Xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người là trung tâm, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Con người và an ninh con người trở thành trung tâm của sự phát triển, bảo đảm an ninh con người là nền tảng cho sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn pháp luật bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay cũng đang đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu mới. Bài viết góp phần làm rõ pháp luật về bảo đảm an ninh con người; thực trạng pháp luật bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay.

Pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
Pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp
 

Lễ Chào cờ trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

(Ảnh: https://tuyengiao.vn)

Đặt vấn đề

Xuất phát từ những mối đe dọa như: Thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nghèo đói, tội phạm…; những thay đổi về cơ chế quản lý, phát triển khoa học công nghệ, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế… an ninh con người (ANCN) được xác định là một trong những vấn đề toàn cầu. Nhận thức sâu sắc về những thách thức phát sinh trong quá trình phát triển, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương”[4, tr.331]. Đây là một trong những định hướng quan trọng cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm ANCN ở Việt Nam hiện nay.

1. Pháp luật về bảo đảm an ninh con người

Theo “Báo cáo phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc,ANCN gồm hai khía cạnh chính. Đầu tiên, nó có nghĩa là an toàn trước những mối đe dọa kinh niên như nạn đói, bệnh tật và sự đàn áp. Thứ hai, nó có nghĩa là bảo vệ chống lại sự phá vỡ đột ngột và gây tổn thương đối với mẫu hình cuộc sống hằng ngày - cho dù trong gia đình, trong công việc hay trong cuộc sống.

An ninh con người bao gồm 7 thành phần: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị[2, tr.23]. Bảo đảm ANCN được đặt ra trong bối cảnh những biến đổi nhanh chóng của tự nhiên và xã hội đang đe dọa tới cuộc sống, sự an toàn của con người. Điều đáng nói là những “biến đổi” đó lại được tạo ra từ chính hành vi của con người, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chẳng hạn, khoa học và công nghệ do con người tạo ra để đáp ứng nhu cầu của con người, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhưng sự phát triển của nó lại đe dọa ANCN từ nhiều góc độ, như: An toàn thông tin, nguy cơ thất nghiệp do tình trạng máy móc thay thế con người, tác động hủy diệt môi trường sống…

Vì vậy, bảo đảm ANCN là định hướng, kiểm soát hành vi của con người, các thiết chế và chính phủ, bảo vệ các giá trị quan trọng cốt lõi trong cuộc sống con người theo cách làm gia tăng sự tự do của con ngườibảo vệ mọi người khỏi các tình huống nguy cấp (nghiêm trọng) và lan rộng (phổ biến) các mối đe dọa; xây dựng các nền tảng về chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế, quân sự và văn hóacùng tạo dựng các trụ cột về sự sống còn, sinh kế và phẩm giá của con người[1, tr.78]. Bảo đảm ANCN là vấn đề phức tạp, cần sự tác động, điều chỉnh của nhiều loại quy phạm xã hội khác nhau, như đạo đức, tôn giáo, phong tục tập quán… với sự tham gia của nhiều chủ thể xã hội nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia. Trong đó, pháp luật đang là công cụ bảo đảm ANCN hiệu quả nhất. Thông qua pháp luật, các khuôn mẫu hành vi xác lập cho các quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quân sự từ đó, tác động làm hạn chế các tình huống nguy cấp, lan rộng các mối đe dọa sự sống và an toàn của con người.

Pháp luật về bảo đảm ANCN là hệ thống pháp luật được xây dựng và hoàn thiện dựa trên cách tiếp cận đa chiều, hướng tới xây dựng các nền tảng về chính trị, xã hội, môi trường, kinh tế, quân sự, văn hóa và tạo dựng các trụ cột về sự sống còn, sinh kế và phẩm giá của con người. Theo đó, pháp luật về bảo đảm ANCN, phải là hệ thống pháp luật tôn trọng, bảo vệ, thực hiện tốt các quyền con người, quan tâm đến việc kiểm soát, hạn chế các tình huống khẩn cấp, mối đe dọa lan rộng đe dọa sự sống và an toàn của con người.

2. Thực trạng pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn đổi mới, nhân tố con người luôn được coi là trung tâm của mọi chính sách phát triển, là động lực, là mục tiêu của sự phát triển. Tuy nhiên, quá trình đổi mới đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức mới về ANCN, như bất bình đẳng vùng miền, chênh lệch giàu nghèo, phá rừng, cạn kiệt tài nguyên, tội phạm, an ninh, an toàn thông tin… Thêm vào đó, quá trình hội nhập buộc Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ đe dọa ANCN, như: Biến động khó lường của đời sống quốc tế, dịch bệnh, chiến tranh, tội phạm, âm mưu can thiệp gây mất ổn định về chính trị…

Trong bối cảnh đó, pháp luật bảo đảm ANCN ở Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện. Cho đến nay, Hiến pháp năm 2013 có thể được coi là một trong những thành tựu pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm ANCN ở Việt Nam. Theo đó, quyền con người đã được ghi nhận tại chương II, với nội dung và cách thức ghi nhận thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước trong tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật[5].

Những thay đổi trong Hiến pháp năm 2013 đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam thời gian qua. Nhiều luật mới đã được ban hành, như: Luật Tiếp cận thông tin năm 2018, Luật Trưng cầu dân ý năm 2016… ; được sửa đổi, bổ sung, như Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2015), Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011, 2015); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015… Nhìn chung, các bộ luật, luật ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung đều hướng tới tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm ANCN với nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[5] nhằm ngăn chặn sự hạn chế quyền con người một cách tùy tiện từ các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền và các cá nhân, tổ chức khác. Nhờ đó, pháp luật đã có những tác động mạnh mẽ tới nhận thức, hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhất là các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo đảm an ninh, an toàn về tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức được củng cố bằng các cơ sở pháp lý, các thiết chế thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý; các hành vi xâm phạm an ninh môi trường như phá rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản… cũng được kiểm soát chặt chẽ, nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh; việc bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ngày càng được các cấp chính quyền chú trọng bằng nhiều chính sách phù hợp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những năm qua Việt Nam đã ký kết và tham gia ngày càng sâu rộng vào các điều ước quốc tế về quyền con người, thương mại, tương trợ tư pháp, phòng, chống tội phạm, biến đổi khí hậu… từ đó, nâng cao năng lực quốc gia về hợp tác quốc tế trong bảo đảm ANCN.

Thuật ngữ ANCN chính thức được đề cập và ghi nhận vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thì nhân tố con người và ANCN trở thành trung tâm của sự phát triển, an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân. Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn phát triển mới với trọng tâm gắn với ANCN, như: Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”[4, tr.147-148], đồng thời, “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người”[4, tr.156] trong tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, pháp luật về bảo đảm ANCN ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại một số bất cập, hạn chế:

Thứ nhất, một số quy định pháp luật về quyền con người còn tồn tại hạn chế, bất cập gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, “hệ thống pháp luật vẫn còn chứa đựng nhiều “rào cản” khiến cho việc hiện thực hóa “quyền tự do kinh doanh” gặp nhiều thách thức[5].Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không coi trọng việc bảo đảm ANCN từ phía các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức có thẩm quyền.

Thứ hai, các chính sách, pháp luật còn chậm trễ, thiếu chặt chẽ trong kiểm soát những yếu tố tiêu cực phát sinh từ quá trình phát triển: Trách nhiệm xử lý môi trường trong các hoạt động khai thác tài nguyên; trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án đối với bảo đảm việc làm, thực hiện an sinh xã hội ổn định cuộc sống của các đối tượng có liên quan…

Thứ ba, thể chế phát triển kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ và bị động trong kiểm soát các vấn đề phát sinh, gây nhiều rủi ro cho xã hội, như vấn đề trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp, người sản xuất, hàng hóa sản xuất, nhất là nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan trên thị trường. Bản thân các doanh nghiệp, cũng gặp nhiều rủi ro, do tình trạng đánh cắp bản quyền, hàng giả, hàng nhái…

Thứ tư, pháp luật chưa phát huy tốt vai trò của mình trong định hướng hành vi của các cá nhân, tổ chức, thiết chế trước các nguy cơ về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập mặn, lũ lụt, sạt lở… do hành vi con người trong chặt phá rừng, khai thác tài nguyên đất đá, chậm đổi mới công nghệ, sử dụng thiết bị máy móc cũ gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu[3, tr.32]; “có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”[3, tr.91]. Hạn chế này làm cho nhiều định hướng về bảo đảm ANCN của Đảng chậm được hiện thực hóa trong cuộc sống.

Những hạn chế trên có thể được giải thích bằng những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên mục tiêu phát triển kinh tế trong nhiều trường hợp được coi trọng hơn các mục tiêu về bảo vệ môi trường và các mục tiêu xã hội khác trong quá trình phát triển.

Thứ hai, việc hoàn thiện pháp luật về ANCN gặp nhiều khó khăn do nhận thức về quyền con người của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân còn nhiều bất cập.

Thứ ba, tình trạng chưa phân định rõ trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, tâm lý e ngại của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công khai, minh bạch đã ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện pháp luật.

Thứ tư, trong quá trình đổi mới, nhiều vấn đề mới nảy sinh, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận còn chậm đã ảnh hưởng đến chất lượng pháp luật về bảo đảm ANCN ở Việt Nam.

Thứ năm, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền kích động, lôi kéo gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Thứ sáu, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật còn hạn chế, quy trình xây dựng pháp luật còn bất cập; việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chưa cá thể hóa trách nhiệm.

3. Một số giải pháp góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an ninh con người ở Việt Nam hiện nay

Một là, quán triệt các quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về an ninh con người trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật

Với vai trò là lực lượng “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, những định hướng của Đảng trong bảo đảm ANCN có vai trò quan trọng trong việc nhất quán, phối hợp hành động của các lực lượng xã hội, trong đó có hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền. Theo Văn kiện Đại hội XIII, thì hoàn thiện thể chế được xác định là hai trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và là một trong 3 đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, Văn kiện Đại hội XIII cũng xác định nhiều định hướng quan trọng trong hoàn thiện bộ máy nhà nước, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện dân chủ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhất là trong giám sát, phản biện xã hội…; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hòa bình”… Đây là những định hướng quan trọng và toàn diện chỉ đạo thực tiễn bảo đảm ANCN ở Việt Nam hiện nay. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm ANCN phải quán triệt, thể chế hóa kịp thời các quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước về hoàn thiện cơ chế bảo hiến, về thể chế hóa và bảo đảm quyền con người theo hiến pháp năm 2013…

Hai là, tiếp tục thể chế hóa các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ trọng tâm trong hoàn thiện pháp luật về an ninh con người

Những thay đổi trong quá trình hoàn thiện pháp luật thời gian qua đã tạo ra những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm ANCN ở Việt Nam. Sự ra đời của Hiến pháp năm 2013 đã tác động rất lớn tới nhận thức chung của xã hội về quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm ANCN. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 còn là cơ sở pháp lý bảo đảm quyền con người và thúc đẩy hợp tác quốc tế về ANCN. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện các nguyên tắc, quy định trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo đảm ANCN cần “Đẩy nhanh tiến độ ban hành các luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013”[3, tr.284].

Ba là, hoàn thiện pháp luật về phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các vấn đề về an ninh con người

Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền trong bảo đảm quyền con người cho công dân. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm quyền con người cho công dân. Kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vô cảm, không xem xét thấu đáo các vấn đề nảy sinh hay làm ngơ, dung túng các hành vi vi phạm pháp luật... nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Vì vậy, quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo đảm ANCN hiện nay cần tiếp tục thực hiện chủ trương trên đối với các vấn đề về ANCN trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoàn thiện các quy định pháp lý nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong bảo đảm ANCN.

Bốn là, hoàn thiện pháp luật về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các bộ máy nhà nước

Nhà nước là một thiết chế có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm ANCN. Bất cứ một hành vi thiếu trách nhiệm nào của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước đều có thể tạo ra những điều kiện cho các nguy cơ xâm phạm ANCN tồn tại và phát triển. Hơn nữa, khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng, ANCN có nguy cơ bị xâm hại từ chính hoạt động của bộ máy nhà nước. Vì vậy, pháp luật phải hoàn thiện để “nhốt quyền lực trong lồng thể chế”, tạo lập các cơ chế pháp lý kiểm soát bên trong và bên ngoài, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến ANCN.

Năm là, nâng cao nhận thức xã hội và các thiết chế xã hội về an ninh con người

Nâng cao nhận thức của xã hội và các thiết chế xã hội về ANCN là điều kiện tạo nên sự đồng thuận của xã hội trong hoàn thiện pháp luật về bảo đảm ANCN; bảo đảm tính khả thi của pháp luật về bảo đảm ANCN. Nhận thức của xã hội và các thiết chế xã hội về ANCN là cơ sở để các thiết chế xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội nhằm hoàn thiện pháp luật về ANCN. Ngoài ra, nâng cao nhận thức xã hội về ANCN, còn giúp cho các cá nhân, tổ chức tự giác thay đổi hành vi của mình và chủ động phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm ANCN. Việc nâng cao nhận thức xã hội và các thiết chế xã hội về ANCN có thể được thực hiện thông qua giáo dục về ANCN; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ANCN; thông qua việc phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ANCN.

Kết luận

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn tồn tại nhiều bất cập về bảo đảm ANCN, các nguy cơ đe dọa ANCN ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm ANCN là hết sức cần thiết. Để nâng cao hiệu quả bảo đảm ANCN ở Việt Nam hiện nay cần phát huy tốt những thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế thông qua việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ những quan điểm chỉ đạo toàn diện về ANCN trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Chu Mạnh Hùng (2011), Mối quan hệ giữa an ninh con người và an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 10/2011.

[2]. Chương trình phát triển Liên hợp quốc (1994), Báo cáo phát triển con người, NewYork: Oxford University Press.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5]. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (2017), Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh, Hà Nội.

[6]Việt Nam đạt nhiều thành tựu về quyền con người, https://hdll.vn

[7]. World bank (2022), Giải quyết nghèo kinh niên, đảm bảo dịch chuyển kinh tế bền vững là chìa khóa để Việt Nam đạt được khát vọng quốc gia thu nhập cao, https://www.worldbank.org

  Lễ Chào cờ trên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) (Ảnh: https://tuyengiao.vn) Đặt vấn đề Xuất phát từ những mối đe dọa như: Thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nghèo đói, tội phạm…; những thay đổi về cơ chế quản lý, phát triển khoa học công nghệ, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế… an ninh con người (ANCN) được xác định là một trong những vấn đề toàn cầu. Nhận thức sâu sắc về những thách thức phát sinh trong quá trình phát triển, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn