Mùa Xuân năm 2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII lần đầu tiên xác định mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (1). Theo đó, khát vọng như là một yếu tố tiềm tàng, cần khai phá và gia tăng sức mạnh, làm cho nó trở thành nguồn lực và động lực to lớn thúc đẩy đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi đến mục tiêu cuối cùng. Để khơi dậy khát vọng lớn lao đó, công tác tư tưởng đóng vai trò quyết định trong việc xác lập nội dung, trang bị nhận thức, củng cố niềm tin và cổ vũ hành động cách mạng của toàn dân tộc trong suốt quá trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Công tác tư tưởng với nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Công tác tư tưởng với nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
anh-bia-bai-1-khat-vong-viet-nam-copy
Ảnh sưu tầm_nguồn Internet

1. Vai trò của công tác tư tưởng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 

Khát vọng là niềm mong muốn lớn lao, cháy bỏng, quyết tâm dồn hết công sức, trí tuệ để đạt được mục tiêu đã xác định. Với nghĩa đó, khát vọng trở thành nguồn động lực có sức mạnh to lớn, giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình. Khi con người sống có khát vọng thì luôn tràn đầy niềm tin, sống có lý tưởng, khát khao làm được những công việc hữu ích và lớn lao cho bản thân, cộng đồng và đất nước. Mỗi cá nhân trong quá trình hiện thực hóa ước mơ, khát vọng của mình, nghĩa là đã đồng thời góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.

 

Mỗi quốc gia, dân tộc cũng vậy, muốn tồn tại và phát triển, cần phải có khát vọng vươn tới sự hưng thịnh, trường tồn. Khát vọng đó là sự kết hợp giữa ý chí của giới lãnh đạo với mong ước của đại đa số người dân, trở thành mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của cả quốc gia, dân tộc. Khát vọng trở thành nguồn lực và động lực để mọi tầng lớp nhân dân phát huy cao nhất sức mình nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

 

Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy, nhiều quốc gia nghèo đói, bị tàn phá trong chiến tranh đã phát triển thịnh vượng bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, một nước phát triển, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc ngày nay… Ở nước ta, trong quá trình dựng nước và giữ nước, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành động lực to lớn, nguồn lực nội sinh của dân tộc Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 

Khát vọng chân chính của dân tộc Việt Nam ngày nay là sự biểu hiện của niềm tin khoa học vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh và tinh thần lạc quan cách mạng trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kế thừa truyền thống dân tộc và cách mạng, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhiều lần đề cập đến khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như trong chủ đề Báo cáo chính trị, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

 

Khát vọng, trước hết thuộc về yếu tố tinh thần, nảy sinh từ đời sống vật chất. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trong nội hàm của khát vọng thuộc về ý thức xã hội, nó có tính vượt trước, có tầm nhìn cao hơn, xa hơn điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại. Vì vậy, khát vọng chỉ có thể được hình thành dựa trên kết quả của công tác lý luận, công tác tuyên truyền và công tác cổ động - ba bộ phận hợp thành công tác tư tưởng.

 

Công tác lý luận có nhiệm vụ nghiên cứu làm rõ cơ sở khoa học để phác thảo nên một mô hình đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai. Công tác tuyên truyền, giáo dục trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thế giới quan, phương pháp luận khoa học để có tầm nhìn xa, trông rộng, có mơ ước và hoài bão lớn lao, có niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của đất nước. Công tác cổ động sử dụng những con người, sự việc, câu chuyện có thật tác động vào tình cảm cách mạng của mọi người, thôi thúc họ vượt qua khó khăn, bền gan vững chí trên con đường hiện thực hóa khát vọng. Vì vậy, khơi dậy khát vọng của dân tộc là vinh dự và trọng trách lớn lao của công tác tư tưởng.

 

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

 

Sau Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã đề cập nhiều đến mục tiêu khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhiều bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà báo, nhà khoa học về chủ đề này đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trong những chương trình nghệ thuật mừng Xuân, các tờ báo Tết, chương trình truyền hình, mít tinh, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện trọng đại của đất nước. Đặc biệt, trong cuộc thi báo cáo viên giỏi toàn quốc tuyên truyền về Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã có nhiều thí sinh chọn chủ đề này. Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền đó còn mang tính rời rạc, chưa thường xuyên, liên tục và chưa thực sự hấp dẫn, lối cuốn đối tượng, nhất là giới trẻ. Để khơi dậy ý chí, khát vọng của mọi cán bộ và các tầng lớp nhân dân một cách thực sự, thực chất, công tác tư tưởng phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:

 

Một là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hóa mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Về vấn đề này, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh thành những mục tiêu cụ thể, rõ ràng theo từng mốc thời gian cụ thể, trong đó, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một nước phát triển với thu nhập cao. Như vậy, khát vọng về một đất nước hùng cường, thịnh vượng đã được định hình cả về định tính và định lượng. Trong thời gian tới, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận cần tiếp tục đi sâu làm rõ cơ sở khoa học của những mục tiêu đã xác định, đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các mục tiêu đó trên cơ sở kế thừa kết quả quá trình nhận thức của Đảng về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 

Tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2045 thành mục tiêu của từng lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… gắn với yêu cầu về hành động, việc làm thiết thực của mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi người dân Việt Nam, trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm. Những mục tiêu này không chỉ định tính mà phải đo đếm bằng định lượng. Khắc phục những hạn chế như xây dựng mục tiêu quá sức, không phù hợp với thực tiễn dẫn đến ảo tưởng, bất khả thi. Cụ thể hóa mục tiêu chung không chỉ để làm căn cứ đánh giá kết quả của từng giai đoạn, từng tổ chức, cá nhân mà còn cung cấp luận chứng, luận cứ cho công tác tuyên truyền, giáo dục và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này.

 

Hai là, xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, chiến dịch tuyên truyền về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 

Các cơ quan tư tưởng, thông tin, truyền thông cần xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, có tầm nhìn dài hạn. Phải xây dựng được những chiến dịch tuyên truyền rộng khắp, đồng loạt và liên tục, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động, các sự kiện lớn của đất nước về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, đơn vị cơ sở cần thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính đúng đắn, khoa học về mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định; đề cao trách nhiệm, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là thực hiện khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, thịnh vượng, hùng cường trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng chế độ chính trị, xã hội mới, phù hợp với xu thế thời đại, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; từng bước hội nhập và vươn lên khẳng định vị thế, tầm vóc của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Khát vọng đó phải trở thành khẩu hiệu hành động của các địa phương, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, phải trở thành suy nghĩ và lời nói thường trực của mỗi người lãnh đạo và mọi người dân, nhất là giới trẻ. Đồng thời phải làm cho các tầng lớp nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với vấn đề quan trọng này.

 

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ tư tưởng có niềm tin và khát vọng, có kỹ năng lan tỏa, truyền cảm hứng cho đối tượng.

 

Mục đích của công tác tư tưởng không chỉ là thông tin mà quan trọng là định hướng thông tin và truyền niềm tin và cảm hứng nên yêu cầu đầu tiên, cốt lõi mà mỗi cán bộ tư tưởng cần đạt tới đó là phải có thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Bởi vì, chỉ khi có cách nhìn đúng đắn, cán bộ tư tưởng mới xây dựng cho mình khát vọng lớn lao và niềm tin khoa học vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, từ đó mới nhiệt tình, say sưa tâm huyết làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Thế giới quan, phương pháp luận còn giúp cho cán bộ tư tưởng có bản lĩnh vững vàng, không hoang mang, lo lắng trước những khó khăn, thử thách, thậm chí thất bại tạm thời trên con đường hiện thực hóa khát vọng. Để có khát vọng chân chính, cán bộ tư tưởng cần được đào tạo chuyên sâu về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có phông kiến thức rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Mục tiêu cuối cùng của công tác tuyên truyền là để người nghe hiểu, tin và làm theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Bản thân mỗi cán bộ tư tưởng phải có khát vọng cháy bỏng để truyền niềm tin, nhiệt huyết và khát vọng của mình cho quần chúng. Nắm chắc lý luận và thực tiễn là cơ sở nền tảng cho niềm tin khoa học, đồng thời có đủ luận cứ, luận chứng để thuyết phục quần chúng tin theo và bảo vệ mục tiêu lý tưởng của Đảng. Khát vọng chân chính, lớn lao chỉ được hình thành trong những con người có lòng yêu nước, thương dân, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung. Do vậy, cán bộ tư tưởng còn phải có đạo đức, lối sống lành mạnh, là tấm gương để quần chúng học theo, làm theo.

 

Cán bộ tư tưởng còn phải có kỹ năng “truyền lửa” cho người khác, bằng cách khích lệ động viên, khơi gợi tính thiện và tình cảm tốt đẹp trong mỗi con người. Trong lịch sử cách mạng thế giới, những tấm gương hùng biện về mục tiêu, lý tưởng cách mạng như: V.I.Lênin, Phi-đen Ca-xtơ-rô, Chê-ghê-va-ra có sức truyền cảm lớn lao, thúc giục lòng người, lôi cuốn hàng triệu người đi theo lý tưởng cách mạng. Bản thân mỗi cán bộ tư tưởng cũng  phải chứng minh mình có khát vọng và nghị lực vượt lên khó khăn để thực hiện những mục tiêu cụ thể trong cuộc đời mỗi người.

 

Bốn là, đổi mới nội dung tuyên truyền, giáo dục tạo tiền đề tư tưởng để hình thành khát vọng chân chính của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

 

Khát vọng không phải là một câu khẩu hiệu hoa mỹ, được gán ghép hời hợt từ bên ngoài mà phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích thiết yếu bên trong của mỗi người. Do đó, công tác tư tưởng phải nhen nhóm, khơi dậy ngọn lửa khát vọng, hoài bão lớn lao đang tiềm ẩn trong mỗi con người, phải biến mong ước của mỗi cá nhân cộng hưởng thành mong ước của cộng đồng, xã hội. Tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, độc lập, tự do vốn dĩ tiềm tàng trong tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam, vấn đề là phải khơi dậy và nhân lên một cách mạnh mẽ trong thời đại mới. Vì vậy, công tác tư tưởng phải tập trung giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc làm nền tảng để hình thành, nuôi dưỡng những khát vọng có tính thực tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, chứ không phải là những mơ ước viễn vông, ảo tưởng.

 

Bên cạnh giáo dục lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, cần tăng cường giáo dục  truyền thống lịch sử của dân tộc, của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về khát vọng xây dựng, phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Phải biến niềm kiêu hãnh về một quốc gia nhỏ bé nhưng vẫn cùng “Hán, Đường, Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương”, có khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường trong thời đại mới như trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn: “Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

 

Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào những tấm gương của các dân tộc,  quốc gia trên thế giới, của con người cụ thể - vì có khát vọng mà họ đã vượt lên số phận, gặt hái thành công. Cần phải phân biệt và làm rõ những khát vọng trong chiến tranh và trong thời bình, trong chiến đấu và trong sản xuất, kinh doanh, trong văn học nghệ thuật và trong thực tiễn đời sống. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần ưu tiên những nội dung này cho học sinh, sinh viên, gắn vào từng bài giảng, môn học, lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi, trò chơi trực tiếp hoặc gián tiếp trên truyền hình.

 

Năm là, đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, chú trọng phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật để khơi dậy niềm tin, khát vọng của mỗi người và toàn dân tộc.

 

Hiện nay, chủ đề khát vọng đã và đang được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhất là trên báo Tết, các sự kiện mừng Đảng, mừng Xuân  trên các chương trình của đài phát thanh, truyền hình quốc gia và các địa phương. Tuy nhiên, cần tiếp tục tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú  như: thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề của tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân, công nhân, nghệ sỹ, trí thức, sinh viên các trường đại học, học sinh phổ thông trung học. Tổ chức các “hội nghị Diên Hồng” về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Khát vọng cũng cần được thể hiện qua hệ thống panô, áp phích, khẩu hiệu có sức truyền cảm lớn, sinh động hướng vào tuổi trẻ. Đặc biệt, văn học nghệ thuật là phương tiện có tác dụng khơi dậy khát vọng rất mạnh mẽ.

 

Từ xa xưa, để thỏa mãn niềm khao khát của con người, những câu truyền thần thoại về thiên đường, xứ sở thần tiên, những bộ phim viễn tưởng luôn thu hút được đông đảo người xem. Trong chiến tranh, có rất nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển, tiểu thuyết gối đầu giường, những bài ca đi cùng năm tháng về khát vọng hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do. Chúng ta hoàn toàn có thể  sáng tạo ra những bài ca, thước phim, video clip về đất nước ở thời điểm năm 2045, mô hình chủ nghĩa cộng sản hoàn chỉnh trong tương lai để mọi người, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên và đồng bào dân tộc thiểu số dễ hình dung về mô hình lý tưởng mà đất nước ta hướng tới. Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội có thể giúp chúng ta thực hiện việc đó một cách dễ dàng.

 

Sáu là, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc để  nuôi dưỡng niềm tin và khát vọng.

 

Niềm tin, khát vọng có tính giai đoạn, có thể dâng cao hoặc xuống thấp dưới tác động của tình hình thực tiễn. Mặt khác, nếu khát vọng chung chung, trừu tượng, quá xa vời cũng dễ làm người ta chán nản hoặc từ bỏ. Do vậy, muốn  duy trì và củng cố niềm tin, khát vọng thì bản thân khát vọng đó phải được hiện thực hóa từng bước trong thực tiễn đời sống của đất nước. Khát vọng chỉ có thể được khơi dậy khi những mong ước, khát khao phải có tính khả thi và dần dần hình thành trong thực tiễn trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Từ những thành tựu cụ thể nhỏ bé nhưng có sức mạnh củng cố niềm tin và tiếp thêm động lực để toàn dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách, đi đến kết quả to lớn, vĩ đại hơn. Hàng năm, cả nước và từng địa phương phải đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và mục tiêu đến năm 2045 đạt mức độ đến đâu. Địa phương, cơ quan đơn vị nào có khả năng vượt trước, có những mô hình hay, cách làm tốt cần phải được quảng bá, tuyên truyền rộng rãi để khích lệ lòng người. Những địa phương, cơ quan, đơn vị đang gặp  khó khăn, vướng mắc cần kịp thời nghiên cứu tìm cách tháo gỡ để tiếp tục tiến lên.

 

Ngay từ khi ra đời cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác tư tưởng của Đảng đã khơi dậy, bồi đắp và phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của cả dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc trong thế kỷ XX. Trong bối cảnh mới, công tác tư tưởng cần nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ cả nội dung, hình thức tiến hành để  tiếp tục góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định./.

_______________________________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, T.1, tr.111.

TS. Lương Ngọc Vĩnh

 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Ảnh sưu tầm_nguồn Internet 1. Vai trò của công tác tư tưởng trong việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc   Khát vọng là niềm mong muốn lớn lao, cháy bỏng, quyết tâm dồn hết công sức, trí tuệ để đạt được mục tiêu đã xác định. Với nghĩa đó, khát vọng trở thành nguồn động lực có sức mạnh to lớn, giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách nhằm đạt được ước mơ, hoài bão của mình. Khi con người sống có khát vọng thì luôn tràn đầy niềm tin, sống có lý tưởng, khát khao làm được những công việc hữu ích và lớn lao cho bản thân, cộng đồng và đất nước. Mỗi cá nhân trong quá trình hiện thực hóa ước mơ, khát vọng của mình, nghĩa là đã

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn