Một trong những nội dung hết sức quan trọng trong tác phẩm triết học tiểu biểu, mà V.I.Lênin - nhà chính trị, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, để lại cho chúng ta, đó là bốn kết luận quan trọng có tính chất nguyên tắc phương pháp luận trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”. Bốn kết luận đó có ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn và sâu sắc, không chỉ là nguyên tắc phương pháp luận trong việc xem xét, đánh giá bất cứ một trào lưu triết học nào trong lịch sử triết học, mà còn là kim chỉ nam trong việc đấu tranh, bảo vệ và phát triển triết học Mác xít.

Bốn quan điểm có tính phương pháp luận của V.I.Lênin trong phần kết luận chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán
Bốn quan điểm có tính phương pháp luận của V.I.Lênin trong phần kết luận chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán

V.I.Lênin - Nhà lý luận kiệt xuất, người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử nhân loại - Ảnh: dangcongsan.vn

 

Tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Bút ký phê phán một triết học phản động”, gọi tắt là “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” ra đời không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những lý do sau: Một là, đấu tranh về tư tưởng nhằm phê phán, chống lại “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Makhơ, Avênariút và những người theo chủ nghĩa Ma-khơ ở Nga như Badarốp, Bôgđanốp, Iuskêvích, Valentinốp, Tsécnốp…; hai là, giải quyết những vấn đề, những yêu cầu cấp bách của thực tiễn lịch sử, chính trị - xã hội và tình thế phong trào cách mạng vô sản Nga xuất hiện giai đoạn đó; ba là, khái quát và giải đáp về mặt triết học những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên, đặc biệt là của vật lý học hiện đại lúc bấy giờ đặt ra, qua đó bảo vệ và phát triển những vấn đề quan trọng nhất của triết học Mác.

Trước hết, về mặt chính trị - xã hội, năm 1905 - 1907 cách mạng vô sản ở Nga tạm thời thất bại. Chính phủ chuyên chế Nga hoàng thực hiện khủng bố trắng, thẳng tay đàn áp các nhà cách mạng, tước đoạt mọi thành quả mà cuộc cách mạng dân chủ thu được, bắt đầu bằng vụ thảm sát “Ngày chủ nhật đẫm máu” khiến 1.000 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương, do Hoàng đế Nicolai II hạ lệnh bắn vào cuộc biểu tình của quần chúng ngày 9 - 1 - 1905 tại Sant Peterburg. Bọn phản động đã thỏa hiệp với trật tự đương thời, tìm mọi cách lôi kéo quần chúng, xúi giục quần chúng xa rời cách mạng, không tin tưởng vào tương lai của cách mạng. Chúng đã tấn công phong trào cách mạng trên cả lĩnh vực chính trị, kinh tế lẫn tư tưởng.

Đảng “trăm đen” - một tổ chức chính trị của bọn bảo hoàng, địa chủ, đã công khai ca ngợi chế độ phản động đương thời, ca ngợi “Thượng đế - Nga hoàng - Tổ quốc”, tuyên truyền những tư tưởng bi quan trong quần chúng nhân dân. Trước sự thoái trào của cách mạng, một số phần tử trí thức là đảng viên Đảng Dân chủ - xã hội và một số người trong giai cấp tư sản vốn là đồng minh của cách mạng nay đã chao đảo, rời bỏ hàng ngũ cách mạng, đi theo chế độ chuyên chế Nga hoàng. Còn phái mensêvích vốn là cách mạng nay trở nên sa sút, mất tinh thần, hoảng sợ. Từ đó dấy lên phong trào chống Đảng, đòi thủ tiêu Đảng, thủ tiêu đấu tranh chính trị, rút các đại biểu của Đảng ra khỏi nghị viện; xuất hiện trào lưu cơ hội thỏa hiệp với chế độ phản động Xtôlưpin, chống lại phong trào cách mạng. Đó chính là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, phản cách mạng[1]. V.I.Lênin viết: “Có tình trạng thoái chí, mất tinh thần, phân liệt, chạy dài, từ bỏ lập trường, nói chuyện dâm bôn chứ không phải chính trị nữa. Xu hướng ngày càng ngả về triết học duy tâm; chủ nghĩa thần bí được dùng để che đậy tinh thần phản cách mạng”[2].

Trên lĩnh vực tư tưởng, những kẻ cơ hội đòi xét lại những nguyên lý triết học của chủ nghĩa Mác, coi đây là đòn đả kích chủ yếu để thủ tiêu Đảng về mặt thế giới quan và cơ sở lý luận. Chúng cho rằng, bất cứ một cuộc cách mạng xã hội cũng như một chế độ xã hội nào thắng lợi bao giờ cũng dựa trên một học thuyết, một ngọn cờ lý luận khoa học, đúng đắn dẫn đường; rằng, sự thất bại của cách mạng 1905 chứng tỏ học thuyết của C.Mác về cách mạng vô sản đã lỗi thời, không còn đúng đắn nữa; rằng học thuyết của C.Mác về những quy luật phát triển của xã hội và của các hình thái kinh tế - xã hội đã bị phá sản. Thực chất, đó chính là chủ nghĩa xét lại[3].

Sự biện hộ về phương diện tư tưởng, sự phục hồi tư tưởng thần bí tôn giáo do thế lực phản cách mạng chủ trương, đều đã in dấu ấn trong khoa học, nghệ thuật, văn học. Chiếm địa vị thống trị trong triết học là những hình thức chủ nghĩa duy tâm phản động nhất, chúng phủ nhận tính quy luật trong quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội, cũng như phủ nhận khả năng nhận thức tự nhiên và xã hội của con người. Trong giới tư sản, đặc biệt trong giới trí thức, người ta thấy lan truyền rộng rãi “thuyết tìm thần”, một trào lưu triết học - tôn giáo phản động. Những đại biểu của trào lưu ấy khẳng định rằng nhân dân Nga “đã mất Chúa” và nhiệm vụ là phải “tìm lại Chúa”. V.I.Lênin viết: “Nhiều nhà trước tác muốn là người mácxít, năm nay đã tiến hành ở nước ta một chiến dịch thực sự chống lại triết học của chủ nghĩa Mác. Trong vòng không đầy 6 tháng, đã có 4 tập sách ra đời, chủ yếu và hầu như hoàn toàn nhằm vào công kích chủ nghĩa duy vật biện chứng. trước hết là tập luận văn của Badarốp, Bôgđanốp, Lunatsácxki, Bécman... nhan đề là “Khái luận về triết học mác xít” xuất bản ở Xanh Pêtécbua năm 1908; rồi đến những quyển “Chủ nghĩa duy vật và thuyết thực tại phê phán” của Iuskêvích; “Phép biện chứng dưới ánh sáng của nhận thức luận hiện đại” của Bécman; “Những cơ cấu triết học của chủ nghĩa Mác” của Valentinốp... họ kiêu ngạo nêu ra nào là “nhận thức luận hiện đại”, “triết học tối tân” (hay “thuyết thực chứng tối tân”), “triết học của các khoa học tự nhiên hiện đại”, thậm chí cả đến “triết học của các khoa học tự nhiên thế kỷ XX” nữa. Dựa vào tất cả các học thuyết dường như tối tân đó, những kẻ phá hoại chủ nghĩa duy vật biện chứng ở nước ta đã không chút ngại ngùng đi đến chỗ thừa nhận ngay thuyết tín ngưỡng”[4]. Trong văn học và nghệ thuật, người ta tán dương sự sùng bái chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng phi chính trị, “nghệ thuật thuần túy”, từ bỏ những truyền thống dân chủ - cách mạng của tư tưởng xã hội dân chủ Nga. Các thế lực phản cách mạng đã làm tất cả những gì có thể làm được để bôi nhọ giai cấp công nhân và chính đảng của nó, phá bỏ những nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Đứng trước cuộc tấn công như vậy của bọn phản cách mạng, việc giữ vững tinh thần và niềm tin cách mạng của quần chúng, phê phán thế giới quan phản động của bọn cơ hội nhằm bảo vệ tính chất khoa học và cách mạng của triết học mácxít trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách.

Ngoài lý do về học thuật và chính trị, V.I.Lênin viết tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” còn do sự phát triển có tính cách mạng trong khoa học tự nhiên, đặc biệt là trong vật lý học hiện đại, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đặt ra. Bằng những phát minh khoa học, con người không chỉ khám phá, nhận thức thế giới vĩ mô, mà còn đi sâu khám phá, nhận thức thế giới vi mô. Nhiều quan điểm của khoa học tự nhiên về thế giới vật chất bị bác bỏ; nhiều quan điểm mới của khoa học tự nhiên về tự nhiên, về thế giới vật chất buộc triết học phải khái quát, giải đáp những vấn đề mà sự khám phá mới trong khoa học tự nhiên đặt ra, về mặt triết học.

Trong thế kỷ XIX, vật lý học cổ điển đã phát triển đến đỉnh cao, chủ nghĩa duy vật đã chiến thắng trong địa hạt này. Tuy nhiên, bước vào đầu thế kỷ XX, những phát hiện to lớn trong vật lý đã làm đảo lộn về căn bản quan điểm cũ của vật lý đối với thế giới. Đó là phát minh ra tia X của Rơnghen năm 1895, phát hiện ra hiện tượng phóng xạ của Béccơren năm 1896, phát minh ra điện tử của Tômxơn năm 1897, và sự xuất hiện thuyết tương đối hẹp của Anhxtanh năm 1905. Trước kia, người ta đã giải thích các đặc tính của vật chất theo quan điểm siêu hình, quy vật chất vào một yếu tố cuối cùng, cụ thể, có những đặc tính không thể nào biến đổi, không thể thấu qua, tồn tại mãi mãi và quy vận động của thế giới vào vận động cơ học. Những phát hiện mới trong vật lý đã tìm ra nhiều đặc tính mới của vật chất. Việc phát minh ra điện tử cho thấy rằng nguyên tử trước kia tựa như một phần nhỏ bé, không thể phân chia, tựa như viên gạch cuối cùng cấu tạo nên vật chất thì nay nguyên tử được phát hiện có cấu tạo vô cùng phức tạp. Việc phát hiện ra hiện tượng phóng xạ chứng tỏ những nguyên tố xưa kia được coi là không thể biến đổi thì nay lại có thể biến đổi, chuyển hóa lẫn nhau. Những thành tựu vĩ đại trong khoa học tự nhiên, đặc biệt là những phát hiện mới trong vật lý học đã phá vỡ những quan niệm cũ về vật chất và các hình thức tồn tại của vật chất, mà về thực chất là những giới hạn nhận thức của con người về thế giới đã bị phủ định, đã bị vượt qua. Nhiều nhà khoa học tự nhiên đã trượt từ chủ nghĩa duy vật máy móc, siêu hình sang chủ nghĩa tương đối (tuyệt đối hóa tri thức tương đối) hay chủ nghĩa hoài nghi và cuối cùng là chủ nghĩa duy tâm. Vì không đứng trên lập trường duy vật biện chứng nên họ đã rút ra từ các phát hiện đó những kết luận duy tâm chủ nghĩa và khẳng định rằng “vật chất tiêu tan”, “vật chất biến mất”[5].

Giải đáp tất cả những vấn đề đặt ra về chính trị, tư tưởng và khoa học, bằng tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”, V.I.Lênin đã khái quát những phát hiện mới trong khoa học tự nhiên, chỉ ra thực chất cuộc khủng hoảng vật lý học, vạch ra phương pháp thoát khỏi sự khủng hoảng đó bằng con đường của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông phê phán chủ nghĩa Makhơ, chủ nghĩa duy tâm vật lý và đã đập tan những luận điệu phản động của bọn xét lại, bảo vệ và phát triển triết học mácxít trong điều kiện cách mạng mới, trên tất cả các lĩnh vực, từ thế giới quan đến nhân sinh quan, từ vấn đề bản thể luận đến vấn đề nhận thức luận và vấn đề lịch sử - xã hội, từ triết học tự nhiên đến triết học xã hội; đưa triết học Mác phát triển lên một giai đoạn mới, thay đổi về chất - triết học Mác - Lênin. Vì thế, có thể nói, tất cả những vấn đề V.I.Lênin trình bày trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, gồm 6 chương, 39 tiết và phần kết luận, thực sự có giá trị khoa học và thực tiễn cực kỳ to lớn không chỉ đối với sự phát triển khoa học triết học mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với lĩnh vực chính trị - xã hội, trở thành kinh điển của triết học Mác - Lênin. Đó là các nội dung như: Quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề cơ bản của triết học, về định nghĩa vật chất và các thuộc tính của vật chất; về tính vô cùng vô tận và tính thống nhất vật chất của thế giới; về nguồn gốc, bản chất và quá trình nhận thức, qua lý luận phản ánh và ba kết luận quan trọng về lý luận nhận thức; về chân lý khách quan, chân lý tương đối, chân lý tuyệt đối; về thực tiễn và quan điểm khoa học của V.I.Lênin về các phạm trù triết học không gian và thời gian, nhân quả, tự do và tất yếu; về cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên và chủ nghĩa duy tâm vật lý học; về nguyên nhân, thực chất của cuộc khủng hoảng trong vật lý học hiện đại và con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó; về quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất với vấn đề quy luật phát triển xã hội và quan điểm về tiến bộ xã hội.

Một nội dung hết sức quan trọng của tác phẩm, đó là bốn quan điểm mà V.I.Lênin đã tổng kết lại trong phần kết luận, là bốn điểm xuất phát, trở thành nguyên tắc phương pháp luận khoa học để chúng ta vận dụng trong việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá bất cứ một trào lưu triết học nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Cho đến nay, những kết luận đó vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại sống động và sâu sắc. Bốn quan điểm có tính nguyên tắc phương pháp luận hay bốn quan điểm xuất phát đó là:

Thứ nhất, khi xem xét, đánh giá bất kỳ một trường phái triết học nào, chúng ta không nên tin vào những điều họ nói về mình, mà cần phải “so sánh những cơ sở lý luận của triết học đó với những cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng”[6]; cần phải xem họ giải quyết, trả lời vấn đề cơ bản của triết học như thế nào. C.Mác và Ph.Ăngghen đã nói: “Vấn đề cơ bản lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại”[7]. Vấn đề cơ bản của triết học bao gồm hai mặt: Một là, giữa vật chất và ý thức hay tồn tại và tư duy cái nào có trước cái nào có sau, cái nào quyết định cái nào?; hai là, con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Tùy theo cách giải quyết vấn đề cơ bản của triết học mà chúng ta phân biệt được thực chất tính chất, khuynh hướng của các trào lưu triết học đó; đâu là duy vật chủ nghĩa và đâu là duy tâm chủ nghĩa; đâu là duy tâm khách quan và đâu là duy tâm chủ quan; đâu là khả tri luận và đâu là bất khả tri luận; đâu là biện chứng và đâu là siêu hình... Đó là quan điểm, phương pháp có tính nguyên tắc để xem xét, đánh giá các trào lưu triết học khác nhau, cũng như đấu tranh, phê phán các trào lưu triết học phản động.

V.I.Lênin đã vận dụng một cách rất khoa học, sắc bén và hiệu quả phương pháp này xuyên suốt toàn bộ Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán khi so sánh chủ nghĩa duy vật của C.Mác và Ph.Ăngghen với chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của Makhơ. Makhơ cho rằng, cả chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đều là những trào lưu triết học phiến diện, một chiều; vì chủ nghĩa duy vật được xây dựng trên cơ sở khái niệm cơ bản là vật chất, và trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, họ đề cao vai trò quyết định của vật chất đối với ý thức, tinh thần; ngược lại, chủ nghĩa duy tâm được xây dựng trên cơ sở khái niệm cơ bản là ý thức, và trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, họ lại đề cao vai trò quyết định của ý thức đối với vật chất.

Bằng khái niệm “kinh nghiệm” đã bị xuyên tạc theo quan điểm của chủ nghĩa duy tâm chủ quan, Makhơ cho rằng triết học của ông ta đã vượt lên cả chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, khắc phục được tính phiến diện, một chiều của cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, tức là đã tìm ra con đường thứ ba trong triết học, giả làm như đứng trên quan điểm thực chứng luận “tối tân” và “hiện đại”, trên quan điểm khoa học tự nhiên để bác bỏ chủ nghĩa duy vật, thay các danh từ “cảm giác” do “kinh nghiệm” có tính chủ quan do chủ thể mang lại, phụ thuộc vào chủ thể, bằng khái niệm “yếu tố thế giới”; “yếu tố thế giới” lại gồm các “yếu tố vật lý” và “yếu tố tâm lý”, trong đó “yếu tố tâm lý” quyết định “yếu tố vật lý” (của Makhơ), hay quan điểm về “cái tôi” - “vế trung tâm” hay chủ thể và “cái không tôi” - “vế đối lập” hay hoàn cảnh; giữa hai vế tồn tại trong mối quan hệ khăng khít, trong đó vế đối lập, hoàn cảnh chỉ được miêu tả, nhận thức bằng cái tôi, phụ thuộc vào cái tôi (của Avênariút). Cho nên, về thực chất và về bản chất, chủ nghĩa Makhơ là duy tâm chủ quan, chiết trung, ngụy biện, bất khả tri luận, thậm chí là duy ngã, được che đậy dưới cái tên gọi mới là “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”[8]. V.I.Lênin viết: “Một là và trước hết, cần phải so sánh những cơ sở lý luận của triết học đó với những cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sự so sánh đó, mà chúng tôi tiến hành trong cả ba chương đầu quyển sách này, vạch rõ, trong toàn bộ đường lối của các vấn đề nhận thức luận, tính chất phản động hoàn toàn của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, một chủ nghĩa đang dùng những thủ thuật mới, những lời lẽ xảo trá mới và những mưu chước mới để che giấu những sai lầm cũ của chủ nghĩa duy tâm và của thuyết bất khả tri”9.

Thứ hai, khi đánh giá chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán cũng như đánh giá bất kỳ một trường phái triết học nào, cần phải xem xét, xác định rõ vị trí của trường phái triết học đó trong các trào lưu triết học, trong dòng chảy lịch sử triết học để vạch ra những nguồn gốc, tiền đề lý luận của nó; xem trường phái triết học đó đã tiếp thu, kế thừa các quan điểm của những trường phái triết học nào trong quá khứ, và họ đã tiếp thu như thế nào; từ đó giúp ta hiểu rõ bản chất của nó, xác định đúng đắn tính chất, khuynh hướng triết học của nó. Qua nghiên cứu, đánh giá, phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, nguồn gốc lý luận của chủ nghĩa Makhơ chính là từ Bécơli (1684 - 1753), Cantơ (1724 - 1804) và Hium (1711 - 1776). Tuy nhiên, nếu Bécơli quan niệm sự vật là “những tổ hợp cảm giác”10 thì Makhơ cho rằng sự vật là tổng hợp các “yếu tố” do “kinh nghiệm của chủ thể” mang lại; nếu Cantơ là bất khả tri và Hium là hoài nghi luận thì Makhơ quan niệm người ta không thể biết được gì hết ngoài “kinh nghiệm” của chủ thể. Vậy, theo V.I.Lênin, chủ nghĩa Makhơ thực chất chỉ là hình thức biến tướng của chủ nghĩa duy tâm chủ quan và bất khả tri luận. Ông viết: “Chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, một trường phái hết sức nhỏ bé của những nhà triết học chuyên môn, trong số các trường phái khác của thời kỳ hiện đại. Bắt đầu từ Cantơ, cả Makhơ lẫn Avênariút không đi đến chủ nghĩa duy vật, mà là đi ngược lại, đến với Hium và Bécơli. Avênariút tưởng là đã “gạn lọc kinh nghiệm” nói chung, nhưng kỳ thực chỉ là gạn lọc thuyết bất khả tri khỏi chủ nghĩa Cantơ mà thôi. Toàn bộ trường phái Makhơ và Avênariút, liên kết chặt chẽ với một trong những trường phái duy tâm phản động nhất, [9][10]với cái gọi là phái nội tại, đang đi tới chủ nghĩa duy tâm một cách ngày càng rõ rệt”[11].

Thứ ba, khi đánh giá một trào lưu triết học, cần xem xét thái độ của trào lưu triết học đó với các thành tựu của khoa học tự nhiên như thế nào, “chú ý đến mối liên hệ không thề chối cãi được giữa chủ nghĩa Makhơ với một trường phái trong một ngành khoa học tự nhiên hiện đại”[12] như thế nào; và họ giải đáp các vấn đề có tính triết học do sự phát triển của khoa học tự nhiên đặt ra ra sao? V.I.Lênin nêu lên quan điểm có tính nguyên tắc phương pháp luận này ngay từ khi cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên mới bắt đầu, khi chủ nghĩa Makhơ bám lấy những thành tựu mới của khoa học tự nhiên để chống lại chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong điều kiện cách mạng khoa học kỹ thuật ngày nay, nguyên lý này có ý nghĩa phương pháp luận hết sức to lớn, vững chắc trong cuộc đấu tranh với các trào lưu triết học tư sản phản động hiện đại.

Chúng ta biết rằng, trong lịch sử phát triển của triết học duy vật và khoa học tự nhiên, hai lĩnh vực tri thức này luôn có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Ph.Ăngghen đã nêu một luận điểm khoa học nổi tiếng rằng mỗi khi có những phát minh có tính chất vạch thời đại thì chủ nghĩa duy vật không thể không thay đổi hình thức của mình. Mối liên hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên là một tất yếu có tính quy luật và ngày càng phát triển. Trong triết học, đó chính là mối liên hệ giữa cái chung và cái riêng. Theo quan điểm về mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng, thì khoa học tự nhiên (với tư cách là cái riêng), bằng các cách khác nhau, luôn phải biết dựa trên thế giới quan triết học, trên chủ nghĩa duy vật biện chứng để nhận thức, khám phá thế giới. Còn triết học, chủ nghĩa duy vật biện chứng (với tư cách là cái chung) phải luôn đặt cho mình nhiệm vụ khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên để giải đáp những vấn đề có tính triết học do các thành tựu của khoa học tự nhiên đặt ra, làm đúng đắn, sâu sắc và phong phú hơn hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý và những quy luật trong nội dung triết học của mình.

Trong mỗi bước ngoặt của khoa học tự nhiên trước sự đổ vỡ của những nguyên lý cũ và sự ra đời của những phát minh mới, đại đa số các nhà khoa học tự nhiên đều đứng về chủ nghĩa duy vật. Tuy nhiên, cũng có một số ít những nhà khoa học do không nắm vững phép biện chứng, còn chịu ảnh hưởng của các trào lưu triết học sai lầm nên thường giải thích các thành tựu mới nhất của khoa học trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm và đưa khoa học tự nhiên đi chệch sang phía chủ nghĩa duy tâm. Còn những người theo chủ nghĩa Makhơ thì lại cố tình lợi dụng những thành tựu xuất sắc của cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặc biệt là trong vật lý học, để bài xích chủ nghĩa duy vật biện chứng, cho rằng triết học của họ đã vượt lên cả chủ nghĩa duy vật lẫn chủ nghĩa duy tâm, và tự nhận đó là triết học của khoa học tự nhiên thế kỷ XX. Khi vạch trần tính chất giả khoa học của chủ nghĩa Makhơ trước những thành tựu mới của khoa học tự nhiên, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng cả trong triết học lẫn trong vật lý học, bọn họ đều đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy tâm.

Sự phân tích của V.I.Lênin về quá trình phát triển của khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đặt biệt là trong vật lý học, sự tổng kết, khái quát sâu sắc về mặt triết học những thành tựu của khoa học tự nhiên, những nhận định của ông về thực chất cuộc khủng hoảng trong vật lý học và chỉ ra con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó là tự giác trở lại với phương pháp duy vật biện chứng và khắc phục “chủ nghĩa tương đối” của các nhà khoa học có một ý nghĩa quan trọng đối với sự tiến bộ của khoa học; đồng thời khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn, vai trò thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng13. V.I.Lênin viết: “Phải chú ý đến mối liên hệ không thể chối cãi được giữa chủ nghĩa Ma-khơ với một trường phái trong một ngành khoa học tự nhiên hiện đại. Tuyệt đại đa số các nhà khoa học tự nhiên nói chung, cũng như trong một ngành chuyên môn nhất định, cụ thể là trong vật lý học, đều hoàn toàn đứng về phía chủ nghĩa duy vật. Một số ít nhà vật lý học mới, bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của những lý luận cũ do những phát hiện vĩ đại trong những năm gần đây gây ra, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng của vật lý học mới, một cuộc khủng hoảng đã vạch rất rõ tính tương đối của những tri thức của chúng ta và do không hiểu phép biện chứng mà đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm, qua con đường chủ nghĩa tương đối. Chủ nghĩa duy tâm vật lý học đang thịnh hành chẳng qua chỉ là một sự say mê cũng phản động và cũng nhất thời như chủ nghĩa duy tâm sinh lý học đã thịnh hành trước đây không lâu”14.

Thứ tư, khi xem xét, đánh giá chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán nói riêng và bất cứ trào lưu triết học nào nói chung, theo V.I.Lênin, cần phải đứng vững trên lập trường và nguyên tắc tính đảng trong triết học. Nguyên tắc tính đảng trong triết học, theo V.I.Lênin, là nguyên tắc quan trọng nhất, đóng vai trò trung tâm trong toàn bộ Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Tính đảng trong triết học chỉ có nghĩa là các trào lưu, các trường phái triết học nào đó đứng trên lập trường duy vật hay duy tâm để lý giải tất cả vấn đề cơ bản trong triết học của mình. Tư tưởng đó nói lên rằng trong triết học chỉ có hai đảng phái, hai trào lưu, hai đường lối cơ bản, đó là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Hai đường lối ấy luôn đối lập, đấu tranh với nhau suốt từ khi triết học ra đời cho tới nay. Trong triết học không có đường lối thứ ba, không có học thuyết triết học nào ở ngoài hay “đứng trên” chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Tất cả mọi mưu đồ đi tìm con đường thứ ba trong triết học, cuối cùng đều rơi vào chủ nghĩa duy tâm. [13] [14]

Chính vì thế, V.I.Lênin viết: “Triết học hiện đại cũng có tính đảng như triết học hai nghìn năm về trước. Những đảng phái đang đấu tranh với nhau, về thực chất, - mặc dù thực chất bị che giấu bằng những nhãn hiệu mới của thủ đoạn lang băm hoặc tính phi đảng ngu xuẩn - là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Chủ nghĩa duy tâm chẳng qua chỉ là một hình thái tế nhị và tinh vi của chủ nghĩa tín ngưỡng, một chủ nghĩa được vũ trang đầy đủ, có trong tay những tổ chức rất rộng lớn và lợi dụng những sự dao động nhỏ nhất trong tư tưởng triết học, không ngừng tiếp tục ảnh hưởng vào quần chúng. Vai trò khách quan, vai trò giai cấp của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, hoàn toàn chỉ là phục vụ cho bọn tín ngưỡng chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh của chúng chống chủ nghĩa duy vật nói chung và chống chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng”15.

Nhưng cần lưu ý rằng, tính đảng trong triết học không đồng nhất với tính đảng phái, giai cấp trong chính trị - xã hội. Tính đảng trong triết học thể hiện ở chỗ, mỗi trào lưu triết học được xây dựng trên cơ sở thế giới quan nào, duy vật hay duy tâm? Muốn phân biệt một trường phái triết học nào đó là duy vật hay duy tâm phải dựa trên việc trường phái triết học đó trả lời và giải quyết vấn đề cơ bản của triết học. Từ cách giải quyết này đã phân ra hai khuynh hướng, hai đường lối triết học - đường lối duy vật và đường lối duy tâm, mà V.I.Lênin gọi là “đường lối Đê-mô-crít” và “đường lối Pla-tôn”. Cho nên, có thể nói, tính đảng trong triết học chính là khuynh hướng, tính chất, đường lối, lập trường thế giới quan mà mỗi trường phái triết học thể hiện khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học.

Tuy nhiên, tính đảng trong triết học không thể tách rời với tính giai cấp xã hội. Bởi triết học, với tính cách một hình thái ý thức xã hội, là sự phản ánh tồn tại xã hội, nó không tồn tại tự nó hay tồn tại lơ lửng ở đâu đó. Nó luôn là tiếng nói đại diện cho địa vị, lợi ích của một lực lượng xã hội, một giai cấp nhất định; là thế giới quan của một lực lượng xã hội, một giai cấp nhất định. Trong đó, chủ nghĩa duy tâm thường là thế giới quan, là hệ tư tưởng phản ánh và đại diện hay bị lợi dụng vì lợi ích của giai cấp lạc hậu, bảo thủ trong lịch sử; còn chủ nghĩa duy vật thường là thế giới quan, là hệ tư tưởng phản ánh và đại diện cho lợi ích của giai cấp tiến bộ, giai cấp đang lên trong lịch sử. [15]

Tóm lại, Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán của V.I.Lênin là một tác phẩm mẫu mực trong việc bảo vệ và phát triển triết học Mác trên cả hai phương diện: Nội dung và phương pháp, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của nó. Những quan điểm, tư tưởng thể hiện trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý triết học mà V.I.Lênin sáng tạo nên trong tác phẩm đã phát triển, làm phong phú và sâu sắc các nguyên lý của triết học mácxít, trong điều kiện mới, trở thành kinh điển của triết học mácxít. Bốn quan điểm trong phần kết luận mà V.I.Lênin tổng kết, khái quát lại qua quá trình phê phán, đánh giá chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán trong Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán đã cung cấp cho chúng ta một hệ nguyên tắc phương pháp luận hết sức khoa học, đúng đắn và vững chắc. Đó là bốn quan điểm xuất phát, cơ sở phương pháp luận trong việc xem xét, phê phán, đánh giá bất cứ một trào lưu triết học nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại./.

TS. Nguyễn Anh Quốc

Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

TS. Trịnh Thanh Tùng

 Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh



[1] Xem: V.I.Lênin (2005), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.10.

[2] V.I.Lênin (1987), Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.11-12.

[3] Xem: Doãn Chính, Đinh Ngọc Thạch (2016), Vấn đề triết học trong tác phẩm của C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.446-447.

[4] V.I.Lênin (1987), Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.33-34.

[5] V.I.Lênin (2005), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.13.

[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.444.

[7] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.403.

[8] V.I.Lênin (2005), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.13.

[9] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.444.

[10] V.I.Lênin (2005), Sđd., t.18, tr.444.

[11] V.I.Lênin (2005), Sđd., t.18, tr.444.

[12] V.I.Lênin (2005), Sđd., t.18, tr.445.

[13] Xem: Giới thiệu tác phẩm của V.I.Lênin (1980), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.12.

[14] V.I.Lênin (2005), Sđd., t.18, tr.445.

[15] V.I.Lênin (2005), Sđd., t.18, tr.445.

V.I.Lênin - Nhà lý luận kiệt xuất, người có tầm ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử nhân loại - Ảnh: dangcongsan.vn   Tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Bút ký phê phán một triết học phản động”, gọi tắt là “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” ra đời không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ những lý do sau: Một là, đấu tranh về tư tưởng nhằm phê phán, chống lại “chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” của Makhơ, Avênariút và những người theo chủ nghĩa Ma-khơ ở Nga như Badarốp, Bôgđanốp, Iuskêvích, Valentinốp, Tsécnốp…; hai là, giải quyết những vấn đề, những yêu cầu cấp bách của thực tiễn lịch sử, chính trị - xã hội và tình thế phong t

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn