hình cho nhóm người này là cao quý, nhóm khác là thấp kém hơn đã tồn tại hàng nghìn năm trong xã hội. Sự thay đổi trong tư tưởng của giới tinh hoa cho rằng, con người sinh ra đã có sự bình đẳng đã thức tỉnh nhân loại về vai trò chủ thể ở mỗi cá nhân trong xã hội. Chính giới tinh hoa đã chỉ ra rằng, tổ chức quyền lực quản trị xã hội phải được lựa chọn bằng quyền của tất cả mọi người trong xã hội (ở các quốc gia) mới là thể chế tiến bộ.

 

Trong giới tinh hoa, tư tưởng mọi người có quyền ngang nhau lại xuất hiện ngay trong tầng lớp các triết gia, luật gia, chính trị gia bên trong các thể chế chuyên chế, thần quyền. Với quan điểm như thế, trong giới tinh hoa đã xuất hiện tính nhân bản, tình cảm đồng loại cao quý. Con người cho dù ở chế độ xã hội nào cũng có những phẩm chất riêng: tính cá thể, chính kiến riêng, không lẫn lộn và không thể thay thế..., chỉ khác nhau ở chỗ họ có nhận ra hay không và làm thế nào để giữ những bản tính vốn có đó mà thôi.

 

Xã hội vận động, phát triển không ngừng, do đó, các cá nhân cũng vận động và trưởng thành theo dòng lịch sử. Thông qua nhận thức cá nhân, con người xây dựng và định vị bản thân. Nhà nước ra đời cùng với các hình thái kinh tế - xã hội có giai cấp đã tạo cho con người có sự “va đập” về chính trị, kinh tế và văn hóa. Cùng với dòng chảy không ngừng của kinh tế, văn hóa và chính trị, con người tham gia vào các hệ thống với vai trò khác nhau, xuất phát từ nhu cầu, do truyền bá, hay có yếu tố dẫn dắt. Ở mỗi vị trí, họ có những cách nhìn và kinh nghiệm khác nhau. Ngoài nhà nước - thể chế chính trị quyền lực mang tính công quyền, mỗi cá nhân đều tham gia vào các đoàn thể tự nguyện, trong đó, có các nhóm mang tính chính trị. Trong các tổ chức đoàn thể, mỗi cá nhân có vị trí độc lập và cơ bản là bình đẳng.

 

Trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, mỗi cá nhân là một nhân tố của cả hệ thống và từng tổ chức. Trong đó, mỗi cá nhân có sự phân định theo chức năng là các cán bộ, công chức, viên chức. Theo đặc trưng chính trị, họ hoặc là quần chúng tích cực, hoặc là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù có sự khác biệt, phân định theo chức năng, hoặc theo tính chất liên quan đến tổ chức, họ có vị trí nhất định, có vai trò, chức năng, trách nhiệm trong tổ chức, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.

 

Nguyên tắc tập trung dân chủ như đã trình bày ở trên, có những điểm chung và sự khác biệt. Điểm chung là, nguyên tắc này lấy ý chí của tất cả thành viên để hình thành các quyết định quyền lực. Sự khác biệt nằm ở mặt nội dung hay mặt “chất”, thể hiện sự khác nhau về mức độ tiến bộ, nhân văn của nguyên tắc đó. Nếu mặt hình thái bên ngoài tương đồng, thì mặt nội dung, hay bản chất lại khác biệt rất căn bản.

 

Đối với câu hỏi “nhân dân” trong các thể chế dân chủ là những ai?, câu trả lời là rất khác nhau giữa các thể chế, hay chế độ chính trị, rộng hơn là giữa các hình thái kinh tế - xã hội có nhà nước.

 

Trong nền dân chủ chủ nô của chế độ chiếm hữu nô lệ, đa số người lao động không phải là “nhân dân”. Họ là “công cụ biết nói” theo cách miệt thị thân phận và đẳng cấp trong hệ thống. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, nguyên tắc dân chủ chỉ giới hạn trong số những người thuộc tầng lớp trên (như các nhà thông thái, những thầy tâm linh, những người chấp chính quyền lực, các nguyên lão có thế lực). Có thể nói, nền dân chủ chủ nô (hay dân chủ cổ đại) hết sức chật hẹp, xơ cứng. Nhưng giá trị của nó không nằm ở sự so sánh rộng - hẹp của đối tượng, mà là ở sự khai sinh ra thể chế dân chủ; khai sinh ra nguyên tắc đa số, phủ định sự chuyên chế.  Đó có thể gọi là bước ngoặt cách mạng của sự tiến bộ trong phát triển xã hội nói chung và thể chế nói riêng. Dân chủ vốn là thứ những kẻ độc tài rất không mong muốn. Vì thế, trong giới hạn chật hẹp của hình thái phong kiến, dân chủ cơ bản đã bị phủ định và “khai tử”.

 

Phải đến sau cách mạng tư sản, nền dân chủ mới được thiết lập một cách thực sự bằng những quy chế, định chế chặt chẽ, những cách thức thực hành khoa học. Về mặt chủ thể, dân chủ tư sản căn bản đã mở ra cơ hội cho toàn thể người lao động thực hành nguyên tắc, các nhà kinh điển đã đánh giá đó là một “bước tiến rất lớn”(1). Nhưng ở hoàn cảnh xã hội mà lợi ích kinh tế chi phối chính trị (giai đoạn tích lũy nguyên thủy tư bản, các cuộc cách mạng công nghiệp còn ở trình độ ban đầu của sự phát triển), giai cấp tư sản cầm quyền đã sản sinh ra các định chế pháp lý để hạn chế quyền của người lao động. Những quy định giới hạn quyền bầu cử đối với người lao động bằng sự bảo lãnh qua các hợp đồng kinh tế. Theo đó, bất kỳ lúc nào chủ ruộng cũng có thể không cho họ thuê ruộng nữa, do không có quan hệ hợp đồng giữa họ với nhau(2). Mất hợp đồng đồng nghĩa với việc nông dân không đủ tiêu chuẩn kinh tế để tham gia quyền bầu cử. Những người lao động thành thị cũng bị giới hạn bởi những quy định ngặt nghèo mà họ khó có thể đáp ứng nếu không đáp ứng yêu cầu về thuế trực thu để bầu cử(3) và một khoản tiền không nhỏ gọi là “phí bầu cử”(4) (thực tế đã vượt quá khả năng mà đa số người lao động có thể chi trả để tham gia ứng cử).

 

Như vậy, nền dân chủ tư sản đã tiến bộ vượt bậc so với dân chủ cổ đại, nhưng nó vẫn rất chật hẹp với người lao động ngay từ khi mới khai sinh. Nền dân chủ “chặn đầu, chặn đuôi” các quyền của đông đảo người lao động trong xã hội, đến mức C.Mác phải thốt lên rằng, trong xã hội dân chủ, nếu “...chế độ nhà nước, một khi không còn là biểu hiện thật sự của ý chí của nhân dân nữa, thì trở thành một cái hữu danh vô thực”(5). Mọi nền dân chủ đều là căn cứ để hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ, nghĩa là đều là cơ hội để các cá nhân (với năng lực, trình độ, phẩm chất khác nhau) được xác lập trong hệ thống. Xã hội nào càng mở rộng cơ hội cho đa số thì càng tiến bộ. Bởi khi đó, tổ chức quyền lực, các chủ trương, chính sách sẽ phản ánh ý chí của đa số thành viên của xã hội.

 

2. Vai trò của cá nhân trong xây dựng, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ

 

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của các thể chế (xã hội) và các thiết chế (tổ chức) cuối cùng đều thể hiện qua ý chí của các cá nhân. Nếu họ đồng thuận theo hướng tích cực, những quyết định tiến bộ sẽ được đưa ra; ngược lại, sẽ xuất hiện sự “thụt lùi tương đối”. Hiện nay, trong thời đại của các nền dân chủ, các sự kiện dân chủ (bầu chọn, thăm dò, bỏ phiếu...) diễn ra không ngừng.

 

Nguyên tắc tập trung dân chủ không những thể hiện trong các thiết chế thực thi quyết định bằng lựa chọn theo số đông (như nghị viện, quốc hội, hội đồng địa phương, trong phiên tòa, hay các đoàn thể tự nguyện...), mà còn được áp dụng ngay trong các thiết chế điều hành hành chính có người đứng đầu. Ở các cuộc họp trong các thiết chế có người đứng đầu (như các bộ, hay Chính phủ (các quyết định thuộc thẩm quyền của Thủ tướng) ở Việt Nam hiện nay), để đưa ra một quyết định do người đứng đầu chịu trách nhiệm, trước hết tập thể cần đưa ra các phương án tối ưu nhất, sau đó người đứng đầu sẽ quyết định dựa trên ý kiến đóng góp của đa số. Điều khác biệt là, sự lựa chọn thuộc quyền cá nhân của người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

 

Nguyên tắc tập trung dân chủ là phương thức hoạt động căn bản của các thiết chế hoạt động tập thể như các đảng chính trị, các nghị viện, hội đồng địa phương hay đoàn thể chính trị hiện nay. Cho dù ở thiết chế nào (chính trị hay công quyền), ý chí của số đông có vai trò cơ bản quyết định các chủ trương, quyết sách. Vai trò của các cá nhân hết sức quan trọng. Không có cá nhân thì không có tổ chức hay tập thể. Nói cách khác, tổ chức là do sự tập hợp của các cá nhân mà hình thành. Họ là các đảng viên trong tổ chức đảng, là nghị viên trong tổ chức nghị viện, là đại biểu hội đồng tại địa phương... Ở Việt Nam, về cơ bản, các thiết chế cũng là sự tập hợp của các cá nhân (với phương thức lựa chọn, tuyển lựa khác nhau tham gia vào các tổ chức theo những tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt).

 

Có thể nói, vai trò của các cá nhân trong xây dựng, thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện trên các phương diện: một là, họ được tập hợp để tạo ra tổ chức theo quy định; hai là, họ góp phần vào định hướng các quyết định quan trọng ở các mức độ khác nhau; ba là, về cơ bản, họ góp sức vào xu hướng phát triển tiến bộ của xã hội.

 

Các yếu tố tác động tới ý chí cá nhân khi thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ

 

Như đã trình bày ở trên, các thiết chế hoạt động theo cơ chế tập thể đều thông qua ý chí của đa số các cá nhân để hình thành các chủ trương, quyết sách. Các cá nhân tham gia xây dựng, hình thành nên tổ chức đều phải thông qua sự lựa chọn của số đông cộng đồng, với những tiêu chí, tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

 

Thứ nhất, về trình độ (về học vấn, kiến thức về một lĩnh vực của đời sống xã hội). Trình độ gắn liền với quá trình học tập, tìm tòi, khám phá đối tượng, làm chủ hành vi, nắm vững kiến thức. Người có trình độ càng cao càng có khả năng nhận thức những gì tiến bộ hay lạc hậu về mặt xã hội. Nâng cao trình độ là nhu cầu, là mặt thuộc tính của nhân tính (khác với những gì là bản năng của loài sinh vật).

 

Trình độ phải xét tương xứng với vị thế xã hội. Học vấn rất quan trọng, song cũng chỉ là một tiêu chí “đầu vào” của một công vụ. Nghĩa là, khi trở thành cán bộ, công chức, hay càng được giao những vị trí quan trọng, thì mặt trình độ càng xuất hiện những khác biệt. Trình độ quản lý, năng lực lãnh đạo, năng lực giải quyết xung đột... là những tố chất không được trang bị trong học đường mà cần được trau dồi, rèn luyện trong thực tiễn xã hội và trong tổ chức.

 

Ở Việt Nam, trình độ học vấn của các đại biểu Quốc hội, các vị trí chủ chốt trong Đảng, đoàn thể có xu hướng ngày càng nâng cao là một minh chứng về yêu cầu nền trình độ của các cá nhân trong tổ chức. Nếu trình độ mang tính xã hội hình thành trong quá trình công vụ, thì trình độ học vấn là chìa khóa để xây dựng và hình thành các trình độ trong hoạt động xã hội.

 

Thứ hai, nhóm các yếu tố tình cảm, tâm lý cá nhân. Các yếu tố tình cảm và tâm lý của mỗi người là không giống nhau. Tác động tâm lý ảnh hưởng đến quyết định của các cá nhân khi họ tham gia sinh hoạt trong tổ chức. Một số đặc điểm tâm lý (cảm tính) có thể kể đến như: dễ dao động, cảm tính, nể nang, dễ dãi, “dĩ hòa vi quý”, thiếu sự cẩn thận, thiếu cân nhắc... khi thực hiện hành vi. Sự vội vã, thiếu chín chắn, hùa theo số đông, hoặc không vượt qua tình cảm cá nhân, sự “ơn nghĩa” sẽ ảnh hưởng tới sự khách quan, trách nhiệm của các cá nhân trong tổ chức. Tình cảm, sự ơn nghĩa vốn là biểu hiện của người tử tế, nhưng khi thể hiện không đúng bối cảnh, sẽ là sự thất bại của cá nhân trong việc làm tròn trách nhiệm với tổ chức, thậm chí nguy hại cho việc thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.

 

Thứ ba, ý chí, thái độ, lập trường. Những phẩm chất này định vị xu hướng quyết định cá nhân. Nó cũng tác động khá rõ trong khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ có sử dụng nguyên tắc tập trung dân chủ. Do ý thức có tính hai mặt, nên hiệu quả công việc sẽ rẽ theo các hướng khác nhau. Ý chí vững vàng hay dao động; thái độ nghiêm túc hay tùy tiện; lập trường kiên định hay dễ ngả nghiêng... đều là những yếu tố tác động không nhỏ, chi phối định hướng khi thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu một cá nhân có phẩm chất, ý chí suy thoái, lệch lạc lại được “củng cố” bằng sự ngụy biện, định hướng, áp đặt khi cá nhân đó giữ chức vụ quản lý, thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

 

Nói về ý chí, thái độ của cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chữ “có gan” để khẳng định giá trị của việc “nhận ra sai lầm và ra sức sửa chữa” của cán bộ. Người nói: Đảng là người, là cán bộ, đảng viên, và khẳng định, một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình,... rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính(6).

 

Thứ tư, nhóm đạo đức, lối sống. Khi đề xuất xử lý kỷ luật đối với những đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy tổ chức, cơ quan kiểm tra của Đảng nhận thấy họ đều có chung một đặc điểm đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Về mặt logic, những cán bộ giữ vị trí cao đều đã trải qua thử thách về nhiều mặt, trong đó có lập trường tư tưởng. Nhưng họ đã chuyển trạng thái từ vững vàng sang suy thoái. Một khi lập trường, ý chí, thái độ vững vàng về chính trị đã suy thoái, thì hệ lụy có tính dây chuyền sẽ xảy ra, đó là sự vi phạm đạo đức, lối sống. Khi cái kiên định, vững chắc bị đổ vỡ, thì những nhóm tâm lý “bề nổi” là đạo đức, lối sống, sinh hoạt sẽ hiện ra. Đó là sự “tuột dốc” về nhân cách.

 

Thứ năm, là sự tham nhũng, lãng phí. Từng có quan niệm cho rằng, trong chế độ CNXH thì không có con người xấu. Điều đó là đúng, nhưng chưa đủ. Con người XHCN - theo học thuyết của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin - tốt hơn con người tư sản là ở hình thái XHCN đã được phát triển chín muồi, vượt trội so với hình thái tư bản chủ nghĩa. Vậy khi đang ở những bước đi ban đầu của sự hoàn thiện, kể cả yếu tố con người, thì những sai sót, hạn chế, khuyết điểm xảy ra như một phần của xã hội đang vận động. Tham nhũng, thói xấu như khuyết tật bẩm sinh trong bản chất của con người. Trong quá trình xây dựng con người và tổ chức, cần phát huy cái tiến bộ (ưu điểm tích cực), khắc phục (phòng ngừa, thu hẹp, diệt trừ) những hạn chế.

 

Các hành vi tham nhũng, lãng phí diễn ra khi các cá nhân giữ chức vụ càng cao thì mức độ nguy hại cho xã hội càng lớn. Lãng phí có thể xảy ra ở mọi vị trí. Nhưng tham nhũng thì chỉ những người có chức vụ mới có thể làm được. Đó là những cá nhân đã bị suy thoái về mọi mặt, nhất là tư tưởng chính trị. Việc đấu tranh phòng ngừa tham nhũng không chỉ diễn ra trong tổ chức (nhóm) mà còn cả trong gia đình và bản thân mỗi người. Người có chức vụ mà không tham nhũng cũng phải trải qua quá trình tự đấu tranh bản thân. Chuyện vun vén gia đình, người thân cũng là một trong những lý do dẫn đến sai phạm không ít(7).

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực(8). Việc giữ gìn phẩm chất, nhân cách tốt đẹp trong suốt thời gian cống hiến không phải là điều dễ dàng. Những lãnh đạo cấp cao mẫu mực đều phải thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó tập hợp được các ý chí tiến bộ, tích cực để biểu quyết, đưa ra những quyết sách quan trọng, có giá trị cải biến xã hội. Trái lại, những cán bộ mắc thói tham nhũng, xa hoa, lãng phí sẽ gặp khó khăn khi thể hiện ý chí trong biểu quyết vấn đề, hậu quả là gây ra những quyết sách không có lợi cho đất nước.

 

Tham nhũng và lợi ích nhóm thường đi liền với nhau. Nếu tham nhũng không có lợi ích nhóm, thì rất dễ bị phanh phui. Với các nhóm lợi ích cố ý thực hiện tham nhũng thì việc phát hiện sẽ phức tạp hơn nhiều, bởi các kịch bản sai phạm đều có sự dàn dựng chi tiết, che giấu khéo léo, kể cả trong các cuộc họp quan trọng cần sử dụng nguyên tắc tập trung dân chủ.  

 

Mối quan hệ giữa các nhóm tác động. Các nhóm yếu tố biểu hiện sự tác động tới nhận thức và hành vi của cá nhân. Tuy vậy, chúng không tồn tại hay tác động độc lập, mà thể hiện khác nhau trong những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Nhận thức và hành động mỗi cá nhân đều thể hiện “cái tôi” tốt nhất có thể. Nhưng kết quả của hành vi chỉ có thể định giá bằng những giá trị xã hội mà cá nhân thể hiện.

 

3. Vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ

 

Tập trung dân chủ có hai mặt rõ rệt. Đó là mặt tập trung và mặt dân chủ. Mặt tập trung là cách thức để hình thành một quyết định. Nó chỉ ra giới hạn của dân chủ. Tập trung cơ bản là tôn trọng kết quả của đa số; lấy ý chí đa số để quyết định. Sự đồng thuận 100% là kết quả lý tưởng, song thường rất ít khi xảy ra. Vì thế, khi đến giới hạn thì dân chủ phải nhường chỗ cho sự tập trung. Nếu vượt qua giới hạn đó, nó trở thành “dân chủ quá trớn”!

 

Dân chủ là mặt cốt lõi của nguyên tắc. Tập trung là phương thức kết thúc quy trình để đúc kết ra một ý tưởng (chủ trương, chính sách, pháp luật...) trong các thể chế tự nguyện, các thành viên của tổ chức có vị thế bình đẳng. Một ý tưởng phục vụ cho cái chung phải được mọi thành viên bày tỏ thái độ một cách thẳng thắn, cởi mở và cầu thị. Dân chủ mang lại mọi sáng kiến cá nhân của số đông mà một người không có được. Như vậy, dân chủ vừa là nguyên tắc (mọi thành viên thực hiện), vừa là cơ hội (mở ra cho sự bày tỏ ý chí của mỗi cá nhân). Nếu vấn đề cần bàn bạc bị giới hạn thì rất dễ rơi vào tình trạng “dân chủ hình thức” hay tập trung quan liêu.

 

Tập trung dân chủ có trong tất cả mọi thiết chế hành chính hay đại diện. Nó chỉ khác ở phương thức tập trung. Đối với thiết chế người đứng đầu: dân chủ để thu hút sáng kiến trước khi ra quyết định cá nhân và người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Đối với thiết chế đại diện: dân chủ là phương thức tuyệt đối, không được làm khác. Các quyết định trong các thiết chế này, ý chí là của số đông chứ không phải của cá nhân. Vậy, vấn đề ở đây là: làm người lãnh đạo khó, hay người đứng đầu khó hơn? Với người đứng đầu, dân chủ chỉ là tham vấn, ý chí của họ gắn liền với kết quả hay hệ lụy trách nhiệm. Đối với người lãnh đạo, họ không đơn phương áp đặt, mà chỉ có thể công khai bày tỏ định hướng, dẫn dắt, vận động. Không hiếm trường hợp ý chí số đông trở thành quyết định lại không đồng hướng với người lãnh đạo.

 

Vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện ở một số nội dung sau:

 

Thứ nhất, nó là mặt tiến bộ có tính lịch sử của hình thái của chế độ. Thiết chế dân chủ đến nay đã cơ bản đánh bại thiết chế chuyên chế về chế độ xã hội. Nếu trong hình thái chế độ chính trị, quyền lực thuộc về nhân dân, thì trong tổ chức hình thành từ nguyên tắc đại diện, ý chí thuộc về đa số thành viên. Về căn bản, dân chủ đã thực sự chọn ra những người tốt nhất cho đất nước, cho nhân dân.

 

Thứ hai, nguyên tắc tập trung dân chủ là sự “cộng hưởng trí tuệ” cho tổ chức. Những ý tưởng thông thái, sáng suốt khi nhận được sự đồng thuận của số đông thì càng được vun đắp. Không có thể chế dân chủ (quyền lực thuộc về nhân dân) thì nguyên tắc tập trung dân chủ cũng không trở thành hiện thực, mà nó chỉ là phương pháp điều hành của người đứng đầu mà thôi (hỏi ý kiến số đông để thêm chỗ dựa khi ra quyết định).

 

Thứ ba, nguyên tắc tập trung dân chủ khiến cho các cá nhân hiểu rằng mỗi người chỉ là một bộ phận của tổ chức. Cái tôi cá nhân rất dễ dẫn đến thói quan liêu, chuyên chế, coi thường người khác, thậm chí không tôn trọng tổ chức. Khi các cá nhân tự nguyện dấn thân vào tổ chức, các quyết định của họ cần tuân thủ ý chí số đông, chấp thuận nguyên tắc “cá nhân thấp hơn tổ chức”.

 

Thứ tư, tập trung dân chủ có vai trò như một mệnh lệnh điều hướng ý chí cá nhân, nhất là người lãnh đạo. Đó là nguyên tắc mà các cá nhân phải tuân thủ. Bản thân các văn bản nghị quyết đã mang tính tập thể, chính trị tức là phải thông qua quá trình tổ chức bàn bạc mới được đưa ra quyết định. Một người lãnh đạo giỏi, ngoài tài năng, cũng cần được số đông yêu mến, ủng hộ từ đó có thể đưa ra các quyết định sáng suốt.

 

4. Những hạn chế khi thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ

 

Như đã phân tích, xã hội dân chủ là văn minh, tiến bộ nhất cho đến ngày nay, nếu so sánh với các hình thái khác (như chuyên chế, độc tài). Tuy vậy, nó vẫn tồn tại những hạn chế.

 

Thứ nhất, nếu dân chủ là một quyền, hay quyền lợi, thì kết cục bao giờ cũng là đa số được và thiểu số mất. Các quyết định càng phù hợp với số đông bao nhiêu, thì giá trị tiến bộ của nó càng cao bấy nhiêu. Trong hai quyết định đa số như 49,4/50,6(9) và 90/10, thì quyết định trước là sự giằng co hai phía, còn quyết định sau thể hiện sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Đương nhiên, nó phản ánh sự tiến bộ hơn vì phù hợp với nguyện vọng của đại đa số!

 

Thứ hai, quyết định của nguyên tắc tập trung dân chủ có thể bị những “hạt sạn” cá nhân chi phối tiêu cực. Trước hết, cơ sở của nguyên tắc là tập hợp ý chí của các cá nhân, để tìm ra ý kiến được số đông đồng thuận. Nhưng mỗi cá nhân trong tổ chức, cộng đồng hay xã hội đều có những đặc điểm tâm lý riêng, như sự yêu, ghét, thiện cảm hay xa lạ; vấn đề lợi ích (cá nhân, gia đình, công đồng địa phương); vấn đề học vấn, tín ngưỡng dân tộc cũng tác động không nhỏ đến ý chí cá nhân khi tham gia vào các quyết định tập thể.

 

Một là, tâm lý địa phương chủ nghĩa (hay cục bộ). Nghĩa là người tham gia biểu quyết hay bầu cử lấy tiêu chí “người địa phương” (cùng làng, xã, huyện, tỉnh) để đưa ra quyết định. Địa phương chủ nghĩa không những xảy ra trong lựa chọn nhân sự, hoạch định chính sách quốc gia, mà còn ngay trong các cơ quan, tổ chức.

 

Hai là, sự đố kỵ cá nhân. Trong cơ quan, tổ chức, sự đố kỵ rất nguy hại, ảnh hưởng đến ý chí cá nhân trong việc hoạch định nguồn lực, chính sách hay chiến lược phù hợp. Đố kỵ là một phần trong tính cách của mỗi người. Nó bị kiềm chế hay được tự do thể hiện tùy từng người và hoàn cảnh. Ý chí vươn lên và sự đố kỵ có những tương đồng về hiện tượng, nhưng khác biệt về bản chất. Sự đố kỵ cá nhân khi thực hiện trách nhiệm trong các quyết định tập thể sẽ làm lệch hướng tiến bộ nếu nó được số đông đồng thuận.

 

Ba là, lợi ích nhóm. Những người mang tư tưởng vị lợi, thường tập hợp, tạo ra sức mạnh ảnh hưởng đến các quyết định khi thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tạo dựng được các nhóm, sẽ có cơ hội tác động, can thiệp đến sự đồng thuận đa số; khi đó ý định của nhóm lợi ích sẽ thắng thế.

 

Bốn là, cá nhân thiếu ý thực tự chủ, theo đuôi người khác. Khi áp dụng nguyên tắc cần số đông ý chí, nếu các cá nhân có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm thì sẽ quyết định theo người khác cho nhanh, cho xong (bản chất của theo đuôi khác với sự đồng thuận). Theo đuôi không cần nghiêm túc suy nghĩ; còn đồng thuận thể hiện thái độ và trách nhiệm trên cơ sở nhận thức nghiêm túc.

 

Năm là, tình trạng “phủ định mọi phía” của số ít cá nhân do mất phương hướng, thoái chí, đổ lỗi thất bại của bản thân cho tất cả... Vì nhiều lý do, động cơ tiêu cực, họ rơi vào ngõ cụt của ý thức trách nhiệm, mất tinh thần xây dựng tối thiểu về nhận thức cần có. Họ tạo ra lá phiếu “phủ định tất cả”, tự phủ định ý thức tổ chức của bản thân là “không hợp lệ”. Biểu hiện của những người không đứng về quan điểm nào, phủ định tất cả, gần giống nhận định của V.I.Lênin rằng, chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và mặt khác, “...thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(10).

 

Tuy nhiên, những biểu hiện tiêu cực như trên, đa số là thất bại. Lý do là, những biểu hiện đó tồn tại trong từng cá nhân, không dễ dàng để số đông ủng hộ họ. Hơn nữa, trong mỗi người có thể có mặt tiêu cực, nhưng lại có nhiều mặt tiến bộ, thì mặt tiêu cực cũng thất bại ngay trong bản thân họ. Thí dụ, một cá nhân mặc dù có tâm lý địa phương chủ nghĩa, nhưng trong họ lại có ý thức tôn trọng người tài và ý thức tổ chức. Người đó sẽ quyết định theo lý trí, lựa chọn người có tài để phụng sự cho tổ chức.

 

Các cá nhân trong tổ chức có thể tồn tại sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn. Nhưng mọi hình thái tổ chức trong hệ thống chính trị đều có những quy tắc, nguyên tắc định hướng hành vi theo hướng phụng sự việc công, vì sự tiến bộ xã hội.

 

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thiện nguyên tắc tập trung dân chủ gắn liền với những định chế định hướng cho tinh thần tổ chức và tập thể, phòng ngừa tư tưởng tiêu cực bằng những quy định, quy chế minh bạch, chặt chẽ, bình đẳng. Những văn kiện của Đảng gắn với quy định về sự rèn luyện cán bộ, như: thẩm định sự tín nhiệm, quy định những điều đảng viên không được làm, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra khuôn khổ và trợ lực cho cán bộ, đảng viên trên con đường rèn luyện bản thân, phụng sự Tổ quốc, tổ chức và xã hội.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất chú ý tới trách nhiệm giáo dục và rèn luyện cán bộ. Đồng chí đã chỉ ra những khuyết tật của nhóm lợi ích, của sự tham nhũng, tiêu cực như các hiện tượng: “cua cậy càng, cá cậy vây”, hay những cá nhân vì tham nhũng mà mất cả cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách. Nguyên tắc tập trung dân chủ cũng có những lực cản đối với những cá nhân tiêu cực như đã phân tích. Đồng chí Tổng Bí thư đã cảnh báo: cán bộ không lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ(11).

 

Tất cả những cuộc thăm dò (lấy phiếu) đều thực hiện bằng nguyên tắc tập trung dân chủ. Rõ ràng, nguyên tắc tiến bộ nhất vẫn cần những tư tưởng tiến bộ mới có được quyết định sáng suốt. Mỗi cá nhân khi tham gia vào thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ đều cần sự gương mẫu và trách nhiệm để đưa ra các quyết định có lợi cho xã hội. Trách nhiệm cá nhân càng phải cao hơn nữa để cống hiến tư tưởng, trách nhiệm cho các quyết sách chính trị, pháp lý cho Đảng và Nhà nước./.

________________________________________________________________

(1) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, T.39, tr.94.

(2), (3), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, T.1, tr.862, 863, 394.

(4) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, t.18, Sđd, tr.673.

(6) Những hạn chế trong lĩnh vực tư tưởng trong nhiệm kỳ Đại hội V, https://dangcongsan.vn.

(7) Không để người thân lợi dụng để trục lợi, https://www.qdnd.vn.

(8) Người lãnh đạo cần biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ, https://nhandan.vn.

(9) Trưng cầu dân ý độc lập Québec, 1995.

(10) V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Sđd, T.36, tr.185.

(11) Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặ­c lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn.

 

GS,TS. Nguyễn Hữu Khiển

 

Học viện Hành chính Quốc gia

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, có vai trò, ý nghĩa quyết định đối với công tác tổ chức và phương thức hoạt động của các thiết chế tập thể - Ảnh: TTXVN 1. Quyền cá nhân trong hệ thống dân chủ   Hình thức đặt ra câu hỏi đối với nhiều người, sau đó dựa vào sự đồng thuận của số đông để quyết định công việc đã có từ rất xa xưa. Lịch sử thành văn (lưu giữ sự kiện qua ghi chép lưu truyền cho các thế hệ) đã ghi nhận hình thức bầu cử thông qua lựa chọn như thế từ 300 - 400 năm trước Công nguyên ở các khu vực trên thế giới, đặc biệt là Hy Lạp, La Mã.   Thuật ngữ “dân chủ” (Democracy) - nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, nơi sản sinh ra các hình thức lựa chọn qua bầu cử g

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn