(TG) - Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu cho một thời đại mới trong lịch sử loài người, xây dựng một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có. Cách mạng Tháng Mười Nga để lại cho sự nghiệp cách mạng vô sản toàn thế giới nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong Cách mạng Tháng  Mười Nga
Kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong Cách mạng Tháng Mười Nga

SỰ KẾT HỢP CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH VỚI CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Cũng như các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trên thế giới, cội nguồn sức mạnh của cách mạng Tháng Mười Nga chính là sự đoàn kết, tập hợp quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của một chính đảng, mà Lênin vị lãnh tụ thiên tài đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào thực tiễn cách mạng ở nước Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nhất thời mà là một quá trình chính trị, nó đã mở ra một không gian chính trị rộng lớn cả trong và ngoài nước Nga, có diễn tiến trước, trong và sau hành động khởi nghĩa của quần chúng công nông và binh lính để lật đổ ách thống trị của đế quốc Sa Hoàng và chính quyền tư sản phản động, tạo ra động lực cách mạng vô cùng to lớn, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử, xác lập quyền lực nhân dân của nhà nước Xôviết, nhà nước kiểu mới đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Đây là cuộc cách mạng có sức ảnh hưởng to lớn đến quá trình phát triển tiếp theo của xã hội loài người như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”(1). Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại cho sự nghiệp đấu tranh giành tự do, độc lập của các quốc gia nhiều giá trị và vấn đề có ý nghĩa, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, là vấn đề rất có ý nghĩa cho sự nghiệp cách mạng của các quốc gia, dân tộc muốn giành tự do, độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Hơn một trăm năm nhìn lại, để Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Lênin và Đảng Bôn sê vích đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác về sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa bên trong và bên ngoài, bên trong thì tuyên truyền, giáo dục mục tiêu, lý tưởng cổ vũ quần chúng công nông vùng lên làm cách mạng, bên ngoài liên kết chặt chẽ với các đảng của giai cấp công nhân trên tinh thần “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”, từ đó, nắm vững thời cơ, tạo ra động lực cách mạng.

Về chủ nghĩa yêu nước, trước đó, Lênin và những người đồng chí của ông đã dày công tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ lòng yêu nước cho quần chúng công nông Nga; xây dựng cho họ tình cảm, ý chí và lòng yêu thương con người, yêu quý đất nước Nga vĩ đại. Chủ nghĩa yêu nước chân chính đã giúp cho quần chúng công nông Nga cảm thấy yêu mến, tự hào và có trách nhiệm hơn với vận mệnh quốc gia, dân tộc Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thúc đẩy chủ nghĩa yêu nước lên đỉnh cao mới, trở thành trào lưu chính trị sôi sục trong toàn bộ đất nước Nga. Ở đây, quần chúng công nông Nga được hun đúc ý thức về lợi ích quốc gia, dân tộc và tinh thần, ý chí cách mạng; chủ nghĩa yêu nước chân chính đã thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng lật đổ chế độ phong kiến Sa Hoàng và giai cấp tư sản phản động. Rõ ràng, trong cuộc cách mạng này quần chúng công nông Nga đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, họ đấu tranh cho tự do, độc lập của nước Nga, cho dân tộc Nga, cho người Nga, nếu họ có hy sinh là hy sinh cho dân tộc, cho đất nước Nga.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào của người Nga, của nước Nga, là biểu tượng tình yêu Tổ quốc, tình yêu nước Nga Xôviết. Từ Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa yêu nước chân chính được phát huy cao độ trong quá trình giành và giữ chính quyền, trong thời kỳ nội chiến khi chính quyền Xôviết phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài trước sự trỗi dậy của bọn Bạch vệ và sự can thiệp của 14 nước đế quốc. Đặc biệt, chủ nghĩa yêu nước chân chính của Cách mạng Tháng Mười Nga được nâng lên một tầm cao mới trong chiến tranh vệ quốc, trên tiền tuyến và hậu phương họ đã hát vang những bài ca yêu nước, bài ca cách mạng để cổ vũ tinh thần và hành động yêu nước, hun đúc ý chí chiến đấu cho binh lính và nhân dân Nga để chiến thắng chủ nghĩa phát xít, bảo vệ đất nước Nga vĩ đại.           

Về chủ nghĩa quốc tế vô sản, Cách mạng Tháng Mười Nga là vấn đề có ý nghĩa lịch sử vì tính chất quốc tế vô cùng sâu, rộng; ảnh hưởng của nó lớn tới mức mà không có cuộc cách mạng nào nổ ra trong thời đại ngày nay lại không chịu sự ảnh hưởng sâu xa từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Điều đó cho thấy, trong thời đại ngày nay sự kết hợp tự nhiên, tất yếu giữa đấu tranh vì dân chủ và đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tiến bộ xã hội, đưa xã hội loài người tiến tới mục tiêu công bằng, dân chủ, văn minh. Chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của nhân loại, tuy con đường đi lên của các quốc gia, dân tộc khác nhau song đích đến của nó là xây dựng một chế độ dân chủ, không còn người bóc lột người, một nhà nước kiểu mới, nhà nước của quần chúng lao động, và cuộc cách mạng đó phải có một chính đảng vô sản lãnh đạo. Cách mạng vô sản ở mỗi nước phải hòa trong dòng thác cách mạng thế giới. Có như vậy, cách mạng mới thành công, đất nước mới được tự do, độc lập, mới có đủ các yếu tố, các điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa quốc tế vô sản của Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành nguồn động lực cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới đứng dậy làm cách mạng giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa quốc tế vô sản của Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng rất to lớn đến thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở những nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước như Ba Lan, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Anbani, Mông Cổ, Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam. Sự ra đời của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa có vai trò chi phối quá trình phát triển của thế giới đương đại; làm thay đổi cán cân giữa chủ nghĩa tư bản với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thành công của Cách mạng Tháng Mười cho thấy sự tài tình của Lênin và đảng Bônsêvích trong việc kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sự kết hợp này được thể hiện ở mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười Nga là lật đổ ách thống trị của giai cấp bóc lột của phong kiến Sa Hoàng Nga và bọn tư sản phản động, giành chính quyền về tay quần chúng công nông; sử dụng chính quyền ấy để tổ chức, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, biến giấc mơ của nhân loại về một cuộc sống không còn áp bức, bóc lột, bất công thành hiện thực sinh động và sáng chói ở nước Nga Xôviết. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã tạo động lực cho xu hướng vận động chủ đạo của lịch sử thế giới hiện đại, xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chế độ xã hội chủ nghĩa tiến bộ, văn minh.

Sự kết hợp chặt chẽ đó còn biểu hiện ở mối quan hệ đoàn kết, thống nhất mục tiêu, ý chí, hành động cách mạng giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, kiến thiết khối liên minh công nông vững chắc, tạo động lực cách mạng với khẩu hiệu: Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại. Biểu hiện ở lợi ích mà cuộc cách mạng mang lại cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân; biến công nhân, nông dân từ địa vị làm thuê, bị bóc lột trở thành người làm chủ. Sự thống nhất đó làm thành nền tảng cho mối liên hệ bình đẳng về lợi ích, về tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp chung của công nhân, nông dân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội không chỉ ở nước Nga mà ở phạm vi toàn thế giới.

Cách mạng Tháng Mười Nga có sự hòa quyện chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản một cách hết sức trong sáng, được biểu hiện rõ nét ở tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc vì lợi ích chung, họ tiến hành cách mạng vì mục tiêu, lợi ích chung. Mà nguyên tắc là lợi ích chung chỉ được xác lập và chia sẻ khi họ đấu tranh xóa bỏ quan hệ sở hữu cũ vì nó đã tạo điều kiện cho giai cấp này bóc lột giai cấp khác, dân tộc này bóc lột, xung đột với dân tộc khác mà nảy sinh thù hận giai cấp, dân tộc. Trong khi đó, chỉ có liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Lênin và chính đảng Bônsêvích mới tha thiết thủ tiêu, đấu tranh xóa bỏ quan hệ sở hữu tư nhân, tư bản chủ nghĩa để thiết lập quan hệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, sở hữu toàn dân. Chiến thắng của Liên minh công nông Nga trước phong kiến, tư sản Nga đã chứng minh tính đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân, về sức mạnh khối đại đoàn kết liên minh công nông toàn thế giới trong sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản còn biểu hiện ở sự thống nhất tư tưởng của liên minh công nông trong đấu tranh cách mạng đó là cuộc đấu tranh tự giải phóng, đập tan ách thống trị của tư bản, đế quốc. Sự thống nhất tư tưởng của liên minh công nông là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục lâu dài và kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị của giai cấp công nhân trên tinh thần bình đẳng, hữu nghị dân tộc đầy đủ nhất. Cách mạng chỉ thành công khi giai cấp công nhân các nước phải hết sức tin cậy lẫn nhau, đoàn kết anh em chặt chẽ và phải nhất trí trong hành động cách mạng. Sự thống nhất đó có được là từ chiều sâu nhận thức về nhu cầu phát triển nhân loại của giai cấp vô sản về một xã hội mới mà nguyên tắc quốc tế phải hòa bình.

Nó không chỉ là sự đồng cảm của những người cùng bị bóc lột mà còn là sự phát triển mạnh mẽ về lý luận từ đấu tranh tư tưởng, từ sự tuyên truyền, giáo dục, chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng của các tổ chức chính trị, của giai cấp công nhân, của nông dân về tinh thần bình đẳng, bác ái giữa các giai cấp và tinh thần hữu nghị giữa các dân tộc trong mối quan hệ giữa nước Nga với quốc tế. Đó là sự tin cậy lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ, thống nhất cao trong ý chí và hành động cách mạng vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Trong Cách mạng Tháng Mười Nga đã có sự gắn kết, mối quan hệ mật thiết giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Bởi, chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa quốc tế trong sáng được thể hiện vô cùng đậm nét trong tư tưởng lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, trong tư tưởng của quần chúng công nông khi họ làm cách mạng; vì ở đó không có biểu hiện lệch lạc của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, chủ nghĩa sôvanh, sự phân biệt, kỳ thị dân tộc, chủng tộc hoặc chủ nghĩa bành trướng, bá quyền nước lớn. Mà ở đây, có sự tỏa sáng của tinh thần quốc tế vô sản nhằm mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, có tác dụng thúc đẩy cách mạng vô sản trên toàn thế giới; tỏa sáng tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế vì mục tiêu hòa bình, độc lập, giải phóng áp bức, bóc lột. Điểm đặc biệt của Cách mạng Tháng Mười Nga là phát triển chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản lên tầm cao mới, nó không còn thuần túy là chủ nghĩa yêu nước Nga truyền thống mà là chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa; kết hợp lòng yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần quốc tế vô sản; yếu tố đó đã góp phần làm cho Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi một cách nhanh chóng, trọn vẹn. Chính đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Lênin và đảng Bônsêvích đã thúc đẩy quần chúng công nông từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, là bài học chung cho cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của các nước bị áp bức trên toàn thế giới.

VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN SỰ KẾT HỢP CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH VỚI CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận thức sâu sắc, luôn thấm nhuần bài học thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga về sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, coi đó là bài học quan trọng, quyết định thành công của Cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, phát huy cao độ sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để đấu tranh giành tự do, độc lập dân tộc và xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam đã đi từ niềm tin vào sức mạnh của dân tộc đến nhận thức đầy đủ về sức mạnh thời đại; luôn gắn phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Được Cách mạng Tháng mười Nga soi sáng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ thành ý chí quyết tâm giành tự do độc lập, lấy sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc để vượt qua khó khăn trong đấu tranh giành quyền sống, quyền tự do, độc lập. Chủ nghĩa yêu nước và ý thức độc lập được phát triển thành hệ thống quan điểm, tư tưởng lý luận, trở thành hệ giá trị của dân tộc. Sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản là đóng góp quan trọng của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, với nguyên tắc bất di, bất dịch là Đảng Cộng sản người lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp phải là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước vì Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là của giai cấp công nhân, vừa là của toàn dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình tuyên truyền, vận động cách mạng Đảng ta đã kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản với phương châm bên trong liên hệ chặt chẽ với quần chúng công nông, trên tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc; bên ngoài liên hệ chặt chẽ với quốc tế vô sản để xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng Việt Nam hòa vào dòng thác cách mạng thế giới. Trong công cuộc lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã vận dung linh hoạt chủ nghĩa yêu nước, tập hợp, đoàn kết lực lượng toàn dân tộc, với quyết tâm sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước Người đã phát hiện nguyên nhân hạn chế, sự đơn độc trong mối quan hệ quốc tế của Việt Nam và các nước phương Đông “Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó, họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau(2). Cho nên, trả lời báo chí ngày 16/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng thời chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình”(3), đã xác định rõ chủ trương, phương châm hòa hợp và hội nhập quốc tế, trở thành nền tảng lý luận cho sự mở cửa, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản và phát triển nó lên một tầm cao mới, coi đó là nguồn động lực to lớn để thúc đẩy cách mạng Việt Nam tiến lên, giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt, từ bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga mà trong những tình thế khó khăn, phức tạp nhất, cách mạng Việt Nam ta đã phát huy chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản để phá vỡ thế bao vây của thù trong, giặc ngoài (năm 1946). Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bè bạn quốc tế, đặc biệt là sự ủng hộ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, của những người cộng sản để tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Đảng ta đã chủ động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, từng bước tháo gỡ khó khăn, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa. Thành công đó đã giúp đất nước ổn định chính trị, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(4).

Hiện nay, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga và mô hình chủ nghĩa xã hội mà Liên Xô và Đông Âu do những người cộng sản và nhân dân các nước theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu dày công xây dựng đã không còn bởi cơn địa chấn chính trị lớn nhất thế kỷ XX. Nhưng, giá trị và bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn song hành cùng lịch sử nhân loại; là ngọn đèn soi sáng cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân bị áp bức, bóc lột đứng lên giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng và xây dựng xã hội mới. Lý tưởng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản vẫn là lý tưởng cao đẹp nhất mà nhân loại hướng tới. Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin đã đi vào lịch sử nhân loại với tư cách là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, một vị lãnh tụ sáng suốt nhất bởi chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là tương lai của loài người./.

Đại tá, ThS. Đặng Văn Thi

Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

__

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 8, tr. 575.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 284.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr 200.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 25.

SỰ KẾT HỢP CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH VỚI CHỦ NGHĨA QUỐC TẾ VÔ SẢN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA Cũng như các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trên thế giới, cội nguồn sức mạnh của cách mạng Tháng Mười Nga chính là sự đoàn kết, tập hợp quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của một chính đảng, mà Lênin vị lãnh tụ thiên tài đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào thực tiễn cách mạng ở nước Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, nhất thời mà là một quá trình chính trị, nó đã mở ra một không gian chính trị rộng lớn cả trong và ngoài nước Nga, có diễn tiến trước, trong và sau hành động khởi nghĩa của quần chúng công nô

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn