Đổi mới nhận thức một số điểm trong lý luận giá trị thặng dư dưới góc nhìn từ kinh tế tri thức
Đổi mới nhận thức một số điểm trong lý luận giá trị thặng dư dưới góc nhìn từ kinh tế tri thức

Bối cảnh lịch sử thay đổi thì tư duy cũng phải đổi mới, lý luận giá trị thặng dư được trình bày trong tác phẩm “Tư bản” của C.Mác dựa trên bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, do đó có những điểm cụ thể không phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển kinh tế tri thức.

Những nguyên lý cơ bản về giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên tính khoa học, chỉ có những biểu hiện cụ thể biến đổi. Giá trị thặng dư vẫn là một bộ phận giá trị mới dư ra ngoài giá trị sức lao động do lao động sống tạo ra, còn lao động quá khứ kết tinh trong tư liệu sản xuất chỉ chuyển giá trị sang sản phẩm theo mức độ tiêu dùng, không tạo ra giá trị thặng dư, nhưng tư liệu lao động tiên tiến, hiện đại làm tăng năng suất lao động dẫn tới rút ngắn thời gian lao động cần thiết, tăng thời gian lao động thặng dư, nên tăng giá trị thặng dư tương đối.

Một số biểu hiện mới chủ yếu:

Một là: Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lao động sống trực tiếp của quá trình lao động là nguồn gốc chủ yếu tạo ra giá trị thặng dư. Lao động khoa học nằm ngoài quá trình sản xuất và khoảng cách giữa khoa học, công nghệ và sản xuất xa nhau. Còn trong kinh tế tri thức và trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tri thức và lao động khoa học - công nghệ trở thành nguồn gốc chủ yếu của của cải và của giá trị thặng dư.

Khi nghiên cứu tích lũy tư bản, C.Mác đã rút ra kết luận: “Sự tăng năng suất lao động thể hiện ra ở việc giảm bớt khối lượng lao động so với khối lượng tư liệu sản xuất mà lao động đó làm cho hoạt động, hay là thể hiện ra ở sự giảm bớt đại lượng nhân tố chủ quan của quá trình lao động so với các nhân tố khách quan của quá trình đó”.(1)

Và C.Mác đã dự báo: Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí mà chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào tiến bộ kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất. Lao động biểu hiện ra không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất mà chủ yếu là một loại lao động, trong đó con người là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất. Hệ thống máy móc tự động sẽ từng bước thay thế hầu hết lao động trực tiếp. Bởi vậy thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất, công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy. Khi ấy, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, phát minh trở thành một nghề đặc biệt và đối với nghề này thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích. Quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động giản đơn thành một quá trình khoa học. Lao động trực tiếp về lượng sẽ quy vào một phần nhỏ hơn, còn về chất được chuyển hóa thành một yếu tố cần thiết, nhưng là thứ yếu so với lao động khoa học phổ biến và đối với sự áp dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ.

Các yếu tố vật chất thì cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học - công nghệ cũng được thay thế bằng những cái mới có hiệu quả hơn khiến cho một khối lượng lao động ít hơn (nhưng chất lượng cao hơn) cũng có thể vận dụng một khổi lượng máy móc và nguyên liệu lớn hơn.(2)

Có những máy móc tự động không có người điều khiển, dường như lao động sống bằng không. Bởi vậy, có người cho rằng máy móc tạo ra của cải không cần sức lao động, nên máy móc tạo ra giá trị thặng dư. Nhưng vẫn phải có người chế tạo và lập trình cho máy móc tự động. C.Mác đã giải thích: Thiên nhiên không chế tạo ra máy móc, tất cả những máy móc đều là sản phẩm lao động của con người, đều là những cơ quan của bộ óc con người do bàn tay con người tạo ra, đều là sức mạnh đã vật hóa của tri thức.(3)

Hai là: C.Mác cũng dự báo: Một khi lao động dưới hình thái trực tiếp không còn là nguồn gốc của của cải nữa, thì nền sản xuất dựa trên giá trị trao đổi sẽ bị sụp đổ và sự rút ngắn thời gian lao động cần thiết nhằm tăng thời gian lao động thặng dư sẽ thay bằng tăng thời gian nhàn rỗi cho xã hội nói chung và cho từng thành viên của xã hội, nghĩa là tạo ra khả năng rộng rãi để phát triển một cách hoàn toàn đầy đủ lực lượng sản xuất của từng người, do đó cũng là của cả xã hội.

Nếu sức sản xuất của lao động tăng lên nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vẫn nhằm vào mục tiêu rút ngắn thời gian lao động cần thiết để tăng lao động thặng dư thì tình trạng thất nghiệp và sản xuất thừa tương đối sẽ ngày càng trầm trọng. Bởi vậy quần chúng công nhân tự mình phải chiếm hữu lấy lao động thặng dư của mình. Khi nào công nhân bắt đầu thực hiện việc đó, thì khi ấy, một mặt thước đo thời gian lao động cần thiết sẽ là những nhu cầu của cá nhân xã hội, và mặt khác, sự phát triển của sức sản xuất xã hội sẽ diễn ra nhanh chóng đến mức mặc dù sản xuất sẽ nhằm vào sự giàu có của tất cả mọi người, nhưng thời gian nhàn rỗi của mọi người sẽ tăng lên. Bởi vì sự giàu có thật sự là sức sản xuất phát triển của tất cả các cá nhân. Khi ấy thước đo sự giàu có tuyệt nhiên sẽ không còn là thời gian lao động nữa, mà là thời gian nhàn rỗi.

(Có thể nêu một ví dụ: đáng lẽ 1 người làm 6 giờ một ngày và 5 người thất nghiệp thì bây giờ mỗi người chỉ làm một giờ một ngày, nên không ai thất nghiệp và mỗi ngày mỗi người đều có 5 giờ nhàn rỗi để học tập, nghiên cứu và giải trí, nhờ đó mà năng lực của mỗi người đều tăng lên).

Tiết kiệm thời gian lao động đồng nghĩa với tăng thời gian nhàn rỗi, nghĩa là thời gian cho sự phát triển đầy đủ của cá nhân, đến lượt nó, bản thân sự phát triển ấy, với tính cách là sức sản xuất vô cùng to lớn, tác động trở lại sức sản xuất của lao động. (4)

Như vậy, sức sản xuất của lao động tăng lên trong xã hội tư bản nhờ ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, lại tạo ra những điều kiện dẫn đến sự phủ định chủ nghĩa tư bản.

Ba là: Sự tiến bộ của nền sản xuất xã hội có tác dụng san bằng đối với độ mầu mỡ và vị trí của các khoảnh đất với tư cách là cơ sở của địa tô chênh lệch.

Khi phân tích lợi nhuận siêu ngạch chuyển hóa thành địa tô chênh lệch, C.Mác đã chỉ rõ: lợi nhuận siêu ngạch ấy bằng số chênh lệch giữa giá cả sản xuất cá biệt của những người sản xuất có những điều kiện thuận lợi hơn và giá cả sản xuất chung, tức là giá cả sản xuất xã hội có tác dụng điều tiết thị trường trong toàn bộ ngành sản xuất.

Những điều kiện thuận lợi ấy do lực lượng tự nhiên mang lại không phải là nguồn gốc sinh ra lợi nhuận siêu ngạch, mà chỉ là cơ sở tự nhiên của lợi nhuận siêu ngạch, vì nó là cơ sở tự nhiên của một sức sản xuất đặc biệt cao của lao động.

Nhưng sự phát triển của khoa học và công nghệ đã có tác dụng san bằng sự khác nhau về vị trí và độ phì nhiêu của các khoảnh đất. Hai khoảnh đất có cùng một thành phần hóa học như nhau, do đó, có cùng một mức độ phì nhiêu tự nhiên như nhau, vẫn có thể khác nhau về mức độ phì nhiêu thực tế tùy theo các chất dinh dưỡng tồn tại dưới một hình thức dễ tiêu hóa đến mức độ nào, và có thể trực tiếp dùng làm chất dinh dưỡng cho thực vật đến mức độ nào. Mức độ phì nhiêu thực tế tùy thuộc vào sự phát triển và ứng dụng khóa học và công nghệ vào sản xuất.(5)

Một thí dụ điển hình là Israel, một nước có tới 70% lãnh thổ là sa mạc, khô cằn, thiếu nước ngọt, nhưng nhờ coi trọng nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đã có một nền nông nghiệp thuộc loại hàng đầu thế giới.

(1)  C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 23, NXB CTQG, Hà Nội - 1993, tr877.

(2)  C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 46 phần II, NXB CTQG, Hà Nội 2000, tr359, 360, 367, 368, 369, 370, 372

 (3) C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 46 phần II, NXB CTQG, Hà Nội 2000, tr372

(4) Sđd, tr370, 371, 374, 375, 376, 382, 383,

(5) C.Mác và Ph.Angghen, toàn tập, tập 25 phần II, NXB CTQG, Hà Nội - 1994, các trang: 281, 289, 295, 296

GS, TS. Đỗ Thế Tùng

Bối cảnh lịch sử thay đổi thì tư duy cũng phải đổi mới, lý luận giá trị thặng dư được trình bày trong tác phẩm “Tư bản” của C.Mác dựa trên bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, do đó có những điểm cụ thể không phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phát triển kinh tế tri thức. Những nguyên lý cơ bản về giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên tính khoa học, chỉ có những biểu hiện cụ thể biến đổi. Giá trị thặng dư vẫn là một bộ phận giá trị mới dư ra ngoài giá trị sức lao động do lao động sống tạo ra, còn lao động quá khứ kết tinh trong tư liệu sản xuất chỉ chuyển giá trị sang sản phẩm theo mức độ tiêu dùng, không tạo ra giá trị thặng dư, nhưng tư liệu lao động tiên tiến, hiện

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn