Sau gần 40 năm đổi mới, lý luận của Đảng ta về phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa có sự phát triển vượt bậc. Trong đó, mối quan hệ giữa con đường và các phương hướng thể hiện những đặc trưng cụ thể về xã hội xã hội chủ nghĩa qua mỗi kỳ Đại hội càng được làm rõ hơn. Đi liền với việc giải quyết mối quan hệ là việc định hình rõ các biện pháp lớn để từng bước hiện thực hóa giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Sự phát triển lý luận của Đảng về phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới
Sự phát triển lý luận của Đảng về phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới
anh 3
Việc định hình những phương hướng tiến lên xã hội XHCN trong tiến trình phát triển lý luận của Đảng đã khẳng định ngày càng rõ hơn con đường XHCN - Ảnh minh họa: IT

1. Về mối quan hệ giữa con đường và đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, nhất là trong tiến trình đổi mới từ năm 1986 đến nay, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển đất nước, những phương hướng cơ bản về con đường, đặc trưng mô hình CNXH ở nước ta dần được định hình cụ thể hơn. Từ đó, mối quan hệ giữa phương hướng với những đặc trưng xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng từng bước được phân định sáng rõ hơn.

Về con đường phát triển đất nước, với tư cách là phương hướng tổng thể, thể hiện lý tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng và nhân dân ta, Đảng ta xác định, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là ngọn cờ cách mạng dẫn dắt nhân dân ta đi đến tương lai độc lập, tự do, hạnh phúc.

Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt được khẳng định mang tính lập trường nguyên tắc của những người cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Vì thế, đó là phương hướng tổng quát, là con đường phát triển tiến lên của đất nước được Đảng ta nhất quán thực hiện.

Việc cụ thể hóa phương hướng tổng thể này trong từng giai đoạn phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành những đặc trưng dần định hình mô hình giá trị xã hội XHCN Việt Nam.

Theo nghĩa đó, phương hướng tổng quát thực chất cũng chính là con đường phát triển đất nước tiến lên CNXH. Đây là mối quan hệ phản ánh mục tiêu xuyên suốt trong tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Cho dù chịu sự tác động của những biến cố thời cuộc khó lường, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH luôn là phương hướng tổng quát, hay thực chất là con đường dẫn dắt nhân dân ta đi đến trình độ phát triển xã hội tự do, hạnh phúc của đất nước ta.

Từ phương hướng chung duy nhất đúng đắn này, được cụ thể hóa thành những chỉ dẫn cụ thể, những chỉ dẫn cụ thể này chính là những giá trị xác lập các đặc trưng mô hình xã hội XHCN. Như vậy, ở đây có sự phân định giữa con đường tiến lên CNXH - với tư cách là phương hướng tổng thể, là mục tiêu xuyên suốt - với những đặc trưng giá trị mô hình xã hội XHCN. Các giá trị mô hình xã hội XHCN được hiện thực hóa chính là cấp độ chi tiết của con đường XHCN. Con đường - phương hướng chung, xuyên suốt là “thiết kế tổng thể” hướng đi của cả dân tộc.

Các đặc trưng giá trị mô hình xã hội XHCN là “thiết kế thi công”, hiện thực hóa con đường đi lên CNXH trong tiến trình cách mạng ứng với từng chặng đường phát triển, phù hợp với hoàn cảnh trong nước, quốc tế luôn vận động không ngừng. Con đường, phương hướng chung giữ vai trò xuyên suốt, chỉ đạo các đặc trưng mang tính “thiết kế thi công” vào hiện thực xã hội. Các giá trị đặc trưng giá trị mô hình xã hội XHCN đến lượt mình vừa là sự cụ thể hóa phương hướng chung - con đường phát triển đất nước một cách tổng quát, vừa là sự khẳng định tính đúng đắn của con đường với tư cách là phương hướng tổng quát.

Giữa phương hướng tổng quát hay con đường phát triển với các giá trị đặc trưng xã hội XHCN không có khoảng cách nào. Đó là một thể thống nhất, ở phạm vi tổng quát, phương hướng tiến lên là con đường tổng thể, trong đó có các thiết kế cụ thể, tường minh hơn để thực hiện con đường tiến lên của đất nước với tư cách là một phương hướng tổng quát.

Ở đây không phải là hai mặt của vấn đề mà là một tổng thể nhất quán, giữa phương án tổng thể với các phương án chi tiết để thực hiện phương án tổng thể đó. Con đường vạch ra mục tiêu cần kiên định để đi tới xã hội ấm no, tự do, hạnh phúc và các đặc trưng là sự triển khai cụ thể hóa con đường đó vào thực tiễn đời sống xã hội.

Cần nhấn mạnh thêm rằng, giữa phương hướng tổng quát con đường tiến lên xã hội XHCN mang tính xuyên suốt, hợp quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người, là con đường duy nhất đúng đối với sự phát triển của đất nước ta thể hiện tính chất tuyệt đối phải kiên định, với các đặc trưng mô hình xã hội XHCN lại đòi hỏi cần luôn được tổng kết, bổ sung, phát triển theo từng chặng đường phát triển, thể hiện tính chất mở, động và thực tiễn gắn với xu hướng phát triển chung của thời đại. Đây là điểm cần được chú ý để tránh bệnh chủ quan duy ý chí, bệnh giáo điều dập khuôn, bệnh nóng vội, ấu trĩ trong tiến trình lãnh đạo phát triển đất nước.

Việc cụ thể hóa con đường trong những chặng đường phát triển phụ thuộc vào hai nhân tố chủ quan và khách quan:

Về phía khách quan, đó là sự vận động quanh co phức tạp của lịch sử loài người làm cho con đường tiến lên xã hội XHCN thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đầy mâu thuẫn không phải luôn sáng tỏ trên phạm vi tổng thể loài người. Đây là một thực tế. Thực tế này làm cho loài người thậm chí có lúc hoài nghi, khủng hoảng và bối rối trước xu hướng lịch sử. Sự thắng thế trên bề mặt xã hội mang tính tạm thời của chủ nghĩa tư bản ngày nay với xu hướng XHCN hiện thực đang là nhân tố thực tiễn khách quan sâu sắc ảnh hưởng có phần làm lu mờ xu hướng lịch sử tiến bộ tiến lên của loài người trong nhận thức của các giới tinh hoa. Tình hình này có tác động không nhỏ tới nhận thức của các đảng cộng sản và đảng viên đảng cộng sản về con đường tiến lên xã hội XHCN.

Về phía chủ quan, đó là năng lực nhận thức quy luật khách quan và xu hướng lịch sử tiến bộ của toàn Đảng và từng đảng viên. Năng lực nhận thức này lại bị chế ngự bởi vị trí, lợi ích và mục tiêu lý tưởng của cá nhân đảng viên. Thành thử, các đặc trưng về mô hình xã hội XHCN hiện thực nhiều khi lại được hiện thực hóa theo cách tiếp cận chủ quan, duy ý chí, nóng vội làm cho tiến trình cụ thể hóa phương hướng chung vào đời sống xã hội, làm cho con đường tiến lên xã hội XHCN có lúc ghập ghềnh, khó khăn, phức tạp, thậm chí có lúc thụt lùi.

Vì vậy, sự cụ thể hóa con đường và phương hướng tổng thể đi lên xã hội XHCN phải không chỉ chú ý tới mối quan hệ giữa “phương án thiết kế” tổng thể với “thiết kế thi công” cụ thể vào xã hội, mà còn phải chú ý luôn luôn tổng kết thực tiễn phát triển để từ đó có thể phác thảo những phương án “thiết kế thi công” đúng đắn, không chệch hướng con đường với tư cách là phương hướng chung.

2. Về xã hội xã hội chủ nghĩa gắn với lộ trình phát triển

Trong những năm đầu đổi mới, quan niệm về xã hội XHCN thể hiện sự cụ thể hóa con đường tiến lên CNXH của Đảng ta được khái quát trên những nét chủ yếu, có kế thừa những nhận thức khoa học cách mạng, đúng đắn mà Đảng đã tích lũy được trong tiến trình lãnh đạo công cuộc phát triển đất nước. Mối quan hệ này được thể hiện trong Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế, các văn kiện của Đại hội VII, các nghị quyết Trung ương, các văn kiện của Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII. Đó là quan niệm về một xã hội mới, xã hội XHCN với 6 đặc trưng căn bản(1).

Đồng thời với việc chỉ ra những giá trị mang tính mô hình xã hội XHCN, Đại hội VII của Đảng nêu quan điểm chỉ đạo mang tính biện pháp cần nắm vững trong việc hiện thực hóa hệ giá trị nêu trên vào đời sống xã hội. Đó là phương hướng đối với việc xây dựng Nhà nước, về thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, thực hiện cách mạng trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, về chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và về xây dựng Đảng.

Như vậy, Đại hội VII của Đảng đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng về mối quan hệ giữa con đường và mô hình xã hội XHCN, giữa phương hướng tổng thể mang tính mục tiêu với hệ giá trị cần hiện thực hóa trong đời sống xã hội, giữa con đường và biện pháp thực hiện cụ thể để có được mô hình xã hội XHCN trên con đường tiến bộ tiến lên xã hội XHCN.

Nhận thức như vậy vừa có sự kế thừa những kết quả tư duy lý luận trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng thể hiện từ các Cương lĩnh năm 1930, năm 1951 và trong văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng trước đó, đồng thời vừa có sự bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn tiến trình phát triển của đất nước đặt trong bối cảnh phát triển chung của thế giới những năm cuối thế kỷ XX.

Những vấn đề cốt lõi của xã hội XHCN vừa mang tính cụ thể hóa con đường XHCN, vừa mang tính giá trị của chế độ xã hội XHCN được hiện thực hóa vào chặng đường phát triển đến năm 2000 đã được Đảng ta thể hiện trong Đại hội VII là đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho việc tiếp tục tổng kết, bổ sung, hoàn thiện lý luận về CNXH và con đường tiến lên xã hội XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng ở chặng đường tiếp theo.

Đại hội VIII của Đảng cụ thể hóa biện pháp thực hiện phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm hiện thực hóa nền tảng vật chất cho CNXH và mục tiêu “xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”(2).

Trong đó, lực lượng sản xuất sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, sự phát triển của khoa học đủ sức cung cấp luận cứ cho việc hoạch định các chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển. Về quan hệ sản xuất, chế độ sở hữu, cơ chế quản lý và chế độ phân phối gắn kết với nhau, phát huy được nguồn lực, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội... Về đời sống vật chất và văn hóa, nhân dân có cuộc sống no đủ, có mức hưởng thụ văn hóa khá. Quan hệ xã hội lành mạnh, lối sống văn minh, gia đình hạnh phúc(3).

Cụ thể hóa tinh thần Cương lĩnh năm 1991 và kế thừa tư duy lý luận của Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng khẳng định con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ.

Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo.

“Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(4).

Đại hội X của Đảng tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa con đường và cụ thể hóa thành hệ giá trị mô hình xã hội XHCN. Đại hội khẳng định hệ giá trị xã hội XHCN bao gồm 8 phương diện: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Đại hội khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”(5). Đây là những biện pháp cụ thể để thực hiện các phương diện của hệ giá trị xã hội XHCN Việt Nam.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, Đại hội XI của Đảng ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), kế thừa tinh thần căn bản của Cương lĩnh năm 1991, đồng thời bổ sung, phát triển những nhận thức mới về CNXH và con đường đi lên CNXH.

Về xã hội XHCN, Cương lĩnh năm 2011 xác định: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”(6).

Cương lĩnh năm 2011 đã đề xuất 8 phương hướng cho việc thực hiện xây dựng xã hội XHCN. Đồng thời nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí”(7).

Trên tinh thần các phương hướng của Đại hội XI đã xác định, Đại hội XII cụ thể hóa thành các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm 2016-2020.

Về mục tiêu tổng quát, Đại hội XII chủ trương: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”(8).

Để thực hiện mục tiêu đó, Đại hội xác định nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện; Quản lý tốt sự phát triển xã hội; Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng; Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn(9)...

3. Tư duy lý luận mới về tiếp tục hiện thực hóa con đường xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII

Tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh năm 2011, Đại hội XIII của Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo nhằm hiện thực hóa con đường phát triển đất nước tiến lên xã hội XHCN. Đại hội khẳng định:

“- Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và pháp luật quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(10).

Về mục tiêu phát triển, Đại hội XIII nêu rõ:

“Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(11). Đại hội xác định mục tiêu cụ thể cho từng chặng đường đến năm 2025, 2030 và đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, Đại hội XIII đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trên các phương diện nhằm hiện thực hóa con đường tiến lên xã hội XHCN. Trong đó nhấn mạnh: “Trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề cốt lõi trong đường lối đổi mới của Đảng, cần chú trọng đến: bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”(12).

Như vậy, việc định hình những phương hướng tiến lên xã hội XHCN trong tiến trình phát triển lý luận của Đảng đã khẳng định ngày càng rõ hơn con đường XHCN. Từ đó cho thấy, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa con đường và hàm ý mô hình giá trị xã hội XHCN trong tư duy lý luận của Đảng ta.

___________________________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 23-8-2023; Ngày bình duyệt: 9-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.134.

(2), (3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.80, 81-82.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.68-69.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.71, 72-73.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.76, 77-80.

(10), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.109-110, 111-112, 119-120.

 

 

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 19/2/2024

 

PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Việc định hình những phương hướng tiến lên xã hội XHCN trong tiến trình phát triển lý luận của Đảng đã khẳng định ngày càng rõ hơn con đường XHCN - Ảnh minh họa: IT 1. Về mối quan hệ giữa con đường và đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, nhất là trong tiến trình đổi mới từ năm 1986 đến nay, trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển đất nước, những phương hướng cơ bản về con đường, đặc trưng mô hình CNXH ở nước ta dần được định hình cụ thể hơn. Từ đó, mối quan hệ giữa phương hướng với những đặc trưng xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng từng bước được phân định sáng rõ hơn. Về con đường phát triển đất nước, với tư cách là phương hướng tổng thể, thể hiện lý

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn