Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, các lực lượng phản động trên thế giới ra sức rêu rao rằng: chủ nghĩa xã hội đã cáo chung. Từ những phân tích, đánh giá cơ sở lý luận và những thành tựu to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa đạt được thời gian qua, bài viết khẳng định chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển tất yếu của nhân loại.

Chủ nghĩa xã hội - con đường tất yếu của nhân loại
Chủ nghĩa xã hội - con đường tất yếu của nhân loại

Kể từ khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đến nay, CNXH đã vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, nhưng rõ ràng chưa thoát được cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, một số người cho rằng, Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và CNXH là sai lầm, “CNXH đã ở vào giờ thứ 25 trên toàn cầu”, “Việt Nam nên xoay trục để phát triển”(1). Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi sự kiện năm 1991 diễn ra vẫn giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(2). Đó không phải là niềm tin mù quáng, không phải là một sự “không tưởng”, mà niềm tin đó được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn của Việt Nam và thế giới.

Niềm tin đó có được trước hết nhờ những thành tựu to lớn của các nước XHCN trong thời gian qua. Đó là sự vươn lên “thần kỳ của Trung Quốc” sau thời kỳ cải cách với những con số vô cùng ấn tượng. Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết quả mà họ đạt được là thực hiện thành công xóa nghèo tuyệt đối và cơ bản bước vào “xã hội khá giả”. Theo đó, 10 năm qua, gần 100 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đây thực sự là một “chiến thắng toàn diện” và “đi vào lịch sử”.

Thực tế là, từ năm 2012 đến nay, kinh tế Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu. “Tốc độ phát triển cả giai đoạn đạt tăng trưởng cao, dao động từ 6,5 - 9%. Theo đó GDP từ 8 nghìn tỷ USD (năm 2011) tăng lên 16.640 tỷ USD (năm 2021). Nhất là giai đoạn 2013 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Trung Quốc là 7,1%, trong khi mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu là 2,6% và của các nền kinh tế đang phát triển là 4%. Mức đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới khoảng 30%, lớn nhất trong tất cả các quốc gia và cao hơn cả mức đóng góp của Mỹ, EU và Nhật Bản. GDP của Trung Quốc năm 2016 đã đạt 10.730 tỷ USD, hoàn thành sớm hơn 4 năm mục tiêu GDP năm 2020, tăng gấp 4 lần năm 2000”(3).

“Thu nhập của người dân được nâng cao, với mức bình quân đầu người tăng từ 6.316USD/người năm 2012 lên 8.147 USD/người năm 2016 và 10.500 USD/người năm 2020, tỷ lệ tăng hằng năm là 7,4%. Số người nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn ở mức trên 20 triệu người nghèo. Mạng lưới an sinh xã hội đã được hình thành rộng khắp. Bảo hiểm dưỡng lão xã hội đã bao phủ tới 900 triệu dân, bảo hiểm y tế cơ bản đã tới hơn 1,3 tỷ người dân”(4).

Mặc dù bị bao vây, cấm vận, dù vị trí địa chính trị vô cùng đặc biệt (cách Hoa Kỳ 9 hải lý), nhưng Cuba vẫn vững vàng với con đường đã lựa chọn và đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực xã hội. Cuba luôn bảo đảm quyền lao động, quyền được hưởng các dịch vụ y tế và giáo dục miễn phí cho mọi công dân, bảo đảm trình độ giáo dục tối thiểu và quyền có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cung cấp dịch vụ trợ cấp, chăm sóc cho những người không nơi nương tựa; tất cả những người tham gia lao động đều được hệ thống an sinh xã hội bảo trợ, bất kể về hình thức sở hữu hay quản lý. Trong những lúc kinh tế khó khăn nhất, Chính phủ Cuba vẫn khẳng định: “quyết không để cho một ai phải lang thang ngoài đường kiếm sống”(5).

Nhờ những chính sách trên, hơn 50 năm qua, ngành giáo dục và y tế Cuba đã có những bước tiến vượt bậc, được nhiều nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Sau khi cách mạng thành công (năm 1959), “từ một quốc gia có tới 30% số dân không biết đọc, biết viết, ngày nay, Cuba đã trở thành điểm sáng về giáo dục ở khu vực và thế giới với tỷ lệ người mù chữ chỉ còn 0,2% trên tổng số 11,2 triệu dân. Giáo dục ở Cuba là hoàn toàn miễn phí và 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Ngay từ năm 2000, Cuba đã được UNESCO công nhận là nước đầu tiên ở Mỹ Latinh hoàn thành chỉ tiêu chương trình “Giáo dục cho mọi người” và đứng thứ 23 thế giới về thành tích giáo dục. Chính phủ Cuba luôn ưu tiên phát triển giáo dục với ngân sách đầu tư chiếm tới 13,8% GDP, trong khi ở nhiều nước Mỹ Latinh, tỷ lệ này chỉ khoảng 5%. Hiện nay, Cuba đang tiến hành cách mạng giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo ở các bậc học và thực hiện nhiều biện pháp cải tiến giảng dạy và học tập ở bậc trung học cơ sở. Nhờ đó, nhiều trường đại học của Cuba có uy tín cao trên thế giới; được nhiều sinh viên nước ngoài theo học như các trường Y, Dược. Với 10 nghìn tiến sĩ và 45 nghìn thạc sĩ, Cuba là một trong những nước đứng đầu khu vực Mỹ Latinh và Caribê về đào tạo sau đại học. Trung bình mỗi năm có khoảng 500 người nhận bằng tiến sĩ và thạc sĩ tại nước này”(6).

Cùng với giáo dục, thành tựu y tế của Cuba cũng rất đáng tự hào. Nhờ có định hướng đúng đắn và chính sách ưu tiên phát triển y tế của Đảng và Nhà nước, từ năm 1959 đến nay, “Cuba đã đào tạo được hơn 75 nghìn bác sĩ, trong đó hơn 60 nghìn bác sĩ có bằng thạc sĩ. Hệ thống y tế và mạng lưới các trường Y, Dược không ngừng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa. Cuba hiện có hơn 300 bệnh viện, 12 viện nghiên cứu y tế, nhiều trung tâm dưỡng lão và hơn 20 trường đại học với tỷ lệ bình quân một bác sĩ cho khoảng 150 người, một tỷ lệ cao trên thế giới. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, nhưng Chính phủ Cuba vẫn không ngừng cải thiện điều kiện an sinh xã hội, mọi dịch vụ y tế đều được miễn phí”(7).

Bên cạnh đó, đã có sự thay đổi có tính chất cách mạng, với xu hướng vượt ra khỏi khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản, hình thành nên mô hình mới có tính chất XHCN, trong đó, điển hình là sự hình thành, phát triển của “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” ở Mỹ Latinh hay CNXH dân chủ ở Bắc Âu. Sự xuất hiện của “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” không phải là một phong trào đấu tranh đơn thuần trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản mà xét về thực chất, đó là phương án thay thế cho mô hình tư bản chủ nghĩa đã tồn tại lâu dài ở Mỹ

Latinh mà đến nay không còn phù hợp, bộc lộ nhiều hạn chế và khủng hoảng. Thực tiễn đòi hỏi phải có một mô hình mới, cách thức tổ chức, vận hành xã hội mới tiến bộ hơn và theo quy luật sẽ phải tiến lên một xã hội cao hơn.

Niềm tin đó còn có được nhờ nhân tố CNXH ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về triển vọng của CNXH về cơ bản được trình bày như sau: là một xu thế lịch sử xuất phát từ thực tiễn vận động của chủ nghĩa tư bản: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(8).

Xu thế đó được hiện thực hóa bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trước tiên nó “được chuẩn bị bởi toàn bộ quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản”(9). Chủ nghĩa tư bản tạo ra tiền đề kinh tế, xã hội (lực lượng sản xuất xã hội hóa ở trình độ cao, xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị - xã hội...); chủ nghĩa tư bản cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết (mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa) chuẩn bị những lực lượng xã hội (giai cấp công nhân hiện đại) và chỉ ra cách thức để giải quyết vấn đề đó: Thông qua cách mạng XHCN, “đập tan nhà nước tư sản” xây dựng nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập quan hệ sản xuất XHCN, xác lập chế độ dân chủ XHCN, tạo ra điều kiện để phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, trên cơ sở đó để thực hiện công bằng, bình đẳng và tạo điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người và cho mọi người...

Từ những nhân tố đó, giai cấp công nhân chỉ việc “giải phóng những nhân tố của xã hội mới đã phát triển trong lòng xã hội tư sản cũ đang sụp đổ”(10). Xu thế đó còn được hiện thực hóa thông qua quá trình cách mạng XHCN, quá trình xây dựng CNXH, quá trình cách mạng dân tộc - dân chủ và cuộc đấu tranh của các lực lượng vì tiến bộ xã hội trong thời đại ngày nay. Tất cả đều hướng tới CNXH với những trình độ khác nhau, song cùng một quy luật mà V.I.Lênin vạch ra là “tất cả các dân tộc đều đi lên CNXH”. Nhìn chung, quá trình vận động của CNTB, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin là một quá trình “lịch sử - tự nhiên” thì: “Xã hội xã hội chủ nghĩa tương lai là sản phẩm đặc biệt và cuối cùng do chủ nghĩa tư bản sản sinh ra”(11).

Như vậy, bên cạnh cách mạng xã hội, CNXH đang được chuẩn bị và hiện thực hóa thông qua những tích lũy về lượng, thông qua những “tiến hóa tự nhiên” trong lòng CNTB, thông qua những biện pháp phát triển và những giải pháp tự điều chỉnh, sửa chữa của nó. CNXH là sự phủ định CNTB, được chuẩn bị bởi những nhân tố của xã hội mới trong lòng xã hội tư sản cũ. Theo cách nhìn này, chính trạng thái “chủ nghĩa tư bản còn nhiều tiềm năng phát triển” lại là trạng thái tích lũy những nhân tố, tiền đề, điều kiện cho sự tự phủ định của nó.

Thực tế sự phát triển của CNTB hiện đại đang xác nhận rằng, có nhiều nhân tố XHCN hiện đang được tích lũy một cách lịch sử - tự nhiên trong lòng của chủ nghĩa tư bản: tính chất xã hội hóa của sản xuất hiện nay không nơi nào cao hơn các nước G7, toàn cầu hóa và dân chủ hóa đời sống chính trị - xã hội là xu thế ngày càng mạnh mẽ; quyền lực của nhân dân và sự tham gia của số đông vào các quá trình của chính trị, xã hội và cả kinh tế nữa cũng ngày một rõ nét hơn, tích cực hơn. Một số nước phát triển ở trình độ cao (chẳng hạn các nước Bắc Âu, mô hình kibbutz ở Ixrael...), tuy vẫn còn chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa nhưng những nhân tố XHCN đã xuất hiện khá nhiều, có thể kiểm chứng và đang tiếp tục cái logic tích cực của nó. Hiện nay, khi lực lượng sản xuất hiện đại ngày càng xã hội hóa do cách mạng khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa và cả do những điều chỉnh thường xuyên của chủ nghĩa tư bản, thì ở phương diện tích lũy những nhân tố cho một xã hội XHCN tương lai, lại càng đầy đủ hơn, nhiều hơn.

Niềm tin đó không chỉ thấy trong thực tiễn thế giới hiện nay, mà trước hết, đó chính là mơ ước, khát vọng ngàn đời của nhân loại. Niềm mơ ước có từ khi loài người bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ - chế độ xã hội đầu tiên có phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp, có phân chia giàu nghèo, có áp bức, bóc lột, bất công. Ngay từ lúc đó, con người đã luôn mơ về một “thời kỳ hoàng kim” xa xưa - trong chế độ cộng sản nguyên thủy. Con người không ngừng mơ ước và cũng không ngừng đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Những phong trào của Xpactaquyt trong chế độ chiếm hữu nô lệ, phong trào của Giôn Bôn, Thômát Muynxơ trong chế độ phong kiến; phong trào của Grắccơ Babớp, phong trào Công xã Pari... trong chế độ tư bản chủ nghĩa và đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy, ở đâu có mâu thuẫn giai cấp, ở đó có đấu tranh giai cấp.

Mơ ước đó còn được thể hiện từ những buổi ban sơ của con người, gửi gắm trong những câu truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyền thuyết... với mong muốn một xã hội công bằng, bình đẳng, tốt đẹp cho tất cả mọi người; trong những tác phẩm văn học như “Utopia” hay “Thành phố Mặt trời”, phác thảo nên một xã hội được xác lập chế độ công hữu, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, con người sống trong hòa bình, không có chiến tranh...(12).

Ngày nay, những phong trào hiện thực đó vẫn diễn ra trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa... Đó chính là lý do cho những cuộc đấu tranh của người dân như phong trào “Những người phẫn nộ” ở Tây Ban Nha (năm 2011), phong trào “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ (năm 2011), phong trào biểu tình của phe “áo vàng” ở Pháp (2018-2019)... Phong trào “Chiếm phố Wall” thể hiện sự biến đổi về chất so với các phong trào biểu tình trước đó, bởi không chỉ giới hạn trong việc yêu cầu chống tăng học phí, tạo công ăn việc làm, đánh thuế người giàu nhiều hơn; mà đã muốn ngân hàng chấm dứt việc tịch thu nhà vì chủ không còn khả năng trả nợ, rút quân Mỹ ở nước ngoài về nước, chuyển ngân sách chiến tranh cho giáo dục, cải thiện dân sinh... Phong trào còn được sự hưởng ứng của các nhà khoa học, các chính trị gia, giới chức ở Mỹ và các nước. Phong trào giương cao khẩu hiệu: “Chúng tôi là 99%”, khẳng định “trong khi 1% là thủ phạm gây ra khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, nhưng 99% lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do họ gây ra”. Đó là lời buộc tội chủ nghĩa tư bản đầy đanh thép của phong trào “Chiếm phố Wall” ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Những phong trào này có nguyên nhân từ việc, chủ nghĩa tư bản dù có những điều chỉnh, tìm mọi cách để xoa dịu mâu thuẫn, vượt qua những cuộc khủng hoảng có tính chu kỳ, tiếp tục phát triển, nhưng mâu thuẫn cơ bản thì luôn tồn tại, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên sâu sắc.

Nghiên cứu chủ nghĩa tư bản hiện đại mới thấy rõ rằng, chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi bản chất bóc lột giai cấp, và do đó, không hề thay đổi bản chất áp bức dân tộc. Sự thích ứng của chủ nghĩa tư bản hiện đại không vượt được giới hạn lợi ích tư sản. Kinh tế - xã hội phát triển được một bước thì mâu thuẫn tư bản và người lao động lại bộc lộ ra có quy mô rộng lớn hơn và đi vào chiều sâu hơn, cứ lặp đi lặp lại và không thể có cách giải quyết triệt để. Dẫu đời sống của người công nhân tăng lên nhưng phân hóa giàu nghèo trong xã hội không vì thế mà giảm đi, mà khoảng cách ngày càng giãn ra. Tài sản của thế giới ngày càng tập trung ở nhóm những người giàu nhất. Theo thống kê năm 2017, nhóm 1% dân số giàu nhất sở hữu 50,1% tổng tài sản của thế giới, so với mức 45,5% vào năm 2001. Tổng tài sản của ba người giàu nhất nước Mỹ là Bill Gates, Jeff Bezos và Warren Buffett lớn hơn tổng tài sản của nhóm 160 triệu người Mỹ nghèo nhất, tức một nửa dân số nước này. Báo cáo trên cũng nêu rõ 25 tỷ phú Mỹ giàu nhất nắm lượng tài sản hơn 1 nghìn tỷ USD, tương đương tài sản của nhóm 56% dân số nghèo nhất, tức 178 triệu người(13).

Cần khẳng định rằng, nhà nước tư sản tuyên bố là vì dân nhưng “dân” mà họ nhắc đến là giai cấp tư sản chứ không phải là quần chúng nhân dân lao động. Có thể thấy rõ điều đó qua cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, hàng loạt chính phủ của các nước và nền kinh tế tuyên bố áp dụng các gói cứu trợ và kích thích kinh tế lên tới hơn 3 nghìn tỷ USD, chiếm từ 5% đến 30% GDP của các nước này. Nhiều “đại gia” tài chính của Mỹ và châu Âu có lẽ đã đổ vỡ nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ.

Vậy, những gói hỗ trợ tài chính của chính phủ các nước công nghiệp phát triển là dành cho ai? Đó là các ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm, các công ty sản xuất ô tô... Có thể thấy, tất cả các kế hoạch giải cứu này đã được thực hiện nhân danh lợi ích chung, đó là để tránh cho một cuộc khủng hoảng có hệ thống. Hàng loạt các ngân hàng, các tập đoàn lớn đã và sẽ được hỗ trợ tài chính và tái tư bản bằng tiền đóng thuế của người dân. Trong khi đó, những người dân còn đang phải gánh những khoản nợ do vay mượn ràng buộc bởi chính những căn nhà mà họ đang ở, những người làm công ăn lương lại phải chịu tác động của suy thoái quy mô lớn mà không có một kế hoạch phục hồi nào dành cho họ. Việc huy động ồ ạt các khoản vốn công, những khoản đóng góp thuế của người dân, để hỗ trợ cho các chủ ngân hàng, phải chăng đã nói lên nguyên tắc vận hành của chủ nghĩa tư bản, như nhà kinh tế Daniel Cohen nhận xét: “...họ ních đầy túi của mình những khoản lợi khi thành công nhưng lại xã hội hóa những tổn thất trong trường hợp ngược lại”(14).

Cần hiểu rằng, khi sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất vẫn tồn tại thì những thành quả của khoa học và công nghệ, trình độ kinh tế tri thức và những điều chỉnh về thể chế quản lý kinh tế và xã hội... trước tiên vẫn là công cụ để bóc lột giá trị thặng dư. Giai cấp công nhân vẫn bị bóc lột nặng nề bởi các chủ thể mới trong toàn cầu hóa như các tập đoàn xuyên quốc gia, nhà nước của các nước tư bản phát triển... Cũng chính vì thế, dẫu giai cấp tư sản đang tìm cách xoa dịu mâu thuẫn về lợi ích cơ bản với giai cấp công nhân bằng cách đáp ứng phần nào các lợi ích hằng ngày thì thực tế là mâu thuẫn đó vẫn tồn tại và ngày càng sâu sắc hơn.

Và khi bóc lột giai cấp còn thì tình trạng “dân tộc này bóc lột dân tộc khác” vẫn tồn tại. Hiện nay, giai cấp tư sản cũng tìm cách đặt ách áp bức lên các dân tộc khác bằng những hình thức mới:

Về chính trị, các nước lớn đặt ra luật “can thiệp nhân đạo” và đưa khái niệm “trách nhiệm bảo vệ” vào luật pháp quốc tế. Dựa vào đó, Mỹ và đồng minh cho rằng, trong trường hợp một quốc gia bị rơi vào nội chiến hoặc khi chính quyền sở tại áp bức người dân của chính nước họ thì các quốc gia khác không thể coi các nguyên tắc cơ bản của pháp lý quốc tế về tôn trọng chủ quyền và không can thiệp là bất khả xâm phạm.

Năm 1999, Mỹ và NATO đã mở cuộc chiến tranh với quy mô lớn vào Nam Tư với lý lẽ, bảo vệ “người Anbani bị người Serbia thanh lọc sắc tộc ở Kosovo”. Theo các nước này, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, cho nên, việc vi phạm chủ quyền quốc gia của ai đó với mục đích nhân đạo hoặc “ngăn chặn tệ nạn diệt chủng” là hoàn toàn đúng đắn.

Năm 2001, sau sự kiện ngày 11-9, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh “toàn cầu chống khủng bố”, nhằm vào Ápganixtan vì cho rằng quốc gia này chứa chấp khủng bố. Sau đó là một loạt sự kiện ở Lybia, Syria, Iraq...

Ngoài hành động xâm lược trực tiếp, đe dọa quân sự, các nước đế quốc thường xuyên sử dụng các biện pháp không hòa bình khác để thực hiện mục đích can thiệp, lật đổ như “bao vây cấm vận”, “diễn biến hòa bình”, “cách mạng sắc màu”...

Về kinh tế, các quốc gia tư bản phát triển muốn thông qua “nô dịch” về kinh tế, tự đặt ra luật chơi... để áp đặt về chính trị, buộc các nước nhỏ lệ thuộc - một kiểu “chủ nghĩa thực dân mới”. Trong cuộc cạnh tranh không ngang sức này, các nước tư bản phát triển luôn thu được lợi nhuận cao, vừa tiêu thụ được hàng công nghiệp quốc phòng, sản phẩm công nghệ cao, vừa kiểm soát được nguồn tài nguyên chiến lược của các nước đang phát triển.

Về văn hóa, xã hội, nhiều nước tư bản áp đặt (đồng hóa tự nhiên và đồng hóa cưỡng bức) hệ giá trị, tư tưởng vào các nước đang và kém phát triển để tạo ra một “chuẩn mực chung” nào đó cho thế giới, thông qua áp đặt “giá trị Mỹ”, đo văn minh theo kiểu “châu Âu trung tâm luận”... Mỹ và các nước phương Tây coi những giá trị dân chủ, nhân quyền, tự do... của họ là những giá trị chuẩn mực chung cho cả thế giới. Hằng năm, Mỹ đưa ra các báo cáo về nhân quyền, tôn giáo... là theo cách nhìn này. Nhiều nước bị xếp vào danh sách vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, vi phạm quyền tự do báo chí... Từ đó, áp đặt các lệnh trừng phạt vô lý lên nhiều nước khi cho rằng không đáp ứng được “chuẩn mực quốc tế” do chính họ xây dựng. Có thể thấy, bằng nhiều cách thức khác nhau, một cách tinh vi, giai cấp tư sản vẫn đang buộc các nước đang và kém phát triển vào vòng lệ thuộc để nô dịch, áp bức.

Nhìn vào đó để thấy rằng, quan điểm: chủ nghĩa tư bản là “vĩnh hằng”, là “đỉnh cao”, là “văn minh”... quả là sai lầm. Chủ nghĩa tư bản vẫn đang tồn tại đầy rẫy những mâu thuẫn, bất công..., và do đó, con người vẫn luôn mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Dù còn muôn vàn khó khăn trên con đường đi đến một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, nhưng ở bất cứ nơi đâu còn tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, ở nơi đâu còn áp bức, bóc lột, bất công, ở nơi đâu còn đấu tranh giai cấp và phân chia giai cấp, thì nơi đó, niềm tin, mong ước vào chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại, thì cuộc đấu tranh vì CNXH vẫn tiếp tục phát triển. Bởi CNXH chính là câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để loại bỏ bất công trong xã hội, đem lại tự do và hạnh phúc cho con người? Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội...”(15).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 547 (tháng 9-2023)

Ngày nhận bài: 17-8-2023; Ngày bình duyệt: 05-9-2023; Ngày duyệt đăng: 14-9-2023.

(1) Nguyễn Chí Thảo: Phê phán luận điệu cho rằng “Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sai lầm”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/, ngày 08-8-2019.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.69.

(3), (4) Lê Thế Cương, Nguyễn Thị Phương: Thành tựu kinh tế, xã hội Trung Quốc sau một thập niên cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, http://hvctcand.edu.vn/, ngày 17-12-2021.

(5) Thông tấn xã Việt Nam: “Về quá trình cải cách và mở cửa của Cuba”, ngày 12-1-2003.

(6), (7) Đỗ Thị Thạch, Nguyễn Thị Thu Huyền: Giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội - những khác biệt giữa hai mô hình chủ nghĩa xã hội: Trung Quốc và Cuba, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5- 2018.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51.

(9) VI. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.261.

(10), (11) C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t.4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.99, 450.

(12) Đỗ Tư, Trịnh Quốc Tuấn, Nguyễn Đức Bách: Lược khảo lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.152.

(13) Bình Minh: Nhóm 1% giàu nhất đang nắm hơn nửa tài sản thế giới, https://vneconomy.vn/nhom-1-giau-nhat-dang-nam-hon-nua-tai-san-the-gioi.htm, ngày 15-11-2017.

(14) Tạ Ngọc Tấn: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ góc nhìn lợi ích, https://tapchicongsan.org.vn/, ngày 25-5-2009.

(15) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21-22.

TS NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kể từ khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đến nay, CNXH đã vượt qua được thời khắc khó khăn nhất, nhưng rõ ràng chưa thoát được cuộc khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, một số người cho rằng, Việt Nam đi theo con đường độc lập dân tộc và CNXH là sai lầm, “CNXH đã ở vào giờ thứ 25 trên toàn cầu”, “Việt Nam nên xoay trục để phát triển”(1). Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi sự kiện năm 1991 diễn ra vẫn giữ vững niềm tin với sự lựa chọn của mình: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”(2). Đó không phải là niềm tin mù quáng, không phải là một sự “không tưởng”, m&agr

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn