Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển và trở thành truyền thống của dân tộc ta qua mấy nghìn năm lịch sử. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, quy luật đó được biểu hiện tập trung trong hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Hai nhiệm vụ này, có vị trí, vai trò khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng, gắn bó hữu cơ với nhau. Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phản ánh quy luật đổi mới và phát triển của nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ lớn “phản ánh quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta… đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả”. Đây là sự khẳng định quy luật cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, điều kiện nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh hoạ

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xây dựng trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn 35 năm đổi mới, là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đó là sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự kiên định, nhất quán xuyên suốt qua các kỳ Đại hội và có sự bổ sung, phát triển sáng tạo về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta và tình hình thế giới. Được thể hiện trên các vấn đề sau:

1. Về vị trí, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định là một mối “quan hệ lớn” cần giải quyết tốt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là một trong mười mối quan hệ lớn được Đảng ta khẳng định tại Đại hội XIII, cần được giải quyết tốt trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục tinh thần của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Đại hội XII, khẳng định “cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ… mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.(1)

Khác với các kỳ đại hội Đảng các khóa trước, tại Đại hội XIII, mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần đầu tiên được thể hiện ngay trong chủ đề Đại hội “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(2). Như vậy, so với các kỳ Đại hội trước, chủ đề Đại hội XIII của Đảng đã có sự bổ sung, phát triển tư duy lý luận trong việc đánh giá rất cao vị trí, vai trò của mối quan hệ lớn giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chủ đề của Đại hội, với năm thành tố rất cơ bản, đã thể hiện sâu sắc nội dung của hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, đã nhấn mạnh những vấn đề rất cơ bản, then chốt, vừa khẳng định những nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vừa chỉ ra mục tiêu cần phải đạt tới và những điều kiện, những nhân tố cơ bản để đạt tới mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng được Đại hội XIII xác định trong mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.(3)

Những vấn đề rất cơ bản có tầm bao trùm là chủ đề đại hội và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đều thể hiện sự gắn bó, hòa quyện, không tách rời nhau, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tư duy của Đảng. Điều này khẳng định đây là “mối quan hệ lớn” đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta trong tình hình mới.

2. Nội dung quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực đời sống xã hội

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực kinh tế.

Đây là nội dung có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực kinh tế bao gồm cả việc xây dựng và bảo vệ lực lượng sản xuất, những cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; xây dựng và bảo vệ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Xác định nhiệm vụ tổng quát trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, Đảng ta đã đề cập nhiều đến mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ lực lượng sản xuất, những cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đại hội nêu rõ: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”(4). Quan tâm phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, tạo cơ sở đẩy mạnh phát triển kinh tế số nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững. Điểm thể hiện tư duy mới của Đảng trong nội dung này là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, vượt lên trong một số ngành, lĩnh vực.

Xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Đặc trưng bản chất nhất để phân biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản chính là ở quan hệ sản xuất. Do đó, muốn xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải không ngừng xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp”. Với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

Xây dựng và bảo vệ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để bảo vệ nền kinh tế, nhất là đảm bảo cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XIII nhấn mạnh: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(5). Để đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, đi đôi với việc xác định những chủ trương, chính sách để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng ta nêu lên những chủ trương, chính sách, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực chính trị.

Nội dung của mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực chính trị là xây dựng và bảo vệ chính trị cách mạng, nhất là xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị, nền tảng chính trị - xã hội của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa; là xây dựng và bảo vệ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhất là xây dựng và bảo vệ Đảng - hạt nhân của hệ thống chính trị; xây dựng và bảo vệ Nhà nước - một thành tố quan trọng của hệ thống chính trị; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Xây dựng và bảo vệ hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị.

Chính trị mà chúng ta phải xây dựng và bảo vệ, trước hết là hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị của Đảng; kiên định và bảo vệ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ tưởng, của cương lĩnh chính trị, đường lối chính trị. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”(6).

Về phương hướng, nhiệm vụ của công tác lý luận trong thời gian tới, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam”(7). Đồng thời, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Xây dựng và bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xây dựng và bảo vệ Đảng là vấn đề then chốt của cách mạng Việt Nam, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, “Kết hợp hài hòa, chặt chẽ và có hiệu quả giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng; giữa xây dựng Đảng với bảo vệ Đảng. Không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”.(8)

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp xây dựng Đảng trong những năm tới. Đó là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Xây dựng và bảo vệ Nhà nước.

Trong phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.(9) Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đại hội XIII yêu cầu: Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; xây dựng nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại; tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương; tập trung công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ.

Cùng với đó, Đại hội XIII của Đảng cũng đề cập đến vấn đề bảo vệ Nhà nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong bộ máy Nhà nước, khắc phục những biểu hiện cửa quyền, hách dịch, lộng quyền, xa dân, ức hiếp nhân dân, vi phạm quyền làm chủ, quyền dân chủ của nhân dân.

Xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng xác định: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thể chế hóa và thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý kịp thời, nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội, vi phạm dân chủ quyền dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Đề cập đến mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực văn hóa, Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”(10). Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ những vấn đề cơ bản về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các loại hình văn hóa, văn nghệ. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng đi đôi với việc khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực xã hội. 

Đề cập đến mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực xã hội, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đảng ta chỉ rõ “bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”.(11) Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người.

Đổi mới cơ chế, huy động, phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các chính sách về lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động; về dân số, chăm sóc sức khỏe người dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ. (Ảnh: TTXVN tháng 5-2016)

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại có vị trí, vai trò rất quan trọng. Điều này được quy định bởi vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh và đối ngoại đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn đất nước có kinh tế phát triển, chính trị, văn hóa, xã hội ổn định, phát triển thì cần phải có một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố và tăng cường, mối quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, không ngừng nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế.

Nội dung cơ bản của mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại gồm việc xây dựng và bảo vệ tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; xây dựng và bảo vệ các lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; xây dựng và bảo vệ nền ngoại giao Việt Nam.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Đại hội XIII xác định nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nhằm “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(12). Đồng thời nhấn mạnh: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vũng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.(13)

Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực quốc phòng phải được thể hiện cụ thể trong việc xây dựng và bảo vệ nền quốc phòng toàn dân, toàn diện và hiện đại; xây dựng và bảo vệ tiềm lực quốc phòng và an ninh, cả tiềm lực chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội “tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh… Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”.(14) Xây dựng và bảo vệ thế trận quốc phòng, an ninh, đặc biệt là “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Xây dựng và bảo vệ lực lượng quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đồng thời, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu và dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.

Bên cạnh đó, Đại hội XIII cũng xác định “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”.(15)

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực đối ngoại.

 Nội dung, yêu cầu của mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực đối ngoại, được Đảng ta khẳng định rõ: “Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.  (16)

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng; sự mở cửa quan hệ, giao lưu giữa nước ta với các nước ngày càng mở rộng hơn; tính lệ thuộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong quan hệ quốc tế, khu vực ngày càng có xu hướng rõ nét hơn, đòi hỏi phải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực đối ngoại. Có nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên lĩnh vực đối ngoại, chúng ta mới vừa có điều kiện tranh thủ khai thác tối đa sự giúp đỡ của các nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp giữa sức mạnh của “nội lực” với sức mạnh của “ngoại lực”, vừa giữ vững độc lập, tự chủ, không bị phụ thuộc vào nước khác, không để bị lệ thuộc về kinh tế dẫn tới bị lệ thuộc về chính trị; tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xây dựng trên cơ sở tổng kết lý luận, thực tiễn 35 năm đổi mới, là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta; là sự kiên định, nhất quán xuyên suốt qua các kỳ Đại hội và có sự bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Đây là những vấn đề quan trọng định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng và bảo về Tổ quốc trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và định hướng cho những năm tiếp theo, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mối quan hệ lớn khác, đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững./.

Trung tá, ThS Nguyễn Văn Sơn

Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.39.

(2)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.39 

(3)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.14.

(4)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.35-36.

(5)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.122.

(6)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.128-129.

(7)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33.

(8)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.181-182.

(9)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.40.

(10)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.174.

(11)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

(12)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.147.

(13)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156.

(14)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.156-157.

(15)Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157.

(16) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157.

 

Hai nhiệm vụ này, có vị trí, vai trò khác nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng, gắn bó hữu cơ với nhau. Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phản ánh quy luật đổi mới và phát triển của nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mối quan hệ lớn “phản ánh quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta… đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả”. Đây là sự khẳng định quy luật cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, điều kiện nước ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đ

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn