Nhằm góp phần củng cố vững chắc cơ sở khoa học của thể chế thị trường trong pháp luật quản lý đất đai hiện nay ở nước ta trước sự xuyên tạc, chống phá không ngừng của các thế lực phản động và thù địch. Bài viết phân tích, làm rõ tính khoa học, thời đại và bản sắc Việt Nam của thể chế quản lý đất đai ở các mặt gắn với sở hữu bằng phương thức phát huy ưu thế và vai trò tích cực của cơ chế thị trường hiện đại trong điều kiện Việt Nam dưới ánh sáng của khoa học kinh tế chính trị, trên cơ sở khái quát những nhận thức luận trong Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và năm 2024, cùng các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính khoa học, thời đại và bản sắc Việt Nam của Luật Đất đai năm 2024 – Tiếp cận từ phương diện kinh tế chính trị học
Tính khoa học, thời đại và bản sắc Việt Nam của Luật Đất đai năm 2024 – Tiếp cận từ phương diện kinh tế chính trị học

1. Nhận thức nhất quán về đất đai với ý nghĩa là Tổ quốc, tư liệu sản xuất và nguồn lực quan trọng không thể thiếu

Đất đai ở Việt Nam, trong phạm vi bài viết này được hiểu trên các phương diện:

1) Là Tổ quốc với hàm ý – bất khả xâm phạm, là điều thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân nước Việt Nam. Trong hành trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam luôn sẵn sàng hiến dâng cả sự sống của mình, mỗi khi “Tổ quốc gọi tên mình”, cho điều bất khả xâm phạm ấy. Điều này còn bởi vì đất đai ở đây là không gian sinh tồn và phát triển với nền văn minh rực rỡ; nền văn hoá đậm đà bản sắc của một quốc gia được hình thành nên từ 54 dân tộc anh em cùng chung sống hoà bình trong khối đoàn kết toàn dân, của tất cả các thế hệ người Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử của nhân loại. Vì thế chứa đựng hàm ý bảo vệ, gìn giữ và phát triển từ thế hệ này đến thế hệ khác.

2) Là tài nguyên, nguồn lực vật chất cho xây dựng, phát triển đất nước về kinh tế và xã hội với hàm ý phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất đai để sớm đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Trên phương diện kinh tế, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá – tài sản chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, là một tư liệu sản xuất (yếu tố nguồn lực) vô cùng quan trọng cho phát triển sản xuất kinh doanh, là phương tiện không thể thiếu để tạo ra của cải vật chất nuôi sống người dân nước ta. Vì thế, nếu thể chế quản lý đất đai thực hiện theo hướng đa dạng hoá hình thức sở hữu, mà cụ thể là xác lập các điều kiện pháp lý cho phép hình thức sở hữu (chiếm hữu) tư nhân về đất đai ra đời và được tồn tại thì ý nghĩa, đất đai là “Tổ quốc” duy nhất, là “Đất mẹ” sẽ dần bị mất đi trong mỗi người con Việt Nam.

Mặt khác, tư nhân hoá quyền sở hữu đất đai với hàm ý đất đai là Tổ quốc còn vi phạm tôn chỉ, mục đích của Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân lật đổ chế độ thực dân nửa phong kiến, giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa người dân Việt Nam từ địa vị bị thống trị, mất nước, mất nhà trở lại địa vị người làm chủ đất nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lập ra chính quyền mới, Nhà nước mới của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam không thể chia tách, không thể thuộc về bất kỳ ai khác ngoài toàn thể Nhân dân Việt Nam, chủ thể duy nhất có quyền sở hữu đất đai là toàn thể Nhân dân và chỉ thuộc về toàn thể Nhân dân.

Vì, nếu không như vậy, hệ luỵ tất yếu đối với Việt Nam là mất an toàn về không gian sống, về lãnh thổ quốc gia, nảy sinh nguy cơ rủi ro về sinh kế bền vững của Nhân dân. Nguy cơ lớn nhất là mất an ninh về lương thực, không bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội của đất nước nếu để xảy ra trường hợp chủ sở hữu đất đai đích thực, dấu mặt là người nước ngoài dưới các hình thức ngầm thông qua người Việt Nam theo chủ nghĩa tư lợi, chủ nghĩa cá nhân, thù địch và phản động.

Nhận thức của toàn Đảng, toàn dân ta ngày nay về vấn đề đất đai mang tính “dĩ bất biến” trên các phương diện và có ý nghĩa trọng yếu là “Tổ quốc” – thiêng liêng và bất khả xâm phạm dù một tấc đất, tấc trời, tấc biển, nếu một khi bị xâm phạm thì không tiếc máu, xương, của cải và sự sống để giành lại, gìn giữ; đó còn là không gian sinh tồn, phát triển để duy trì giống nòi, vun đắp và làm giàu thêm bản sắc, truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hoá, văn minh của nhân loại; là nguồn lực quan trọng nhất với vai trò, chức năng là tư liệu sản xuất không thể thiếu của quá trình sản xuất ra của cải, vật chất nuôi sống con người và mang đến những sản vật của tự nhiên ban tặng là tài nguyên, khoáng sản, hệ sinh thái động thực vật.

2. Về tính khoa học và thời đại

Cơ chế hoạt động của thị trường hiện đại cho thấy những điểm mạnh, sự phù hợp và chứng tỏ được tính ưu việt của sự phân bổ hiệu quả các nguồn lực quan trọng và có hạn, như: thị trường sức lao động; thị trường đất đai, bất động sản; thị trường vốn; thị trường khoa học và công nghệ; thị trường hàng hoá, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong đời sống xã hội hiện thực. Vì thế, đã tạo ra/có sự phát triển lớn mạnh, hiện đại, văn minh, hoàn thiện nền kinh tế thị trường trong đời sống xã hội phát triển; trong đó điển hình là ở nhóm các nền kinh tế thuộc G7 (Anh, Ca-na-đa, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý).

Các thị trường hiện đại kể trên đều có cơ chế hoạt động khách quan, chịu sự chi phối đầy đủ các quy luật đặc thù của nó, bao gồm: quy luật giá trị – giá cả; quy luật cung – cầu; quy luật cạnh tranh; quy luật lưu thông tiền tệ.

Trong mỗi quy luật, các điều kiện pháp lý được bảo đảm tạo dựng thành khung thể chế, chính sách phù hợp cho sự ra đời, vận động và phát triển của các thành tố thị trường, bao gồm: các chủ thể cung, cầu, trung gian thị trường, sản phẩm,… giúp cho các quy luật sẽ hoạt động, phối hợp, hình thành cơ chế tự động điều tiết thị trường như có “bàn tay vô hình” trong việc quyết định phân bổ các nguồn lực có hạn cũng như việc quyết định chuỗi sản xuất trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Trong số 4 quy luật kể trên, thì mỗi quy luật có chức năng, vai trò, tác dụng và tác động khác nhau. Quy luật canh tranh là quy luật đóng vai trò chính và không thể thay thế trong việc thúc đẩy sự văn minh của phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trong đời sống xã hội hiện thực: cạnh tranh làm cho người ta hướng đến sự không ngừng cải thiện, không ngừng hoàn thiện mọi khâu, mọi công đoạn của quá trình sản xuất – lưu thông – phân phối – tiêu dùng, để tạo ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng tốt hơn, tính năng ngày càng nhiều hơn và hoàn thiện hơn; làm giảm những tác động tiêu cực đến người dùng, xã hội và môi trường và góp phần hạ giá thành sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm của cơ chế thị trường, thì cơ chế này cũng có những hạn chế, nhược điểm tồn tại song hành với những ưu điểm. Trong thực tiễn, lịch sử phát triển của thị trường cho thấy, điển hình là vấn đề khủng hoảng (thừa hoặc thiếu sản phẩm hàng hoá) trên thị trường; suy kiệt tài nguyên, khoáng sản; ô nhiễm môi trường sinh thái; bất công, bất bình đẳng khi cạnh tranh không lành mạnh xảy ra; thông tin không minh bạch, thất nghiệp cùng các tác động ngoại ứng khác đối với xã hội trong nền kinh tế theo đuổi các lợi ích của cá nhân.

Để giảm thiểu những hạn chế, yếu kém này của cơ chế thị trường không thể thiếu chức năng, vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước (chính phủ) ở mỗi quốc gia có nền kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách kinh tế và pháp lý (kỹ thuật) trong phạm vi quyền hạn của mình để can thiệp vào cơ chế hoạt động của thị trường nhằm bảo đảm cho các thị trường vận hành theo đúng mục tiêu phát triển đặt ra, phát huy được thế mạnh, ưu điểm vốn có; đồng thời, hạn chế được những nhược điểm, hạn chế, giảm thiểu được những tác động bất lợi của cơ chế thị trường đến xã hội, đến các chủ thể trong nền kinh tế.

Để phát huy vai trò là nguồn lực cho nền kinh tế của đất đai, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất cho các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta thì chỉ có phương thức dựa vào cơ chế thị trường mới có thể đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Vấn đề là, thị trường đòi hỏi phải có người mua, người bán và có sản phẩm; ở đây, người mua là người có nhu cầu sử dụng đất, người bán là người nắm trong tay quyền sử dụng đất nhưng lại không có nhu cầu sử dụng đất và muốn trao đi quyền sử dụng đất cho người khác; còn sản phẩm hàng hoá ở đây chính là quyền sử dụng đất.

Theo Luật Đất đai năm 2024, thể chế và chính sách quản lý đất đai cho thấy, sau khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các chủ thể trong xã hội và xác lập mục đích sử dụng đất, thì các chủ thể (cá nhân/hộ gia đình/tổ chức) sử dụng đất đương nhiên nắm giữ trong tay toàn quyền quyết định việc có sử dụng hay không sử dụng và sử dụng như thế nào đối với diện tích đất được giao, nghĩa là vị thế người bán quyền sử dụng đất trên thị trường được xác lập cho họ và trong số những người này luôn tồn tại một số lượng người có nhu cầu chuyển giao/nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, ở mọi thời điểm cũng luôn tồn tại sẵn một số lượng người có nhu cầu sử dụng đất và sẵn sàng mua lại quyền sử dụng đất từ những người có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất. Vì thế, sự tồn tại của thị trường quyền sử dụng đất là cần thiết, mang tính khách quan có cung, có cầu với đặc trưng của sản phẩm hàng hoá đặc biệt trên thị trường là quyền sử dụng đất.

Với hình thức thể chế sở hữu toàn dân, Nhà nước Việt Nam được hiến định làm đại diện chủ sở hữu, được thay mặt Nhân dân thực hiện các chức năng quản lý đất đai, trong đó có chức năng xác lập mục đích sử dụng đất, định ra các quyền và nghĩa vụ kinh tế liên quan đến đất đai và giao quyền sử dụng đất cho các chủ thể sử dụng đất trong xã hội, cũng như thu hồi quyền sử dụng đất và thu lợi ích từ đất giúp chủ sở hữu đất (toàn thể Nhân dân Việt Nam), đồng thời có chức năng tạo lập hoàn chỉnh thể chế thị trường quyền sử dụng đất và bảo đảm các điều kiện cho thị trường này hoạt động theo đúng các quy luật của nó để việc sử dụng đất đai ở nước ta đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.

Trong nỗ lực xây dựng được và xây dựng thành công một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành theo đúng và đầy đủ các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường hiện đại, Việt Nam không ngừng đúc rút và vận dụng sáng tạo những thành tựu của nhân loại về xây dựng và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại trong việc phân bổ, điều tiết các nguồn lực quan trọng, có hạn, thậm chí khan hiếm như đất đai cho các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế thị trường đất đai phù hợp với cơ chế vận hành theo đúng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; trong đó phải kể đến việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất, thường được biết đến với tên gọi “thị trường đất đai” ở Việt Nam.

Xét việc vận dụng sáng tạo những thành tựu của nhân loại về lý luận tạo dựng, vận hành và quản lý thị trường vào điều kiện thực tế của Việt Nam, có thể thấy như sau: trước hết, đó là việc quyền sử dụng đất được tách ra khỏi quyền sở hữu, hàm ý quyền chiếm hữu về đất đai. Về vấn đề này, thực tiễn từ lịch sử phát triển kinh tế thị trường cho thấy, hai loại quyền này hoàn toàn có thể tách khỏi nhau trong đời sống xã hội hiện thực và thực tế là ở những nước có nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa – nơi mà quyền sở hữu (chiếm hữu) tư nhân về đất đai được xác lập, quyền sử dụng đất đã được tách ra khỏi quyền sở hữu đất khi người chủ sở hữu đất (điền chủ) thực hiện hợp đồng cho thuê đất và thu địa tô.

Chẳng hạn như, trường hợp nhà tư bản nông nghiệp thuê đất để tổ chức hoạt động sản xuất trên đất đai đi thuê. Việc này đã diễn ra phổ biến, rộng rãi trong các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩatrên thế giới từ khi nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ra đời. Hiện nay, thực tế này vẫn hiện hữu với mức độ phổ biến, rộng khắp ở các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại và có sự hiện hữu của hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.

Đây chính là cơ sở vững chắc về lý luận và thực tiễn cho sự vận dụng linh hoạt, chủ động và sáng tạo của Việt Nam trong quá trình thiết lập, duy trì các quyền về sử dụng, quản lý và thụ hưởng lợi ích hợp pháp, chính đáng gắn với sở hữu đất đai, làm tiền đề cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế thị trường quyền sử dụng đất hiện đại, văn minh, mang hơi thở của thời đại cho thể chế quản lý đất đai trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Quan điểm và hành động nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực xây dựng, hoàn thiện thể chế thị trường đất đai hiện đại với sản phẩm thị trường là quyền sử dụng đất theo tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không những thể hiện được sự sáng tạo trong việc nghiên cứu vận dụng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của nhân loại về quản lý các nguồn lực quan trọng, khan hiếm bằng công cụ thị trường hiện đại mà còn thể hiện cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong sứ mệnh lãnh đạo toàn thể Nhân dân xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới. Thể chế quản lý đất đai với trọng tâm là thể chế thị trường quyền sử dụng đất thể hiện được tính khoa học và thời đại trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

3. Về bản sắc Việt Nam

Trên cơ sở sự thống nhất nhận thức của toàn Đảng, toàn dân từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyền sở hữu (chiếm hữu) đất đai ở Việt Nam không thuộc về ai khác ngoài toàn thể Nhân dân Việt Nam và chỉ do toàn thể Nhân dân Việt Nam sở hữu mà thôi. Đây chính là “điều quan trọng nhất” cho thấy bản sắc Việt Nam trong thời đại mới – “Thời đại Hồ Chí Minh” – ở phương diện xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách quản lý đất đai theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới – yêu cầu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thành một nước phát triển “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Xác lập chế độ quản lý đất đai trên cơ sở đặc trưng riêng về hình thức sở hữu toàn dân duy nhất, không phổ biến trên thế giới ngày nay, có thể coi là “Dĩ bất biến”. Điều này dựa trên cơ sở vững chắc là thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm qua các triều đại phong kiến, thực dân, cho đến thời đại Hồ Chí Minh, cùng ý chí và nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam yêu nước chân chính hiện nay. Việc xác lập và ấn định quyền sở hữu đất đai là quyền chung của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không thể tách rời, không thể phân chia, đại diện làm chủ là Nhà nước và Nhà nước là của dân, do dân và vì dân chính là “bản sắc Việt Nam” từ khởi đầu của thời đại Hồ Chí Minh đến nay.

Việc nhận thức quyền sử dụng đất có thể được tách ra khỏi quyền sở hữu trong xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý đất đai ở nước ta có thể coi là “Ứng vạn biến” trong kế sách chiến lược về khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả nhất một loại tài nguyên – một nguồn lực tối quan trọng của đất nước, một loại tư liệu sản xuất không thể thiếu của nền sản xuất xã hội, thể hiện trí tuệ và sự sáng tạo Việt Nam trong bối cảnh lịch sử cụ thể, đặc trưng cho “bản sắc Việt Nam”.

Việc tách quyền sử dụng đất với quyền sở hữu đất là yêu cầu khách quan và hiện thực của phát triển đất nước nói chung và phát triển kinh tế – xã hội nói riêng khi dựa trên một nền kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập, độc lập và tự chủ, vận hành đầy đủ theo các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường hiện đại, mà trong đó bao gồm các thị trường yếu tố sản xuất hiện đại và hoàn chỉnh, như: đất đai, lao động, khoa học và công nghệ, tài chính, tín dụng đồng bộ và hiệu quả trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Việc tách rời quyền sử dụng đất với quyền sở hữu đất thành một thứ quyền độc lập cho mỗi chủ thể sử dụng đất đai không có nghĩa là làm tổn hại hay xâm phạm đến các quyền khác của các chủ thể trong nền kinh tế, cũng không có nghĩa là triệt tiêu quyền sử dụng đất của chủ thể nắm giữ quyền sở hữu đất đai toàn dân mà đại diện là Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Việc tách rời này làm đa dạng và phát triển các hình thức sử dụng đất trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước nhằm phát huy tối đa hiệu quả kinh tế – xã hội trong việc sử dụng đất đai là tài sản quốc gia.

Xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, không ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước là mục tiêu của toàn thể dân tộc, gắn kết toàn Đảng và toàn dân thành một khối thống nhất. Do vậy, sở hữu toàn dân về đất đai cũng như mọi tài nguyên, khoáng sản là để đạt được mục tiêu cao đẹp ấy và góp phần xây dựng thành công xã hội mới tốt đẹp hơn cho toàn thể Nhân dân Việt Nam.

4. Kết luận

Với đầy đủ cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn lịch sử về đất đai của Việt Nam như đã trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng thể chế quản lý đất đai theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay cho thấy rõ tính khoa học, tính thời đại và bản sắc Việt Nam đậm nét và đây là điều không thể phủ nhận.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hiến pháp năm 2013.
3. Luật Đất đai năm 2024.

TS. Vũ Ngọc Thanh
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

1. Nhận thức nhất quán về đất đai với ý nghĩa là Tổ quốc, tư liệu sản xuất và nguồn lực quan trọng không thể thiếu Đất đai ở Việt Nam, trong phạm vi bài viết này được hiểu trên các phương diện: 1) Là Tổ quốc với hàm ý – bất khả xâm phạm, là điều thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân nước Việt Nam. Trong hành trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam luôn sẵn sàng hiến dâng cả sự sống của mình, mỗi khi “Tổ quốc gọi tên mình”, cho điều bất khả xâm phạm ấy. Điều này còn bởi vì đất đai ở đây là không gian sinh tồn và phát triển với nền văn minh rực rỡ; nền văn hoá đậm đà bản sắc của một quốc gia được hình thành nên từ 54 dân tộc anh em

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn