Công tác quản lý tư tưởng quân nhân là tổng thể các chủ trương, nội dung, biện pháp của các chủ thể quản lý nhằm phát huy những tư tưởng tích cực, ngăn chặn tư tưởng tiêu cực, giữ vững ổn định đơn vị, trong đó giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là biện pháp quan trọng trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân hiện nay.

Giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” – biện pháp quan trọng trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân hiện nay
Giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” – biện pháp quan trọng trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân hiện nay

1. Đặt vấn đề

Giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện tính tích cực, chủ động, thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chủ yếu, lấy cái tư tưởng tích cực, tiến bộ, đẩy lùi tư tưởng tiêu cực, lạc hậu.

Bộ đội Cụ Hồ” – danh hiệu cao quý mà Nhân dân dành tặng, tôn vinh Quân đội ta. Đó là những phẩm chất tiêu biểu của người quân nhân cách mạng, được xây đắp nên từ sự phấn đấu, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, giáo dục, rèn luyện, được Nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, niềm vinh dự, tự hào và là động lực tinh thần mạnh mẽ, thôi thúc quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng1.

2. Công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong công tác quản lý tư tưởng quân nhân hiện nay

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” khi được định thành, phát triển bền vững trong mỗi quân nhân, giúp họ có phẩm chất, năng lực toàn diện, thực sự mẫu mực về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, phương pháp tác phong công tác theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây chính là nhân tố cốt lõi, nền tảng tinh thần vững chắc để mỗi quân nhân luôn bản lĩnh, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời, tạo “lá chắn” ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tư tưởng tiêu cực, dao động, ngả nghiêng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm pháp luật, kỷ luật, ảnh hưởng đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân của Tổng cục Chính trị xác định nguyên tắc “Kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy xây dựng, phát huy mặt tích cực, tiến bộ của cơ quan, đơn vị là chính để khắc phục mặt tiêu cực, lạc hậu”2, vậy nên thông qua giáo dục, rèn luyện làm cho quân nhân nhận thức đầy đủ về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, niềm vinh dự, tự hào, trách nhiệm to lớn đối với việc giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, khắc chế tư tưởng tiêu cực, lạc hậu, khơi dậy khát vọng rèn luyện, cống hiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn cho thấy, ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực đa chiều của đời sống xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch,…một số quân nhân không giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, hoang mang, dao động, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng…”3.

3. Một số biện pháp giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hiệu quả

Để giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hiệu quả, trở thành trận địa vững chắc, tạo sức đề kháng với những biểu hiện tư tưởng tiêu cực, lệch lạc trong mỗi quân nhân, cần thực hiện những biện pháp cụ thể sau:

Một là, thường xuyên giáo dục cho mọi quân nhân thấm nhuần sâu sắc, đề cao trách nhiệm giữ gìn và phát huy phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để mọi quân nhân nhận thức đầy đủ, sâu sắc phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là tài sản tinh thần to lớn, danh hiệu thiêng liêng, cao quý được Nhân dân trao tặng và trách nhiệm của mỗi quân nhân trong giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp này. Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phải thường xuyên giáo dục cho mọi quân nhân hiểu rõ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không phải tự nhiên, sẵn có mà phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện kiên trì, bền bỉ, thử thách ở những điều kiện khó khăn, khắc nghiệt mới tôi luyện nên, giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải trở thành chủ động, tích cực, tự giác trong suy nghĩ và hành động, trong lời nói và việc làm, mọi biểu hiện tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật, kỷ luật đều ảnh hưởng tiêu cực đến phẩm chất cao quý này.

Nội dung, phương thức giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phù hợp với đối tượng, đặc điểm từng đơn vị, có sự cập nhật, bổ sung kịp thời. Nội dung giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện trên các nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật và trách nhiệm nêu gương…, tập trung giáo dục, quán triệt các nghị quyết của Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tốt Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về 19 điều đảng viên không được làm và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chú trọng giáo dục, quán triệt thật cụ thể, sâu sắc Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, nhất là 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, coi đây là những biểu hiện tư tưởng tiêu cực mà mỗi quân nhân cần nắm vững, phòng tránh “từ sớm, từ xa”, không được để những biểu hiện này nảy sinh trong tư tưởng của mình.

Phương thức giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải linh hoạt, sáng tạo, kết hợp giữa giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật với các nội dung sinh hoạt. Nắm chắc tình hình mọi mặt trước, trong, sau các vụ việc, ở những thời điểm dễ nảy sinh tư tưởng để giáo dục phù hợp. Chú trọng biện pháp nêu gương trong giáo dục phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mọi hành động tích cực, gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp sẽ là điểm tựa tư tưởng vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị vượt qua khó khăn, thử thách như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”4.

Hai là, xây dựng động cơ đúng đắn, tạo động lực rèn luyện, phấn đấu cho quân nhân theo chuẩn mực phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ thống những giá trị, chuẩn mực về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phương pháp tác phong công tác, đồng thời là mục tiêu đặt ra cho mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quá trình này trở thành hoạt động tự thân, mang tính tích cực, tự giác của quân nhân khi được xây dựng động cơ đúng đắn, thấy rõ đúng mục đích của mình và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Vì vậy, để xây dựng động cơ đúng đắn, trách nhiệm cao cho mỗi quân nhân hiện nay, cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố ý chí, quyết tâm, xây dựng hoài bão, khát vọng cống hiến cho mỗi quân nhân, làm cho họ luôn có nhận thức sâu sắc hơn nữa về giá trị cao quý, vai trò quan trọng của việc rèn luyện, phấn đấu theo các chuẩn mực của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Cùng với đó, làm cho họ nhận thức rõ những biểu hiện tư tưởng tiêu cực có thể dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, sa vào suy thoái về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để có tinh thần cảnh giác, luôn tỉnh táo trước những lôi kéo, cám dỗ tiêu cực từ bên ngoài, cũng như những tính toán ích kỷ, so sánh thiệt hơn của mỗi cá nhân, từ đó, nâng cao tính tích cực, tự giác, kiên trì, bền bỉ, vượt qua khó khăn, thử thách, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Để thực hiện tốt vấn đề này, cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiến hành tổng hợp các biện pháp về công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách, động viên, khen thưởng kịp thời. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với việc nắm bắt tư tưởng, kịp thời phát hiện, giải quyết từ gốc những vấn đề nảy sinh; đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo sự lan tỏa trong toàn đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng cho quân nhân động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng, vượt qua những khó khăn, cám dỗ.

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo thuận lợi cho quân nhân giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Môi trường văn hóa ở đơn vị có vai trò rất quan trọng trong quá trình giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của quân nhân. Chính trong môi trường văn hóa mà mỗi quân nhân thông qua hoạt động thực tiễn, tiếp nhận các phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để phát triển, hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, chống lại các tác động tiêu cực đến tư tưởng. Thực tế cho thấy, môi trường văn hóa ở đơn vị tốt đẹp, lành mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân nhân rèn luyện, phấn đấu, gắn bó với đơn vị, ngược lại, sẽ trở thành rào cản, làm nảy sinh những tư tưởng tiêu cực.

Trong điều kiện hiện nay, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo bức trường thành ngăn ngừa những yếu tố tác động tiêu cực đến tư tưởng, tạo thuận lợi cho quân nhân rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đòi hỏi cấp ủy Đảng, lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp phải triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”; tập trung xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ và giữa đồng chí, đồng đội, yếu tố cốt lõi tạo nên sự thống nhất, tình cảm gắn bó, sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, làm cho quá trình rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của quân nhân thuận lợi; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống thư viện, phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị; tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, tọa đàm, diễn đàn tuyên truyền về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; chăm lo, củng cố cảnh quan môi trường, bảo đảm đầy đủ đời sống vật chất, tinh thần, làm cho mỗi quân nhân thêm yêu mến, gắn bó với đơn vị, thôi thúc họ ra sức rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với thực hiện chức trách, nhiệm vụ của quân nhân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ của quân nhân chịu tác động của những yếu tố đa chiều, trong các điều kiện khó khăn, gian khổ, đầy thử thách, dễ nảy sinh các tư tưởng tiêu cực, đây cũng là một trong những nội dung của công tác quản lý tư tưởng quân nhân. Việc gắn kết giữa giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với thực hiện chức trách, nhiệm vụ của quân nhân là biện pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, tư tưởng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, không ngừng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Để gắn kết có hiệu quả, công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” phải gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm của từng cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của mỗi quân nhân, cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức cụ thể nhằm xác định rõ tư tưởng, ý chí quyết tâm. Động viên, khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi cho quân nhân không ngừng đổi mới, sáng tạo, có những đột phá, cách làm mới, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chú trọng phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, làm cho mọi quân nhân thấy rõ được nghĩa vụ, trách nhiệm, khơi dậy khát vọng cống hiến và tinh thần “7 dám” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”5, tự giác khắc chế những biểu hiện, hành vi vi phạm, làm ảnh hưởng đến phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

4. Kết luận

Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp góp phần giữ vững chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao của quân nhân, đây cũng là mục tiêu, nhiệm vụ của công tác quản lý tư tưởng trong quân đội. Các biện pháp giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cần phải được tiến hành tổng thể, đồng bộ, đi vào hiệu quả thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến cao cả để chính họ sẽ là chủ thể chủ yếu tự khắc phục những tư tưởng tiêu cực, lạc hậu trong bản thân mình. Có như vậy, công tác quản lý tư tưởng mới thực sự hiệu quả, bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 435.
2. Tổng cục Chính trị (2022). Quy chế quản lý tư tưởng quân nhân, nắm và định hướng dư luận trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tr. 3.
3. Quân ủy Trung ương (2021). Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28/12/2021 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, tr.1.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 284.
5. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6.

Trung tá, ThS. Nguyễn Hồng Thái
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

1. Đặt vấn đề Giáo dục, rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện tính tích cực, chủ động, thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chủ yếu, lấy cái tư tưởng tích cực, tiến bộ, đẩy lùi tư tưởng tiêu cực, lạc hậu. Bộ đội Cụ Hồ” – danh hiệu cao quý mà Nhân dân dành tặng, tôn vinh Quân đội ta. Đó là những phẩm chất tiêu biểu của người quân nhân cách mạng, được xây đắp nên từ sự phấn đấu, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công tổ chức, giáo dục, rèn luyện, được Nhân dân hết lòng thương yêu đùm bọc, giúp đỡ, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, niềm vinh dự, tự hào và là động lực tinh thần mạnh mẽ

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn