Phát huy vai trò của người đứng đầu là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta, là nhiệm vụ, giải pháp then chốt, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của người đứng đầu không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng mà hơn hết, trên hết đó là trách nhiệm của toàn đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên với trách nhiệm chính trị lớn lao đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng,  tiêu cực” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Quán triệt quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực” trong công tác xây dựng Đảng hiện nay

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021.

Từ khoá: Nguyễn Phú Trọng, đứng đầu, tham nhũng, tiêu cực

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bệnh tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ chung nhất là “tham ô”. Người chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi “lấy của công làm của tư. Là gian lận tham lam”, “tham ô là trộm cướp”[1]. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Người đề nghị: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[2]. Đề phòng chống tham nhũng có hiệu quả, vấn đề mấu chốt theo Hồ Chí Minh cho rằng trước hết và trên hết “người đứng đầu” phải “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”[3]. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu; coi nêu gương của Người đứng đầu là nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

1. Quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Khái niệm “người đứng đầu” trong Văn kiện Đại hội XIII để chỉ những cán bộ lãnh đạo, quản lý cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, từ Trung ương tới cơ sở từ cấp trưởng phòng trở lên. Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, những người đứng đầu này là đảng viên, được các tổ chức, cấp ủy đảng bổ nhiệm, quản lý. Khái niệm “người đứng đầu” trong Văn kiện thường gắn với những khái niệm trong phạm trù công tác xây dựng Đảng, tất nhiên trong đó có công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, như: “Công tác cán bộ”; “cán bộ cấp chiến lược”; “trách nhiệm”; “gương mẫu”; “mẫu mực”; “phẩm chất, uy tín, năng lực” trong đó, khái niệm “trách nhiệm”, “gương mẫu” của “người đứng đầu” được nhắc đến nhiều lần. Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi là có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta, như Bác Hồ đã dạy (Ảnh: VGP/LS)

Thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta đã chứng minh: Trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực muốn có đạt kết quả tốt phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó nổi lên hai vấn đề có tính cốt tử và rất quan trọng, đó là: (1) Sự gương mẫu của người đứng đầu; (2) Người đứng đầu kiểm tra, giám sát và kiểm tra, giám sát  người đứng đầu, như giải pháp đột phá đã đề cập.. Ở đâu, khi nào, vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu được đề cao thì ở đó, khi đó năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng được nâng lên, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời; trái lại khi nào người đứng đầu thiếu gương mẫu, rơi vào tham nhũng, quan liêu, lãng phí thì ở đó, khi đó uy tín của Đảng bị giảm sút, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí có điều kiện nảy sinh, phát tác gây hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị người đứng đầu Đảng, với tâm huyết trách nhiệm trước sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân ta đó là “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Đây cũng là tiêu đề cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản tháng 2 năm 2023. Tác phẩm là cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thể hiện nhuần nhuyễn phương châm: Kết hợp đồng bộ giữa “xây” và “chống”; giữa đẩy lùi và ngăn chặn từ sớm, từ xa; giữa xử lý nghiêm minh và phòng ngừa, giáo dục; giữa xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và cán bộ gắn liền với chống suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giữa quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng, của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế.

Trong 5 nhiệm vụ, giải pháp căn bản được nêu ra trong tác phẩm thì vấn đề “Phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực” có tầm quan trọng đặc biệt. Trước hết, Tổng Bí thư khẳng định: Tầm quan trọng của sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đề ra hệ thống các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, giải pháp này trong thời gian tới như: Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nêu cao tính chiến đấu, chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm khiết, chính trực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Hệ thống biện pháp trên đây là kết quả tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua, vừa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, nhất là người đứng đầu Đảng vừa là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu để mỗi đảng viên, tổ chức Đảng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn từng cơ quan, đơn vị và địa phương.

2. Ý nghĩa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, trong nhiều trường hợp có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan mật thiết đến uy tín, danh dự và sự nghiệp của cán bộ, đảng viên. Do đó, để phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu trong ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy: Nếu trong Đảng và ngoài Đảng từ trên xuống dưới tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi từ sớm, từ xa. Do đó, để nâng cao nhận thức đòi hỏi công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Nội dung và hình thức tuyên truyền phải trên cơ sở bám sát đặc điểm đối tượng, nhất là phong tục, tập quán và trình độ dân trí, đặc thù nghề nghiệp của từng đối tượng. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền truyền, đặc biệt phát huy “ưu thế” của Internet và mạng xã hội để cập nhật thông tin, định hướng dư luận… góp phần nâng cao nhận thức cho các đối tượng.

Vấn đề mấu chốt là, cần phát huy vai trò nêu gương “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền. Lời nói và việc làm phải gắn chặt với nhau; đã nói là phải làm, phải nhất quán từ nhận thức đến phát ngôn và hành động thực tiễn, từ đó làm cho dân tin, dân theo, dân ủng hộ, giúp đỡ. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân tộc Việt Nam cũng như các dân tộc phương Đông khác vốn rất “giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4].

Hai là, lựa chọn đúng “người đứng đầu”. Nhận thức rõ “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, người đứng đầu phải có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Việc bố trí, sắp xếp người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị cần có trách nhiệm cao trong việc đánh giá, bố trí đúng cán bộ, phù hợp với năng lực, sở trường, có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc lựa chọn người đứng đầu phải thực sự kỹ lưỡng, bài bản theo các quy định của công tác cán bộ để tránh chọn nhầm người, trao nhầm quyền lực cho những người thoái hoá, biến chất, tránh tình trạng “nhìn gà hoá cuốc”, “thấy đỏ tưởng là chín” hoặc bị “cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ” như cảnh báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người đứng đầu phải thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có uy tín, trình độ chuyên môn để nắm chắc, chỉ đạo thực hiện công việc, hiểu biết, chia sẻ, cảm thông và truyền cảm hứng, dẫn dắt mọi cán bộ, đảng viên nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết liệt hành động có hiệu quả. Có phong cách dân chủ, biết động viên, gợi mở để đảng viên, quần chúng trao đổi, thảo luận kỹ những vấn đề được nêu, đồng thuận trước khi kết luận, khuyến khích tự phê bình và phê bình, lắng nghe, tôn trọng, tiếp thu những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực. Đồng thời, chấn chỉnh, phê phán những cá nhân vi phạm nguyên tắc tập trung, dân chủ hoặc có ý kiến thiếu tính xây dựng, bảo thủ trong trao đổi, thảo luận; có thái độ kiên quyết, kiên trì trong xử lý các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ba là, xây dựng quy chế làm việc khoa học, phân công rõ trách nhiệm, quyền hạn nhằm khắc phục tình trạng “sợ trách nhiệm”, “đùn đẩy trách nhiệm” hoặc “giấu giếm khuyết điểm” của người đứng đầu. Theo đó, cần có quy định rõ ràng, cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ; chức vụ càng cao, trách nhiệm càng lớn để tránh tình trạng khi cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ người đứng đầu né tránh “đánh bùn sang ao” hoặc thành tích cá nhân nhận, hạn chế, khuyết điểm đùn đẩy cho tập thể hoặc cấp dưới, người không phụ trách. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”, một mặt giúp người đứng đầu cống hiến một mặt khuyến khích cán bộ, đảng viên giám sát hoạt động của người đứng đầu.

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức đảng và hệ thống chính trị theo hướng “tinh, gọn, mạnh” một mặt nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các tổ chức và người đứng đầu, mặt khác có điều kiện để nâng cao chế độ đãi ngộ đối với người đứng đầu. Cùng với đó cần quan tâm hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức tránh chồng chéo, cồng kềnh tạo kẽ hở, “khoảng trống” cho hành vi tham nhũng và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra.

Bốn là, phát huy dân chủ trong tập thể cấp uỷ, chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả nêu gương của người đứng đầu. Dân chủ là “chìa khoá vạn năng”, là điều kiện, tiền đề để nâng cao hiệu quả nêu gương của người đứng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Để làm cho Đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ”[5]; “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[6]. Do đó, các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu cần xây dựng môi trường thân thiện, không khí cởi mở, khuyến khích đảng viên trong chi bộ bày tỏ chính kiến, bộc lộ tâm tư, nguyện vọng của mình, trao đổi, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các đối tượng trong tổ chức. Để làm được điều này, người đứng đầu phải cầu thị, biết lắng nghe, không áp đặt ý kiến cá nhân và trù dập người phê bình. Cán bộ, đảng viên, công chức phải có trách nhiệm tự giác, mạnh  dạn tham gia phát biểu ý kiến thẳng thắn, xác đáng, thuyết phục, kiên quyết khắc phục biểu hiện “thấy đúng không phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm xử lý nghiêm các vi phạm gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Trong vấn đề nêu gương, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị rất chi tiết, cụ thể mang tính bao quát cho mọi đối tượng cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW... Do đó, các cấp uỷ cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và mọi cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm những nội dung đã nêu trong các quy định về vấn đề nêu gương. Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, người đứng đầu ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, coi trọng giám sát chuyên đề; tăng cường sự phối hợp kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng với thanh tra của chính quyền và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp, tránh bỏ lọt hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là đối với người đứng đầu. Mặt khác, cần có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những cán bộ, đảng viên luôn tự giác, thường xuyên thực hiện vấn đề nêu gương và dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Tóm lại, phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thường xuyên, tự giác trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của mọi cán bộ, đảng viên, nhất là “người đứng đầu”. Tuy nhiên, xét đến cùng hiệu quả của giải pháp này phụ thuộc chủ yếu vào tính tích cực, tự giác và “quyết tâm nêu gương” của người đứng đầu. Đúng như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Cán bộ xung trước, Làng nước theo sau, Việc khó đến đâu, Cũng làm được hết”[7]./.

                                                                        ThS Đồng Khắc Tú

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 296.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 127.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 130.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, tr. 284.

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, tr.287.

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, tr.622.

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, tr. 271.

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021. Từ khoá: Nguyễn Phú Trọng, đứng đầu, tham nhũng, tiêu cực Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bệnh tham nhũng trong cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ chung nhất là “tham ô”. Người chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi “lấy của công làm của tư. Là gian lận tham lam”, “tham ô là trộm cướp”[1]. “Của công” chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung là giải

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn