Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

 

 

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”. Đó cũng chính là sứ mệnh lịch sử vẻ vang của Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tộc từ đó tới nay và là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn bảo đảm cho cách mạng và dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có được cơ đồ như ngày nay.

 

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyên độc lập tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Đảng Cộng sản cầm quyền có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Kháng chiến chống xâm lược để giành lấy độc lập, thống nhất hoàn toàn với chân lý nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sự nghiệp đấu tranh kiên cường đó kéo dài 30 năm mới đến ngày toàn thắng 30-4-1975. Công cuộc kiến quốc đồng thời diễn ra để tạo dựng một xã hội mới tốt đẹp, vì ấm no, hạnh phúc của đồng bào, đất nước giàu mạnh, với khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 

Sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ sau Cách mạng Tháng Tám đã gần 80 năm. Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa từ một nước thuộc địa, phong kiến nghèo nàn và lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá.

 

Nhớ lại thời miền Bắc làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, vốn liếng chỉ có 3 sào ruộng một đầu người (hơn 1.000 m2) với mấy mỏ than ở Quảng Ninh. “Năm hai mùa chua mặn. Gian nan. Hai tay trắng với giang sơn một nửa” (Tố Hữu). Vậy mà miền Bắc đã vươn mình, mạnh mẽ từ đường lối Đại hội III của Đảng (9-1960), nhiều chính sách và các cuộc vận động lớn. Năm 1964 đã đủ lương thực cho toàn xã hội, tự túc 90% hàng tiêu dùng với số dân 17 triệu người. Báo cáo tại Hội nghị chính trị đặc biệt 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.

 

Sau ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, cả dân tộc đứng trước vận hội mới để phát triển nhưng lại phải đương đầu với những thách thức nặng nề. Hậu quả của 30 năm chiến tranh. Cả nước vẫn là nền kinh tế sản xuất nhỏ, lạc hậu với 45 triệu dân. Các nước và các thế lực thù địch bao vây, cấm vận và phá hoại. Thiên tai và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ác liệt ở biên giới Tây-Nam và biên giới phía Bắc và phải thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. “Lụt Bắc, lụt Nam, máu đầm biên giới. Tay chống trời, tay giữ đất căng gân” (Tố Hữu). Tình hình khắc nghiệt đó đã dẫn tới đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội từ năm 1979.

 

Đảng có sứ mệnh lãnh đạo đưa đất nước vượt qua thách thức để ra khỏi khủng hoảng. Đảng cũng thẳng thắn tự nhận thấy khuyết điểm yếu kém của chính mình trong lãnh đạo xây dựng, phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (8-1979) khởi đầu quá trình tìm đường đổi mới. Tiếp đó là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán trong hợp tác xã nông nghiệp (13-1-1981); Quyết định 25CP, 26CP (21-1-1981) của Chính phủ trong quản lý công nghiệp; Đại hội V của Đảng (3-1982); Hội nghị Đà Lạt (7-1983); Nghị quyết Trung ương 8 khóa V (6-1985) và Kết luận của Bộ Chính trị (8-1986). Đó là những bước đột phá của quá trình đổi mới từng phần để đi tới đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng (12-1986).

 

Đường lối đổi mới toàn diện của Đại hội VI là kết quả của đổi mới tư duy lý luận, khắc phục nhận thức giản đơn về chủ nghĩa xã hội, bệnh giáo điều, nóng vội và chủ quan duy ý chí. Nhận thức rõ hơn đặc điểm của Việt Nam, những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội VI nhấn mạnh bài học: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”. Đại hội VI của Đảng là cột mốc lịch sử đặc biệt mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng và đất nước Việt Nam và cũng thể hiện trách nhiệm và sứ mệnh lịch sử của Đảng trước đất nước và nhân dân.

 

Quá trình đổi mới gần 40 năm qua, Đảng và dân tộc Việt Nam đã lập nên kỳ tích, làm biến đổi sâu sắc, toàn diện đất nước và mỗi gia đình, mỗi con người. Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Nhưng Đảng và dân ta cũng phải vượt qua nhiều thử thách, nguy cơ. Thử thách rất lớn là ảnh hưởng tiêu cực của sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Sự tồn tại 4 nguy cơ lớn cản trở sự phát triển và đổi mới. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nguy cơ “diễn biến hòa bình”, sự chống phá của các thế lực thù địch. Quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo có một đặc điểm là luôn luôn tranh thủ cơ hội để phát triển và chủ động đẩy lùi nguy cơ, vượt qua mọi cản trở để đi tới.

 

Từ thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững khi bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên là khái niệm khoa học để chỉ một thời kỳ, một thời đại lịch sử với những nội dung, đặc điểm, đặc trưng nổi bật dẫn dắt một dân tộc hoặc nhân loại đi tới mục tiêu cao cả và hiện thực. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam để đi tới một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hiện đại, văn minh và hạnh phúc. Thực hiện sứ mệnh lãnh đạo trong kỷ nguyên mới đòi hỏi Đảng phải kế thừa thành công trong sự lãnh đạo ở các thời kỳ trước, xử lý những vấn đề mới đặt ra một cách khách quan, khoa học cả về lý luận và thực tiễn, tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn.

 

Một là, tiếp tục làm rõ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những đặc trưng, hình thức, bước đi phù hợp với thực tiễn của đất nước và sự biến đổi của thời đại.

 

Sự phát triển đó dựa trên 8 đặc trưng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) do Đại họi XI thông qua. Đại hội XI đã nêu rõ:

 

Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

 

Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

Đại hội XIII của Đảng (1-2021) chủ trương: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

 

Đảng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với điều kiện mới. Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng đổi mới nhận thức và hành động. Với tinh thần đó, năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

 

 Đó là kết quả của nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn và có sự phát triển mới trong nhận thức. “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

 

Đó là những định hướng căn bản cho sự phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong thời đại và điều kiện mới và cũng là sứ mệnh lịch sử lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

 

Hai là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

 

Với sứ mệnh là đội tiên phong lãnh đạo cách mạng và Đảng cầm quyền, bước vào kỷ nguyên mới, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối. Cương lĩnh, đường lối dựa trên lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với sự phát triển của thực tiễn đất nước và thế giới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng tập trung lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật. Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Quán triệt chỉ dẫn của Bác Hồ: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng bộ máy tổ chức tinh, gọn, mạnh với đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, đạo đức, trách nhiệm và chuyên nghiệp và với khả năng ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua thách thức, vì lợi ích chung.

 

Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm. Kinh tế phát triển thì đất nước phát triển. Đảng lãnh đạo đất nước có nền kinh tế phát triển cao, quy mô lớn dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại tạo năng suất cao, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh. Xây dựng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, thương mại, dịch vụ phát triển cao. Không ngừng hội nhập kinh tế quốc tế. Định hình phương thức sản xuất mới, “phương thức sản xuất số”. Phát triển kinh tế gắn với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ.

 

Xây dựng một xã hội tốt đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc phải bảo đảm kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách xã hội về lao động, việc làm, tiền lương, thu nhập, nhà ở, chữa bệnh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng hệ thống tiêu chí quốc gia hạnh phúc phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiếp tục phát triển 3 Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Thực hiện tốt hơn chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực để phát triển kinh tế. Đặt văn hóa ngang với chính trị và kinh tế. Phát triển văn hóa gắn với giáo dục, đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trí tuệ, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

 

Xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng tăng cường lãnh đạo quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang (quân đội, công an) tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, 4 không. Không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ với các nước. Không tham gia liên minh quân sự. Không đi với nước này để chống nước kia. Không để nước ngoài lập căn cứ quân sự, đóng quân trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tăng cường ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao quốc phòng an ninh. Không ngừng mở rộng hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. 

Lãnh đạo tốt các lĩnh vực trọng yếu trên đây, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng và dân tộc Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững.

 

Ba là, Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.

 

Phương thức lãnh đạo của Đảng là một hệ thống các phương pháp, hình thức mà chủ thể lãnh đạo tác động vào đối tượng lãnh đạo, xử lý các mối quan hệ và dự báo chiến lược và sự chuyển biến cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến Cách lãnh đạo và nhấn mạnh một số điểm. Đảng cần phải ra quyết định cho đúng. Tổ chức thực hiện cho tốt. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, giám sát. Coi trọng dự báo, thấy trước. Lắng nghe ý kiến của nhân dân. Chủ trương nào mà dân chúng cho là không đúng, không phù hợp thì cần nghiên cứu, xem xét để sửa chữa.

 

Trong lãnh đạo rất cần sự phát triển để thấy được cơ hội, thời cơ đồng thời thấy rõ những khó khăn, thách thức, nguy cơ. Chẳng hạn 4 nguy cơ mà Đảng nêu ra từ năm 1994 đến nay vẫn còn hiện hữu, có mặt còn phức tạp, nhất là nguy cơ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nguy cơ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khoa học lãnh đạo và quản lý đòi hỏi nhận thức và xử lý đúng đắn các mối quan hệ và những khả năng diễn biến và phát triển. Cần thiết phải nắm vững quan điểm, phương pháp duy vật biện chứng với sự nhìn nhận khách quan, toàn diện, phát triển. Khắc phục phương pháp chủ quan, nóng vội, duy ý chí, áp đặt, giáo điều hoặc chủ nghĩa kinh nghiệm.

 

Để thực hiện tốt những mục tiêu định hướng quan trọng, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”.

 

Sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với thắng lợi của cách mạng trong thời kỳ lịch sử và toàn bộ tiến trình cách mạng. Từ xác định đúng mục tiêu, nội dung nhiệm vụ đến cách thức, phương thức lãnh đạo là những vấn đề căn bản gắn liền khoa học lãnh đạo, quản lý và lý luận xây dựng Đảng được kiểm định từ chính thực tiễn của cách mạng. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng phải đặt ra và xử lý đúng đắn hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn đất nước đang đặt ra.

 

PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc
Viện Lịch sử Đảng
Học viện CTQG
 Hồ Chí Minh

 

    Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”. Đó cũng chính là sứ mệnh lịch sử vẻ vang của Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn dân tộc từ đó tới nay và là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn bảo đảm cho cách mạng và dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và có được cơ đồ như ngày nay.   Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc Việt Nam - Kỷ nguyê

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn