Một số suy nghĩ về vai trò của triết học trong bối cảnh hiện nay
Một số suy nghĩ về vai trò của triết học trong bối cảnh hiện nay

Từng được mệnh danh là “khoa học của mọi khoa học” với tham vọng có thể giải quyết mọi vấn đề của giới tự nhiên, xã hội và con người, cùng với sự phát triển của xã hội, triết học buộc phải nhường bớt chức năng cho các khoa học cụ thể, các khoa học chuyên ngành để trở về với đối tượng và chức năng đích thực của mình là suy tư về thế giới và vị trí, vai trò của con người trong thế giới. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, nhiều trường phái, nhiều nhà triết học đã xuất hiện và đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi thời đại. Trong suốt chiều dài lịch sử không ít trường phái triết học, không ít nhà triết học tự coi mình là đỉnh cao của tư duy nhân loại mà không một hệ thống triết học nào cũng như một nhà triết học nào có thể vượt qua được. Nhưng lịch sự phát triển của triết học vẫn tự vạch đường đi của mình bằng sự thay thế của các trường phái triết học cũ bằng trường phái triết học mới phù hợp hơn với sự phát triển của thời đại. Nói như vậy, không có nghĩa là những trường phái triết học cũ là những thứ không có giá trị mà trái lại nó luôn có giá trị và ý nghĩa lịch sử nhất định mà chúng ta cần phải trân trọng và kế thừa những giá trị và những hạt nhân hợp lý của nó.

Sự thay đổi nhanh chóng và khó đoán định trong những thập kỷ qua đã đặt ra nhiều vấn đề to lớn cho các khoa học nghiên cứu về tự nhiên, xã hội, con người; trong đó có triết học phải suy nghĩ về chức năng và vai trò của mình. Điều đó đang đặt ra cho những người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu triết học trên thế giới phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm về vai trò của triết học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Trong vài thập kỷ gần đây, với những thành tựu của khoa học hiện đại, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học thế giới luôn suy nghĩ lại một cách nghiêm túc vai trò của triết học trong thế giới hiện đại. Một câu hỏi được đặt ra là triết học là gì và có thể đóng vai trò như thế nào đối với con người và xã hội loài người?

Thật vậy, nếu nhìn vào chủ đề những chủ đề đại hội gần đây, chúng ta có thể nhận thấy, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học trên thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vai trò của triết học đối với thực tiễn và cuộc sống con người. Chủ đề của Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXII là Nhận thức lại triết học hiện nay (Rethinking Philosophy today), còn của Đại hội lần thứ XIII là Triết học với tư cách là sự nhận thức và lối sống (Philosophy as Inquiry and Way of Life). Chủ đề của Đại hội lần thứ XXIV lại bàn đến một vấn đề mang tính triết lý sâu sắc: Học để làm người (Learning to be Human), còn chủ đề của Đại hội lần thứ XXV lại là Triết học vượt qua những giới hạn.

Nếu chủ đề của đại hội XXII là vấn đề chung cho triết học thì 3 chủ đề tiếp theo lại đi vào các khía cạnh cụ thể thể hiện vai trò của triết học, từ các khía cạnh nhận thức, lối sống đến học làm người và giúp con người vượt qua những giới hạn. Tuy nhiên, dù chủ đề của đại hội có bàn đến những vấn đề chung về vai trò của triết học hay các khía cạnh cụ thể của nó thì những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học trên thế giới đều xuất phát từ lập trường triết học, từ trường phái triết học hay từ góc độ triết học của mình để giải quyết vấn đề do Đại hội đề ra. Chẳng hạn, những người theo triết học Mác thì xuất phát từ lập trường mácxit, còn những người theo Nho giáo thì xuất phát từ quan điểm của Nho giáo, thậm chí có người còn đứng từ những quan điểm của một nhà triết học của nước mình, ít được thế giới biết đến để giải quyết vấn đề.

Ở Việt Nam, vấn đề giảng dạy triết học được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, đặc biệt từ khi miền Nam được giải phóng. Điều đó được thể hiện ở chỗ khoa Triết học được thành lập ở 2 trường đại học là Đại học tổng hợp Hà Nội và Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và sau này ở một số trường đại học khác; triết học được giảng dạy trong tất cả các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam.

Cùng với thực tế đó thì vai trò của triết học luôn được thảo luận và đặt đi đặt lại một cách nghiêm túc. Khi nói về vai trò của triết học, vấn đề đặt ra trước hết là triết học Mác – Lênin có vai trò gì đối với hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người và trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của triết học Mác – Lênin có thay đổi không?

Triết học Mác – Lênin, như chúng ta đều biết, là một trong ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác. Theo V.I. Lênin, triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật. Nhưng Mác không dừng lại ở chủ nghĩa duy vật của thế kỷ XVIII với những thiếu sót chủ yếu nhất của nó là máy móc, siêu hình và duy tâm khi xem xét các hiện tượng xã hội. C. Mác và Ph. Ăngghen đã khắc phục các thiếu sót ấy, đẩy triết học tiến lên hơn nữa bằng cách tiếp thu một cách có phê phán những thành quả của triết học cổ điển Đức và nhất là của hệ thống triết học Hêghen. Trong những thành quả đó thì thành quả chủ yếu là phép biện chứng, tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và thoát hẳn được tính phiến diện. Tuy nhiên, phép biện chứng của Hêghen là phép biện chứng duy tâm và dưới dạng đó thì không thể dùng được. Vì vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã cải tạo nó, giải thích nó trên lập trường duy vật. Chính trong quá trình cải tạo phép biện chứng duy tâm của Hêghen và phát triển tiếp tục chủ nghĩa duy vật cũ, trên cơ sở khái quát hóa các thành tựu của khoa học tự nhiên và thực tiễn xã hội cho đến giữa thế kỷ XIX, C. Mác và Ph. Ăngghen đã sáng tạo ra phép biện chứng duy vật hay chủ nghĩa duy vật biện chứng. V. I. Lênin chỉ rõ rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng đó chính là triết học của chủ nghĩa Mác.

Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật và của phép biện chứng gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau, bởi vì một chủ nghĩa duy vật triệt để bao giờ cũng phải mang tính chất biện chứng và ngược lại, một phép biện chứng triệt để bao giờ cũng phải là phép biện chứng duy vật. Chính vì vậy, chúng tạo nên một lý luận thống nhất - lý luận biện chứng duy vật, hay, vì những lý do trên, có thể gọi một cách vắn tắt hơn là lý luận biện chứng - một lý luận, nói theo cách nói của V.I. Lênin, được đúc bằng một khối thép duy nhất, trong đó người ta không thể bỏ một tiền đề cơ bản nào, một phần chủ yếu nào mà không xa rời chân lý khách quan; vì vậy, sẽ là sai lầm nếu cho rằng, trong triết học mácxít chỉ có chủ nghĩa duy vật mới là lý luận, còn phép biện chứng chỉ là phương pháp. Thực ra thì cả chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng đều đóng vai trò là lý luận, bởi vì không chỉ các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật, mà cả các nguyên lý của phép biện chứng trước hết đều là sự phản ánh khái quát quá trình vận động và phát triển của hiện thực. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà V.I. Lênin đã gọi phép biện chứng là học thuyết về sự phát triển, tức là lý luận về sự phát triển.

Nếu phép biện chứng duy vật là khoa học về các quy luật vận động và phát triển phổ biến của cả tự nhiên, xã hội và tư duy thì chủ nghĩa duy vật lịch sử là bộ môn khoa học nghiên cứu riêng các quy luật vận động và phát triển của xã hội. Nhưng, khác với các bộ môn khoa học xã hội chuyên ngành như văn học, sử học, ngôn ngữ học, luật học, kinh tế học, v.v…chủ nghĩa duy vật lịch sử không nghiên cứu từng mặt riêng biệt của đời sống xã hội, mà nghiên cứu toàn bộ xã hội như một chỉnh thể thống nhất. Các quy luật mà nó nghiên cứu là những quy luật phổ biến tác động trong tất cả hoặc trong nhiều hình thái kinh tế - xã hội.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử, theo V.I. Lênin, chính là sự vận dụng triệt để chủ nghĩa duy vật để xem xét lĩnh vực các hiện tượng xã hội . Những nguyên lý và quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật nói chung, của chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng đã được trình bày vắn tắt ở trên, như chúng ta thấy, là sự phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ phổ biến nhất của hiện thực khách quan. Vì vậy, chúng có giá trị định hướng rất lớn cho con người trong hoạt động thực tiễn của mình. Giá trị định hướng này, về nguyên tắc, không khác với giá trị định hướng của các nguyên lý và quy luật chung do một bộ môn khoa học chuyên ngành nào đó nêu lên về một lĩnh vực nhất định của hiện thực, chẳng hạn, không khác với giá trị định hướng của định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng, của định luật vạn vật hấp dẫn, của quy luật giá trị, v.v… Cái khác chỉ là ở chỗ, vì các nguyên lý và quy luật của phép biện chứng duy vật là sự phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ phổ biến nhất của cả tự nhiên, xã hội và tư duy cho nên chúng có tác dụng định hướng không phải chỉ trong một phạm vi nhất định nào đấy như đối với các nguyên lý và quy luật do các khoa học chuyên ngành nêu lên, mà trong tất cả mọi trường hợp. Chúng giúp cho con người khi bắt tay vào nghiên cứu và hoạt động cải biến sự vật không phải xuất phát từ một mảnh đất trống không mà bao giờ cũng xuất phát từ một lập trường nhất định, thấy trước được phương hướng vận động chung của đối tượng, xác định được sơ bộ các mốc cơ bản mà việc nghiên cứu hay hoạt động cải biến sự vật phải trải qua, nghĩa là chúng giúp cho con người xác định được về đại thể con đường cần đi, có được phương hướng đặt vấn đề cũng như giải quyết vấn đề, tránh được những lầm lạc hay mò mẫm giữa một khối những mối liên hệ chằng chịt phức tạp mà không có tư tưởng dẫn đường.

Lâu nay, khi nói về vai trò của triết học Mác – Lênin, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam thường khẳng định triết học Mác – Lênin là triết học có vai trò không chỉ nhận thức thế giới mà còn cải tạo thế giới; đó là triết học thực tiễn. Nhưng vai trò đó cũng được thể hiện ở chức năng thế giới quan và phương pháp luận của nó như các khoa học cụ thể khác. Chính vì điều này mà trên thực tế đã xuất hiện thái độ coi thường vai trò của triết học. Những người giữ thái độ này cho rằng vì triết học nghiên cứu và giải quyết những vấn đề quá chung nên những kết quả nghiên cứu của nó chẳng có tác dụng thiết thực gì hết. Những người ủng hộ quan niệm này cho rằng cái cần và cái khó đối với những người làm công tác hoạch định chính sách và lãnh đạo các cấp là phải giải quyết những vấn đề cụ thể, mà để giải quyết được những vấn đề cụ thể do thực tiễn đất nước, của các ngành, các cấp đang đặt ra thì chỉ có cách là lao vào hoạt động thực tiễn và từ trong thực tiễn mà tìm ra câu trả lời chứ không thể trông chờ gì vào triết học được.

Chúng tôi cho rằng, mặc dù những vấn đề bức bách do cuộc sống, do hoạt động thực tiễn đặt ra bao giờ cũng là những vấn đề hết sức cụ thể, nhưng để giải quyết những vấn đề cụ thể ấy của cuộc sống một cách có hiệu quả, không một ai có thể lảng tránh việc giải quyết những vấn đề chung liên quan với các vấn đề cụ thể đó. V.I. Lênin đã từng nhận xét: “Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết các vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi, sẽ không bao giờ tránh khỏi “vấp phải” những vấn đề chung đó một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những sự dao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc (Chúng tôi nhấn mạnh). Tuy nhiên, không nên hiểu sự đóng góp này một cách giản đơn. Không nên hiểu hiệu quả của nghiên cứu triết học như hiệu quả nghiên cứu của các bộ môn khoa học - kỹ thuật, càng không nên hiểu nó như hiệu quả của hoạt động sản xuất trực tiếp. Các kết luận mà nghiên cứu triết học đạt tới không phải là lời giải đáp trực tiếp, cụ thể cho từng vấn đề cụ thể vô cùng đa dạng của cuộc sống, mà, như đã nói trên, nó là cơ sở cho việc xác định những lời giải đáp trực tiếp, cụ thể ấy. Chẳng hạn, kết luận mới của Đại hội VII: sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể về chủ nghĩa xã hội chứ không phải là sự sụp đổ của lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội. Đây là một kết luận có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc định hướng và chỉ đạo hoạt động lý luận và thực tiễn. Với kết luận đó, chúng ta có thể thấy lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị, nhưng cần được vận dụng một cách sáng tạo lý luận đó vào thực tiễn Việt Nam để tìm ra một mô hình mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tránh sự áp dụng một cách giáo điều, dập khuôn cứng nhắc các mô hình cụ thể của nước khác. Điều này cũng đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác là phải luôn vận dụng một cách sáng tạo lý  luận trong một hoàn cảnh cụ thể, với một điều kiện lịch sử cụ thể.

Hoặc quan niệm duy vật lịch sử của nghĩa Mác quan niệm rằng, sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Quá trình lịch sử tự nhiên được hiểu là sự phát triển tuân theo quy luật khách quan của sự vận động lịch sử, bao hàm cả sự phát triển tuần tự và sự nhảy vọt, bỏ qua một giai đoạn phát triển nào đó với những điều kiện nhất định. Nhưng dù có phát triển nhảy vọt hay rút ngắn đi chăng nữa thì sự phát triển của xã hội vẫn phải kế thừa những thành tựu quan trọng mà xã hội loài người đã đạt được. Thấm nhuần quan điểm đó, thực tiễn sinh động của công cuộc đổi mới của Việt Nam đã minh chứng cho lý luận về sự quá độ lên Chủ nghĩa xã hội của Việt Nam bỏ qua chế độ phát triển tư bản chủ nghĩa là đúng đắn và sáng tạo. Lý luận về sự bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; có thể nói, là sự bổ sung cho sự phát triển rút ngắn lên Chủ nghĩa hội ở Việt Nam. Theo lý luận đó, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tất cả những luận điểm lý luận mang tính triết học trên đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chỉ đạo hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn. Chúng cho phép chúng ta tránh được tư tưởng giáo điều, tư tưởng biệt phái lệ thuộc vào nhận thức cũ, hoặc coi tất cả cái gì của chủ nghĩa tư bản hoặc được chủ nghĩa tư bản sử dụng đều không tốt và chủ nghĩa xã hội không nên sử dụng. Nhờ vậy mà chúng ta mạnh dạn tìm tòi, xây dựng một mô hình chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa vừa mang những giá trị nhân loại vừa mang đặc sắc Việt Nam; đồng thời mạnh dạn sử dụng những thành tựu tiên tiến của chủ nghĩa tư bản trong xây dựng, phát triển đất nước và nhờ đó có thể phát triển rút ngắn, nhanh và bền vững lên chủ nghĩa xã hội.

Ví dụ trên đây cho thấy hiệu quả của nghiên cứu triết học nói riêng, lý luận nói chung chính là ở giá trị định hướng cho hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú và đa dạng của những kết luận chung, có tính khái quát cao mà nó đạt tới chứ không phải và không thể là những lời giải đáp cụ thể cho từng trường hợp cụ thể.

Những ví dụ đó và còn nhiều và còn nhiều ví dụ khác nữa là những bằng chứng cho thấy triết học đóng vai trò hết sức to lớn trong việc giải quyết những vấn đề rất cụ thể của cuộc sống.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu từ đó lại đi đến chỗ tuyệt đối hóa vai trò của triết học, nghĩ rằng chỉ cần nắm được triết học thì lập tức sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cụ thể của thực tiễn. Có nơi, có lúc, vì quá nhấn mạnh vai trò của triết học nên đã gây ra ở một số người ảo tưởng cho rằng, triết học là cái chìa khóa vạn năng, chỉ cần nắm được nó là tự khắc sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Nhiều khi chính chúng ta, những cán bộ triết học, cũng mắc sai lầm này khi muốn tự mình xông vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cụ thể chỉ với tri thức triết học chung, chỉ với những kiến thức về các quy luật và các mối liên hệ chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy mà không nắm được những tri thức cụ thể. Thiên hướng đó không tránh khỏi dẫn đến những sai lầm giáo điều do áp dụng một cách máy móc những nguyên lý, những quy luật chung vào những trường hợp cụ thể rất khác nhau. Những nguyên lý, những quy luật chung ấy, nói như V.I.Lênin, đều đã được lịch sử hoàn toàn xác nhận về đại thể, nhưng trong thực tế cụ thể, sự việc đã diễn ra một cách khác mà chúng ta đã không thể (và bất cứ ai cũng không có thể) dự đoán được; nó đã diễn ra một cách độc đáo hơn và phức tạp hơn nhiều . Vì vậy, mỗi nguyên lý chung, theo tinh thần của chủ nghĩa Mác, đều phải được xem xét a) theo quan điểm lịch sử; b) gắn liền với những nguyên lý khác; c) gắn liền với “kinh nghiệm cụ thể của lịch sử” . Thiếu “kinh nghiệm cụ thể của lịch sử” này, thiếu sự hiểu biết tình hình thực tế sinh động diễn ra ở từng địa điểm và thời gian nhất định – thì việc vận dụng những nguyên lý chung không những không mang lại hiệu quả mà trong nhiều trường hợp còn có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng.

Như vậy, để có thể giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề cụ thể hết sức phức tạp và vô cùng đa dạng của cuộc sống, chúng ta cần tránh cả hai thái cực sai lầm: hoặc là xem thường triết học và do đó sẽ sa vào tình trạng mò mẫm, tùy tiện, dễ bằng lòng với những biện pháp cụ thể nhất thời, đi đến chỗ mất phương hướng, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu chủ động và sáng tạo trong công tác: hoặc là tuyệt đối hóa vai trò của triết học và do đó sẽ sa vào chủ nghĩa giáo điều, áp dụng một cách máy móc những nguyên lý, những quy luật chung mà không tính đến tình hình cụ thể do không nắm được tình hình cụ thể đó trong từng trường hợp cụ thể.

Kết hợp chặt chẽ cả hai loại tri thức trên đây - tri thức chung (trong đó có tri thức triết học và tri thức khoa học chuyên ngành) và tri thức thực tiễn (trong đó có sự hiểu biết tình hình thực tiễn và trình độ tay nghề được biểu hiện qua sự nhạy cảm thực tiễn) - đó là tiền đề cần thiết đảm bảo thành công của chúng ta trong hoạt động cụ thể của mình.

Trên đây chúng tôi đã nói về vai trò của triết học Mác - Lênin, loại triết học bàn về những vấn đề chung nhất trong sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người. Vậy còn các trường phái triết học khác thì sao? Chúng có vai trò gì đối với xã hội và con người?

Chúng tôi cho rằng, mỗi hệ thống triết học đều có vai trò lịch sử của nó và được sinh ra trong một điều kiện lịch sử nhất định và đều giải quyết một vấn đề do sự phát triển của xã hội và đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, các hệ thống triết học đó dần bị thay thế bằng các hệ thống triết học khác nhau. Không có một hệ thống triết học nào là tuyệt đối và không thể thay thế được. Tuy nhiên, mỗi hệ thống triết học đều phản ánh một lĩnh vực, một khía cạnh nhất định của đời sống xã hội và con người và trong lĩnh vực đó có ý nghĩa không thay thế được. Về vấn đề này, quan điểm của Ph.Ăngghen về vòng tròn lịch sử là một chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng. Theo quan niệm của Ph. Ăngghen, sự phát triển của lịch sử triết học là quá trình kế thừa liên tục; mỗi một hệ thống triết học đóng vai trò nhất định trong sự phát triển của lịch sử và đều ra đời trong một bối cảnh kinh tế - xã hội và với những tiền đề tư tưởng nhất định. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử triết học, có thể nhận thấy: sự kế thừa của các hệ thống triết học sau không phải bao giờ cũng mang tính trực tiếp; mà trong nhiều trường hợp mang tính gián tiếp, tức là kế thừa những quan điểm nhất định của các hệ thống triết học và của các trường phái từ đó rất xa. Do đó, không có hệ thống triết học nào bị lật đổ trong sự phát triển của lịch sử mà trái lại mỗi hệ thống, trường phái triết học điều đóng vai trò nhất định đối với sự phát triển của xã hội và con người.

Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh xã hội hiện nay, mỗi người chịu ảnh hưởng và tác động của một thế giới quan triết học duy nhất hay nhiều thế giới quan triết học khác nhau?

Chúng tôi cho rằng, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào xã hội và con người phải giải quyết những nhiệm vụ nhất định. Đời sống tinh thần của con người vô cùng phong phú và phức tạp. Chính sự phong phú và phức tạp đó sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều thế giới quan triết học khác nhau. Bản thân các thế giới quan này sẽ là cái định hướng cho hoạt động của con người. Ngay trong một con người ở một thời điểm nhất định đều chịu ảnh hưởng của cả thế giới quan duy vật lẫn thế giới quan duy tâm, có người duy vật nhiều hơn và có người duy tâm nhiều hơn. Chẳng hạn, ở Việt Nam hiện nay, có thể khẳng định rằng phần lớn người Việt đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, v.v. bên cạnh thế giới quan triết học mácxit. Mỗi loại thế giới quan đều có vai trò nhất định trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của con người. Ở mỗi thời điểm xác định con người chịu tác động và cần một thế giới quan khác nhau. Chính các thế giwois quan triết học đó giúp con người vượt qua những rào cản, những giới hạn do cuộc sống của con người tạo ra. Điều này đã được C. Mác chỉ ra khi ông nói về nguồn gốc ra đời của tôn giáo. Theo C. Mác, tôn giáo mặc dù là “đóa hoa giả” phủ lên xiềng xích, nhưng lại là sản phẩm của hiện thực cần có tôn giáo để an ủi đời sống tinh thần của con người, giúp con người có thể tồn tại được trong cuộc sống đầy bất công, áp bức.

Tóm lại, trong bối cảnh mới hiện nay, triết học vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người. Vai trò của triết học được thể hiện ở chức năng thế giới quan và phương pháp luận của nó. Nhưng đời sống tinh thần của con người là một chỉnh thể phức tạp và sự tác động của các loại thế giới quan đến đời sống tinh thần nói chung, đến nhận thức con người nói riêng theo cách thức và các góc độ khác nhau. Và, tất các loại thế giới quan triết học định hướng cho hoạt động của con người, giúp con người có thể tồn tại và phát triển.

 

1  Xem: V.I. Lênin. Toàn tập, t. 18, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.5.

2 V.I. Lênin. Toàn tập, tập 26, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 68.

3  V.I.Lênin. Toàn tập, t.15, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr. 437.

 4 Xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng.

5  Xem: V.I.Lênin. Toàn tập, t. 24, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 39.

 6 V.I.Lênin. Toàn tập, t. 49, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 446.

GS.TS. Phạm Văn Đức

Từng được mệnh danh là “khoa học của mọi khoa học” với tham vọng có thể giải quyết mọi vấn đề của giới tự nhiên, xã hội và con người, cùng với sự phát triển của xã hội, triết học buộc phải nhường bớt chức năng cho các khoa học cụ thể, các khoa học chuyên ngành để trở về với đối tượng và chức năng đích thực của mình là suy tư về thế giới và vị trí, vai trò của con người trong thế giới. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, nhiều trường phái, nhiều nhà triết học đã xuất hiện và đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi thời đại. Trong suốt chiều dài lịch sử không ít trường phái triết học, không ít nhà triết học tự coi mình là đỉnh cao của tư duy nhân loại mà không m

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn