Tư tưởng yêu nước, lòng thương dân, tinh thần lấy dân làm gốc là sản phẩm tinh thần vô cùng cao quý của dân tộc Việt Nam, là tư tưởng và tình cảm thiêng liêng, giữ vị trí chuẩn mực của đạo lý và đứng đầu bậc thang giá trị dân tộc. Tinh thần đó đã phát huy sức mạnh vô biên và là mẫu số chung, là động lực nội sinh của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và xây dựng đất nước. Đất nước ta hôm nay đang trên đà hội nhập và phát triển, để sự nghiệp đổi mới thành công, xã hội ngày càng phồn vinh, nhân dân sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc... mỗi chúng ta thấm nhuần hơn nữa và phát huy sáng tạo giá trị tư tưởng của nền chính trị “yêu nước, thương dân, dân là gốc”. Trong phạm vi bài viết này, tác giả mong muốn làm sáng tỏ vấn đề trên.

Giá trị tư tưởng của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc với sự phát triển ở nước ta hiện nay
Giá trị tư tưởng của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc với sự phát triển ở nước ta hiện nay

1. Cơ sở của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc

a. Chủ thể (con người Việt Nam) trong buổi đầu dựng nước

Ngay từ buổi đầu lập nước và trong suốt quá trình xây dựng đất nước, con người Việt Nam đồng thời vừa phải thích nghi với thiên nhiên, vừa chinh phục cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống. Từ rất sớm, ông cha ta đã biết trồng lúa nước, kết hợp làm nghề thủ công, chăn nuôi, đánh bắt để mưu sinh. Kể từ đó công việc đắp đê sông, đê biển để chống lũ lụt, bão tố; đào kênh, khơi mương làm thủy lợi chống hạn hán, tưới tiêu đồng ruộng, mở mang xóm làng, cư dân ngày một phát triển… đã trở thành nét văn hóa chính trị đặc trưng, quen thuộc của con người Việt Nam truyền thống.

 

Càng về sau do nhu cầu sản xuất lưu thông hàng hóa, cũng sớm xuất hiện việc buôn bán, thương mại giữa các vùng miền trong nước. Thực tiễn công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra hàng nhiều nghìn năm trong những đặc điểm của thiên nhiên Việt Nam như vậy đã sớm tạo nên không chỉ sự gắn bó cộng đồng, sự gắn bó với quê hương, mà điều quan trọng và đầy ý nghĩa nhân văn cao cả là hình thành nên tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu thương con người. Những tình cảm đó chính là cội nguồn đầu tiên của sự hình thành tư tưởng, ý thức chính trị dân tộc, một nền chính trị đề cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, lấy con người làm trung tâm.

b. Sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội

Trong quy luật vận động chung của xã hội loài người, sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội của mỗi nước mang những nét đặc thù, ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển văn hóa, ý thức, trong đó có tinh thần yêu nước, thương dân, dân là gốc.

Thời kỳ cổ đại, Việt Nam không trải qua giai đoạn phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Quan hệ nô tỳ với chủ nô - tức chế độ nô lệ gia trưởng có phát triển trong mức độ nào đó, nhưng không bao giờ trở thành quan hệ chi phối, thống trị của xã hội và nô tỳ chưa bao giờ giữ vai trò là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Chúng ta đã biết, chế độ chiếm hữu nô lệ không coi nô lệ là con người, chà đạp lên thân phận và nhân phẩm của họ, gạt bỏ quần chúng nô lệ với tư cách là lực lượng sản xuất chủ yếu ra khỏi thành viên của cộng đồng xã hội, do đó nó để lại dấu ấn nặng nề trong mối quan hệ cũng như tình cảm giữa con người và con người.

Chế độ phong kiến Việt Nam cũng mang đặc điểm của chế độ phong kiến phương Đông và khác với chế độ phong kiến phương Tây. Trong thời kỳ phong kiến, ở Việt Nam không có thời kỳ tồn tại của chế độ lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô, không trải qua thời kỳ phân quyền cát cứ lâu dài. Đặc điểm này tạo lập sự cố kết cộng đồng và sự phát triển của tinh thần, ý thức dân tộc của nền chính trị gần dân, thân dân, dân là gốc.

c. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc

Chống ngoại xâm  không phải là đặc điểm riêng của lịch sử Việt Nam, vì dân tộc nào trong quá trình sinh tồn và phát triển mà lại không có lần phải chiến đấu bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình. Nhưng, việc chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam mang những nét đặc biệt. Và, nó được xem là một yếu tố đặc trưng của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm nhiều lần như Việt Nam. Kể từ kháng chiến chống Tần thế kỷ II trước Công nguyên đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa kết thúc, trong hơn 23 thế kỷ, tính ra thời gian kháng chiến giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc đã lên đến trên 12 thế kỷ, chiếm quá nửa thời gian lịch sử dân tộc. Điều đáng lưu ý ở đây là độ dài thời gian, tần số xuất hiện, số lượng các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng quá lớn so với các nước khác trên thế giới.

 

Trong thời cổ đại - trung đại, dân tộc ta phải đương đầu với nhiều đế chế lớn mạnh ở phương Đông và trong thời cận đại - hiện đại, phải đương đầu với những cường quốc đế quốc chủ nghĩa trên thế giới. Các cuộc kháng chiến diễn ra trong so sánh lực lượng rất chênh lệch, trong điều kiện chiến đấu hết sức ác liệt. Do đó, con đường sống còn và chiến thắng của dân tộc ta là phải biết huy động sức mạnh của toàn dân, của cả đất nước, sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn thể dân tộc.

Lịch sử chống ngoại xâm với những đặc điểm trên đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và sự phát triển của tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí quật cường bất khuất, niềm tự tôn dân tộc của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc.

d. Sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc

Trên lãnh thổ Việt Nam, thời cổ đại, hình thành ba trung tâm văn hóa - văn minh dẫn đến sự ra đời của ba nhà nước sơ khai: văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc, văn hóa Sa Huỳnh với vương quốc Chămpa cổ, văn hóa Óc Eo với vương quốc Phù Nam. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, ba dòng văn hóa và lịch sử đó hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam, lấy dòng văn hóa Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc làm dòng chủ lưu.

Việt Nam là một nước gồm nhiều thành phần tộc người mà chúng ta quen gọi chung là nhiều dân tộc, là một quốc gia đa tộc người. Mỗi dân tộc có vốn văn hóa riêng, tạo nên những vùng địa - văn hóa tộc người rất phong phú, đa dạng. Nhưng, do sự gắn bó lâu đời trong một quốc gia thống nhất, do yêu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và do sự giao lưu, hội nhập văn hóa, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn có mẫu số chung của một nền văn hóa thống nhất trong tính đa dạng, một ý thức chung về vận mệnh cộng đồng - bảo vệ giang sơn, xây dựng đất nước, làm giàu đời sống vật chất và các giá trị tinh thần. Đó cũng là mẫu số chung của các giá trị yêu nước, thương người, con người là gốc của mọi công việc.

 

Với điều kiện tự nhiên là một quốc gia có nhiều vùng địa lý và với những đặc điểm khác nhau về địa hình, khí hậu, môi trường sinh thái, kết hợp với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam đã hình thành nên những vùng địa - văn hóa khác nhau, góp phần tăng thêm tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Tình yêu thương con người, tinh thần yêu nước của các bộ phận dân cư, các tộc người với những sắc thái khác nhau, tạo nên một hệ giá trị yêu nước, thương người chung của Việt Nam, vừa bao chứa các giá trị của đại gia đình các dân tộc người Việt, vừa hội đủ các bản sắc đặc thù của văn hóa các tộc người khác nhau.

Việt Nam ở vào vị trí đầu mối giao thông tự nhiên của Đông Nam Á vừa nối liền với đại lục, vừa nhìn ra đại dương và hải đảo, một khu vực giao tiếp của nhiều nền văn minh trên thế giới. Văn hóa Việt Nam qua giao lưu và tiếp biến văn hóa, đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, làm phong phú văn hóa dân tộc, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của mình. Đó là tính thích nghi, hội nhập, tiếp biến và là bản lĩnh của văn hóa Việt Nam. Điều đó cũng nói lên ý thức dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ. Tinh thần độc lập tự chủ không chỉ thể hiện trong đấu tranh bảo vệ lãnh thổ biên cương, mà cũng thể hiện rõ trong đấu tranh bảo vệ bản sắc dân tộc, làm phong phú các giá trị con người Việt Nam. Tinh thần, ý thức, bản lĩnh đó của văn hóa Việt Nam vừa kết tinh những giá trị tiêu biểu, vừa chi phối sự phát triển của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc.

đ. Quá trình thống nhất quốc gia và sự xuất hiện sớm của dân tộc Việt Nam

Biểu tượng trung tâm của sự thống nhất quốc gia, dân tộc bằng chứng với sự ra đời nhà nước. Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, thiết chế Nhà nước Việt Nam đầu tiên ra đời không dựa trên cơ sở phân hoá xã hội, phân hoá giai cấp, mà xuất hiện do yêu cầu trong quản trị cộng đồng, xây dựng và quản lý các công trình đê điều, thủy lợi; và đặc biệt trực tiếp từ yêu cầu tự vệ chống ngoại xâm. Quá trình hình thành, phát triển của nhà nước đó gắn liền với xu hướng thống nhất quốc gia và sự hình thành sớm của dân tộc Việt Nam.

Sự hình thành dân tộc ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông diễn ra không hoàn toàn như ở phương Tây. Đó là quá trình cố kết cộng đồng diễn ra trên cơ sở liên kết cộng đồng nhà (gia đình) - làng (công xã nông thôn) - nước (quốc gia, dân tộc) trong những điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và kết cấu kinh tế - xã hội của Việt Nam gần với phương Đông và khác với phương Tây. Như vậy, trong tiến trình lịch sử, quá trình thống nhất quốc gia và thống nhất dân tộc sớm tác động sâu sắc đến sự phát triển của tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc Việt Nam.

2. Nội dung cơ bản của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc

Nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc biểu hiện ở tư tưởng và hành động của những con người chính trị Việt Nam luôn gắn bó và cố kết cộng đồng hướng về dân tộc, về đất nước, hướng về dân, lấy dân làm gốc.

Trong quan niệm truyền thống “đất và nước”, là hai yếu tố cơ bản của nền nông nghiệp trồng lúa nước lấy “gia đình - nhà” làm đơn vị kinh tế và “làng, xóm” làm cộng đồng cơ sở. “Nước” gắn liền với “nhà” và “làng xóm”: việc nước, việc làng, việc nhà; trong xóm ngoài làng; trong làng ngoài nước.

Nước được coi là tập hợp của nhiều làng và vùng. Nước hay quốc gia, dân tộc là một cộng đồng gắn bó với nhau trong lịch sử, trong cuộc sống và vận mệnh chung. Nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà văn hóa kiệt xuất Nguyễn Trãi từng viết:

 

Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền/ Cành Nam cành Bắc một cội nên.

Trong nước có nhiều tầng lớp và đẳng cấp xã hội khác nhau, thường được gọi là “tứ dân”, gồm: sĩ, nông, công, thương, mà đông nhất là “nông”. Do đó, “dân” được ví như “nước” và nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền. Nguyễn Trãi nói: “Phúc chu thủy tín dân do dân” (Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước).

Bài chiếu Cấm các quan đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam, lười biếng, Nguyễn Trãi viết thay nhà Vua Lê Thái Tổ vào năm 1430 , đã phân tích một cách lỗi lạc về sự thất bại của ba đời Trần, Hồ, Minh. Toàn bộ sự hưng vong của một triều đại là dựa vào dân. Nhà Trần mất là vì “mặc dân khốn khổ, nhân dân oán mà không biết, chỉ ham vui chơi, đắm đuối tửu sắc...”. Nhà Hồ mất là vì “lấy gian trí mà hiếp lòng dân... Gia dĩ thuế má phiền, lao dịch nặng, pháp luật ngặt, hình phạt nghiêm. Chỉ vụ ích kỷ phì gia, chẳng nghĩ đến khổ dân, hại nước...”. Nhà Minh mất là vì “chuyên chém giết để ra oai, coi mạng người như cỏ rác”. Người dân mà Nguyễn Trãi nói đến, rõ ràng là người dân lao động.

Khi dân đã là gốc của nước thì mọi khái niệm mà chúng ta gọi làm thành cơ sở tư tưởng Nho giáo, đều phải quy chiếu về đấy, và do đó mà bản chất của nó khác hẳn. Chữ “nhân” của Khổng Tử là chỉ đạo đức cá nhân, không liên quan đến số phận của dân. Cho nên Nhan Hồi vui cái nghèo, Bá Di đi ở ẩn đều được khen là có nhân. Trái lại, Nguyễn Trãi chủ trương: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Chữ “nhạc” trong Nhạc ký là gắn liền với sự hài hòa của trời đất, thì ở đây lại khác: “Dám mong bệ hạ rủ lòng thương khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng oán sầu, đó là cái gốc của nhạc”. Chữ “lễ”, theo tư tưởng Nguyễn Trãi, không phải là để quy định tôn ti, đề cao nhà vua, hạ thấp nhân dân. Trong các bài chiếu viết thay Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi yêu cầu triều đình phải ôn nghèo, nhớ khổ, đừng quên món nợ Lam Sơn, phải đổi mới số phận dân chúng. Mỗi bài chiếu như vậy đều chứa đựng một lời cam kết của nhà vua. Lối văn chiếu biểu sau này khác hẳn. Đâu đâu cũng là “Thánh quân, Thánh ý”, nhất là lối chiếu biểu đời Nguyễn.

Tư tưởng lấy dân làm gốc không phải do tự thân Nguyễn Trãi có được, dù ông có vĩ đại đến đâu đi nữa. Cuộc xâm lược của quân Minh đã đánh bật ông ra khỏi tầng lớp của mình, ném ông vào cuộc sống long đong, khiến ông hòa làm một với dân. Câu hỏi ông tự đặt ra là: Dựa vào ai để cứu nước Đại Việt? Nam đế đã bị tù và bị giết, vương công đã đầu hàng, hào kiệt tách rời khỏi dân đều thất bại. Lần đầu tiên trong lịch sử châu Á, Nguyễn Trãi đưa ra được câu trả lời: Cứu nước Đại Việt là người dân Đại Việt. Họ “không sống nổi”, “họ đều nghiến răng căm hờn, liều chết giết giặc”. Nhưng họ thiếu một đường lối sáng suốt. Vì vậy, phải đưa ra một chính sách “bình Ngô”, trước sau chỉ vì họ. Đó là chính sách “tâm công”, là chủ trương “lấy toàn dân là hơn”.

 

Khẩu hiệu phải là “chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh” chứ không phải là giết được nhiều giặc, ăn trên ngồi trốc trong ngoại giao. Do đó mà có sự kiện ăn thề với một kẻ địch đã đầu hàng và tha cho chúng về, một sự kiện chưa hề thấy trong lịch sử cổ đại. Đó là đường lối “tắt muôn đời chiến tranh”, đường lối làm cho phong kiến Trung Quốc khiếp sợ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà phải 362 năm sau mới thấy quân Thanh lấp ló ở đồng bằng Bắc Bộ, và thua một trận là thôi ngay không dám kéo dài như những đời trước. Không thể vin vào một vài câu hết sức rời rạc trong sách Trung Quốc cổ để cho đó là của Trung Quốc.

 

Chẳng hạn câu: “Lật thuyền mới biết dân như nước” là lấy ở quyển Khổng Tử gia ngữ của Vương Túc đồi Tân, chữ tâm công là danh từ Gia Cát Lượng dùng khi đánh Mạnh Hoạch. Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán chỉ có cách là sử dụng lại những từ ngữ đã có sẵn. Việc tự mình đặt ra một cách diễn đạt riêng là điều không thể có trong óc thẩm mỹ dưới thời quân chủ. Làm sao ta có thể quên rằng Việt Nam có một nền văn hóa làng mạc với những yếu tố dân chủ, ca ngợi lao động, dù là tính chất dân chủ này có bị hạn chế.

Nguyễn Trãi trước sau vẫn cho mình là một nhà Nho. Trong toàn bộ các công trình của ông không bao giờ sử dụng phương pháp suy luận của Nho giáo. Ông không nói chính danh, tu thân, không xuất phát từ người quân tử. Ông đưa ra hệ quy chiếu Việt Nam, lấy dân nước làm trung tâm, lấy lợi ích của dân, của nước làm bổn phận. Nguyễn Trãi lao vào cuộc kháng chiến ngay từ đầu, vạch sách lược bình Ngô, tiến hành cho đến khi thắng lợi. Rồi khi đất nước được giải phóng lại nêu cao đường lối nhân nghĩa, kết thúc bài Đại cáo bình Ngô bất tử chữ Duy tân từ đấy để mong đổi mới số phận người dân. Trong khi làm quan, ông chỉ lo kéo triều đình về với người dân, đừng quên những ngày khổ cực.

Nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc còn được biểu hiện rộng rãi, thẩm thấu trong tư duy  và tâm hồn người Việt Nam, chẳng hạn trong câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Hoặc như: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Ý niệm lịch sử và văn hóa chung giữ vai trò rất quan trọng trong nhận thức và tình cảm yêu nước (huyền thoại, truyền thuyết, truyện lịch sử, lễ hội dân gian).

Thế kỷ XV, Lê Thánh Tông đã ra lệnh: “Một thước núi, một tấc sông của ta không thể vất bỏ... Ai dám đem một thước núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Trong thời kỳ phân biệt Đàng Trong - Đàng Ngoài, nhân dân hai miền không ai coi mỗi miền là quốc gia riêng. Lê Đản (thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX) ở Bắc Ninh viết: Ai chia ai hợp không cần biết/ Nam Bắc xưa nay vẫn một nhà.

Bùi Dương Lịch (1758 - đầu thế kỷ XIX) ở Nghệ An viết: Nam Bắc đều là đất nước đây/ Núi sông chẳng vạch quốc gia này.

Quan niệm bảo vệ văn hóa dân tộc chủ yếu là bảo vệ bản lĩnh, bản sắc dân tộc gắn với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không mang tính bảo thủ, cố chấp. Đầu thế kỷ XX, các nhà Nho cải cách lại chủ trương cắt tóc với ý nghĩa quyết tâm cải cách: Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc lập ở chùa Duy tân.

Đến bước trưởng thành của tinh thần yêu nước, tình yêu quê hương xứ sở được nâng lên thành ý thức bảo vệ non sông đất nước, giang sơn Tổ quốc, sơn hà xã tắc, nghĩa là ý niệm sâu sắc về lãnh thổ quốc gia. Đây là một biểu hiện cao nhất của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc.

Nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc có cội nguồn và quá trình tạo lập, phát triển, thử thách và đã trở thành một trong những giá trị bền vững nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam. Điều đặc biệt là nó đã ăn sâu vào thế giới tinh thần của mỗi người Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử. Nó trở thành bền vững khi xác định mục tiêu, động lực cũng như cách tổ chức và hoạt động của quyền lực chính trị của chính trị Việt Nam.

3. Ý nghĩa đối với sự phát triển ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, tư tưởng nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc đã trở thành di sản tinh thần quý báu, bệ đỡ tinh thần chính trị và đồng thời là yếu tố chi phối sự vận động và phát triển các thể chế chính trị Việt Nam truyền thống phải được coi là một tiền đề và điều kiện hết sức quan trọng cần phải được lường tính khi phát triển hệ thống chính trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức quyền lực chính trị cần hết sức lưu ý đến tính năng phục vụ và đại diện cho lợi ích dân tộc, nhân dân. Trong tổ chức và vận hành bộ máy quyền lực cần phải triệt để tuân thủ theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của nền chính trị “nhân nghĩa” vì dân, vì nước. Đây không phải chỉ là sự lưu ý thông thường mà là sự nhấn mạnh một đặc điểm truyền thống và có ý nghĩa quyết định đến sự vững mạnh của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đặc điểm này là một điều kiện tiên quyết, hết sức thuận lợi cho việc phát huy nền dân chủ XHCN và kiện toàn việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, trước tác động sâu sắc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch thế kỷ Covid-19, đây là lúc đất nước ta cần phải tập trung phát huy cao độ sức mạnh của toàn thể dân tộc, nhân dân chính là khơi dậy niềm tin, lòng tự hào và tiềm lực sức mạnh vốn có của nền chính trị “yêu nước, thương dân, dân là gốc” để vượt qua mọi thách thức, khó khăn, giành thắng lợi trên mọi lĩnh vực của đất nước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời, khẳng định bản lĩnh chính trị và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế /.

 

 ________________________________________________________                        

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Mậu Hãn (chủ biên) (2004), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. GD, H., T.3.

2. Trần Văn Giàu (chủ biên) (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H.,.

3. Vũ Minh Giang (chủ biên) (2008), Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG, H.,.

4. Nguyễn Duy Quý (chủ biên) (2008), Hệ thống chính trị nước ta trong thời kỳ đổi mới, Nxb. CTQG, H.,.

 

TS Dương Thị Thục Anh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

1. Cơ sở của nền chính trị yêu nước, thương dân, dân là gốc a. Chủ thể (con người Việt Nam) trong buổi đầu dựng nước Ngay từ buổi đầu lập nước và trong suốt quá trình xây dựng đất nước, con người Việt Nam đồng thời vừa phải thích nghi với thiên nhiên, vừa chinh phục cải tạo thiên nhiên phục vụ cuộc sống. Từ rất sớm, ông cha ta đã biết trồng lúa nước, kết hợp làm nghề thủ công, chăn nuôi, đánh bắt để mưu sinh. Kể từ đó công việc đắp đê sông, đê biển để chống lũ lụt, bão tố; đào kênh, khơi mương làm thủy lợi chống hạn hán, tưới tiêu đồng ruộng, mở mang xóm làng, cư dân ngày một phát triển… đã trở thành nét văn hóa chính trị đặc trưng, quen thuộc của con người Việt Nam truyền thống.   Càng về

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn