Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” là tư duy đột phá của Đảng ta về công tác cán bộ. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ “6 dám” vừa là nhiệm vụ then chốt, vừa là mục tiêu, động lực to lớn quyết định sự thành bại của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nói riêng.

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” - tư duy đột phá của Đảng về công tác cán bộ
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” - tư duy đột phá của Đảng về công tác cán bộ

rong lịch sử văn minh nhân loại, mọi quốc gia, dân tộc muốn hưng thịnh đều phải chú trọng phát hiện, đào tạo và trọng dụng người hiền tài. Năm 1484, thừa lệnh vua Lê Thánh Tông, Đông Các Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã khắc trên văn bia Quốc Tử giám bài ký có ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Đối với các đảng chính trị, muốn giành và giữ địa vị cầm quyền đều phải chú trọng tuyển chọn những “phần tử ưu tú nhất” trong giai cấp và dân tộc, coi đó là gốc rễ, là nền tảng để tổ chức thắng lợi đường lối lãnh đạo đã xác định. Kế thừa truyền thống dân tộc, vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi cán bộ là vốn liếng quý báu nhất của Đảng, coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là “công việc gốc” để hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng, cao cả “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

Ảnh minh họa

Sự phát triển tư duy của Đảng ta về công tác cán bộ gắn liền với thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là quá trình phát triển nhận thức đi từ thấp đến cao, từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ ngày càng hoàn thiện hơn; biểu hiện tập trung, sinh động ở sự nghiệp xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là khắc phục triệt để “những xấu xa, hư hỏng” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, các thế lực thù địch, phản động, các phần từ xét lại, cơ hội, bất mãn chính trị không từ bất cứ thủ đoạn nào hòng xuyên tạc, chống phá quyết liệt quan điểm của Đảng ta về khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Chúng lập luận rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của chủ nghĩa Mác - Lênin vốn đã lỗi thời, đã “cáo chung” kể từ sau sự tan giã của Liên Xô và các nước Đông Âu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang tràn lan như một thứ virus ác tính không có thuốc phòng và chữa trị; sự tha hoá của Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ quả của dẫn tới những sai lầm mang tính hệ thống không thể sửa chữa. Do đó, cách duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam phải “tuyên bố tự giải tán” hoặc thực hiện chế độ đa đảng như các nước phương Tây nhằm tăng cường cạnh tranh, giám sát giữa các đảng đối lập... Những thủ đoạn đó không mới nhưng nguy hại ở chỗ nó làm cho quần chúng hoài nghi, niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động, từng bước dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng. Thực tiễn 94 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, 79 năm trên cương vị “cầm quyền”, Đảng ta đã chứng minh cho toàn dân thấy năng lực lãnh đạo và chính sách đúng đắn của Đảng. Đó là cơ sở để nhân dân tự giác thừa nhận Đảng là “là đạo đức và văn minh”, người đại diện cho quyền và lợi ích chân chính cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng hình thành tư duy đột phá về công tác cán bộ của Đảng

Tác phẩm “Đường cách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong lịch sử Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho tư duy về công tác cán bộ của Đảng. Ngay khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ thực tiễn ấy, quan điểm của Người về công tác cán bộ từng bước được hình thành, phát triển, đặt nền móng cho tư duy đột phá của Đảng ta về công tác cán bộ. Ngay trong cuốn sách giáo khoa lý luận đầu tiên - tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy định rõ 24 tiêu chuẩn về “Tư cách người cách mệnh”. Trong 24 tiêu chuẩn thì có tới 20 tiêu chuẩn với “Tự mình”. Người chỉ rõ: “Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật”[2]. Mặc dù, đây là những nét phác thảo đầu tiên nhưng những tiêu chuẩn về cán bộ đã góp phần tuyển chọn, đào tạo được lớp cán bộ tiền bối cho cách mạng Việt Nam thực sự tiêu biểu về tài, đức và khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc. Từ những thanh niên cách mạng được đào tạo cấp tốc trong các lớp học chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên tại Quảng Châu - Trung Quốc, trải qua quá trình thử thách, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu bước ngoặt phát triển vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn đúng đắn của chính lịch sử và dân tộc chứ không phải là ý chí chủ quan của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh như các phần tử phản động từng xuyên tạc. Bời vì, tổ chức của Đảng là chặt chẽ, kỷ luật của Đảng là nghiêm minh nhưng hơn hết và trên hết, Đảng hội tụ những trái tim và bộ óc tinh tuý nhất của giai cấp và dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác cán bộ là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo, bởi vì “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[3].

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta có vinh dự lớn lao trở thành Đảng cầm quyền nhưng cũng vì thế nhiệm vụ của Đảng có sự phát triển mới, khó khăn, phức tạp hơn. Từ đó, tiêu chuẩn về cán bộ cũng có sự phát triển, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh giữ chính quyền mà đội ngũ cán bộ, đảng viên còn có sứ mệnh thiêng liêng, cao cả là người thiết kế chế độ dân chủ mới cho nhân dân; không chỉ lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài bằng súng, gươm, giáo mác, cuốc thuổng, gậy gộc mà cả cuộc đấu tranh với tự mình, nhằm loại bỏ những căn bệnh của đảng cầm quyền. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều hơn đến công tác khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Người đã có nhiều bài viết và tác phẩm về vấn đề này, như bài “Cán bộ tốt và cán bộ xoàng”(6/1947); “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947), “Dân vận” (15/10/1949), “Tự phê bình” (20/5/1951)… Các tác phẩm, bài viết đó thể hiện một cách sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ trên nhiều vấn đề, từ huấn luyện, đào tạo đến sử dụng cán bộ, từ đạo đức đến tác phong làm việc của cán bộ… Đặc biệt, năm 1949, Người đề nghị thành lập trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lấy tên là Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Khi đến thăm Trường, Người đã ghi lên trang đầu cuốn sổ vàng: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”[4]Đặc biệt, trước những hạn chế, yếu kém, tiêu cực phát sinh trong các cơ quan Nhà nước bên cạnh việc nhận diện và chỉ ra biện pháp khắc phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi “Tìm người tài đức” ra giúp nước đăng trên Báo Cứu quốc ngày 20/11/1946. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”[5]. Theo Người, “Tài - đức” là những tiểu chuẩn căn bản nhất của người cán bộ cách mạng, đòi hỏi Đảng phải tuyển chọn kỹ càng, có những chiến lược bài bản trong tạo nguồn và sử dụng cán bộ. Người khẳng định, “có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”[6]. Tiêu chí đào tạo cán bộ, đảng viên trong chế độ mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải toàn diện cả đức và tài, tài phải đi đôi với đức, trong đó đức là gốc, là nền tảng. Bởi vì “Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”[7]. Nhờ có tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đào tạo được rất nhiều cán bộ có tài, đức phục vụ sự nghiệp cách mạng. Trong chuyến công du ngoại giao đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tư cách là “thượng khách” của nước Pháp, cùng với những phiên đàm phán căng thẳng nhằm ngăn chặn chiến tranh tại Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động tiếp xúc với giới trí thức Việt kiều ở Pháp nhằm vận động, thuyết phục họ trở về nước giúp đỡ cách mạng. Bằng uy tín và ảnh hưởng đặc biệt của mình, kết thúc chuyến thăm vào ngày 18/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa về nước phục vụ sự nghiệp cách mạng những nhân tài trí thức tiêu biểu như: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Trần Hữu Tước, Vũ Đình Quỳnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu

Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Ngày 01/1/1954, tại cuộc họp Bộ Chính trị triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương châm chiến lược từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chính  sự tin tưởng tuyệt đối của người đứng đầu Đảng và Chính phủ đã giúp cho cán bộ đem hết tài năng, đức độ, tự tin, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào những thắng lợi có ý nghĩa quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng.

Bước vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ có sự phát triển mới, với những tiêu chuẩn cao hơn. Bởi vì, xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Không những thế, xuất phát điểm của nước ta quá thấp kém “từ một nước nông nghiệp lạc hậu, không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Tiêu chuẩn “Tài - đức” của người cán bộ, đảng viên gắn liền với nhiệm vụ “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nâng cao không ngừng đời sống nhân dân và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Người cán bộ không chỉ đòi hỏi có đủ đức, tài để lãnh đạo cách mạng mà cần phải có ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể nhằm xây dựng đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn. Người chỉ rõ: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”[8].

Quan điểm về khuyến khích và bảo vệ cán bộ gắn liền với thái độ của Đảng và người đứng đầu đảng trong đấu tranh loại bỏ những phần tử thoái hoá, biến chất làm trong sạch tổ chức Đảng. Người chỉ rõ: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[9]. Việc y án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu - nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ. Đó là việc sẵn sàng loại bỏ những phần tử “sâu mọt”, “ung nhọt” để cứu toàn bộ cơ thể Đảng được khoẻ mạnh trường tồn. Đó cũng là bài học mẫu mực về giải quyết mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong phòng chống tham nhũng trong lịch sử Đảng ta.

Như vậy, quan điểm của Hồ Chí Minh về khuyến khích và bảo vệ cán bộ gắn liền với tiêu chuẩn nhân cách của cán bộ, căn cứ vào các tiêu chuẩn để đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp nhằm tạo nguồn cán bộ. Đó chính là khoa học và nghệ thuật trong công tác cán bộ, thể hiện triết lý và tư duy biện chứng trong khuyến khích và bảo vệ cán bộ của Đảng và Hồ Chủ tịch.

2. “6 dám” - “Hệ giá trị” của người cán bộ, đảng viên thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021.

Kế thừa tư duy của Đảng về công tác cán bộ qua các kỳ đại hội, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra quan điểm về công tác cán bộ thời kỳ đổi mới toàn diện và hội thập quốc tế đó là “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Đây có thể coi là hệ giá trị người cán bộ, đảng viên thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, khẳng định tư duy đột phá của Đảng về công tác cán bộ. Nhận thức về nội hàm của quan điểm này được thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ cả trước và trong nhiệm kỳ Đại hội XIII như:  Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 21-KL/TW “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”… Đặc biệt, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Theo đó, nội hàm quan điểm “6 dám” của cán bộ được thể hiện như sau:

Một là, “Dám nghĩ” là phẩm chất đầu tiên trong “hệ giá trị” người cán bộ thời kỳ mới, thể hiện ở tư duy đổi mới, đột phá trong giải quyết các nhiệm vụ cách mạng nhằm đạt hiệu quả tối ưu, nhất là những việc mới, những việc khó khăn, phức tạp. Đồng thời, “dám nghĩ” còn là sự trăn trở trước những nhiệm vụ cách mạng đặt ra, không theo nếp nghĩ cũ để có sự đột phá trong giải quyết công việc, thậm chí là nghĩ khác để tìm ra con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, ít chi phí nhất nhằm “ích nước, lợi dân”. “Dám nghĩ” không có nghĩa là mơ mộng viển vông, là không tưởng mà phải trên những căn cứ thực tiễn, với những điều kiện, tiềm lực hiện có của tổ chức, đơn vị, địa phương mình công tác. Cán bộ “dám nghĩ” phải là những người thực sự có cái tâm trong sáng, mọi ý nghĩ chỉ nghĩ cho Đảng, cho dân chứ không nghĩ cho mình thì sẽ có những ý tưởng đột phá, mang lại hiệu quả cao. Trong mọi nhiệm vụ, cán bộ luôn nỗ lực tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, cơ chế chính sách tạo ra tư duy đột phá, khơi thông sự phát triển. Đặc biệt, trong điều kiện nước ta phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự đan xen của các quan hệ lợi ích (cá nhân với tập thể; nhà nước, người dân và doanh nghiệp…) luôn đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên dám nghĩ để khơi thông động lực phát triển, tháo gỡ khó khăn, nhất là những nút thắt kìm hãm sự phát triển khi cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội.

Hai là, “Dám nói” là dũng khí của những bậc quân tử từ xưa, thể hiện ở tính cương trực, công tâm, khách quan khi nghiên cứu, xem xét lựa chọn ra quyết định, khi giải quyết các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của đời sống xã hội mà mình đảm trách. Phẩm chất dám nói của cán bộ đặt trong hệ quy chiếu của các phẩm chất nhân cách khác, nhất là dám nghĩ. Yêu cầu “dám nói” luôn gắn liền với “dám nghĩ”. Xa xưa cha ông ta luôn căn dặn “ăn có nhai, nói có nghĩ”, do đó trước mọi nhiệm vụ phải nghĩ cho kỹ, nghĩ thật thấu đáo trước khi nói. Mặt khác, phẩm chất này cũng yêu cầu cán bộ phải có cách nói cho phù hợp. Phải nói sao cho cấp trên, cấp dưới đồng thuận với quan điểm của mình, nhất là nói để thuyết phục quần chúng hiểu, tin và làm theo mình. Đặc biệt, cần khắc phục triệt để cách nói “ba hoa” thổi phồng thành tích, thái độ “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào che chiều ấy”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, làm cho cái tốt không có điều kiện nảy nở, phát huy, cái sai không được phòng ngừa… Sự không dám nói ấy, xét đến cùng chính là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, thiếu tính xây dựng, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với phẩm chất “dám nói” của cán bộ, đảng viên, nhất là vấn đề khó khăn, phức tạp, gây bức xúc xã hội. Sự thăng thắn trong lời nói trên tinh thần “có lý, có tình” kết hợp với các phẩm chất khác sẽ nâng cao uy tín của cán bộ, đảng viên.

Ba là, “Dám làm” là đích đến của mọi hoạt động cách mạng. Nói hay, suy nghĩ đột phá, sáng tạo nhưng không quyết tâm làm, dốc sức làm thì mọi chủ trương, nghị quyết cũng chỉ “lý luận suông”. Trên thực tế, có cán bộ nói không đi đôi với làm, hoặc nói một đằng làm một nẻo dẫn đến quần chúng hoang mang, mất niềm tin. “Dám làm” theo quan điểm của Đảng ta đó là thái độ chủ động và hành động quyết liệt, tiên phong dấn thân vào những công việc mới, việc khó khăn, phức tạp, nhất là dám vượt qua những rào cản về thể chế, cơ chế cũ kỹ, lạc hậu, quyết liệt chỉ đạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, “Dám làm” không có nghĩa là làm ẩu, vô tổ chức, vô nguyên tắc hoặc coi thường kỷ cương, phép nước. Trái lại, “Dám làm” gắn liền với thái độ tuân thủ nghiêm nguyên tắc Đảng, kỷ cương phép nước, dám chịu trách nhiệm.

Ảnh minh họa: internet

Bốn là, “Dám chịu trách nhiệm” thể hiện bản lĩnh, tính tiền phong của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Tinh thần “Dám chịu trách nhiệm” thể hiện ở 2 khía cạnh: (1) Tuyệt đối phục tùng sự phân công của tổ chức, khi làm bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực không đùn đẩy, né tránh. (2) Khi mắc khuyết điểm, sai lầm thể hiện rõ thái độ dám chịu trách nhiệm, dám nhận lỗi trước tập thể và quyết tâm sửa chữa.

Năm là, “Dám đổi mới sáng tạo” là luôn tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, tập trung trí tuệ đề xuất những giải pháp ích nước, lợi dân. Đổi mới gắn liền với sáng tạo là yêu cầu cao trong giải quyết mọi công việc không chỉ đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, luôn trăn trở với công việc chung. Trong bối cánh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh lành mạnh trở thành động lực phát triển của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp luôn đòi hỏi người cán bộ phải nhạy bén với cái mới, luôn đi tắt đón đầu, đề xuất những sáng kiến, cải tiến có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng chung.

Sáu là, “Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là phẩm chất nhân cách được cấu thành bởi bản lĩnh, nghị lực, quyết tâm chính trị và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với quyết tâm bứt phá hiện nay càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

“Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” là những phẩm chất cần và đủ, có quan hệ chặt chẽ với nhau hợp thành “hệ giá trị” người cán bộ, đảng viên hiện nay. Quan điểm trên không chỉ khẳng định năng lực lãnh đạo và cầm quyền mà còn thể hiện rõ “tư cách cầm quyền” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là những chứng lẽ thuyết phục nhằm phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, phản động hòng xoá bỏ tư cách cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên quan tâm chăm lo khuyến khích và bảo vệ cán bộ bằng những cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện để cán bộ “6 dám”. Song song với đó, cần “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”[10]. Hai công việc hệ trọng đó phải song hành với nhau, như là một chỉnh thể thống nhất giữa “xây và chống”, giữa “bảo vệ và đấu tranh”, trong đó lấy “xây” là cơ bản, cơ sở, điều kiện để chống có hiệu quả; chống phải quyết liệt, thường xuyên và triệt để. Đúng như Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra: “Kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa xây và chống, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách”[11]./.

Th.S  Nguyễn Tiến Công

Giảng viên, Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng


Chú Thích: 

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 15, tr.622.

[2] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, tr.280.

[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr.25.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 6, tr.208.

[5] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.504.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 11, tr.399.

[7] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, tr.400.

[8] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 14, tr.485

[9] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.301.

[10] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[11] Nguyễn Phú Trọng, Bài phát biểu tại Hội nghi về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9 tháng 12 năm 2021.

rong lịch sử văn minh nhân loại, mọi quốc gia, dân tộc muốn hưng thịnh đều phải chú trọng phát hiện, đào tạo và trọng dụng người hiền tài. Năm 1484, thừa lệnh vua Lê Thánh Tông, Đông Các Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã khắc trên văn bia Quốc Tử giám bài ký có ghi: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Đối với các đảng chính trị, muốn giành và giữ địa vị cầm quyền đều phải chú trọng tuyển chọn những “phần tử ưu tú nhất” trong giai cấp và dân tộc, coi đó là gốc rễ, là nền tảng để tổ chức thắng lợi đường lối lãnh đạo đã xác định. Kế thừa truyền thống dân tộc, vận dụ

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn