Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước trong kỷ nguyên mới
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp của đất nước trong kỷ nguyên mới

1. Thành tựu đạt được của kinh tế - xã hội Việt Nam từ năm 1986 đến nay

 

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và phát triển con người. Về chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

 

 

Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận, trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 57 lần, từ 74 USD năm 1986 lên khoảng 4.300 USD năm 2023. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Quy mô kinh tế tăng 95 lần, từ 4,5 tỷ USD năm 1986 lên 430 tỷ USD năm 2023, đứng thứ 35 thế giới; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; GDP bình quân đầu người năm sau luôn cao hơn năm trước, thứ hạng ngày càng được cải thiện trong bảng xếp hạng thế giới; năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, gấp hơn 96 lần, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4% từ mức “phi mã” 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD, gấp hơn 368 lần; xuất siêu 8 năm liên tiếp. Từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam có mặt tại hơn 160 quốc gia; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện gấp 52,3 lần; an ninh năng lượng, cân đối cung cầu - lao động được bảo đảm; tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển; hệ thống giáo dục đại học được mở rộng, phát triển mạnh, đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ đại học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngành Y tế không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền y học thế giới; tăng trưởng kinh tế cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng giai đoạn phát triển. Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

 

 

1.1. Tốc độ tăng, quy mô, chất lượng tăng trưởng kinh tế

 

Trong 10 năm đầu đổi mới (1986-1996), kinh tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, đất nước ta nỗ lực vượt qua, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, thực hiện một bước quá trình đổi mới kinh tế - xã hội và giải phóng sức sản xuất. Giai đoạn 1991- 1995, nền kinh tế đã khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái, GDP bình quân mỗi năm tăng 8,41%. Trong 10 năm tiếp theo (1996-2005), tình hình đất nước ổn định; các khó khăn, thách thức dần được khắc phục; duy trì nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân giai đoạn 1996­2000 đạt 7%/năm; giai đoạn 2001-2005 bình quân mỗi năm tăng 7,02%.

 

Giai đoạn 2006-2016, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đạt tốc độ tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006-2016 đạt 6,32%/năm.

 

Từ năm 2016 đến 2020, nền kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Trong đó, bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng GDP đạt 7,11%. Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào suy thoái nhưng kinh tế của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương, tăng 2,87%, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế của các quốc gia trên thế giới suy thoái nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh; bình quân giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng GDP đạt 6,25%/năm.

 

Từ năm 2021-2023, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, tuy nhiên xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na đã làm chậm quá trình khôi phục kinh tế thế giới. GDP năm 2021 tăng 2,55%; năm 2022 tăng 8,12% (nhờ triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2023[1]); năm 2023 tăng 5,05%.

 

 

1.2. Quy mô của nền kinh tế ngày càng mở rộng

 

Năm 1986, quy mô nền kinh tế chỉ đạt 818 tỷ đồng, đến năm 1990 đạt 57,7 nghìn tỷ đồng, gấp 70,6 lần. Sau 20 năm (đến năm 2006) đạt 1.378,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1.685 lần; sau gần 40 năm (đến năm 2023) đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, gấp 12.494 lần.

 

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Cụ thể các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng như sau:

 

-GDP bình quân đầu người được nâng cao, cho thấy Việt Nam đã tích cực phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 1986, GDP bình quân đầu người đạt 13,4 nghìn đồng; đến năm 2023 đạt 101,9 triệu đồng, gấp 7.611 lần năm 1986. Việt Nam chính thức thoát ngưỡng thu nhập thấp[2] vào năm 2009 khi mức GDP bình quân đầu người đạt 1.160 USD.

 

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2000 đạt khoảng 498,6 USD, xếp thứ 7/11 trong khu vực ASEAN và thứ 173 trên thế giới; năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD, xếp thứ 5/10 trong khu vực ASEAN và thứ 125 trên thế giới, tăng 48 bậc trong bảng xếp hạng GDP bình quân đầu người thế giới giai đoạn 2000 - 2023, là bước tiến lớn trong cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế và cuộc sống của người dân.

 

Năng suất lao động liên tục gia tăng về quy mô. Đến năm 2023, năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 199,3 triệu đồng/lao động, gấp 86 lần năm 1990. Cùng với sự mở rộng quy mô kinh tế, tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt 46,04%, cao hơn mức 34,75% của giai đoạn 2011-2015; tính chung bình quân giai đoạn 2011-2020 đóng góp 40,45%; giai đoạn 2021-2023 đóng góp 37,61%.

 

Kiểm soát lạm phát thành công là một trong những thành tựu quan trọng của nước ta. Từ mức lạm phát đạt ngưỡng cao nhất 487,2% năm 1986 đã giảm xuống 29,33% năm 1990; năm 2010 là 9,19%. Sau năm 2013, tỷ lệ lạm phát được giữ ở mức một con số và khá ổn định. Bình quân thời kỳ 2011-2020, lạm phát của Việt Nam là 5,38%. Trong 3 năm 2021-2023,bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng lạm phát năm 2021 chỉ tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15%; năm 2023 tăng 3,25%.

 

1.3. Một số lĩnh vực xã hội, con người và khoa học công nghệ

 

Giáo dục đào tạo

 

Nền giáo dục Việt Nam có những bước phát triển và đạt được thành tựu đáng ghi nhận góp phần quan trọng vào nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I vào năm 2014; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi tham gia các kỳ thi Học sinh giỏi quốc tế, mang về nhiều huy chương cho đất nước. Hệ thống trường chuyên từ chỗ chỉ có 6 trường thì đến nay đã có ở tất cả 63 địa phương trên cả nước. Số học sinh phổ thông bình quân 1 lớp học năm học 2021-2022 đạt 34,6 học sinh, cao hơn mức bình quân 30,6 học sinh của năm học 2015 - 2016 và số học sinh phổ thông bình quân 1 giáo viên đạt 21,5 học sinh, cao hơn mức bình quân 17,8 học sinh của năm học 2015-2016. Chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Năm học 2021-2022, giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 59/196 quốc gia trên thế giới (tăng 5 bậc so với năm 2020). Năm 2024, Tổ chức xếp hạng đại học thường niên cho các cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới (Tổ chức xếp hạng QS) đã công bố kết quả xếp hạng cho các cơ sở giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới. Theo kết quả xếp hạng này, Việt Nam có 10 trường đại học lọt vào bảng xếp hạng.

 

 

Y tế

 

Y tế Việt Nam luôn có những biện pháp hiệu quả, không những đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của nhân dân, mà còn khiến thế giới khâm phục bởi những thành công trong kiểm soát, khống chế, điều trị nhiều bệnh nguy hiểm. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ngành y tế đã tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới. Mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến các xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180 nghìn giường bệnh. Năm 2022, số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân là 31,7 giường bệnh, gấp 1,4 lần năm 2010; số bác sỹ bình quân 1 vạn dân là 10 bác sỹ, gấp 2,3 lần năm 1995. Một trong những thành tựu đáng tự hào của y tế Việt Nam là giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em đáng kể. Nhờ các chính sách và biện pháp y tế chất lượng cao, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em đã giảm và tiếp tục giảm trong những năm gần đây. Thành tựu rõ nét nhất trong gần 40 năm qua là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, đi đầu trong việc khống chế thành công dịch Covid -19.

 

 

 Nguồn nhân lực

 

Năm 2023, dân số Việt Nam đạt 100,3 triệu người, gấp 1,64 lần dân số năm 1986 (61,1 triệu người). Tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ 3,8 con/phụ nữ năm 1991 xuống 1,96 con/phụ nữ vào năm 2023. Năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” và đến năm 2009 hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh. Giai đoạn 2011-2020, dân số nước ta bắt đầu quá trình già hóa. Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con. Chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao, trong đó năm 2023 là 112 số bé trai/100 bé gái.

 

Lao động có việc làm tăng liên tục qua các năm. Năm 2023, lao động có việc làm đạt gần 55,1 triệu người (bao gồm cả lao động tự sản, tự tiêu), gấp 1,9 lần năm 1990; tốc độ tăng lao động có việc làm bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1991-2023 là 1,92%. Sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp xây dựng, khu vực dịch vụ diễn ra mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế[3]. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ tăng dần từ năm 2000 đến nay, đạt 10,3% năm 2000; năm 2010 đạt 14,7%; năm 2023 đạt 27%.

 

 

Phát triển con người

 

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. Phát triển vì con người, đảm bảo quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam, với nhiều nỗ lực nhằm đảm bảo tốt nhất quyền con người với cách tiếp cận toàn diện.

 

Các nỗ lực, sáng kiến nhằm đảm bảo quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tháng 4 năm nay, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

 

Trong ba thập niên qua, khoảng 50 triệu người đã được xóa đói giảm nghèo, đồng thời Việt Nam về đích sớm hơn cam kết với Liên Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo thuận lợi cho sự tham gia của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quyền bình đẳng giữa nam và nữ đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều quy định pháp luật và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021­2030. Cùng với đó, Việt Nam cũng cho thấy vai trò rất tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu khi là một trong những nước đầu tiên thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ cách đây hơn 40 năm

 

 

Khoa học công nghệ

 

Nghiên cứu khoa học - công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đây là kết quả của đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ trong một thời gian dài, đã tạo nền tảng để các tổ chức nghiên cứu phát triển nhanh các sản phẩm, như test-kit, vắc-xin, rô-bốt tự hành, công nghệ truy vết... Khoa học và công nghệ từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước được tăng cường. Năm 2022, số người hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 156,6 nghìn người, gấp 1,2 lần năm 2015; số bằng sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ là 4.111 sáng chế, gấp 1,6 lần năm 2018. Chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ năm 2021 là 36,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần năm 2015.

 

 

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

 

Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, sẵn sàng đóng góp có trách nhiệm vào công việc của thế giới với vị thế ngày càng cao. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều đó đã củng cố thêm vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận các trọng trách quốc tế quan trọng là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA-41 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu. Điều này cho thấy sự tín nhiệm và tình cảm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

 

Với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, Việt Nam được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á ”, được xếp vào tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Vì vậy, Cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay ”, nhờ đó, tạo ra vận hội mới, tạo nên bệ phóng vững chắc để đưa nước ta vươn lên những đỉnh cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

 

 

2. Đề xuất một số giải pháp đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới

 

2.1. Bối cảnh quốc tế, khu vực tác động đến Việt Nam

 

Thế giới đang trải qua một thời kỳ có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau quyết liệt, giành vị thế và lợi ích gây ra tình hình phức tạp tại nhiều khu vực. Xung đột dân tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, chiến tranh cục bộ, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, các hoạt động can thiệp, lật đổ, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tài nguyên... diễn ra dưới những hình thức mới, gay gắt hơn. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống như: An ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh tài chính, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. diễn biến nghiêm trọng. Chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng gia tăng mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.

 

Trong bối cảnh đó, sự gắn kết về lợi ích gia tăng cùng với nhận thức về trách nhiệm chung trong giải quyết những vấn đề toàn cầu trở thành yếu tố thuận lợi cho hợp tác và đối thoại. Cùng với xu thế đa cực hóa và dân chủ hóa quan hệ quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, các dân tộc nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, ngăn ngừa những hành vi áp đặt và can thiệp của các thế lực cường quyền; các nước có cơ hội để triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để phát triển.

 

Kinh tế thế giới vừa được phục hồi sau dịch Covid-19, tuy nhiên xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na đã làm chậm lại quá trình phục hồi, tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Chiến tranh thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt. Cách thức giải quyết, ứng phó các vấn đề kinh tế - xã hội nảy sinh sau khủng hoảng, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đổi mới sáng tạo, là những kinh nghiệm quý báu giúp các nước vượt qua được những thách thức để phát triển nhanh và bền vững.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đang là hai xu thế lớn, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển của nhân loại. Những đột phá công nghệ diễn ra nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robots, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, lưu trữ năng lượng.... đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh. Xu thế đổi mới công nghệ diễn ra nhanh, đặt ra nguy cơ lớn về tụt hậu song cũng là điều kiện cho các nước đi sau thực hiện các bước phát triển rút ngắn qua việc tận dụng những thành quả phát triển của nhân loại. Tuy không có ưu thế về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm quản lý và điều hành nền kinh tế... như các nước phát triển, nhưng nhờ hội nhập và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, các nước đang phát triển có thể huy động và phân bổ hiệu quả hơn các nguồn lực, tiếp nhận kiến thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, để thực hiện đi tắt, đón đầu.

 

Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong ngắn hạn, môi trường quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường công tác dự báo và năng lực nội tại để kịp thời xử lý được những tình huống phức tạp nảy sinh. Các vấn đề toàn cầu và mất an ninh phi truyền thống sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam ngày một sâu sắc hơn. Những phương thức và mô hình phát triển mới như: Tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, v.v.cùng với tiến bộ khoa học công nghệ cũng đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.

 

 

2.2. Đề xuất một số giải pháp 

 

Để phát triển nhanh và bền vững, tăng cường vị thế, tiềm lực, uy tín và sức mạnh của cả nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong chuyên đề này xin đề xuất một số giải pháp như sau:

 

Phát triển nguồn nhân lực

 

Với vị thế địa kinh tế, Việt Nam đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Để nắm bắt được cơ hội, tận dụng được thời cơ, Việt Nam phải có những đột phá về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế. Trong đó, quan trọng hơn hết là phát triển nguồn nhân lực.

 

Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc. Đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.

 

Đổi mới công tác quản lý, sử dụng đánh giá và đào tạo lại đội ngũ nhân lực. Đặc biệt đổi mới căn bản và toàn diện chính sách tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và đề bạt đội ngũ nhân lực trong bộ máy nhà nước.

 

Hiện nay, do thị trường lao động không có đủ đội ngũ lao động có trình độ cao, Chính phủ, các địa phương, tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp phải tận dụng được nhân lực là chuyên gia nước ngoài để đẩy nhanh việc chuyển giao tri thức công nghệ cũng như nhanh chóng cải thiện năng lực chuyên gia trong nước. Chính phủ có cơ chế gửi lao động có trình độ đi tu nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng từ các nước có công nghệ phát triển để đưa về phục vụ đất nước.

 

 

Thu hút và trọng dụng nhân tài

 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài". Nghiên cứu và học tập kinh nghiệm quốc tế trong phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng và sử dụng hiệu quả nhân tài. Trước mắt có chính sách và giải pháp đặc thù, hiệu quả để giữ chân nhân tài trong nước và thu hút nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài yên tâm trở về làm việc để họ chuyên tâm phát huy tài năng, trí tuệ.

Nhân rộng chính sách và kinh nghiệm thu hút nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài của các tập đoàn kinh tế như trường hợp của Vingroup. Đặc biệt các tập đoàn kinh tế Nhà nước có tiềm lực tài chính cần tích cực thực hiện chủ trương thu hút nhân tài hàng đầu thế giới. Cần lập danh sách các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và công bố rộng rãi đến các cơ quan, doanh nghiệp trong nước để thu hút, mời hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp.

 

 

Giáo dục

 

Hệ thống giáo dục Việt Nam cần hướng đến sự công bằng đối với tất cả học viên; phát huy khả năng sáng tạo, học lý thuyết đi đôi với thực hành để học viên tự tin ứng dụng trong công việc và cuộc sống. Đầu tư nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp và công nghệ giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho đội ngũ giảng viên. Tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học trong nước.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng và thực thi chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo đại học. Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học quốc tế hàng đầu mở cơ sở đào tạo tại Việt Nam.

 

 

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

 

Trong kỷ nguyên mới, khoa học và công nghệ (KHCN) không chỉ là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Đối với Việt Nam, phát triển KH&CN cần được đặt trong chiến lược dài hạn, với các định hướng và giải pháp cụ thể như: Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cao nhằm mục đích chuyển giao cho doanh nghiệp sau khi hoàn thiện công nghệ; tham gia, tổ chức các hội nghị chuyên đề quốc tế về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm; thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài tham gia trong quá trình nghiên cứu đánh giá các nhiệm vụ KHCN, sử dụng các chỉ số KHCN theo tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về KHCN; xúc tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài...

 

 

Hợp tác quốc tế

 

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra. Tận dụng tối đa không gian chính sách mà Việt Nam được phép trong các cam kết để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của Việt Nam.

 

Chính phủ cần thúc đẩy các hình thức hợp tác phát triển hiệu quả thông qua học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn có giá trị; phát triển và áp dụng những công nghệ thích hợp giữa các nước đang phát triển; mở rộng

thương mại, đầu tư, chia sẻ kiến thức và hợp tác kỹ thuật; đồng thời cung cấp các giải pháp cụ thể với những thách thức phát triển chung của toàn cầu. Với tiềm năng rất lớn về con người, kinh tế và công nghệ, các nước đang phát triển cần mở rộng, đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh tế và công nghệ trên nguyên tắc độc lập, tự chủ tập thể. Khi tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, các nước đang phát triển sẽ phát triển nhanh hơn, tăng tốc hơn trong xây dựng kinh tế quốc gia độc lập và phát triển thịnh vượng chung.

 

ThS. Đỗ Thị Ngọc

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê



[1]  Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2023 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%; 7,47%; 7,36%; 2,87%; 2,55%; 8,12%; 5,05%.

[2] Năm 2020, Ngân hàng Thế giới phân loại nhóm nền kinh tế thu nhập thấp có GDP bình quân đầu người ở dưới mức 1.035 USD; nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sở hữu mức GDP bình quân đầu người từ 1.036 USD - 4.045 USD; các nền kinh tế thu nhập trung bình cao có mức GDP bình quân đầu người từ 4.046 USD - 12.535 USD và nhóm nền kinh tế thu nhập cao có GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD.

[3] Cụ thể, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 63,4% năm 2001 xuống còn 32% vào năm 2023 (lao động có việc làm năm 2023 bổ sung thêm lao động tự sản tự tiêu để so sánh với năm 2001); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 14,3% lên 31,2%; khu vực dịch vụ tăng từ 22,3% lên 36,9%.

1. Thành tựu đạt được của kinh tế - xã hội Việt Nam từ năm 1986 đến nay   Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và phát triển con người. Về chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.     Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận, trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình qu&ac

Tin khác cùng chủ đề

Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của Nhân dân
Những thành tựu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam 95 năm qua
Mùa xuân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Gửi bình luận của bạn