Chủ nghĩa xã hội hiện thực ra đời cách đây hơn một thế kỷ và đã từng bước xác lập chỗ đứng vững chắc trong đời sống chính trị hiện đại. Bài viết dự báo xu thế phát triển, chỉ ra đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến giữa thế kỷ XXI và những thời cơ, thách thức với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến giữa thế kỷ XXI và thời cơ, thách thức đối với Việt Nam
Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến giữa thế kỷ XXI và thời cơ, thách thức đối với Việt Nam

Sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), CNXH hiện thực với tư cách là chế độ chính trị - xã hội ra đời. Từ giữa thế kỷ XX, CNXH hiện thực phát triển thành một hệ thống thế giới, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối thế kỷ XX, hệ thống CNXH hiện thực thế giới lâm vào khủng hoảng, từng bước thoái trào. Đứng trước bối cảnh đó, một số đảng cộng sản cầm quyền tiếp tục tiến hành cải cách, mở cửa, đổi mới, có những bước phát triển mới. Bước sang thế kỷ XXI, sự vận động, phát triển của CNXH hiện thực vừa chịu tác động của những nhân tố khách quan, chủ quan, vừa có những thời cơ, vừa gặp những khó khăn, thách thức mới. Những điều đó có tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam.

 

1. Dự báo xu thế phát triển, những đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa xã hội hiện thực đến giữa thế kỷ XXI

 

Một là, nền tảng vật chất, cơ sở xã hội cho phát triển CNXH ngày càng được chuẩn bị đầy đủ hơn

 

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH với tư cách là hình thái kinh tế - xã hội ra đời thay thế chủ nghĩa tư bản là một tất yếu khách quan. Tính tất yếu khách quan từ sự phát triển của sản xuất vật chất, cụ thể là sự phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX). Trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI, sự phát triển của khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho LLSX tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

 

Biểu hiện là: xuất hiện những công cụ, phương tiện, quy trình sản xuất hiện đại, có tính xã hội hóa cao. Tư liệu, đối tượng lao động phi tự nhiên ngày càng tăng. Sản xuất công nghiệp đóng góp tỷ trọng cao vào nền sản xuất xã hội, CNH, HĐH là xu thế chủ đạo của nhiều quốc gia, dân tộc trong nửa đầu thế kỷ XXI. Quá trình sản xuất không giới hạn trong phạm vi không gian quốc gia dân tộc mà được mở rộng ra quốc tế. Sự phát triển của LLSX làm cho toàn cầu hóa, phân công lao động quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia - dân tộc, các khu vực và toàn nhân loại ngày càng sâu sắc. Tính chất xã hội hóa của LLSX hiện đại dẫn đến yêu cầu phải có quan hệ sản xuất phù hợp là nguyên nhân khách quan dẫn đến các cuộc cách mạng xã hội thay thế phương thức sản xuất tư bản bằng một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn.

 

Cùng với sự phát triển nền đại công nghiệp, sẽ xuất hiện giai cấp công nhân hiện đại. Họ vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền công nghiệp hiện đại. Ngoài những phẩm chất, đặc điểm như giai cấp công nhân truyền thống, công nhân hiện đại sẽ có những đặc điểm mới như: trình độ cao, kỹ năng tốt, khả năng thích nghi, thay đổi nhanh; có sở hữu tài sản; số lượng công nhân lao động trong các ngành công nghiệp mới, hiện đại tăng lên; thu nhập, mức sống được bảo đảm hơn. Cùng với đó, những giá trị xã hội, văn hóa, tinh thần của giai cấp công nhân cũng được nâng cao. Công nhân đóng vai trò quan trọng trong sản xuất ra các giá trị vật chất cho xã hội, tích cực tham gia vào đời sống chính trị hiện đại.

 

Như vậy, LLSX của xã hội hiện đại không ngừng phát triển, có tính xã hội hóa cao, biểu hiện cả ở sự phát triển của công cụ lao động, đối tượng lao động, phương thức lao động và trình độ của người lao động.

 

Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng gia tăng hình thức đa sở hữu. Tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội không chỉ có tiền vốn, đất đai, tài sản vật chất mà còn kinh nghiệm, trí tuệ, thương hiệu, tất cả những yếu tố tham gia đầu vào quá trình sản xuất. Chế độ phân phối cũng đa dạng hơn, cùng với phân phối theo lao động, mức độ đóng góp tài sản vào quá trình sản xuất kinh doanh, việc phân phối theo hiệu quả sản xuất kinh doanh, phúc lợi xã hội cũng được chú trọng. Sẽ hình thành những quy định pháp luật cho việc phân phối theo chuẩn khu vực hoặc toàn cầu (ví dụ quy định mức lương tối thiểu hay điều kiện lao động theo khu vực). Quyền lợi của những người lao động ngày càng được bảo đảm. Theo quy luật, việc điều chỉnh chế độ sở hữu có tác dụng trực tiếp đến chế độ quản lý, phân phối, làm cho người lao động có trách nhiệm với quá trình sản xuất hơn. Như vậy, chế độ sở hữu, quản lý, phân phối sẽ có sự điều chỉnh và mang tính xã hội hóa cao hơn.

 

Nền chính trị hiện đại sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân lao động vào quản lý xã hội. Để thu hút được phiếu bầu của cử tri, các đảng phái chính trị phải quan tâm quyền lợi, nguyện vọng của người lao động. Chính đảng của giai cấp công nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của giai cấp này. Bởi đại đa số người lao động trong xã hội hiện đại là công nhân hay lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ công nghiệp.

 

Như C.Mác nói, CNXH đang được hình thành trong lòng chế độ tư bản: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(1). Cách mạng XHCN có thể không diễn ra bằng con đường bạo lực, mà theo con đường tiệm tiến, khi những nhân tố XHCN lớn dần, chiếm vị trí chủ đạo của xã hội.

 

Hai là, thành quả của công cuộc cải cách mở cửa, đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực tạo ra ngày càng vững chắc

 

Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX, trước những khó khăn của CNXH hiện thực các nước XHCN đã tiến hành công cuộc cải tổ, cải cách mở cửa, đổi mới. Tuy nhiên, Liên Xô và Đông Âu đã thất bại dẫn đến sụp đổ, một số nước tiếp tục kiên trì đổi mới, cho đến nay được đánh giá là tương đối thành công. Sự thành công biểu hiện trên nhiều phương diện, lý luận về CNXH và đường lối xây dựng CNXH ngày càng được bổ sung, hoàn thiện; kinh tế - xã hội phát triển cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, vị thế quốc tế được nâng cao; những giá trị ưu việt của CNXH ngày càng rõ nét hơn, có sức lôi cuốn, lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Những thành quả ấy khẳng định sự vững chắc của XHCN hiện thực.

 

Ba là, chủ nghĩa xã hội hiện thực với tư cách là chế độ chính trị - xã hội có thể chưa phổ quát trên toàn thế giới nhưng sẽ xuất hiện ở những nơi mâu thuẫn giai cấp, dân tộc sâu sắc

 

Theo quy luật khách quan, sự phát triển của LLSX là ngọn nguồn dẫn đến cách mạng XHCN. Trong quá trình tuân theo quy luật tự nhiên đó, ở những không gian, thời gian nhất định, do các nhân tố khách quan, chủ quan, nhất là mâu thuẫn dân tộc, giai cấp gay gắt có thể dẫn đến một cuộc cách mạng hay cải cách xã hội theo hướng tiến bộ. Những cuộc cách mạng như vậy thường diễn ra theo xu hướng chống lại trật tự, thiết chế, bất công tư sản, bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động.

 

Khi đó, sẽ xuất hiện các chế độ XHCN theo kiểu mới, đại diện cho quyền lợi, ý chí của nhân dân lao động. Có thể xuất hiện những yếu tố như: quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng XHCN chưa được xác lập đầy đủ, nhưng mục tiêu, lý tưởng XHCN sẽ được đề cập tới. CNXH thế kỷ XXI ở Mỹ Latinh, sự thống trị của chủ nghĩa tự do mới đã làm cho người dân thấy không thể chấp nhận được nền chính trị tư sản. Họ đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH như những cứu cánh để giải quyết vấn đề dân tộc, giai cấp theo khuynh hướng XHCN.

 

Trong những năm tới, tình trạng phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, thiếu việc làm, bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng... ở một số nơi có thể dẫn đến cuộc cách mạng xã hội bằng con đường hòa bình. Cử tri lựa chọn các đảng chính trị theo đường lối cánh tả, dân chủ xã hội. Họ sẽ hiện thực hóa những mục tiêu, giá trị tiến bộ của CNXH theo con đường tiệm tiến. Tuy nhiên, cần thấy rằng, mô hình CNXH này có thể không có những đặc điểm như lý luận của chủ nghĩa Mác hay mô hình các nước đang làm hiện nay.

 

Bốn là, tính đặc thù, yếu tố truyền thống, bản địa trong mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng đậm nét hơn

 

Bên cạnh các quy luật có tính phổ biến, trong quá trình xây dựng CNXH, tính đặc thù sẽ được quán triệt đầy đủ hơn. Mỗi quốc gia dân tộc tùy theo điều kiện cụ thể của mình sẽ vận dụng CNXH khoa học cho phù hợp. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, một số đảng cộng sản cầm quyền trên thế giới đã có sự bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng: ở Việt Nam là tư tưởng Hồ Chí Minh, ở Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học...; ở Lào là tư tưởng Cayxỏn Phômvihản; ở Cuba là tư tưởng cách mạng của Hôxê Mácti, truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc độc đáo của nhân dân Cuba; ở Vênêduêla là tư tưởng cách mạng, tiến bộ của Simon Boliva, tư tưởng nhân đạo Thiên Chúa giáo,...

 

Trong những năm tới, việc bổ sung, phát triển lý luận cũng là xu thế tất yếu. Cùng với việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, các đảng cộng sản, đảng công nhân sẽ bổ sung, phát triển các lý luận mới cho phù hợp với điều kiện cụ thể mỗi nước. Những yếu tố bổ sung có thể là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tư tưởng của một nhà lãnh đạo hay kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng CNXH. Việc bổ sung các giá trị mới làm cho nền tảng tư tưởng, lý luận CNXH khoa học ngày càng đa dạng, phong phú, gần gũi với người dân, bám sát đặc điểm mỗi nước, phù hợp với bối cảnh thời đại.

 

Qua tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH, ở mức độ khác nhau, mỗi đảng cộng sản sẽ có sự bổ sung, hoàn thiện lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước mình. Cùng là phát triển kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xây dựng nền dân chủ XHCN, nhưng mỗi quốc gia, dân tộc sẽ có cách làm, lộ trình riêng. Những nguyên lý chung của chủ nghĩa Mác - Lênin như: đẩy mạnh phát triển LLSX, hoàn thiện quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng XHCN,... vẫn được khẳng định nhưng sẽ được cân nhắc phát triển cho phù hợp. CNH, HĐH sẽ theo mô thức mới, gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, tính đa dạng trong quan hệ sản xuất là không tránh khỏi.

 

Năm là, chủ nghĩa xã hội hiện thực đến giữa thế kỷ XXI sẽ gắn với thành tựu, giá trị mới của thời đại

 

CNXH là một chế độ xã hội ưu việt, trong quá trình vận động, đã và sẽ kế thừa thành tựu của nhân loại, giá trị của thời đại. Có thể kể đến một số thành tựu, giá trị tiêu biểu như: sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái,... Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, CNXH ra đời sau chủ nghĩa tư bản, kế thừa các giá trị mà nhân loại đã tạo ra, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. CNXH là một xã hội tốt đẹp, không chỉ có kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội mà còn có môi trường trong lành để con người sinh sống. Rút kinh nghiệm từ cách mạng công nghiệp trước đây, CNH, HĐH dẫn đến tàn phá môi trường. Trong giai đoạn hiện nay, CNH, HĐH phải gắn với bảo vệ môi trường. Kinh tế thị trường tự do cạnh tranh dẫn đến xung đột giữa con người với con người, kinh tế thị trường XHCN phải làm cho mối quan hệ con người, dân tộc xích lại gần nhau. Toàn cầu hóa làm xuất hiện vấn đề toàn cầu đòi hỏi phải có sự phối hợp để giải quyết.

 

2. Những thời cơ đối với xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

 

Một là, chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển tất yếu của nhân loại tiếp tục cổ vũ nhân dân Việt Nam kiên định trên con đường đã chọn

 

Trên phương diện lý luận, lịch sử loài người phát triển theo những quy luật khách quan, do đó, đi lên CNXH là tất yếu đối với mọi quốc gia dân tộc. Như vậy, việc kiên định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là phù hợp với quy luật khách quan. Sự phát triển mạnh mẽ của LLSX, khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội... là những tiền đề vật chất cần thiết cho sự ra đời xã hội XHCN. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(2).

 

CNXH hiện thực đã đạt những thành tựu quan trọng khẳng định con đường đi lên CNXH là phù hợp, đúng đắn. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các nước XHCN như Trung Quốc, Lào, Cuba... làm cho CNXH hiện thực được khẳng định thêm một bước. Các nước bạn bè truyền thống, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không ngừng cổ vũ, ủng hộ cách mạng Việt Nam.

 

Hai là, tiếp thu kinh nghiệm của các nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

 

Trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhiều đảng cộng sản, đảng công nhân đã có kinh nghiệm nhất định trong xây dựng CNXH. Để tránh những sai lầm có thể mắc phải, kế thừa thành tựu, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tham khảo bài học kinh nghiệm của các đảng cộng sản anh em, vận dụng phù hợp với thực tế Việt Nam. Không những vậy, Việt Nam có thể kế thừa có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm mà nhân loại đã tạo ra trong quá trình phát triển, trong đó có chủ nghĩa tư bản. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.... đều có sự kế thừa các thành tựu, kinh nghiệm của nhân loại.

 

Ba là, tận dụng thời cơ do thời đại tạo ra để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 

Vượt qua những khác biệt về hệ tư tưởng, Việt Nam đã tranh thủ được các cơ hội do thời đại tạo ra như cuộc cách mạng khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hóa, thiết lập được quan hệ thương mại, ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã từng đảm nhiệm các trọng trách như: Chủ tịch ASEAN, AIPA, ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc... Đây là cơ sở hiện thực để mở rộng quan hệ với các nước. Trên nền tảng đó, Việt Nam tận dụng tối đa thời cơ do bối cảnh thời đại mang lại để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

 

3. Một số thách thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

 

Một là, vấn đề tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế

 

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, có rất nhiều cơ sở, phương thức tập hợp lực lượng. Không một quốc gia nào có thể phát triển được mà không có lực lượng quốc tế ủng hộ. Lịch sử đã chứng minh, trong quan hệ quốc tế, việc tập hợp lực lượng theo hệ tư tưởng đã có lúc phát huy tác dụng, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của Việt Nam.

 

Trên các diễn đàn quốc tế hiện nay, nếu kết hợp sự tương đồng về thể chế chính trị, ý thức hệ và sự hài hòa về lợi ích thì sự đoàn kết, ủng hộ sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn là chỉ có hài hòa về lợi ích mà khác nhau về thể chế chính trị, hệ tư tưởng. Trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI, nếu sự khủng hoảng của CNXH hiện thực chưa được khắc phục, quy mô, số lượng, chất lượng các nước XHCN không được củng cố, mở rộng, thì việc tập hợp lực lượng quốc tế sẽ có những bất lợi với nước ta.

 

Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, một trong những phương thức để xây dựng CNXH là thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, cách mạng công nghiệp mang tính toàn cầu, nhưng sự ảnh hướng của nó đến các quốc gia, dân tộc không hoàn toàn giống nhau. Những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn, người lao động có điều kiện tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ, có nhiều cơ hội để lựa chọn các lĩnh vực lao động có thu nhập cao và an toàn hơn; ngược lại, ở các nước nghèo, nước đang phát triển, mức độ tiếp thu các thành quả ấy là hạn chế hơn, họ phải làm những công việc mà có khi giai cấp công nhân ở các nước phát triển không làm.

 

Từ đó, dẫn đến sự phân hóa trong giai cấp công nhân giữa các nước và các ngành nghề khác nhau. Sự phân hóa không chỉ trong sản xuất, thu nhập, mà cả về vị thế chính trị, xã hội. Khi lợi ích vật chất, đời sống, thu nhập khác nhau, cũng sẽ dẫn đến sự khác nhau trong nhận thức, quan điểm, lối sống, nhu cầu chính trị. Điều này ảnh hưởng đến thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

 

Hai là, vấn đề bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng

 

Kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Phát triển kinh tế thị trường, có các hình thức sở hữu khác nhau. Điều này cũng gây ra những sự tranh luận, vậy chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu, phân phối theo lao động có là đặc trưng bản chất của CNXH ở Việt Nam từ nay đến giữa thế kỷ XXI không? Tính chất tiến bộ của quan hệ sản xuất XHCN được biểu hiện ở chỗ nó mở đường cho sự phát triển của LLSX hay xóa bỏ quan hệ bóc lột giữa người với người trong quá trình sản xuất. Thực tế cho thấy, kinh tế tư nhân có tác dụng cho sự phát triển của LLSX ở Việt Nam hiện nay và đã phát triển kinh tế thị trường thì không tránh khỏi có phân hóa giàu nghèo, thuê mướn sức lao động.

 

Tham gia hội nhập quốc tế, mỗi quốc gia, dân tộc phải tuân theo các luật chơi, quy định mà các tổ chức quốc tế đã đặt ra. Tuy nhiên, có những quy định của các tổ chức quốc tế tạo ra những thách thức trong bảo đảm định hướng XHCN của Việt Nam. Ví dụ, cùng với những quy định về kinh tế, xã hội, một số tổ chức còn đặt ra những yêu cầu về chính trị như: tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, báo chí, văn học nghệ thuật... mà họ cho là “giá trị phổ biến”. Để phát triển đất nước không thể không hội nhập quốc tế, nhưng làm thế nào để hội nhập quốc tế không mà không chệch định hướng XHCN lại là một thách thức đối với Việt Nam.

 

Ba là, sự phát triển đa dạng các mô hình, trào lưu chủ nghĩa xã hội trên thế giới và yêu cầu cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa ở Việt Nam

 

Hiện nay, về mặt chính trị, đã có mô hình CNXH: “đa đảng nhưng nhất nguyên” (Trung Quốc), “một đảng nhất nguyên” (Việt Nam, Lào, Cu Ba...) và các trào lưu có tính chất XHCN như mô hình “dân chủ xã hội” (Bắc Âu) hay “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” (Mỹ Latinh) dựa trên chế độ đa nguyên, đa đảng. Trong khi hầu hết các đảng cộng sản ở các nước tư bản hiện nay đều đặt ra mục tiêu giành chính quyền bằng con đường dân chủ. Do đó, không phải không có khả năng, một đảng cộng sản, đảng công nhân, đảng dân chủ xã hội, đảng cánh tả giành được chính quyền thông qua con đường dân chủ; xây dựng CNXH theo con đường dân chủ. Vậy điều này không phải không có tác động đến tâm lý, tư tưởng của một bộ phận người dân về mô hình chính trị của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(3). Từ đó cho thấy, nghiên cứu, nắm bắt được các xu hướng vận động, đặc điểm của CNXH hiện thực để có chính sách phù hợp là điều cần thiết, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn./.

_____________________________________________________

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.3, tr.51.

(2), (3) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., T.1, tr.104, 112.

 TS. Nguyễn Văn Quyết

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Sau thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), CNXH hiện thực với tư cách là chế độ chính trị - xã hội ra đời. Từ giữa thế kỷ XX, CNXH hiện thực phát triển thành một hệ thống thế giới, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của loài người. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối thế kỷ XX, hệ thống CNXH hiện thực thế giới lâm vào khủng hoảng, từng bước thoái trào. Đứng trước bối cảnh đó, một số đảng cộng sản cầm quyền tiếp tục tiến hành cải cách, mở cửa, đổi mới, có những bước phát triển mới. Bước sang thế kỷ XXI, sự vận động, phát triển của CNXH hiện thực vừa chịu tác động của những nhân tố khách quan, chủ quan, vừa có những thời cơ, vừa gặp những khó khăn, thách thức mới. Những điều đó có tác động không nhỏ đến sự n

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn