Tỉnh Khánh Hòa hiện có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 180 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 03 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nghệ thuật Bài Chòi miền Trung Việt Nam (trong đó có Khánh Hòa) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây đều là các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng cư dân Khánh Hòa qua các thời kỳ, có giá trị nhiều mặt về văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất Khánh Hòa. 

Khánh Hòa: Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa
Khánh Hòa: Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 13/9/2019 chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. Các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý lễ hội, trùng tu và kiểm kê di tích; xây dựng phương án bảo vệ kịp thời những di tích xuống cấp. Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa; tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, nhất là lễ hội truyền thống hằng năm.

Ảnh: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với một số đơn vị khảo sát thực tế di tích lịch sử cách mạng Xóm Cỏ, huyện Khánh Sơn

Công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc, tu bổ, quản lý di tích được quan tâm thực hiện tốt

Trong những năm qua, công tác kiểm kê, phân loại di tích, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Định kỳ 5 năm thực hiện việc rà soát và điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích, tính đến cuối năm 2017, danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh có tổng số 245 di tích. Công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các di tích được quan tâm thực hiện đầy đủ và định kỳ. Việc khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích được thực hiện theo đúng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Tính đến năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh đã triển khai việc cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích cho 149 di tích cấp tỉnh và di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Công tác tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tăng cường vận động, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc đầu tư, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy các giá trị của di tích. Việc đầu tư, nâng cấp di tích đảm bảo đúng quy định pháp luật; giữ gìn, tôn tạo cảnh quan di tích; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng di tích, các gia đình có công với cách mạng;… Trong năm 2022, đã thay thế 5 bia di tích bằng đá nguyên khối cho di tích quốc gia là Đình Phú Cang (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh), Phủ Đường Ninh Hòa (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), Văn Miếu Diên Khánh, Am Chúa (xã Diên Điền) và Đền thờ Trần Quý Cáp (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh). Công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hóa được giao cho chính quyền địa phương cấp cơ sở.

Phát huy giá trị  các di tích trong phát triển kinh tế - xã hội

Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh quan tâm thực hiện, đảm bảo gắn phát triển du lịch với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các địa phương thường xuyên quan tâm khai thác, đưa các di tích lịch sử - văn hóa, địa điểm danh lam, thắng cảnh vào quảng bá và phát triển du lịch, như: Thành phố Nha Trang (Tháp bà Ponagar, Danh thắng Hòn Chồng, Đình Phú Vinh, nhà cổ ông Nguyễn Xuân Hải,…), thị xã Ninh Hòa (Địa điểm Lưu niệm Tàu C235), huyện Khánh Sơn (Thác Tà Gụ),...

Sở Du lịch tích cực phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh tổ chức khảo sát khu, điểm du lịch tại các địa phương, qua đó đề xuất việc triển khai xây dựng các tuyến, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa để phục vụ du khách đến tham quan và tìm hiểu văn hóa, như: Căn cứ cách mạng Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa), Địa điểm lưu niệm Tàu C235 - Đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa); tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến du lịch “Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”;...

Phát huy giá trị các di tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống

Công tác tuyên truyền về các di tích lịch sử, giá trị văn hóa được các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện với hình thức đa dạng: Tuyên truyền trực quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trưng bày tại nhà truyền thống, nhà văn hóa địa phương (thành phố Nha Trang, Cam Ranh, huyện Khánh Sơn,…); tổ chức các hoạt động “về nguồn”, tìm về “địa chỉ đỏ”, tham quan di tích cho học sinh, đoàn viên thanh niên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu (thành phố Cam Ranh tổ chức Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa), thi sáng tác ca khúc cách mạng.... góp phần tích cực trong việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, từ đó nâng cao ý thức, hành vi ứng xử khi đến với các di tích, danh lam thắng cảnh, phát huy lòng tự tôn dân tộc và ý chí tự lực, tự cường để xây dựng quê hương.

Ảnh: Thành phố Cam Ranh tổ chức Hội thi tìm hiểu di sản văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên quan tâm, tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức Hội thi cấp tỉnh tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh THCS; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa tổ chức ghi hình, phát sóng các chương trình quảng bá di tích, lịch sử, văn hóa của tỉnh; tổ chức Thi tìm hiểu Di sản văn hóa bằng hình thức trực tuyến; phát hành tờ rơi tuyên truyền 02 di tích Tháp Bà và Hòn Chồng bằng nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc,... Chỉ đạo duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật như: Biểu diễn nghệ thuật múa Chăm và nhạc cụ dân tộc truyền thống; trình diễn dệt thổ cẩm; trưng bày thư pháp; biểu diễn làm gốm Bàu Trúc; ổ chức các hoạt động trưng bày và giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng đất Khánh Hòa như: Yến sào, trầm hương, sản phẩm mỹ nghệ làm từ sinh vật biển. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các địa phương, đơn vị phòng chống thiên tai, cháy nổ tại di tích, tổ chức, quản lý lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa tại các lễ hội,…

Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện lồng ghép, tích hợp các kiến thức về di tích lịch sử - văn hóa, lịch sử cách mạng địa phương vào các môn khoa học xã hội. Bên cạnh đó, các nhà trường thường xuyên tổ chức những hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với giáo dục truyền thống, lịch sử, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục, từng nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài ra, để tăng cường công tác tuyên truyền trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn thường xuyên thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền, infographic về các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, phong tục truyền thống của người dân Khánh Hòa đăng tải trên các trang mạng xã hội; xây dựng chuyên mục “Kể về Xứ Trầm Hương” giới thiệu các di tích lịch sử, di sản văn hóa; tổ chức 03 Hội thi sáng tác ấn phẩm tuyên truyền ca khúc cách mạng và lịch sử truyền thống quê hương Khánh Hòa,…

Công tác tuyên truyền còn được quan tâm đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa và các trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành, địa phương thường xuyên đăng tải các bài viết, phim tư liệu, phóng sự về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương, các di tích lịch sử - văn hóa. Hàng tháng, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa thực hiện 4 đến 5 chương trình, đồng thời xây dựng riêng chuyên mục “Văn hóa” để tuyên truyền về các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đa số các địa phương, đơn vị quan tâm bố trí ngân sách, đảm bảo cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, đã bước đầu thu hút được các nguồn lực từ Nhân dân. Một số địa phương, đơn vị đã chủ động nguồn xã hội hóa để thực hiện nhiệm tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở cách mạng của địa phương.

Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các di tích

Ngoài những kết quả đạt được, việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế: Một số cấp ủy, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa; Nguồn ngân sách chưa đảm bảo đáp ứng trùng tu, tôn tạo cho tất cả di tích đã xuống cấp; Việc gắn kết giữa phát huy giá trị các di tích với hoạt động thăm quan, du lịch, giáo dục truyền thống... chưa được phát huy tối đa; Công tác tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở chưa thường xuyên; Chưa có quy định, hướng dẫn về chế độ hỗ trợ thù lao cho Ban quản lý di tích ở cấp cơ sở.

Ảnh: Phủ đường Ninh Hòa - Một trong 16 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia

Để tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. Phát huy giá trị các di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, góp phần chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch. Gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban quản lý các di tích ở cấp cơ sở; xây dựng quy chế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, trong đó cần làm rõ mối quan hệ giữa chính quyền ở cơ sở, cơ chế phối hợp giữa hệ thống chính trị tại thôn, tổ dân phố với Ban quản lý di tích. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng dân cư đối với công tác quản lý Nhà nước về Di sản văn hóa. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh;…

 Di tích lịch sử văn hóa là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại và gắn với đặc trưng văn hóa mỗi địa phương. Bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.     

                                                                                                           Lâm An

Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU, ngày 13/9/2019 chỉ đạo đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa. Các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý lễ hội, trùng tu và kiểm kê di tích; xây dựng phương án bảo vệ kịp thời những di tích xuống cấp. Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên thường xuyên qua

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn