Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Đảng ra đời và phát triển không phải vì mục đích tự thân mà là vì độc lập cho Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân; đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều nhằm đưa lại lợi ích cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, đồng thời vừa là công bộc, đầy tớ, trâu ngựa cho nhân dân. Cá nhân và tập thể Đảng trở thành một khối vững chắc trong khi giải quyết tất cả mối quan hệ hằng ngày của đảng viên với tổ chức Đảng. Tự tách mình ra khỏi Đảng chính là biểu hiện đầu tiên của căn bệnh kiêu ngạo, công thần.
Hiện nay, phòng và chống bệnh kiêu ngạo, công thần cũng chính là xây dựng và bảo vệ Đảng. Do đó, cần nhận diện rõ căn bệnh này để có những giải pháp/biện pháp hiệu quả, toàn diện nhất. Đó là phòng, chống chủ nghĩa cá nhân; phòng, chống sự xa rời lợi ích của Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; xây dựng con người Việt Nam và môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt nguyên tắc xây dựng Đảng.

Nhận diện và phòng, chống căn bệnh kiêu ngạo, công thần trong xây dựng và bảo vệ Đảng hiện nay
Nhận diện và phòng, chống căn bệnh kiêu ngạo, công thần trong xây dựng và bảo vệ Đảng hiện nay
1. Nhận diện bệnh kiêu ngạo, công thần
Từ cổ chí kim, bệnh kiêu ngạo, công thần thường gặp ở một số người trong bộ máy của hệ thống chính trị. Thì cũng có ít nhiều công trạng bây giờ người ta thể hiện ra chút vị thế “cân - đong - đo - đếm” về quan hệ trên-dưới, đồng hàng, đồng cấp với nhau trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của nước nhà xem ai hơn người ta, v.v. Đỏ ngực đeo đầy huân huy chương, nhưng đó là niềm tự hào tại sinh hoạt cộng đồng, nhất là mỗi khi có lễ trọng, chứ không phải kiêu ngạo, công thần. Còn kiêu ngạo, công thần lại khác. Kiêu ngạo, công thần có khi đó chỉ là hành động chỉ là cho oai, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Có khi đó là một tiếng nói rằng, sự việc đó ta biết, ta là người có công lớn giải quyết việc đó, ta là người chinh chiến dày dạn trận mạc, công trạng đầy mình, các ngươi lúc đó vắt mũi chưa sạch biết gì mà nói. Có khi đó là một cách “ra oai sấm sét” để đe nẹt những kẻ không ưa mình. Có khi đó là một cú nhắc nhở người trên mình rằng, ta là người có công trạng đấy, chớ có coi thường ta, mà phải cho ta hưởng bổng lộc, chức tước cao hơn chứ chức vụ bổng lộc hiện giờ của ta có thấm chi. Có khi đó là một tông/giọng cao đạo trong xã hội/cộng đồng nhưng kỳ thực là những biểu hiện của sự bất mãn, bất mãn vì ta đây có công trạng thế này mà chế độ nước nhà đối xử với ta bất công thế, v.v.
Bệnh kiêu ngạo, công thần không dung hợp với những biểu hiện của những người có tâm lành đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Những người thực sự có công đối với đất nước trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Chu Văn An chẳng hạn thì không bao giờ kêu ca bởi sự đãi ngộ mà nước nhà dành cho mình. Có khi hiện tại các cụ gặp phải những cảnh tiêu cực, trớ trêu trong triều đình thì dâng sớ lên nhà vua đòi xử trảm một số kẻ coi trời bằng vung, những kẻ kiêu ngạo, những kẻ công thần, nịnh trên nạt dưới, đục khoét ngân khố quốc gia, những kẻ chuyên đi hối lộ và nhận hối lộ. Khi không được vua xem xét kiến nghị thì có chút bất mãn với nhà vua rồi xin về nghỉ hưu đọc sách ngâm thơ, vui thú điền viên hoặc về dạy học ở chốn thôn quê, nhưng lòng vẫn quặn đau lo cho nhà vua mắc mưu những kẻ xấu, lo cho cơ đồ giang sơn đất nước bị những kẻ xấu kiêu ngạo, công thần làm vấy bẩn, suy đồi, hủ bại. Những người như Nguyễn Trãi, Chu Văn An như thế quyết không phải là những người kiêu ngạo và công thần. Phân biệt ai là kiêu ngạo, công thần, ai là người có tâm lành với đất nước thì không khó. Nhưng, nhận biết được họ rồi để xử lý mới là khó. Xử lý không khéo là mất cán bộ-nói theo thuật ngữ xây dựng Đảng bây giờ. Xử lý để cho những kẻ kiêu ngạo, công thần đó kịp quay trở về với điều tốt, điều thiện để tu nhân tích đức, trở thành con người tốt, để họ nhận ra “quay đầu lại là bờ”... thì đây là mục tiêu và việc làm không đơn giản vì “bản tính khó dời”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm, sự trải nghiệm dày dạn khi đối nhân xử thế đã có những lời gan ruột khi viết cho cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (viết năm 1947, bút danh XYZ), Người đã nêu ra nhiều căn bệnh nhất ở trong đội ngũ này, lý giải về chúng và nêu cả cách chữa. Đối với bệnh kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Những người mắc bệnh kiêu ngạo là những người “Tự cao tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”1. Còn đối với bệnh công thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”2.
Với hai đoạn trích dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây, cho thấy, kiêu ngạo và công thần trong cán bộ, đảng viên là hai bệnh sinh đôi, như hình với bóng; hai bệnh này không những hiển hiện cùng nhau mà còn liên quan đến các căn bệnh khác, như ham địa vị, hay lên mặt, thích người khác nịnh mình, hay mệnh lệnh, hay khoe khoang, ngang tàng, không giữ kỷ luật...Chung quy lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh “gói” vào, đó là do “bệnh mẹ” sinh ra: đó là chủ nghĩa cá nhân, không thực hiện chí công vô tư. Người viết: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”3. Còn như V.I.Lênin, ông nối thêm hai chữ “cộng sản” vào vế sau hai chữ “kiêu ngạo” thành một thuật ngữ “kiêu ngạo cộng sản”, muốn để chỉ rõ thêm cái bệnh kiêu ngạo này là sinh ra ở thời cộng sản, ở trong đội ngũ những người cộng sản. Thế mới biết, bệnh kiêu ngạo công thần này ở thời nào cũng có.
 
2. Phòng và chống bệnh kiêu ngạo công thần là xây dựng và bảo vệ Đảng
Để phòng và chống bệnh kiêu ngạo, công thần không được một chút lơ là. Phòng và chống bệnh kiêu ngạo, công thần bằng nhiều nội dung và phương thức: Bằng thể chế (nghị quyết, quy định, điều lệ, nguyên tắc của Đảng; pháp luật của Nhà nước); bằng sự nêu gương của cán bộ, nhất là của cán bộ cấp cao; bằng sự kiểm tra, giám sát của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, v.v. Ngoài những nội dung và phương thức đó ra, xin nêu lên một số biện pháp/giải pháp:
Phải phòng và chống chủ nghĩa cá nhân
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, cụm từ “cá nhân” không có gì là xấu. Có cá nhân con người mới thành cộng đồng, mới thành xã hội. Con người, theo quan niệm của C.Mác, là sự tổng hòa của các quan hệ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng vậy. Đảng là do nhiều cá nhân đảng viên hợp thành, về nguyên tắc, được thể hiện mình là một thực thể trong một đội ngũ dựa trên sự chế định của một cương lĩnh chính trị và điều lệ hoạt động của một chính đảng. C.Mác và Ph.Ăngghen, trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã đề cập rất biện chứng về mối quan hệ này: Sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Không phải chỉ có phương Tây mới coi trọng vai trò cá nhân con người từ rất sớm, mà ở phương Đông, cách đây hơn 2.500 năm, Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử đã rất coi trọng vai trò cá nhân. Phải từ bản ngã, từ cái tôi, để ngộ, ngộ để hành, hành không những cho cá nhân mình mà còn cho đại sự. Trước hết, phải tu thân, rồi sau mới đi tới tề gia, đi tiếp nữa là trị quốc, rồi cuối cùng mới là bình thiên hạ. Họ đều nhấn mạnh hướng nội để giải quyết cho con người trở về bản ngã thống nhất với vũ trụ, thuận thiên nhi hành. Con người ta, bất kỳ ai cũng đều có những tâm lý thất tình lục dục (bảy biểu hiện của trạng thái tình cảm và sáu biểu hiện của dục vọng). Trong thất tình lục dục đó, nổi lên rõ nhất, mạnh nhất ở hai điều: Sự cám dỗ về vật chất, trong đó rõ nhất là tiền bạc, và cám dỗ về sắc dục. Do vậy, phải tu dưỡng bản thân cá nhân mình, làm chủ bản thân mình trong mọi tình huống, hoàn cảnh để chế định thất tình lục dục, tránh sa vào cái hố tham-sân-si đày ải con người.
Còn chủ nghĩa cá nhân (hoặc cá nhân chủ nghĩa) là nói về sự lệch lạc thái quá của con người cá nhân, nó đã trở thành “chủ nghĩa”, tức là thành cái chủ thể của cái tôi, cái tôi này hầu hết đối lập, mâu thuẫn với điều thiện, điều tốt. Chủ nghĩa cá nhân mâu thuẫn với lợi ích của cộng đồng, làm tổn hại lợi ích cộng đồng và cuối cùng làm hại ngay chính bản thân cá nhân họ mà, lúc đầu hoặc trong cả quá trình hành xử, họ không thấy được điều đó. Đạo đức chính là sự ứng xử của con người trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội với sự đa dạng của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quy các mối quan hệ phong phú này thành ba dòng/phương diện: đối với người, đối với việc, đối với mình (tự mình đối với bản thân mình). Nếu xử lý đúng thì cá nhân con người không sa vào chủ nghĩa cá nhân, ngược lại nếu xử lý không đúng, nhất là xử lý mối quan hệ thứ ba đã nêu trên đây (đối với mình), tức là không làm chủ ngay cả bản thân mình, thì chủ nghĩa cá nhân sẽ hoành hành.
Vậy, có thể viết khái quát rằng, chủ nghĩa cá nhân hiện nay ở Việt Nam là sự biểu hiện tư duy và hành động lệch lạc của con người cụ thể nào đó, là duy ngã, chỉ coi trọng lợi ích cá nhân của mình, bất chấp lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân; đó là thái độ và hành động có hại cho cộng đồng.
Phòng và chống sự xa rời lợi ích của Đảng.
Những người mắc bệnh kiêu ngạo, công thần thường là chỉ vun vén cho lợi ích của mình. Trong thực tế cuộc sống, những người này chỉ chăm lo đến lợi ích của riêng cá nhân, “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình””4.
Trong ba bốn nhiệm kỳ gần đây nhất, trong văn kiện Đại hội Đảng đã đề cập nhiều kiểu “chạy” thể hiện rất rõ căn bệnh này. Trên thực tế thì các kiểu chạy còn phong phú hơn: Chạy bằng cấp, chạy huân, huy chương, chạy danh hiệu, chạy tội, chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy quy hoạch, chạy việc, chạy vào chỗ có liên quan đến vật chất để hòng lợi dụng thu vén cá nhân v.v. Người kiêu ngạo, công thần nằm trong cái khung “bệnh mẹ” chủ nghĩa cá nhân thì họ cũng dễ mắc vào các kiểu “chạy” để được đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ trong hệ thống chính trị, đặc biệt là những chức vụ liên quan nhiều đến lợi ích vật chất.
 Những người mắc phải căn bệnh cá nhân chủ nghĩa còn khuếch đại, phô trương công trạng của mình (hoặc làm gỉ công trạng của mình) để tìm mọi cách để đưa những người trong gia đình, những bè bạn, những người cùng cánh hẩu, nghĩa là những người thân tín, vào nắm giữ các chức vụ ở các cấp. Do đó, hình thành các nhóm lợi ích, mà thực chất là cũng chỉ mưu cho lợi ích cá nhân. Trong cơ chế thị trường cạnh tranh hiện nay, có không ít những biểu hiện lệch lạc của việc giải quyết các mối quan hệ lợi ích của cá nhân-doanh nhân-nhân dân. Họ thường núp bóng tập thể, thậm chí là núp bóng lợi ích quốc gia, lợi ích của Đảng để nhằm đạt được điều có lợi cho bản thân. Rõ nhất là qua giải quyết vấn đề cho thuê đất, đến bù đất đai ở các doanh nghiệp, ở việc đấu thầu dự án, đầu tư các công trình công cộng, quản lý doanh nghiệp nhà nước, v.v.
Những người mắc bệnh kiêu ngạo, công thần coi cái tôi cao hơn tất thảy, bất chấp đường lối, chủ trương, nghị quyết, quyết định, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ là những con người độc đoán, chuyên quyền, thường tìm kẽ hở trong các quyết định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm lợi cho cá nhân mình, gia đình mình, nhóm mình. Trong sinh hoạt và công tác của Đảng và trong các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, họ đặt quyền lợi của cá nhân mình, gia đình mình, nhóm lợi ích cao hơn tất cả. Thậm chí, họ lợi dụng chức quyền và bộ máy tổ chức để tác động cho ra đời những chính sách, những quy định, những quy hoạch có lợi cho mình-tham nhũng chính sách rất nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng. Đối với tổ chức, họ giấu giếm khuyết điểm, sai lầm cá nhân; lũng đoạn, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết, bao che tội lỗi, sai lầm của những người cùng cánh để hưởng lợi. Họ coi tổ chức của hệ thống chính trị chỉ là công cụ để kiếm chác lợi ích cá nhân. Hành động của những người mắc phải căn bệnh đó biểu hiện rất rõ: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói rất hay nhưng làm rất dở...
 Phòng và chống bệnh kiêu ngạo, công thần cũng là phòng và chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Biểu hiện của tham nhũng là ở chỗ những đảng viên có chức có quyền, nhất là những người liên quan đến của cải vật chất, tiền bạc của công, bị thoái hóa biến chất cộng với kẽ hở của pháp luật, chính sách và bị lơi lỏng kiểm tra, giám sát thì sẽ đẻ ra tham nhũng. Lãng phí dễ thấy ở đây là lãng phí công sản, chi tiêu ngân sách bạt mạng, ném tiền qua cửa sổ, lãng phí đầu tư, bị hối lộ chi phối, tìm trăm phương ngàn kế để cho những người xấu trúng thầu kinh doanh, còn bản thân mình hưởng lợi với tư duy nhiệm kỳ, trước mắt chỉ biết có lợi cho mình đã, còn sau này kệ mặc cho những thế hệ sau lo chịu hậu quả. Quan liêu đi kèm với hai tiêu cực là tham nhũng và lãng phí. Sự lơi lỏng trong kiểm soát, kiểm tra, giám sát trong thời gian qua và hiện nay tiếp tay cho chủ nghĩa cá nhân hoành hành. Các vụ án và các vụ kỷ luật cũng như những vụ tiêu cực trong bộ máy hệ thống chính trị bị phanh phui trong thời gian qua đã phơi bày một phần của tảng băng những điều thực chất do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Đất nước bị mất hàng nghìn tỷ đồng, điều đó rất đáng đau xót. Nhưng, đáng buồn nhất, đau xót nhất là ở chỗ do những tiêu cực như vậy cho nên nhiều giá trị văn hóa đạo đức bị băng hoại, đặc biệt làm cho niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với Đảng, Nhà nước bị suy giảm nhanh chóng. Mà khi đã suy giảm và mất niềm tin thì mất tất cả. Họ là những người “tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”5.
Những người mắc phải căn bệnh kiêu ngạo, công thần rất dễ phản bội Đảng, phản bội chế độ chính trị. Đây là sự biểu hiện cao nhất của căn bệnh này, dẫn tới đối lập với vận mệnh của Đảng, của thể chế chính trị và như vậy là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước và kỷ luật Đảng.
Xây dựng con người Việt Nam và môi trường văn hóa lành mạnh
Đại hội XII (2016) của Đảng nêu lên một số nội dung xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thực hiện thật tốt thì sẽ khắc phục được nhiều biểu hiện của bệnh kiêu ngạo, công thần. Chẳng hạn, Đại hội XII nêu: Xây dựng “con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”6, coi đó là “một mục tiêu của chiến lược phát triển”7; “Phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật”8, “mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người”9. Đối với đội ngũ đảng viên: “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”, “chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”10.
Môi trường văn hóa cần được chú ý làm lành mạnh. Đất nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đã đạt được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Nhưng năm cuối thập niên 10 của thế kỷ XXI này, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn ở cả trong nước và quốc tế, nhưng nhân dân Việt Nam đã vượt qua và đưa đất nước phát triển nhanh (GDP năm 2019 đạt 7,2% - mức cao trong khu vực và thế giới). Với những thành tựu đó, có người nói rằng, đất nước Việt Nam đang có vận hội mới, thế nước đang lên, chưa bao giờ Việt Nam có cơ đồ tốt như thế. Nhưng, về mặt văn hóa, nghiêm khắc mà nhìn nhận rằng, sự phát triển chưa được tương xứng với sự phát triển về kinh tế, thậm chí có nhiều mặt đáng lo ngại, lo ngại đến mức báo động. Môi trường văn hóa chỗ này chỗ nọ, lúc này lúc khác bị ô nhiễm. Nếu môi trường văn hóa bị ô nhiễm thì khó hoặc không thể nào phòng và chống kiêu ngạo, công thần được; không thể nào xây dựng được đội ngũ đảng viên tốt được. Nói như câu ngạn ngữ của nước ngoài: nếu trong môi trường bị ô nhiễm mà làm cứ muốn chống được tiêu cực thì bất khả thi, như “con lạc đà chui qua lỗ kim”. Môi trường tốt sẽ góp phần cực kỳ quan trọng làm ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, trong đó có căn bệnh kiêu ngạo, công thần.
Văn hóa chính trị ở Việt Nam đang có xu hướng trượt dốc. Chỉ riêng về mặt công tác cán bộ, một lĩnh vực then chốt của then chốt, thì gần đây bộc lộ tiêu cực một cách đáng báo động. Ngay trong Đảng, tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kể cả trong cán bộ cấp cao, diễn ra từ lâu mà đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kỳ nào cũng nêu nhưng vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi được. Đỉnh điểm của tiêu cực trong hệ thống chính trị là tham nhũng; là bệnh nói nhiều làm ít, nói thì hay làm thì dở, nói mà không làm và nói một đằng làm một nẻo; cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không là công dân tốt; đó là cán bộ, đảng viên không trung thực, không hướng nội mà tự phê bình và phê bình.
Vì vậy, nên coi làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức là một trong những điểm nhấn, vừa là điều kiện tiên quyết (tùy lúc, tùy nơi) nhưng lại vừa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để chống tiêu cực trong Đảng, trong đó có căn bệnh kiêu ngạo, công thần. Cần có thể chế bảo đảm như là một nội dung của môi trường văn hóa đạo đức. Có thể chế (Hiến pháp, pháp luật, những quy định dưới luật...) để chế định hành vi của con người; đồng thời, tích cực thực hiện chúng trong cuộc sống.
Thực hiện thật tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng
Đó là Đảng phải luôn luôn “theo chủ nghĩa Mác-Lênin”, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; thực hiện tốt tập trung dân chủ; thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; thực hiện tự phê bình và phê bình; chú trọng kết nạp những người ưu tú vào Đảng và luôn luôn làm trong sạch Đảng, loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi Đảng; phải hoạt động đúng pháp luật; có trách nhiệm với dân và tăng cường mối quan hệ mật thiết với dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phải coi giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; phải có tình đoàn kết quốc tế. Đặt vấn đề như Hồ Chí Minh trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, trước hết phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân rồi đi đến nâng cao đạo đức cách mạng. “Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”11. Trong xây dựng Đảng hiện nay là phải quyết tâm thực hiện một cách thật sự nghiêm chỉnh Nghị quyết HNTƯ 4 khóa XII (10-2016) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Có như vậy mới đấu tranh có hiệu quả để chống các biểu hiện tiêu cực ở trong Đảng, trong đó có bệnh kiêu ngạo, công thần.
Cái tốt trong xã hội nước ta đang hiện hữu cùng những tiêu cực. Bệnh kiêu ngạo, công thần tưởng là cá biệt nhưng không phải vậy. Bệnh này gây bức xúc khá lớn cho xã hội. Trên bước đường phát triển, cách mạng Việt Nam luôn gặp những khó khăn, trở ngại, đó là điều thông thường. Yêu cầu đặt ra trong xây dựng Đảng hiện nay là tích cực hơn nữa trong phòng và chống kiêu ngạo, công thần. Trong cuộc đấu tranh này, hãy bắt đầu từ sự tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của từng cá nhân cán bộ, đảng viên, nhất là từ những người đã và đang có một số công trạng đối với cách mạng. Đảng có trong sạch, vững mạnh hay không, đội ngũ cán bộ, đảng viên có trong sạch, vững mạnh hay không còn phụ thuộc vào việc phòng và chống căn bệnh kiêu ngạo, công thần.
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng, đặc biệt phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình, thường xuyên tự phê bình mình; khiêm tốn, thật thà, không được đố kỵ, luôn luôn tự răn mình, tự hạ mình xuống thấp hơn tổ chức Đảng và nhân dân, luôn luôn thấy mình kém cỏi để vươn lên, chứ không phải dương dương tự đắc, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải tránh biểu hiện “vác mặt quan cách mạng”, lúc nào cũng “dán lên trán hai chữ cộng sản” để lòe người khác, v.v. Hơn lúc nào hết, Đảng càng phải thấm thía lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, những lời tâm huyết về xây dựng Đảng, rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”12.


Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 1/2020
1, 2, 3, 4, 5, 11, 12 Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 295, 326, 295, 546-547, 547, 547, 672
6, 7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, CTQG, H, 2016, tr.126, 126, 127, 127, 47.
GS, TS MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

1. Nhận diện bệnh kiêu ngạo, công thầnTừ cổ chí kim, bệnh kiêu ngạo, công thần thường gặp ở một số người trong bộ máy của hệ thống chính trị. Thì cũng có ít nhiều công trạng bây giờ người ta thể hiện ra chút vị thế “cân - đong - đo - đếm” về quan hệ trên-dưới, đồng hàng, đồng cấp với nhau trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của nước nhà xem ai hơn người ta, v.v. Đỏ ngực đeo đầy huân huy chương, nhưng đó là niềm tự hào tại sinh hoạt cộng đồng, nhất là mỗi khi có lễ trọng, chứ không phải kiêu ngạo, công thần. Còn kiêu ngạo, công thần lại khác. Kiêu ngạo, công thần có khi đó chỉ là hành động chỉ là cho oai, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Có khi đó là một ti

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn