Quản lý phát triển xã hội là vấn đề được các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và các nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm, bởi vai trò và sự tác động của nó liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội bền vững, nhằm bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết làm rõ quan điểm của Đảng, thực trạng, vấn đề đặt ra và đưa ra một số khuyến nghị về mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay. 

Một số vấn đề về mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
Một số vấn đề về mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới

1. Quan niệm về mô hình quản lý phát triển xã hội

Phát triển xã hội là khái niệm đa nghĩa. Phát triển xã hội theo nghĩa hẹp là sự phát triển của cá nhân và cộng đồng về mặt xã hội trên cơ sở quan tâm giải quyết hợp lý các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội(1). Theo quan niệm của Liên hợp quốc, phát triển xã hội là quá trình chuyển đổi dẫn đến sự cải thiện cuộc sống con người, cải thiện các quan hệ xã hội và thể chế xã hội hướng đến tính bình đẳng, bền vững và phù hợp với các nguyên lý về quản trị dân chủ và công bằng xã hội(2). Theo quan niệm này, có hai phương diện cần lưu ý: (i) Các chính sách phát triển xã hội và các thành tựu trong các lĩnh vực xã hội như: giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin...; (ii) Các chính sách đối với các giai cấp, các nhóm xã hội và thành tựu về quan hệ xã hội và thể chế xã hội nhằm bảo đảm an ninh, phẩm giá và sự hòa nhập của con người với xã hội.

Quản lý phát triển xã hội là sự tác động tự giác, có tổ chức của chủ thể quản lý đến các khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội...) nhằm mục tiêu phát triển xã hội. Quản lý phát triển xã hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi: Phát triển cơ cấu xã hội (cơ cấu các giai tầng xã hội; cơ cấu dân số, dân cư, dân tộc, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp...); Định hướng, kiểm soát các biến đổi xã hội (phân tầng xã hội, di động xã hội...); Thực hiện các bảo đảm xã hội (an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, hòa nhập và tái hòa nhập xã hội...); Thực thi chính sách xã hội phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, địa bàn nhằm hài hòa quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích; Xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh (bất bình đẳng xã hội, rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội...), bảo đảm sự ổn định, phát triển xã hội(3).

Mô hình quản lý phát triển xã hội là vấn đề được bàn luận khá nhiều ở nước ta trong thời gian gần đây và hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau. Có quan niệm cho rằng, trước đổi mới, chúng ta thực hiện quản lý phát triển xã hội theo mô hình kế hoạch hóa; còn trong thời kỳ đổi mới, mô hình quản lý phát triển xã hội của Việt Nam là: “Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội(4). Có ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có mô hình quản lý phát triển xã hội đầy đủ(5). Có quan niệm khẳng định: sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong việc phát triển mô hình quản lý phát triển xã hội(6).

Từ tiếp cận lý luận chính trị, mô hình quản lý phát triển xã hội là sự khái quát lý luận và thực tiễn các đặc trưng, nguyên tắc, thiết chế, cơ chế, phương thức quản lý phát triển xã hội của một quốc gia trong giai đoạn lịch sử nhất định. Với ý nghĩa đó, mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam được xác lập, vận hành, điều chỉnh, hoàn thiện theo mục tiêu, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tiến trình đổi mới, phát triển đất nước gần 40 năm qua cũng chính là quá trình hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp với yêu cầu quá độ lên CNXH trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về quản lý phát triển xã hội trong thời kỳ đổi mới

Xét về thuật ngữ, đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), khái niệm quản lý phát triển xã hội mới chính thức được sử dụng trong Văn kiện Đại hội, nhưng trong suốt tiến trình cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng XHCN, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện các chính sách xã hội. Theo đó, chính sách xã hội bao gồm các chính sách về y tế, giáo dục... và chính sách đối với các giai tầng xã hội.

Tuy Đảng chưa sử dụng thuật ngữ mô hình quản lý phát triển xã hội, song trong tư duy và thực tiễn đã thể hiện rõ mô hình quản lý phát triển xã hội với những nội dung, mục tiêu, đặc điểm, nguyên tắc, thiết chế, thể chế, phương thức cụ thể. Đó là:

Thứ nhất, mục tiêu, đặc trưng quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hướng đến hệ giá trị xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, đồng thuận, đoàn kết, bền vững, hạnh phúc... Mục tiêu phát triển xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa là đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Thực hiện “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”(7).

Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, các quan hệ lợi ích trong xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội cụ thể, thiết thân đối với các giai cấp, tầng lớp, nhóm, thành phần xã hội (bảo đảm việc làm, thu nhập, các dịch vụ y tế, giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, môi trường sống...).

Xây dựng cộng đồng “xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh”(8); trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi chính đáng, đoàn kết chặt chẽ, góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh”(9), không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(10).

Thứ hai, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam có khách thể, đối tượng, nội dung rộng lớn và phức tạp. Đó là các quan hệ xã hội, các hoạt động xã hội, các chiều cạnh xã hội, các quá trình xã hội của con người (giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nhóm xã hội....) với những nhu cầu, lợi ích đa dạng trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Ngay từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng đã khẳng định: “Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hóa, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc...”(11).

Năm 1995, Báo cáo quốc gia của Chính phủ Việt Nam về phát triển xã hội tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội tại Copenhagen xác định 10 vấn đề xã hội cần phải được quản lý phát triển là: (1) Giải quyết việc làm; (2) Xóa đói giảm nghèo; (3); Hòa nhập xã hội; (4) Tăng cường vai trò của gia đình; (5) Phát triển giáo dục; (6) Dân số - kế hoạch hóa gia đình; (7) Chăm sóc sức khỏe nhân dân; (8) Bảo trợ xã hội; (9) Môi trường; (10) Hạn chế và ngăn ngừa các hành vi phạm tội(12).

Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (mục Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội), Đại hội XIII của Đảng (mục Quản lý phát triển xã hội bền vững; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội), thể hiện rõ khách thể, đối tượng, nội dung rộng lớn, toàn diện của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam.

Thứ ba, nguyên tắc, thể chế, phương thức, cơ chế tổ chức, vận hành quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Theo đó, phải “nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”(13); cùng với vai trò nòng cốt là Nhà nước, nhân dân tích cực tham gia công tác quản lý phát triển xã hội. Quản lý xã hội toàn diện, chặt chẽ; “xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”(14). Thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trong từng chính sách. Thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Bảo đảm hài hòa các quan hệ lợi ích; quyền lợi và nghĩa vụ; cống hiến và thụ hưởng... Bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN; và để đất nước Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua toàn cầu(15) nhằm tiến kịp, tiến cùng thời đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Thứ tư, chủ thể quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các nhóm xã hội, cộng đồng xã hội, các tổ chức kinh tế(16)... Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của Nhà nước và các tổ chức ngoài nhà nước và toàn xã hội. Quản lý phát triển xã hội đòi hỏi tính tự giác cao của các chủ thể, trong đó Nhà nước là chủ thể quan trọng, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp là nòng cốt, nhân dân là chủ thể quyết định. Nhà nước xây dựng thể chế, thiết chế quản lý xã hội; các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp là nòng cốt vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện để phát huy quyền làm chủ, quyền tự quản của nhân dân(17).

Trong bối cảnh hiện nay, cần phải “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và truyền thống tốt đẹp, tương thân, tương ái của dân tộc ta. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đồng thời huy động sự tham gia mạnh mẽ của toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế”(18).

Thứ năm, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội có vai trò quan trọng trong đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(19). Chính sách xã hội không chỉ là chính sách trợ cấp, cứu trợ, từ thiện mà đó là hệ thống chính sách phát triển. Chính sách xã hội có liên quan gắn kết, chịu tác động của các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa nhưng nó có tính độc lập tương đối, có vai trò thâm nhập, tác động đến chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa. Theo đó, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phải được đặt ngang tầm, đồng bộ, tương thích, hài hòa, gắn kết với phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và quản lý phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa.

3. Kết quả và một số vấn đề đặt ra trong mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Kết quả đạt được trong quản lý phát triển xã hội

Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã ngày càng nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Đối tượng, nội dung quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam ngày càng rộng mở, bao trùm, toàn diện, đồng thời bảo đảm trọng tâm, trụ cột, ưu tiên. Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý phát triển xã hội cơ bản đồng bộ, toàn diện, khả thi(20) và trên thực tế đã bảo đảm tốt hơn các quyền an sinh xã hội của người dân.

Đến năm 2020, 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú. Thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu, nhất là trong thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%. Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng và trở thành trụ cột quan trọng của an sinh xã hội. Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, bảo đảm quyền học tập, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông của nhân dân(21)...

Đến nay, trên 95% người lớn biết đọc, biết viết; trên 70 dân số sử dụng internet. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021 thuộc nhóm có HDI cao của thế giới; hệ số GINI về bất bình đẳng thu nhập nằm trong mức kiểm soát được (dưới 0,4). Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, đồng thuận, đoàn kết, bền vững, hạnh phúc... trở thành mục tiêu, động lực và hệ giá trị của đổi mới, phát triển ở Việt Nam. Chính những giá trị này đã góp phần làm cho tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước không ngừng nâng cao. Với ý nghĩa đó, rõ ràng, mô hình, con đường phát triển của Việt Nam không chỉ có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản có cùng mức phát triển kinh tế(22).

Tuy nhiên, kết quả đó cũng mới chỉ là bước đầu. Lĩnh vực xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và thiếu bền vững. Một số chính sách xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, các nhóm đối tượng còn lớn. Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao(23). Ở một số cộng đồng dân cư vẫn có hiện tượng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và xã hội. Sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong quản lý, sự thiếu phối hợp, gắn kết giữa các chủ thể trong lãnh đạo, quản lý phát triển xã hội vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Trên một số phương diện, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội chưa thật sự ngang tầm, đồng bộ, tương thích với phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa.

Một số vấn đề đặt ra về mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, thực tiễn cho thấy, trong nhận thức và vận hành mô hình quản lý phát triển xã hội đang có những lúng túng nhất định. Phải chăng, trong mô hình quản lý phát triển xã hội quốc gia còn có hệ thống các “tiểu mô hình”. Trong nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần xác lập, định danh, hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN và Nhà nước pháp quyền XHCN đã được xác định cụ thể. Do đó, cũng cần định danh chính thức mô hình phát triển văn hóa và mô hình quản lý phát triển xã hội phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Thứ hai, yêu cầu bảo đảm định hướng XHCN và thể hiện rõ ưu việt của CNXH trên lĩnh vực xã hội trong khi thực trạng quản lý phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Thời kỳ trước đổi mới, mặc dù gặp không ít khó khăn, song nước ta cũng như nhiều nước XHCN đã cố gắng và đạt được nhiều thành quả, giá trị xã hội thể hiện ưu việt của CNXH, nhất là trong giáo dục, y tế, việc làm, chăm sóc trẻ em, bảo vệ, bảo đảm quyền của phụ nữ, người cao tuổi... Hiện nay, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, Cuba vẫn duy trì được những ưu việt đó. Trong đại dịch Covid -19, Việt Nam đã nỗ lực và giải quyết tốt nhiều vấn đề xã hội được nhân dân và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa(24). Song, bối cảnh đó cũng là sự kiểm nghiệm, làm bộc lộ những hạn chế, bất cập, sự thiếu bền vững của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, trong đó có những hạn chế, bất cập không thể xem thường.

Thứ ba, yêu cầu quản lý phát triển xã hội toàn diện, chặt chẽ, thống nhất trong khi trên thực tế vẫn còn chưa bao quát hết các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội, thể chế pháp luật còn thiếu đồng bộ. Có nội dung chính sách, điều luật chưa đủ sức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân hoặc còn dung dưỡng tính thụ động, ỷ lại, không khuyến khích tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chính sách xã hội(25).

Trong không ít các chương trình, kế hoạch, báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, các địa phương, nội dung xã hội, khía cạnh xã hội vẫn ít được đề cập. Nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể bảo vệ trẻ em, chống bạo lực gia đình, học đường... song không ít trẻ em vẫn bị bạo hành, xâm hại ngay tại gia đình, nhà trường, trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo trong cộng đồng những năm gần đây bên cạnh những ưu điểm cần phát huy cũng nảy sinh nhiều vấn đề với những hệ lụy phức tạp.

Thứ tư, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội theo yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình, thực hiện cam kết quốc tế, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu(26).

Quản lý phát triển xã hội theo hướng phát huy vai trò của đa chủ thể, trong đó Nhà nước là trụ cột, làm vai trò kiến tạo phát triển. Bộ máy tổ chức, quản lý phát triển xã hội đòi hỏi phải hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở giảm đầu mối, giảm các khâu trung gian và tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đó là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu. Trong khi đó, hạ tầng, tổ chức bộ máy quản lý phát triển xã hội của nước ta đang có nhiều hạn chế, lạc hậu, chồng chéo.

Hơn nữa, yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, trong đó có quản trị, quản lý phát triển xã hội theo hướng hiện đại, hiệu quả là rất cấp thiết nhưng trên thực tế những năm gần đây đang tồn tại tư tưởng sợ trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, không dám nói, không dám làm, không dám hành động vì lợi ích chung, trong đó có những vấn đề xã hội bức xúc, nổi cộm...

Thứ năm, yêu cầu tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội với một cơ cấu, cấu trúc xã hội(27) tương thích với cơ cấu, cấu trúc, mô hình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, bảo đảm định hướng XHCN, phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế của thời đại.

Mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn Việt Nam và tham khảo, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế. Song, không thể bằng ý chí chủ quan mà phải trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng các quy luật, tính quy luật khách quan của thời kỳ quá độ lên CNXH(28).

Phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam phải trên cơ sở nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, như: quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ gắn liền tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

4. Một số khuyến nghị về mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, cần khẩn trương nghiên cứu, định danh, định hình rõ, chính thức mô hình quản lý phát triển xã hội trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam để phù hợp, đồng bộ, tương thích với mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN; mô hình phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (4 trụ cột thuộc 4 lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội). Nhiều nước còn nói đến trụ cột môi trường trong tam giác phát triển bền vững, hay trụ cột “văn minh sinh thái” trong “ngũ vị nhất thể” của mô hình CNXH đặc sắc Trung Quốc(29). Các mục tiêu, nội dung, đặc trưng của mô hình quản lý phát triển xã hội như: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, đồng thuận, đoàn kết, bền vững, hạnh phúc... đã được định hình và xác lập cả về lý luận và thực tiễn.

Do đó, theo chúng tôi, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần nghiên cứu ban hành một Nghị quyết mới về chính sách xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, nên có một khái quát lý luận chính thức về xây dựng, hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa theo định hướng XHCN.

Hai là, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, đối tượng, điều kiện, nội dung, chủ thể của phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Đầu tư cho phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội là đầu tư cho phát triển bền vững. Phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả là điều kiện trung tâm để phát triển xã hội(30), song, hiện nay, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phải được đặt ngang tầm, đồng bộ, tương thích, hài hòa, gắn kết với phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa và quản lý phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa với nội dung bao trùm, toàn diện, chặt chẽ hướng đến lợi ích xã hội và hệ giá trị xã hội(31): dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hài hòa, đồng thuận, đoàn kết, bền vững, hạnh phúc...

Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội không chỉ là trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan chuyên ngành mà là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, bộ, ngành, địa phương. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội... Những nội dung đó phải được nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp để luôn chủ động, trách nhiệm sáng tạo trong xây dựng, thực thi chính sách về phát triển xã hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và tổ chức, bộ máy để hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội theo yêu cầu đổi mới nền quản trị quốc gia(32). Đây là một trong 3 khâu đột phá chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng. Không khắc phục được rào cản, điểm nghẽn về thể chế thì đột phá về hạ tầng và nguồn nhân lực cho đổi mới, phát triển đất nước nói chung, trong đó có đổi mới, phát triển xã hội nói riêng cũng không thể thực hiện được. Do vậy, cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh việc thể chế hóa các định hướng, quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội(33).

Mọi quyết định của Đảng, Nhà nước về chính sách, luật pháp, về tổ chức bộ máy (tách, nhập cơ quan, bộ ngành, địa phương...) và nhân sự đều phải quan tâm đúng mức đến khía cạnh xã hội, nội dung xã hội, chi phí xã hội, tác động xã hội. Thể chế, chính sách, pháp luật quản lý phát triển xã hội phải bảo đảm “thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”(34).

Bốn là, nghiên cứu, tham khảo, vận dụng kinh nghiệm quốc tế về quản trị quốc gia hiện đại, quản trị phát triển xã hội thông minh, hiệu quả.

Kinh nghiệm nhiều nước, nhất là các nước Bắc Âu cho thấy, trong quản trị quốc gia, quản lý phát triển xã hội, mấu chốt vẫn là vấn đề xử lý mối quan hệ giữa thị trường - nhà nước - xã hội(35). Vai trò, mức độ, thứ tự ưu tiên của các nhân tố trong các giai đoạn, thời kỳ ở mỗi nước có thể khác nhau, song không nước nào có thể thành công trong phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nếu chỉ dựa vào một trong ba trụ cột mà xem nhẹ hai trụ cột kia: nhà nước, xã hội hay thị trường. Chính sách lao động, việc làm phải là trọng tâm ưu tiên trong các chính sách phát triển kinh tế, xã hội.

Kiên trì theo đuổi mục tiêu, giá trị cốt lõi, đồng thời cũng rất linh hoạt, sáng tạo trong điều chỉnh các chính sách cụ thể khi tình hình, điều kiện có thay đổi. Nhà nước phúc lợi không chỉ phân phối lại, nhà nước phải phân phối trước bằng cách đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, cơ sở hạ tầng... để tạo ra cơ hội bình đẳng cho mọi người(36). Nhà nước không chỉ có mặt để sửa chữa những thất bại của thị trường; nhà nước phải hướng dẫn, hỗ trợ và ban hành chính sách, thể chế thúc đẩy lộ trình chuyển đổi hoạt động các công ty và toàn bộ nền kinh tế và tiêu dùng theo phương thức xanh(37).

Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là tất yếu, song quá trình này phải được tổ chức thực hiện một cách bài bản, chắc chắn và không được quên rằng, chính con người chứ không phải máy móc, đảm nhận vị trí “người cầm lái”. Đó là những kinh nghiệm quốc tế rất quý mà trên thực tế Việt Nam đã tham khảo, vận dụng và cần tiếp tục tham khảo, vận dụng sáng tạo trong điều kiện hiện nay.

Năm là, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”(38). Chính sách xã hội, nội dung xã hội, mục tiêu xã hội phải có vị trí xứng đáng trong các chương trình, kế hoạch, báo cáo kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với báo cáo kinh tế quốc gia thường niên cần có báo cáo xã hội quốc gia thường niên.

Tiếp tục vận dụng, áp dụng các chỉ số đo lường, đánh giá, chỉ báo về xã hội và phát triển xã hội ở cấp độ quốc gia và địa phương, tiến tới xây dựng bộ chỉ số phát triển xã hội(39), trong đó có chỉ số phát triển con người HDI, chỉ số nghèo đa chiều MPI, chỉ số tiến bộ xã hội SPI, các mục tiêu phát triển bền vững SDG... Việc vận dụng, áp dụng các chỉ số quốc tế về đánh giá, đo lường phát triển kinh tế - xã hội vừa là áp lực và là động lực cho đổi mới, phát triển và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam(40).

Các tiêu chí, chỉ số đánh giá càng đầy đủ, toàn diện, khách quan thì việc khẳng định, ghi nhận, tôn vinh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt; bảo vệ tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung và nhận diện, đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong giải quyết các vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội càng dễ dàng, thuận lợi./.

GS, TS Lê Văn Lợi
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Lý luận chính trị)

 

_________________

 

(1) Ngô Ngọc Thắng - Đoàn Minh Huấn (Đồng chủ biên): Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội (Những vận dụng đối với Việt Nam hiện nay), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.21.

(2) United Nations Research Institute of Social Development: Social development in a Uncertain world, 2011, http://www.unrisd.org/research-agenda

(3), (17) Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.260-261, 260-261.

(4), (28) Lê Thị Thanh Hà: Xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội theo quan niệm của C.Mác, https://hdll.vn/, ngày 11- 03-2022.

(5), (39) Trịnh Duy Luân: Mô hình và thực tiễn quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11-2018, tr. 35, 40.

(6), (15) Nguyễn Quang Thuấn: Mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, https://hdll.vn, ngày 06-12-2022.

(7), (10), (13), (14), (32), (33), (34), (38) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.116, 202, 147, 148, 203, 147-152, 285, 47.

(8), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.104, 79.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.145.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.768.

(12) Nguyễn Thanh Tuấn: Bàn về phát triển và quản lý lĩnh vực xã hội, http://www.molisa.gov.vn, ngày 03-01-2012.

(15) Nguyễn Quang Thuấn: Mô hình quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, https://hdll.vn, cập nhật ngày 06-12-2022.

(16) Hoàng Chí Bảo - Đoàn Minh Huấn (Đồng chủ biên): Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội hiện nay vận dụng cho Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.49.

(18) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

(19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.79.

(20) Tiêu biểu như: Bộ luật Lao động; Luật việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Người cao tuổi; Luật Công đoàn; Luật Thanh niên; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống mua bán người; Pháp lệnh Dân số; Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Nhà ở, Luật Cư trú; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(21), (23) Kết luận số 92-KL/TW ngày 05-11-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

(22), (24) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.33, 33.

(23) Kết luận số 92-KL/TW ngày 05-11-2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.

(25), (40) Xem thêm Lê Văn Lợi: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới, http://lyluanchinhtri.vn, ngày 12-10-2021.

(26) Nguyễn Hữu Hoàng, Trần Văn Huấn: Quản lý phát triển xã hội của Việt Nam trong bối cảnh xã hội số và xã hội siêu thông minh, VNU Journal of Science: Policy and Management Studies, Vol. 37, No. 3 (2021) 35-51.

(27), (31) Đỗ Văn Quân: Chủ động dự báo và xây dựng cấu trúc xã hội phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2045, https://tuyengiao.vn, ngày 7-10-2022.

(29) Đỗ Tiến Sâm: Những sáng tạo mới về lý luận Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong Đại hội XIX, http://vnics.org.vn, ngày 21-05-2019.

(30) Ngô Thắng Lợi: Quản lý phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam, https://mof.gov.v, ngày 01-02-2022.

(35) Lê Anh: Mô hình kinh tế - xã hội Bắc Âu: Thành tựu và bài học kinh nghiệm, https://dangcongsan.vn, ngày 23-03-2018.

(36) Thomas Piketty (Trần Thị Kim Chi, Hoàng Thạch Quân dịch; Vũ Thành Tự Anh hiệu đính): Tư bản thế kỷ XXI, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2021, tr.592.

(37) Susanne Beyer, Simon Book, Thomas Schulz: Chủ nghĩa tư bản - tìm một hành trình êm ái hơn, https://diendankhaiphong.org.

1. Quan niệm về mô hình quản lý phát triển xã hội Phát triển xã hội là khái niệm đa nghĩa. Phát triển xã hội theo nghĩa hẹp là sự phát triển của cá nhân và cộng đồng về mặt xã hội trên cơ sở quan tâm giải quyết hợp lý các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội(1). Theo quan niệm của Liên hợp quốc, phát triển xã hội là quá trình chuyển đổi dẫn đến sự cải thiện cuộc sống con người, cải thiện các quan hệ xã hội và thể chế xã hội hướng đến tính bình đẳng, bền vững và phù hợp với các nguyên lý về quản trị dân chủ và công bằng xã hội(2). Theo quan niệm n&a

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn