Hơn 90 năm qua, dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, các quan điểm, đường lối về văn hóa của Đảng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Bài viết phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước.

Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa trong thời kỳ đổi mới
Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa trong thời kỳ đổi mới

Đặt vấn đề

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã có những chủ trương phù hợp để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh của dân tộc, tạo dựng niềm tin của toàn dân đối với Đảng và tương lai của dân tộc.

1. Quan niệm về vai trò của văn hóa

Trong quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin văn hóa được hiểu như là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng. Trong thư gửi V.Bacguix ngày 25 - 01 - 1894, Ph.Ăngghen viết: “Sự phát triển của chính trị, pháp luật, tôn giáo, văn học và nghệ thuật... đều xây dựng trên cơ sở phát triển kinh tế. Nhưng tất cả chúng đều tác động lẫn nhau và tác động đến cơ sở kinh tế”[2, tr.446]. Như vậy, văn hóa mà ở đây Ph.Ăngghen nói là văn học và nghệ thuật là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng trong mối quan hệ với cơ sở hạ tầng thì vừa chịu sự chi phối, quyết định của cơ sở hạ tầng vừa tác động trở lại cơ sở hạ tầng.

Kế thừa và phát triển quan niệm văn hóa này của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), Đảng quan niệm văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật (khoa học, giáo dục) và nghệ thuật. Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII lần đầu tiên Đảng mở rộng quan niệm về văn hóa, văn hóa bao gồm trên 8 lĩnh vực không chỉ là văn học nghệ thuật mà còn là xây dựng môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, hệ thống thông tin đại chúng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và văn hóa các dân tộc thiểu số, chính sách văn hóa với tôn giáo, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, hoàn thiện thể chế văn hóa. Với các nội dung này, văn hóa thuộc về kiến trúc thượng tầng xã hội.

Thời kỳ đổi mới, cùng với những nhận thức mới của thế giới về phát triển bền vững, trong đó có sự tham gia của văn hóa khi UNESCO đã phát động thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988 - 1997), cùng với việc vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của văn hóa. Nếu Đại hội VI, vai trò của văn hóa vẫn nằm trong khuôn khổ của cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa tác động đến tư tưởng, tình cảm của con người - chủ thể xây dựng xã hội thì Đại hội VIII và sau đó là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) đã thấy được vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”[4, tr.55]. Từ chỗ khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đến chỗ nhận thức văn hóa là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững đất nước là một bước phát triển mới về nhận thức. Tại Hội nghị lần thứ 10 khóa IX, lần đầu tiên Đảng đưa quan điểm chỉ đạo: “Bảo đảm gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của 3 lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm sự cho phát triển bền vững của đất nước”[1, tr.50]. Như vậy, Đảng đã nhận thức phát triển bền vững là sự phát triển đồng bộ của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, chính trị. Phát triển văn hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế và chính trị. Đồng thời kinh tế phát triển, chính trị dân chủ, ổn định tạo điều kiện, cơ sở cho văn hóa phát triển. Hội nghị trung ương 9 khóa XI, Đảng khẳng định văn hóa là nguồn nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”[8, tr.159]. Tại Đại hội XII, Đảng bổ sung một nội dung mới về vai trò của văn hóa: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”[9, tr.126]. Như vậy, văn hóa không chỉ bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước mà còn góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tục có những bổ sung, phát triển khi nói đến vai trò của văn hóa: “Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”[10, tr.47]. Như vậy, Đại hội XIII không những khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn nói đến vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế. Một điểm mới cần lưu ý khi Đảng đánh giá về vai trò của văn hóa là đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Đột phá ở đây có nghĩa là chủ đạo, trọng yếu, then chốt, quan trọng nhất. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì cần phải huy động nhiều nguồn lực, động lực trong đó văn hóa chính là nguồn lực đột phá, tức là nguồn lực quan trọng nhất.

2. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, đồng thời tôn trọng quyền tự do, dân chủ trong sáng tạo văn hóa

Tính Đảng trong văn hóa theo V.I.Lênin là một nguyên tắc quan trọng cần phải bảo đảm: “Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong một bộ máy dân chủ - xã hội vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất, của Đảng dân chủ - xã hội”[13, tr.123]. Tuy nhiên, V.I.Lênin cũng lưu ý Đảng lãnh đạo văn hóa nhưng không phải can thiệp thô bạo, mệnh lệnh, hành chính vào hoạt động văn hóa mà vẫn phải bảo đảm quyền tự do sáng tạo: “Đương nhiên, sự nghiệp văn học ít thích hợp nhất đối với một sự cào bằng máy móc, đối với sự san bằng, đối với việc số đông thống trị số ít. Đương nhiên, trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải bảo đảm phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho khuynh hướng cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung”[13, tr.124].

Nhận thức rõ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng lãnh đạo văn hóa nhưng phải bảo đảm quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Ngay trong Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng khẳng định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm cho văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm thực hiện quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn”[8, tr.1114]. Đảng không can thiệp trực tiếp vào nội dung, hình thức của các sáng tạo, hoạt động văn hóa, những tìm tòi, sáng tạo riêng của các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa đều được tôn trọng, Đảng lãnh đạo văn hóa là để bảo đảm cho các hoạt động văn hóa đúng định hướng chính trị của Đảng, phục vụ cho nhiệm vụ, mục tiêu chung của dân tộc, đất nước là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đảng lãnh đạo văn hóa để ngăn chặn những hoạt động văn hóa đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, của dân tộc, với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nhận thức sâu hơn về vấn đề bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng cần phải khắc phục hai khuynh hướng sai lầm đó là: “Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo”[8, tr.170]. Đây là yêu cầu kép luôn song hành với nhau, không được loại trừ nhau, quá đề cao tự do trong hoạt động văn hóa dẫn tới trái đường lối văn hóa của Đảng, mất vai trò lãnh đạo của Đảng hay Đảng lãnh đạo văn hóa nhưng can thiệp quá sâu, quá cụ thể, chi tiết dẫn tới mất đi quyền tự do, dân chủ của người sáng tạo đều cần phải tránh.

Trong việc bảo đảm quyền tự do dân chủ trong sáng tạo văn hóa, Đảng có sự bổ sung, phát triển so với chủ nghĩa Mác - Lênin, ngay trong Đại hội VIII, Đảng khẳng định: “Bảo đảm dân chủ, tự do cho mọi sự sáng tạo và hoạt động văn hóa, vun đắp các tài năng, đồng thời đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước công chúng, dân tộc và thời đại”[8, tr.72]. Như vậy quyền tự do, dân chủ trong sáng tạo của văn nghệ sĩ phải gắn liền với trách nhiệm của họ trước dân tộc, thời đại chứ không phải tự do không giới hạn tới mức đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.

3. Kế thừa giá trị văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Khi xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã kịch liệt phê phán một số quan điểm trong đất nước Liên Xô lúc đó cho rằng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phải đoạn tuyệt với tất cả các nền văn hóa trước đó: “Văn hoá vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải những người tự cho mình là chuyên gia về văn hoá vô sản nghĩ ra. Đó là điều hoàn toàn ngu ngốc. Văn hoá vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích luỹ được dưới ách thống trị của xã hội tư sản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu. Tất cả những con đường đó, lớn và nhỏ, đã, đang và sẽ tiếp tục đưa tới văn hoá vô sản”[12, tr.361].

Vận dụng và kế thừa tư tưởng này của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Đảng khẳng định nền văn hóa Việt Nam phải kế thừa những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại: “Đi vào kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác”[3, tr.30]. Điểm sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là làm rõ mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại: “Chỉ có biết giữ gìn, khai thác, phát triển và nâng cao bản sắc riêng của nền văn hóa dân tộc thì mới có được giá trị bản thân trong tiếp xúc và đối thoại với các nền văn hóa khác, và cũng chỉ trên cơ sở đó mới tiếp thu được những tinh hoa văn hóa thế giới”[6, tr.154].

4. Xác định văn hóa là một mặt trận

V.I.Lênin nhận thức rất rõ những khó khăn trong cuộc cách mạng văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Do đặc thù của lĩnh vực văn hóa được hình thành bồi đắp trong thời gian rất lâu dài, đã ăn sâu vào tâm lý, thói quen, phong tục tập quán của nhân dân nên để thay đổi nền văn hóa cũ, xây dựng nền văn hóa mới là một quá trình rất lâu dài. Đồng thời, để xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho nền văn hóa đó chính là nền đại công nghiệp có khả năng mở rộng sản xuất vô hạn, có trình độ lực lượng sản xuất phát triển rất cao: “Nhưng cuộc cách mạng văn hóa ấy, đối với chúng ta, có những khó khăn không thể tưởng tượng nổi, về mặt thuần túy văn hóa (chúng ta bị mù chữ) cũng như về mặt vật chất (bởi vì muốn trở thành những người có văn hóa thì tư liệu vật chất để sản xuất phải phát triển tới mức nào đó, chúng ta phải có một cơ sở vật chất nhất định nào đó”[13, tr.429]. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin, tại Nghị quyết trung ương 5 khóa VIII, Đảng khẳng định xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam là một quá trình lâu dài cần phải kiên trì, bền bỉ với những biện pháp, lộ trình phù hợp: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian”[8, tr.92].

Theo V.I.Lênin, xây dựng nền văn hóa mới phải kết hợp giữa xây và chống, bên cạnh việc xây dựng những giá trị, chuẩn mực mới cần phải đấu tranh chống lại những tư tưởng, tập quán cũ đã lạc hậu, lỗi thời của các nền văn hóa trước đồng thời chống lại hệ tư tưởng tư sản đối lập với hệ tư tưởng vô sản - yếu tố chi phối, chủ đạo trong nền văn hóa mới. V.I.Lênin cho rằng: “Những tập quán cũ, những lề thói cổ hủ do chế độ cũ để lại, những lề thói và tập quán của kẻ tư hữu, chúng đã thấm sâu vào quần chúng đông đảo”[11, tr.107] vì vậy không dễ để xóa bỏ được chúng.

Những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh chống lại kẻ địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ Đại hội VI, Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng văn hóa để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch: “Làm thất bại âm mưu và hành động của các thế lực thù địch biến văn hóa, văn nghệ thành phương tiện gieo rắc tâm lý bi quan và lối sống sa đọa”[8, tr.59]. Tinh thần văn hóa cũng là một mặt trận, phải kiên trì, bền bỉ: “tỉnh táo, đấu tranh khôn khéo có hiệu quả chống lại các âm mưu và thủ đoạn của các thế lực đế quốc và phản động dùng văn hóa, nghệ thuật là công cụ chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”[5, tr.623], “Phải tiến hành kiên trì  cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện diễn biến hòa bình”[7, tr.93] được Đảng khẳng định nhiều lần trong các văn kiện, nghị quyết.

5. Quyền hưởng thụ văn hóa của người dân và vai trò của đội ngũ văn, nghệ sĩ

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định mục đích của nền văn hóa trong các xã  hội có đối kháng giai cấp là: “tất cả trí tuệ của loài người, tất cả thiên tài của con người chỉ là để đem lại cho một số người này toàn bộ lợi ích của kỹ thuật và văn hóa, và tước đoạt của những người khác những cái cần thiết nhất như: giáo dục và tiến bộ”[13, tr.349]. Do đó, văn hóa xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sẽ bảo đảm công bằng trong thụ hưởng các giá trị văn hóa. Mọi người dân không chỉ được tham gia vào các hoạt động văn hóa mà còn được quyền thụ hưởng các thành quả, giá trị văn hóa của xã hội. Đây được coi là yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển văn hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa. Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội”[10, tr.144].

Để xây dựng nền văn hóa mới, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định cần phải quan tâm đến đội ngũ trí thức mà cụ thể ở đây chính là đội ngũ giáo viên: “Chúng ta không quan tâm hoặc còn quan tâm rất ít đến việc nâng cao địa vị người giáo viên nhân dân lên trình độ xứng đáng, mà thiếu cái đó, thì không thể nói đến một nền văn hóa nào cả - dù đó là tư sản đi nữa, chứ đừng nói đến văn hóa vô sản”[11, tr.145]. Kế thừa quan điểm này của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong công cuộc đổi mới, Đảng khẳng định đội ngũ trí thức (văn nghệ sĩ, các nhà giáo, nhà hoạt động văn hóa...) có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa vốn là hoạt động tinh thần, do đó luôn gắn chặt với đội ngũ trí thức. Bằng lao động trí tuệ mang tính chuyên nghiệp, đội ngũ trí thức, nhất là trí thức văn nghệ sĩ đã sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa, những phát minh khoa học, những tác phẩm văn học, nghệ thuật, những công trình khoa học gồm nhiều loại hình... góp phần rất quan trọng cho đời sống tinh thần của xã hội, có khả năng định hướng tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống của con người và xã hội. Vì vậy, trong suốt 35 năm đổi mới, quan điểm xuyên suốt của Đảng là cần phải quam tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ: “Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”[7, tr.225]. Khi đội ngũ văn nghệ sĩ sống được bằng nghề, có đời sống vật chất đầy đủ, không bị tác động vật chất đến hoạt động sáng tác và những cống hiến của họ được ghi nhận, tôn vinh sẽ là cơ sở để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc. Những quan điểm này của Đảng chính là sự kế thừa, bổ sung quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Kết luận

Tựu trung lại, có thể thấy nhiều nội dung trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, đang được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, bổ sung, phát triển trong đường lối văn hóa. Và chính đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành tựu trong phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Tài liệu tham khảo:

[1] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (2004), Tài liệu nghiên cứu Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 54, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện của Đảng về văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[11]V.I.Lênin (1970), Về văn hóa và cách mạng văn hóa, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.

[12] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, tập 41, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

[13] V.I.Lênin (1980), Toàn tập, tập 12, tập 12, tập 45, tập 24, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.

TRIỆU QUANG MINH

 

Học viện Chính trị khu vực I
Đặt vấn đề Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh rằng: Nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước là nhờ sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn. Trên lĩnh vực văn hóa, Đảng đã có những chủ trương phù hợp để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh của dân tộc, tạo dựng niềm tin của toàn dân đối với Đảng và tương lai của dân tộc. 1. Quan niệm về vai trò của văn hóa Trong quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin văn hóa được hiểu như là một hình th&a

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn