Với 80 năm tuổi đời, 57 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đồng chí Nguyễn Phú trọng đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước, Đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn chỉ dẫn nổi bật về công tác dân vận của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Dấu ấn chỉ dẫn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác Dân vận vì hạnh phúc của nhân dân
Dấu ấn chỉ dẫn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác Dân vận vì hạnh phúc của nhân dân

 

 1. Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định vai trò cách mạng to lớn của nhân dân và “tin ở dân, chăm lo cho dân, dân là gốc, là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử”, “có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả” (1). Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", "làm kế sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ "mặc dân khốn khổ", "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh". Còn Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, vì "chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận". Nguyễn Trãi rút ra kết luận thật sâu sắc: Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước; nước có thể "chở thuyền", nhưng nước cũng có thể "lật thuyền".

 

Tổng Bí thư còn chỉ rõ: Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng Cộng sản muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân; cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo nhân dân ủng hộ. Lênin nhiều lần khẳng định: Nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân; đội tiên phong chỉ làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình một khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thật sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Người nhấn mạnh, đối với một đảng cầm quyền, "một trong những nguy cơ lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng".

 

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Và chính nhờ thế mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất. Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta” (2)

 

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, với quy mô, tầm vóc to lớn của cách mạng, với việc thiết lập hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong cả nước, với vai trò và trình độ làm chủ đất nước ngày càng cao của nhân dân, Đảng ta có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng và tăng cường mối liên hệ với nhân dân. Nhưng mặt khác, trong hoàn cảnh lịch sử mới, với tính chất, phương thức lãnh đạo mới, mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân cũng có những đòi hỏi mới cao hơn và đứng trước thử thách mới rất phức tạp. Ngoài những khó khăn khách quan, đồng chí Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta cũng phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm. Tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền khá phổ biến trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, và cả trong các tổ chức chuyên trách công tác vận động quần chúng. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ nặng về biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Kẻ địch và các phần tử xấu đã và đang lợi dụng tình hình này để kích động hòng chia rẽ Đảng và quần chúng, mưu toan phá vỡ sự thống nhất giữa Đảng và nhân dân (3)

 

Đại hội XIII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (4). Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

 

2. Xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân trong tình hình hiện nay, Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ “ vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”(5). Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Trong điều kiện hoà bình, xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan Nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng chăm lo đời sống nhân dân. Đảng luôn luôn coi việc bảo đảm và cải thiện đời sống nhân dân là trách nhiệm to lớn thường xuyên của mình. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng có những chính sách, những việc làm còn chưa thật đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; có những địa phương, những cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp thật tích cực để phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư thấy rõ những tiêu cực: “Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều yêu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được bảo đảm, thì có những cán bộ, đảng viên chỉ lo thu vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha; thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng. Một số người còn lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể, trở thành những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Có lẽ đây là điều mất mát lớn nhất trong tình cảm của nhân dân, là điều người dân cảm thấy xót xa, buồn phiền nhất”; đồng thời Tổng Bí thư băn khoăn: “Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục”.

 

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này, có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khỏe, việc học hành... của nhân dân. Thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội, lối sống có văn hoá, bảo đảm an ninh xã hội, an sinh xã hội, an toàn xã hội.

 

3. Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân, tìm thấy sức mạnh của mình ở mối quan hệ mật thiết với nhân dân, tạo những điều kiện cần thiết để nhân dân sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác và có tổ chức. Đảng ta cho rằng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là bản chất của chế độ ta” (6).

 

 Đảng ta đang lãnh đạo xây dựng và thực hiện các cơ chế tổ chức thích hợp để bảo đảm phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Với việc ban hành và thực hiện một số quy chế dân chủ, nay đã có Luật Thực hiện dân chủ cơ sở năm 2022, ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp thường xuyên tổ chức để nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, phương hướng nhiệm vụ công tác của đơn vị; phát động quần chúng phấn đấu thực hiện các quyết định của Đảng; động viên nhân dân tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức Đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên. Có thể nói từ trước tới nay, chưa có cuộc vận động dân chủ nào sâu rộng, thiết thực và đạt hiệu quả cao như cuộc vận động nhân dân góp ý kiến với Đảng và Nhà nước thời gian gần đây.

 

Tuy nhiên, ở không ít nơi, cấp uỷ Đảng và chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra: “Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng. Chúng ta không thể xem thường những biểu hiện này. Đảng ta đã khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới” (7)

 

Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định, các cấp uỷ đảng, các cơ quan nhà nước cần động viên, tổ chức nhân dân tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xoá bỏ nhận thức sai lầm cho rằng công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp uỷ Đảng cần lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi quyết định. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng.

 

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức tuyên truyền, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân; kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Mặt khác, các cấp uỷ Đảng, các cơ quan chính quyền có biện pháp tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có ý thức và thái độ đúng đắn với nhân dân, yêu thương, gần gũi, tôn trọng, lắng nghe nhân dân; có chương trình, kế hoạch tiếp dân, giải quyết tốt các đơn, thư khiếu tố, các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của dân; trừng trị nghiêm minh, thích đáng những hiện tượng trù dập, ức hiếp quần chúng. Các đoàn thể nhân dân, nhất là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông Dân… cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đi sâu giáo dục, bồi dưỡng, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với đầy đủ ý thức trách nhiệm của người làm chủ” (8)

 

Một vấn đề hết sức quan trọng mà đồng chí Tổng Bí thư đã yêu cầu: “Là phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã thoái hoá, hư hỏng, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu” (9)

 

Như chúng ta đã biết, nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Một số người vô tổ chức, vô kỷ luật, kéo bè kéo cánh, nịnh bợ cấp trên, chèn ép quần chúng và cấp dưới, cơ hội, thực dụng, gây mất đoàn kết nội bộ. Nhiều người có quan hệ trực tiếp với vật chất, tiền tài, đã lợi dụng chức quyền và điều kiện công tác để tham ô, trục lợi, ăn cắp của công, ăn hối lộ, thông đồng với kẻ xấu để làm giàu bất chính. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng.

 

Nhìn thẳng vào sự thật đó, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục những hiện tượng hư hỏng trong bộ máy nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” (10), không ngừng, không nghỉ; quyết tâm đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đảng yêu cầu phải làm tốt việc giáo dục, nâng cao phẩm chất cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, coi đây là một nội dung trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Các cấp uỷ đảng cần có biện pháp thật kiên quyết và tích cực giáo dục, rèn luyện, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, đấu tranh với các hiện tượng thoái hoá, biến chất, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử đã biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy nhà nước. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường được mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân.

 

4, Xác định dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta và đã dành rất nhiều tâm sức cho nhiệm vụ quan trọng này. Đại hội XI, XII, XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận và đã chỉ đạo rất sát sao, cụ thể. Trên cơ sở đó, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo mang tính chiến lược về công tác dân vận, như Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI "Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị khoá X "Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị"; Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khoá XI "về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội"; Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khoá XI "ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền"; Chỉ thị số 49- CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư “ Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số"… Trong thời gian gần đây, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 “về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” (thay thế Quy chế 290); Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 5 yêu cầu quan trọng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (11) sau đây:

Một là, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.

 

Ba là, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

 

Bốn là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quy chế thực hiện dân chủ (Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022) một cách thiết thực, hiệu quả.

 

Năm là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước nhân dân, chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của nhân dân, phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong công tác phục vụ nhân dân.

 

Đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng: “Yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác dân vận, hơn ai hết, cần thấu hiểu và thấm nhuần sâu sắc những vấn đề nêu trên để hoàn thành trọng trách của mình. Chúc công tác dân vận của chúng ta ngày càng thực sự đổi mới và đạt được nhiều thành tích mới, tiếp tục góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội” (12)

 

Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác dân vận, xây dựng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ tiếp tục được các lực lượng, đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phát huy trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc như tâm nguyện của Đồng chí.

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, được nhân dân yêu mến, kính trọng. Những hình ảnh của Đồng chí – Người Cộng sản chân chính, mẫu mực với trái tim nhân hậu, trọn cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, vì nước, vì dân mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

 

TS Nguyễn Văn Hùng

Nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương

                  ----------------------------------------------

 

Chú thích tài liệu tham khảo:

(1,2,3,5,9,11,12) Xem Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị công tác dân vận toàn quốc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tổ chức tại Hà Nội, ngày 27/5/2016.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia ST, Hà Nội, 2021, t.1, tr.192.

(6,7,8) Xem Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/7/2018.

(10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia ST, Hà Nội, 2022, tr.393.

   1. Đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định vai trò cách mạng to lớn của nhân dân và “tin ở dân, chăm lo cho dân, dân là gốc, là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử”, “có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả” (1). Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại. Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn