Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng ta, thể hiện sự tuân thủ lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong lịch sử và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng làm hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

1. Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong lịch sử và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), Mác đã viết: “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(1). Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, V.I.Lênin, khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được…”(2).

 

Hơn nữa, V.I.Lênin còn khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò lãnh đạo và mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng: “Về nguyên tắc, đảng cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì được nữa”(3), “Chúng ta cần những đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo những quần chúng đó”(4), “một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”(5). Đảng Cộng sản ra đời chính là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của sự nghiệp đấu tranh khách quan của giai cấp công nhân, nhân tố quyết định thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, bởi vậy, theo V.I.Lênin, Đảng Cộng sản phải “Sống trong lòng quần chúng/Biết tâm trạng quần chúng/Biết tất cả/Hiểu quần chúng/Biết đến với quần chúng/Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”(6).

 

Từ nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tổng kết thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp, bên cạnh ý chí quyết tâm, đường lối cách mạng đúng đắn, phải có sự đồng tâm hiệp lực của nhiều người, phải dựa vào nhân dân, phải đoàn kết được đông đảo nhân dân và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(7).

 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết toàn dân là nền tảng căn bản, là quan điểm xuyên suốt của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(8). Đặc biệt, Người chỉ rõ bước đi, cơ sở nền tảng trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây”(9).

 

Tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng vừa quyết định sự tồn vong của Đảng, vừa là trung tâm, động lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”(10). “Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được”(11).

 

Trước lúc đi xa, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(12), “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(13). Đoàn kết, thống nhất trong Đảng không phải là “đoàn kết một chiều”, “bằng mặt mà không bằng lòng”,... mà đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải là một chiến lược lâu dài, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam, đoàn kết phải trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, có lý, có tình, bằng tình cảm cách mạng trong sáng, tình thương yêu đồng chí, đồng bào.

 

bo doi bien phong
Bộ đội Biên phòng Mường Khương hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế_Nguồn: muongkhuong.laocai.gov.vn

 2. Thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách khơi dậy và phát huy sức mạnh của tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: “Nhờ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thuận với lòng người, Đảng đã phát triển được tổ chức khắp nước, sớm xây dựng nền tảng lực lượng là công nhân, nông dân và trí thức, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, hình thành các tổ chức quần chúng và lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, được nhân dân đùm bọc, che chở, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(14); “Từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, đặc điểm quý báu nhất của khối đại đoàn kết dân tộc của chúng ta là tỏa khắp non sông mà quy về một mối, dựa trên một nền, xoay quanh một trục. Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước, đều là con cháu Lạc Hồng”(15).

 

Ngay từ khi mới thành lập cũng như trong các thời kỳ khác nhau của cách mạng cho đến nay, sự đoàn kết, thống nhất là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là điều kiện để thống nhất toàn dân và đưa cách mạng đến thắng lợi, là một nguyên tắc cơ bản có vị trí hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Đồng thời, Đảng coi sự chia rẽ trong nội bộ Đảng là tội ác lớn nhất đối với Đảng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong việc thực hiện nguyên tắc đoàn kết, thống nhất.

 

3. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khảng định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn”(16).

 

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đứng trước những khó khăn phức tạp khá gay gắt, mà nổi lên là tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm xuất hiện những nhận thức, tư tưởng, động cơ không đúng trong cán bộ, đảng viên, nảy sinh và phát triển “nhóm lợi ích”, chủ nghĩa cá nhân..., nếu không chỉnh đốn kịp thời sẽ gây những hệ lụy cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

 

z2296410859893_d812e39ea5a6e092951ca073176a305d
Ảnh sưu tầm Internet

 4. Để khắc phục tình trạng trên, phải làm cho cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ bí thư cấp uỷ và những cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, địa phương cần hiểu đúng và sâu sắc vấn đề đoàn kết trên cơ sở đường lối chính trị của Đảng và tình thương yêu giai cấp. Duy trì tốt các hoạt động nhằm bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong từng tổ chức đảng, trong đó chú ý nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ đảng, chi bộ; phát huy tính đảng của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng; thường xuyên thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những biểu hiện mất đoàn kết, hữu khuynh, đoàn kết xuôi chiều.

 

Từng tổ chức đảng phải phấn đấu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện luôn quan tâm đến vến đề đoàn kết, tập hợp và phát huy được sức mạnh của mọi giai cấp, mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần xã hội vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hướng đến: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(17), khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của mọi công dân; xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai vì lợi ích của dân tộc; tạo ra nguồn lực to lớn của đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy, Đảng luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đồng thời luôn tin tưởng vào ý chí cách mạng của nhân dân, vào sức mạnh của nhân dân, vào sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân.

 

5. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, từng cấp uỷ, tổ chức đảng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có nội dung, biện pháp lãnh đạo chuyên đề thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là những chính sách đối với từng giai cấp, từng thành phần, đối tượng xã hội cụ thể, kể cả ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để xây dựng và phát triển khối liên minh công - nông - trí thức làm cơ sở tập hợp mọi lực lượng, mọi tầng lớp trên địa bàn, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu cách mạng cụ thể trong từng thời kỳ cụ thể, song cũng cần kiên quyết đấu tranh khắc phục cả khuynh hướng tư tưởng định kiến hẹp hòi, cả những biểu hiện dễ dãi, vô nguyên tắc trong việc tập hợp lực lượng, dẫn đến những sơ hở để kẻ xấu lợi dụng phá hoại tổ chức.

 

Phát huy mạnh mẽ vai trò quản lý, điều hành, triển khai thực hiện của tổ chức chính quyền, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; kết hợp tốt việc thực hiện chế độ tập trung dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc để góp phần nâng cao trình độ và hiệu quả của cơ chế dân chủ trong xã hội, bảo đảm tốt hơn quyền dân chủ của nhân dân.

 

6. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn là khâu then chốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân ở từng địa phương, đơn vị. Cần bảo đảm cho mọi cán bộ, công chức phát huy được phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; tự mình phòng, tránh và đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ; nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, công chức; phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, muốn vậy phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân; có thái độ chân thành, tôn trọng nhân dân; có trách nhiệm cao và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân xây dựng, tổ chức cuộc sống, giải quyết những khó khăn; không thành kiến, phân biệt đối xử khi tiếp xúc, làm việc với dân.

 

Từng cán bộ theo cương vị, chức trách phải thường xuyên sâu sát, nắm vững tình hình đơn vị, địa bàn, kịp thời phát hiện và báo cáo với tổ chức đảng, tổ chức chính quyền những vấn đề nảy sinh và tích cực tham gia giải quyết; có kế hoạch cụ thể sử dụng lực lượng, sử dụng những nguồn lực đóng góp của nhân dân một cách thiết thực và có hiệu quả nhất theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(18). Điều này cho thấy, Đảng ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng thành quả.

 

7. Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, lợi dụng khó khăn, khuyết điểm để bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ ta; dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn mua chuộc, kích động, chia rẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, hòng làm giảm uy tín của Đảng. Họ dựng lên rằng, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”… Họ đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”; kích động thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị” ở khu vực Tây Bắc; “nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên, với “Tin lành Đega” làm quốc đạo; thành lập “Nhà nước Khmer Campuchia Krom” ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ… Thực chất, đây là thủ đoạn nham hiểm, lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo” để kích động, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12.3.2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi và vùng đồng bào có đạo, đồng thời phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo.

 

Đảng ta chỉ rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(19); quan tâm chăm lo từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vận động và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, chăm lo và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, các nhân sĩ, trí thức, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, cần nhanh chóng để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc, cùng nhau hợp sức xây dựng một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

 

Tóm lại, giữ vững và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng làm hạt nhân phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm quý báu, vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng. Bài học kinh nghiệm này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ để khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng đất nước hùng cường và giàu mạnh./.

_________________________________________________ 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T.1., tr. 350, 123.

(2) V.I.Lênin (1979), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T.39.,  tr.251.

(3), (4) V.I.Lênin (1979), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T41., tr.479, 285 - 286.

(5), (6), V.I.Lênin (1979), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T44., tr. 426,  608.

(7) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.10, tr.453.

(8), (9), (10)  Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.9, tr. 244, 638, 145.

(11) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.13, tr. 376.

(12), (13) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, T.15, tr. 622, 675.

(14), (15) Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, T59., tr.279 - 280, tr.292.

(16), (17), (18) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG Sự thật, T.I, tr.105 - 106, 111, tr173.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khoá IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr. 48.

 

TS. Phan Sỹ Thanh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

1. Quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong lịch sử và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), Mác đã viết: “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(1). Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, V.I.Lênin, khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối vớ

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn