Trong quá trình đổi mới đường lối chính sách tôn giáo (cuối năm 1990), Đảng đã có những luận điểm đổi mới rất căn bản về “văn hóa tôn giáo”, cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Có thể coi đó là một trong những dấu son của những thành tựu đổi mới trong chính sách tôn giáo. Bài viết đi sâu vào khía cạnh này để thấy rõ hơn sự phong phú trong các sắc độ khác nhau của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Nhận thức mới về “văn hóa tôn giáo” một thành công trong chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước
Nhận thức mới về “văn hóa tôn giáo” một thành công trong chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước


 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo

trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 


1. Mối quan hệ “văn hóa tôn giáo” và đời sống văn hóa

Mặc dù người Việt Nam có một “hệ thống tôn giáo” phong phú lâu đời, đa dạng, nhưng về mặt “tâm thức tôn giáo” (religieux) thì người Việt Nam lại thuộc số những dân tộc có tâm thức tôn giáo hài hòa và xa lạ với tình cảm cực đoan tôn giáo.

Từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tôn giáo không chỉ là một niềm tin, một sự kiện lịch sử, mà còn là một sự kiện văn hóa. Tôn giáo là sự phản ánh của xã hội con người vào trong ý thức của họ. Song, đó không phải là một sự phản ánh đơn giản, mà là một sự phản ánh chịu tác động của rất nhiều yếu tố trung gian, vốn cũng rất hiện thực của chính con người. Đó là cách thức suy nghĩ, lập luận và cảm nhận của con người về thế giới con người đang sống và về chính bản thân mình theo những mô thức nhất định. Chính đó là những chất liệu để cấu thành tôn giáo. Những mô thức ấy có thể có những đặc trưng riêng cho từng cộng đồng người trong những hoàn cảnh địa lý, lịch sử nhất định và cùng với bề dày lịch sử sẽ trở thành những truyền thống trong suy nghĩ, ứng xử, một thành tố không thể thiếu của văn hóa cộng đồng.

Chính vì thế, trường phái nghiên cứu tôn giáo theo chức năng còn đưa đến những nhận định khái quát tiêu biểu như ý kiến của nhà thần học hiện đại P. Tillich cho rằng: “Tôn giáo là mối quan tâm cao nhất của con người”; “tôn giáo là nội dung thiết yếu của văn hóa”1. Cũng với suy nghĩ như vậy, nhà sử học vĩ đại của thế kỷ XX, Toynbee, trong tác phẩm nổi tiếng Nghiên cứu về lịch sử đã chia các nền văn minh của loài người theo những tiêu chí lớn, trong đó tiêu chí yếu tố tôn giáo có vị trí quyết định phổ biến bậc nhất2.

Gần đây, trong cuộc Tọa đàm “Văn hóa và tôn giáo”, GS Trần Văn Toàn (Đại học Công giáo Lille, Pháp) cũng đưa ra ý kiến cho rằng, tôn giáo, một mặt “ở trong văn hóa” bởi nó cũng bao gồm tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người… Văn hóa và tôn giáo không phải là hai thực tại riêng biệt để xem xét tương quan lẫn nhau. Nhưng mặt khác, ông cho rằng: “Tôn giáo có một vị thế riêng biệt trong văn hóa. Mọi nền văn hóa nếu dùng tôn giáo như một phương tiện phục vụ mình, hoặc tôn giáo dùng văn hóa để phục vụ mình đều đưa đến sai lệch”3.

Có những ý kiến nói “văn hóa tôn giáo” (culture religieuse) mới xuất hiện cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đến nay, khái niệm này đã quen trên Masse Media. Những người quan niệm như thế cho rằng, văn hóa tôn giáo vừa mang thuộc tính văn hóa chung, vừa mang thuộc tính tôn giáo (“mặt trời ảo tưởng”), trong đó, thuộc tính cơ bản là tính nhân đạo, nhân văn hướng thiện… (nhấn vào “ý thức tôn giáo” và chức năng “nhân hóa”). Chúng tôi nghĩ không phải vậy. Ít ra là thời điểm xuất hiện khái niệm4.

Cũng cần trở lại ý kiến của nhà thần học P. Tillich rằng, tôn giáo là bộ phận cơ bản nhất cấu thành văn hóa hoặc tôn giáo là văn hóa, khi ông đề cập đến vai trò của đạo Tin lành. Tương tự như vậy, ý kiến của Tocqueville trong tác phẩm nổi tiếng Nền dân chủ Mỹ (bản dịch của Nhà xuất bản Tri thức dịch là Nền dân trị Mỹ). Theo Tocqueville, tôn giáo trước hết là đạo Tin lành không những là thành tố quyết định bản sắc văn hóa của một tộc người, mà nó còn góp phần trực tiếp tạo nên những thiết chế chính trị xã hội trong những trường hợp đặc biệt như Hoa Kỳ. Tocqueville cho rằng, đạo Tin lành “coi như một thiết chế chính trị, nó phục vụ mạnh mẽ cho việc duy trì nền cộng hòa dân chủ ở Hoa Kỳ” và hơn thế nữa nó còn có khả năng “biết sử dụng các bản năng dân chủ”5.

Chúng tôi cho rằng, về cơ bản, mọi tôn giáo đều là những yếu tố quan trọng bậc nhất để quyết định bản sắc tộc người nhưng không thể đồng nhất yếu tính tôn giáo, văn hóa tôn giáo với “văn hóa dân tộc”. Trong lịch sử đã từng thấy nhiều trường hợp như vậy. Người Do Thái, dân tộc Do Thái dù là “dân tộc được Chúa chọn”, dù Kinh Cựu ước (Kinh Torah) đã xuất hiện lâu đời để tạo nên Do Thái giáo và cả một dân tộc đã gần như đồng nhất với tôn giáo này, nhưng nói như vậy không có nghĩa là lịch sử Israel hiện nay lại có thể đồng nhất với lịch sử Do Thái giáo. Cũng như vậy, trong trường hợp đạo Hindu đối với người Ấn Độ hoặc Kitô giáo đối với châu Âu.

Trong quá trình đổi mới đường lối, chính sách tôn giáo (từ cuối 1990), Đảng đã có những luận điểm đổi mới rất căn bản về văn hóa tôn giáo. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, khi đề ra 10 nhiệm vụ chiến lược của văn hóa Việt Nam, đã xác định nhiệm vụ thứ 8 về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo, tạo ra một bước ngoặt quan trọng về nhận thức và thực tiễn công tác tôn giáo.

 

2. Vấn đề “văn hóa tôn giáo” ở nước ta

Tác giả Thiện Chí trong bài “Sứ mạng văn hóa của tôn giáo” cho rằng, tôn giáo không những có ảnh hưởng trong đời sống xã hội, phải xem tôn giáo như một loại hình văn hóa mà phải quan niệm đúng và đầy đủ hơn: thực chất của tôn giáo tự nó có sức mạnh văn hóa lớn, hay hơn thế nữa, nó là văn hóa trên cả mọi hình thức văn hóa. Tác giả dẫn kinh điển của đạo Cao Đài: Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xãzNghiên cứu mối tương quan giữa Trời - Người - Vạn vật, tác giả Thiện Chí kết luận rằng: “Sứ mạng văn hóa của tôn giáo sẽ đưa con người đến tầm kích vũ trụ… Văn hóa đích thực sẽ làm cho con người thực sự tiến hóa. Dưới cái nhìn văn hóa, tôn giáo chân chính sẽ thực hiện được sứ mạng văn hóa đích thực”6.

Cho dù còn có những chỗ phải tranh luận7, nhưng vẫn có thể kết luận rằng: phần lớn các tôn giáo, nhất là các tôn giáo quan trọng và có số lượng tín đồ đông đảo ở nước ta như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Hòa Hảo, cho đến cả những tôn giáo có số lượng tín đồ không nhiều nhưng cũng có những vị thế độc đáo trong văn hóa dân tộc như Đạo giáo, Hồi giáo, không kể “tôn giáo đặc biệt” là Nho giáo, đều có những vị trí xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu bản sắc.

Ở nước ta, trong mối quan hệ này, yếu tố nội sinh, bản địa và yếu tố du nhập, tiếp nhận/ tiếp biến văn hóa mà ở đây là văn hóa tôn giáo là rất quan trọng và thường xuyên.

Điểm dễ thấy là, qua hàng nghìn năm du nhập tam giáo, người Việt Nam đã thực hiện nguyên tắc này một cách khá thành thục. Ở Việt Nam, rõ ràng có một đạo Phật lâu đời nhưng cũng đã chứa đựng những “tính cách Phật giáo Việt Nam” rất rõ nét (với hai đặc trưng cơ bản là Phật giáo bác học có vị trí khiêm tốn, trong khi đó Phật giáo bình dân nổi trội. Lẽ dĩ nhiên, trong ba tông phái chính của Phật giáo Việt Nam: Bắc Tông, Nam Tông và Khất sĩ, tùy điều kiện mỗi hệ phái, tông phái mà thể hiện). Ngay Đạo giáo ở nước ta cũng như vậy. Đạo giáo Việt Nam không có tầng lớp đạo sĩ, cơ sở thờ tự đơn giản hòa trộn với Phật giáo và tôn giáo dân gian, ít có sự phân biệt giữa các tông phái Đạo giáo, coi trọng yếu tố ma thuật và chữa bệnh cá nhân…

Ngay với các tôn giáo độc thần phương Tây mới du nhập vài thế kỷ nay như Công giáo hoặc Tin lành những thập kỷ gần đây cũng vậy. Dù khó khăn đến mấy, tính cách “Việt hóa đạo” cũng đã thể hiện ở các tôn giáo này với các mức độ khác nhau.

Cần thấy rõ đặc điểm này để khi chúng ta nghiên cứu các mối quan hệ cụ thể về tôn giáo và văn hóa, trong mỗi tôn giáo cụ thể, cần có cái nhìn tỉnh táo, bóc tách được những yếu tố bản địa và ngoại nhập…

Trường hợp văn hóa Phật giáo thật tiêu biểu, vì nó đã trở thành một thành tố của văn hóa Việt Nam, được cả dân tộc công nhận.

Thực sự, ở Việt Nam, ai cũng biết đạo Phật có vị thế đặc biệt như thế nào, điều đó không chỉ ở thời hưng thịnh là các triều đại Lý-Trần, mà còn trải dài trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước. Nói như ngôn ngữ văn hóa học hiện đại thì, chúng ta đã có một nền văn hóa Phật giáo với cả hai bộ phận: văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời đã lặn sâu trong cấu trúc của văn hóa Việt Nam và trở thành những thành tố đôi khi không phân biệt được đâu là văn hóa của nhà Phật, đâu là của “văn hóa thế tục”.

Trường hợp văn hóa Công giáo thật đặc biệt. Trước hết về phương diện lịch sử văn hóa, đây là một khoảng trống đã tồn tại từ lâu không dễ lấp đầy. Dù rằng đạo Công giáo đã có mặt ở Việt Nam trên dưới 500 năm nay, dù muốn hay không, những thành tố của một nền “văn hóa Công giáo” cũng đã hiện rõ và có ảnh hưởng với đời sống văn hóa dân tộc trên nhiều mặt. Hơn thế nữa, văn hóa Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng thuộc số văn hóa tôn giáo có tính toàn cầu do vị thế lịch sử đặc biệt của nó. Kitô giáo từ lâu đã được coi là một trong ba yếu tố tạo nên nền văn minh châu Âu. Riêng với Việt Nam, ít nhất từ nửa sau thế kỷ XIX, từ Nam Kỳ, văn hóa Công giáo đã trở thành cây cầu nối đầu tiên để du nhập văn minh phương Tây vào trong nước (nghề in, chữ Quốc ngữ, báo chí, văn học, kiến trúc, đội ngũ trí thức Tây học lớp đầu tiên… và dần dần cho đến cả lối sống).

Nhưng cũng do những vấn nạn của lịch sử, một thời gian dài, đạo Công giáo không những không được dễ dàng chấp nhận như trường hợp các tôn giáo ngoại nhập khác mà còn trở thành một đối tượng của chính sách tôn giáo của các triều đại phong kiến. Thậm chí cho đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã hoàn thành việc xâm lược và bình định Việt Nam, và tất nhiên trong điều kiện ấy văn hóa Công giáo càng là thứ “dị tật” cắm trên cơ thể dân tộc, như các trí thức Công giáo đã nói. Cùng với thân phận của người Công giáo lúc đó, văn hóa Công giáo hoặc bị bó hẹp trong các cộng đồng Kitô hữu (nhất là các vùng Công giáo toàn tòng) hoặc trở nên xa lạ và đối lập với văn hóa Việt Nam, trong đó điển hình bậc nhất là câu chuyện thờ cúng tổ tiên nơi người Công giáo8

Với chủ trương đúng đắn về hội nhập văn hóa của Tòa Thánh và của Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ nhiều thập kỷ nay, người Công giáo đã có những nỗ lực to lớn trong việc sưu tầm nghiên cứu và đặc biệt đưa “sự diễn giải Tin Mừng” theo phong cách dân tộc. Tất cả đã tạo nên một gương mặt mới, thân thiện và gần gũi của văn hóa Công giáo, đạo Công giáo trong lòng dân tộc.

Tóm lại, vấn đề “văn hóa tôn giáo” ở nước ta trước khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, vừa là vấn đề lý thuyết, một vấn đề về tư tưởng và tất nhiên cũng là một vấn đề “chính sách” phải giải quyết.

 

3. Đổi mới nhận thức, lý luận về “văn hóa tôn giáo”

Có thể nói, trước năm 1990, những quan điểm “tả” khuynh về tôn giáo (tôn giáo là duy tâm, tôn giáo là mê tín và tôn giáo là chính trị) đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức cũng như chính sách xã hội nói chung ở Việt Nam. Cùng với luận điểm đổi mới nhận thức quan trọng về tôn giáo: Tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân và nó còn tồn tại lâu dài, Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới đặt dấu mốc nhận thức mới về “văn hóa tôn giáo”. Luận điểm này còn được cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 5, (khóa VIII), năm 1998 khi Đảng đề ra 10 nhiệm vụ chiến lược về văn hóa trong công cuộc CNH, HĐH thì đã dành nhiệm vụ thứ 8 về “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo”.

Từ đó đến nay, quan điểm ấy đã dần dần đi vào đời sống xã hội. Hơn một thập kỷ trở lại đây, hệ thống giáo dục, nghiên cứu ở Việt Nam đã có sự chuyển mình khi nhiều viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo học đã lần lượt ra đời. Nhiều vấn đề lý luận về văn hóa tôn giáo đã được đặt ra trong hàng loạt các cuộc hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế như: Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa; Triết học văn hóa; Văn hóa và Văn hóa Tôn giáo; Dấu ấn của văn hóa Công giáo; Đạo Tin lành và văn hóa dân tộc;… Riêng với Văn hóa Phật giáo, đã có thêm nhiều kết quả nghiên cứu, nhận thức xã hội về tính phong phú, đa dạng của nền văn hóa này (cả ở cấp độ “bác học” và “bình dân”), từ sự kiện, nhân vật đến văn bản học (mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là một ví dụ điển hình)…

Những đổi mới về nhận thức, lý luận cũng như trong thực tiễn về “văn hóa tôn giáo” đã đem lại nhiều lợi ích xã hội quan trọng. Một mặt, sự ghi nhận và vinh danh của xã hội đối “văn hóa tôn giáo” đã đem lại sự tự hào chính đáng của các tôn giáo trong đời sống xã hội, mặt khác, rất quan trọng, chính điều này đã tạo thêm những cây cầu cho lộ trình tôn giáo đồng hành với dân tộc và CNXH.

Trong dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa thực tiễn to lớn ấy trong sự nghiệp đổi mới nói chung và nói riêng trong lĩnh vực tôn giáo.

Hiệu quả việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo là điều ai cũng có thể thấy rõ, kể cả đối với người nước ngoài, quần chúng cũng như giới nghiên cứu. Chẳng hạn, với văn hóa Phật giáo, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam công bố “4 kỷ lục chính thức” (2007)9 tự nó đã có sức thuyết phục lớn.

Đây cũng là những thông tin sống động về “con đường hiện đại hóa Phật giáo” trong văn hóa Việt Nam hôm nay, nhưng đồng thời chúng ta cũng vẫn coi nó như những sự kiện của văn hóa Việt Nam nói chung…

Nhiều tôn giáo khác, những hiệu quả xã hội của nó có vẻ lặng lẽ hơn, nhưng không vì thế giảm ý nghĩa. Lần đầu tiên, khái niệm “văn hóa Công giáo” với rất nhiều di sản phong phú và độc đáo (chữ Quốc ngữ, báo chí, văn học hiện đại và biết bao loại hình văn hóa - nghệ thuật khác, thậm chí cả lối sống cho đến sứ mệnh “cây cầu nối đầu tiên trong tiếp xúc văn minh phương Tây” của Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX…) đã trở nên quen thuộc với truyền thông đại chúng, giảng đường các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Mấy vấn đề phía trước. Để thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy “văn hóa tôn giáo” ở nước ta hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn nói trên, cũng còn rất nhiều vấn đề đặt ra.

Trước hết, đó là vấn đề phát triển văn hóa tôn giáo trong các chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam nói chung. Nói cho cùng khi “văn hóa tôn giáo” đã được coi là một bộ phận, một thành tố của văn hóa Việt Nam, thậm chí của thiết chế văn hóa, thì không chỉ là vấn đề ứng xử và thái độ với nó mà còn là vấn đề “chính sách”. Dưới đây là một vài khía cạnh nổi bật.

Chẳng hạn, thông thường giải quyết vấn đề “tính hiện đại” (modernity) với văn hóa nói chung đã khó, nhất là trong kỷ nguyên hậu hiện đại hiện nay, thì với văn hóa tôn giáo còn khó hơn nhiều, do tính ổn định cố hữu của nó.

Ngày hôm nay, có phải là việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Phật giáo đi liền với việc bùng nổ của sự xây cất các cơ sở thờ tự với những “kỷ lục thế giới và khu vực”? Làm thế nào để hiện đại hóa những giá trị vật chất, đặc biệt là kiến trúc Phật giáo nhưng vẫn giữ được bản sắc của “Phật giáo Bắc tông” từ thời Đại Việt? Đó là chưa kể việc khai thác một cách hài hòa hai luồng giá trị văn hóa Phật giáo bác học và bình dân? Hoặc những lĩnh vực văn hóa Phật giáo còn “phức tạp hơn” như việc nhìn nhận vấn đề hiện đại hóa Phật giáo ở nước ta, trong đó có “tương lai của thiền học Việt Nam” như thiền sư Thích Nhất Hạnh với tông phái “Thiền tông Việt Nam hiện đại” với những nguyên tắc tu tập kiểu mới…

Riêng vấn đề khai thác văn hóa Công giáo, chắc hẳn còn nhiều vấn đề phức tạp hơn, kể cả phương diện chính sách. Đến nay, trong số trên 2.000 nhà thờ các loại của Công giáo, mới chỉ có duy nhất nhà thờ Phát Diệm được công nhận di tích văn hóa.

Theo chúng tôi, đã đến lúc cần tiến hành “một cuộc tổng kiểm kê” các giá trị vật thể và phi vật thể của văn hóa Công giáo. Vẫn biết rằng chúng ta lâu nay cũng đã quan tâm đến việc tu sửa, xây cất nhà thờ và các cơ sở tôn giáo, nhưng tính hệ thống, những giá trị của chúng thì gần như chưa được nghiên cứu, thống kê đầy đủ. Có nhiều giá trị văn hóa Công giáo gần như chưa được “đụng đến” như hệ thống thư tịch văn bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau, các tác phẩm tiêu biểu của nhiều thể loại, từ học thuật, nghệ thuật, khảo cứu, từ điển… cho đến các tác phẩm liên quan trực tiếp đến tôn giáo.

Ngoài những vấn đề đã quen thuộc như lịch sử chữ Quốc ngữ từ nửa đầu thế kỷ XVII (đến nay vẫn còn phải nhìn nhận, đánh giá thêm vai trò của các giáo sĩ nước ngoài, tiến trình của việc chế tác và sử dụng chữ Quốc ngữ trong và ngoài đạo Công giáo trước khi nó trở thành “chữ Quốc ngữ là hồn của nước” như các sĩ phu yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục khẳng định đầu thế kỷ XX)10, đóng góp của Công giáo trong vấn đề ra đời báo chí và văn học hiện đại ở Nam Kỳ nửa sau thế kỷ XIX, kiến trúc Công giáo… Chúng ta cũng cần bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc hơn với những vấn đề như di sản kho tàng thư tịch Hán Nôm (Nôm đạo, Hán đạo) rất phong phú của hàng chục tác giả, hàng trăm tác phẩm không chỉ sách giáo lý, sách sáng tác để truyền đạo mà còn là sách lịch sử, địa lý, phong thổ ký, khảo cứu, văn thơ, kịch bản sân khấu… Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu sự ra đời và phát triển đội ngũ trí thức Công giáo mà trong nhiều lĩnh vực từ nửa sau thế kỷ XIX được xem là thế hệ đầu tiên của giới trí thức Tây học với nhiều nhân vật tiêu biểu của rất nhiều ngành nghề khác nhau thuộc khoa học xã hội và nhân văn, các nhà giáo dục, văn nghệ sĩ…

Trường hợp đạo Tin lành, còn có những khía cạnh phức tạp hơn. Ở nước ta, đạo Tin lành hiện nay đã trở thành một lực lượng tôn giáo và xã hội đáng kể với số tín hữu ngót 1,4 triệu người như con số được công bố chính thức gần đây. Về phương diện văn hóa, trong khi Công giáo đã có những thành tựu to lớn trong việc “hội nhập văn hóa”, thì thần học Tin lành Việt Nam chưa triển khai được bao nhiêu và vẫn còn đó những cách biệt giữa văn hóa Tin lành và văn hóa dân tộc…

Đây là một vấn đề phức tạp chắc hẳn còn phải tiếp tục giải quyết trên nhiều chiều kích như về mặt chính trị (đảm bảo việc truyền giáo Tin lành đúng luật pháp, chống sự lợi dụng chính trị của các thế lực thù địch), về mặt xã hội (đảm bảo sự đoàn kết dân tộc, làng bản, gia đình, họ hàng) thì về mặt văn hóa cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề từ cả hai phía của Giáo hội và Nhà nước.

Lẽ dĩ nhiên, một đất nước có đời sống tôn giáo đa dạng như nước ta, ngoài các tôn giáo tiêu biểu đã nói trên, các tôn giáo còn lại (hiện nay, đã có tới 14 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận) đều có những “vấn đề riêng của nó” trong việc phát huy vai trò những giá trị văn hóa của mình đối với văn hóa dân tộc.

Văn hóa tôn giáo ngày nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước không còn “xa lạ” với dân tộc và với văn hóa Việt Nam nói chung. Đường lối, chính sách đổi mới về tôn giáo, trong đó có văn hóa tôn giáo, đã và đang mở cánh cửa thuận lợi cho sự đa dạng phong phú hơn nữa của văn hóa dân tộc.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 5/2014

1. P. Tillich: Thần học văn hóa, nguyên bản tiếng Anh, 1959

2. Xem A. Toynbee: Nghiên cứu về lịch sử một cách thức diễn giải, bản dịch, Nxb Thế giới, năm 2004

3. Bài “Thao thức và chia sẻ” của Phan Giang, Công giáo và Dân tộc, số 1690, từ  ngày 9-1 đến ngày 15-1-2009

4. Về thuật ngữ, ở Châu Âu từ đầu thế kỷ XX mới có khái niệm văn hóa thế tục (la culture sécularisée) khi có bầu khí luân lý thế tục (morale laique) trong đó con người “thoát khỏi tôn giáo”, làm chủ văn minh bằng ba thế mạnh: thể chất, đạo đức và trí tuệ

5. Tocqueville: Nền dân trị Mỹ, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, 2008, T. 1 tr. 57; T. 2, tr. 538

6. Thiện Chí: “Sứ mạng văn hóa của tôn giáo”, Tạp chí Công tác Tôn giáo, số 7-2008

7. Gần đây, những nghiên cứu của GS Lê Mạnh Thát (một học giả tên tuổi của giới Phật giáo) về lịch sử và văn hóa Việt Nam trong buổi đầu dựng nước có liên quan đến Phật giáo cũng đã gây nên sự tranh luận. Theo chúng tôi, dù buổi đầu dựng nước, những giá trị của văn hóa Phật giáo thật đáng kể (nền tảng từ những bộ kinh Phật sớm nhất của Phật giáo nước ta được phát hiện), nhưng cũng không thể xem đó như những cứ liệu để đồng nhất với lịch sử dựng nước của dân tộc

8. Qua hàng trăm năm kể từ khi đạo Công giáo bắt đầu xuất hiện ở nước ta năm 1533, bên cạnh những cuộc “tiếp xúc văn hóa” tự nhiên giữa văn hóa Kitô giáo và văn hóa Việt Nam kể từ thời Trịnh - Nguyễn thì sự xung đột văn hóa, tôn giáo đi liền với khung cảnh chính trị - xã hội luôn có vị thế lấn át. Vì thế vấn đề dân tộc và Công giáo cũng như vấn đề hội nhập văn hóa Công giáo ở nước ta trở nên một trong những thí dụ tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á

9. Các kỷ lục đó là: 1) Hòa thượng Thích Minh Châu: người dịch Pali nhiều nhất, xấp xỉ 18.000 trang; 2) Hòa thượng Thích Đức Tịnh: người dịch kinh Đại thừa nhiều nhất; 3) Lê Mạnh Thát: viết lịch sử Phật giáo, văn học Phật giáo … 14.000 trang; 4) Hòa thượng Thích Viên Cảnh: Từ điển Phật học lớn nhất
10. Chỉ nội vấn đề đánh giá vai trò của giáo sĩ De Pina (Bồ Đào Nha) và của A. de Rhodes về phương diện ngôn ngữ học trong việc khởi dựng chữ Quốc ngữ, cho đến việc đánh giá động cơ tôn giáo và chính trị của các nhân vật như thế vẫn diễn ra những cuộc tranh luận trong và ngoài nước, xem ra vẫn chưa thể tới hồi kết thúc.

GS, TS ĐỖ QUANG HƯNG

 

Đại học Quốc gia Hà Nội
  Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960  1. Mối quan hệ “văn hóa tôn giáo” và đời sống văn hóa Mặc dù người Việt Nam có một “hệ thống tôn giáo” phong phú lâu đời, đa dạng, nhưng về mặt “tâm thức tôn giáo” (religieux) thì người Việt Nam lại thuộc số những dân tộc có tâm thức tôn giáo hài hòa và xa lạ với tình cảm cực đoan tôn giáo. Từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tôn giáo không chỉ là một niềm tin, một sự kiện lịch sử, mà còn là một sự kiện văn hóa. Tôn giáo là sự phản ánh của xã hội con người vào trong ý t

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn