Tham gia quản lý nhà nước và xã hội là quyền quan trọng của công dân đã được Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhà nước cũng đã xây dựng và vận hành cơ chế bảo đảm thực hiện quyền này trên thực tế. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm, thực trạng bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân ở Việt Nam thời gian qua. Trên cơ sở đó bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

Bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" (Nguồn ảnh: https://baochinhphu.vn/)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[5, tr 173]. Quan điểm này của Đảng chính là sự định hướng quan trọng cho bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội nói riêng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Tham gia quản lý nhà nước và xã hội là quyền thể hiện bản chất của Nhà nước, đồng thời thể hiện tập trung mối quan hệ giữa Nhà nước và Nhân dân.

1.Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân

Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, luôn xác định và thực hiện nhiệm vụ phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến... Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân là quyền dân sự, chính trị quan trọng thể hiện tập trung, đầy đủ bản chất dân chủ của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việc bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân trong thực tiễn chính là thước đo của nền dân chủ, văn minh, của tự do và tiến bộ xã hội, cũng chính qua đó thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam.

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước. Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”[6, tr.717]. Công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như: Bầu cử, ứng cử, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, khiếu nại, tố cáo, đóng góp ý kiến, kiến nghị...

Trong một xã hội dân chủ và tiến bộ, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân được thực thi trong thực tế chứ không chỉ là một quyền hình thức. Nhà nước tôn trọng, ghi nhận, bảo đảm những điều kiện cần thiết cũng như vận hành cơ chế để công dân tiếp cận và hưởng thụ quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội trên thực tế. Bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân dựa trên cơ sở chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các thiết chế nhà nước, thiết chế xã hội và truyền thông báo chí ở Việt Nam. Nhà nước thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước của công dân chính là tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế trong cơ chế bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu là các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

2.Thực trạng bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân ở Việt Nam thời gian qua

Nhận thức của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay (Nguồn ảnh: Tạp chí Tổ chức Nhà nước, https://tcnn.vn/

Kết quả đạt được

Thứ nhất, về chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết nhằm củng cố cơ sở chính trị cho bảo đảm quyền con người ở Việt Nam như Chỉ thị số 12- CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam “về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Đây là văn kiện chuyên đề đầu tiên của Đảng về chủ đề quyền con người, Chỉ thị đã nêu ra những nhận thức cơ bản của Đảng về vấn đề quyền con người góp phần định hướng cho công tác bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền trong tình hình mới.

Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; Đảng đã xác định :“Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, pháp luật. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”[1, tr.9-18]. Những văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng, đặc biệt, Đại hội đại biểu lần thứ XIII, Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội nói riêng: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”[4, tr.38].

Thứ hai, về khung pháp lý

Cùng với Hiến pháp 2013, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhiều văn bản luật cụ thể hóa quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Công đoàn; Luật Khiếu nại; Luật tố cáo; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tiếp cận thông tin; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007... Ngoài ra, nhiều văn bản dưới luật khác cụ thể hóa các văn bản luật cũng được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bảo đảm cơ sở pháp lý quan trọng cho quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân.

Thứ ba, về thực thi quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội

Nhà nước bảo đảm cho công dân trực tiếp tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc ứng cử vào Hội đồng nhân dân các cấp. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri các nước đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm cao. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện ở số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu. Cử tri đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để bầu những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương[5]. Đây là phương thức thể hiện rõ nhất quyền trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân.

Cùng với đó, công dân đã tham gia thảo luận, góp ý kiến với hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phát biểu ý kiến về các vấn đề quản lý nhà nước, về nội dung của các quyết định quản lý, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với những vấn đề xã hội phát sinh; tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, đấu tranh với các tệ nạn quan liêu, hách dịch, cửa quyền, lãng phí hay tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động của bộ máy nhà nước: “Tại 99 điểm cầu có 2065 lượt cử tri tham dự với 177 lượt ý kiến”[10]. “Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng khu phố, ấp, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã được tổ chức theo định kỳ, đạt kết quả theo tinh thần Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”[2]. Công dân đã tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: “việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được triển khai sâu rộng, thật sự tạo ra đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng trong các tầng lớp nhân dân... các bộ, ngành, địa phương, hội, đoàn thể trong cả nước đã tiếp nhận khoảng 20 triệu lượt ý kiến góp ý về các nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”[9], “trên 6 triệu lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”[8]. Công dân đã tham gia bàn và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến đời sống ở cơ sở như sinh sống, làm việc tại các địa phương, cơ quan: Phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”... Với hình thức gián tiếp, công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chú trọng thực hiện dân chủ cả trực tiếp và đại diện, nhất là ở cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[4, tr.71]. Cùng với thiết chế nhà nước, các thiết chế xã hội và truyền thông báo chí ở Việt Nam cũng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân.

Một số hạn chế

Pháp luật và cơ chế bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân thời gian vừa qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Một số quy định pháp luật chưa tạo cơ sở cho thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân, chưa bảo đảm cơ chế cho thực hiện quyền, chính vì vậy, trong một số trường hợp quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội mang tính hình thức: ví dụ Điều 32 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 xác định cơ quan có quyền trình dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này đã loại bỏ quyền lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của những công dân là thành viên của tổ chức xã hội không thuộc thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngay cả khi họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản. Các quy định về cơ chế, thủ tục và điều kiện bảo đảm thực hiện quyền còn bộc lộ những bất cập trong tổ chức thực hiện.

Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo đảm thực thi quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân còn bộc lộ những hạn chế, đặc biệt, “một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”[4, tr.89], chính vì vậy hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Nội dung tham gia của nhân dân vào các hoạt động của chính quyền cơ sở và của các cấp chính quyền, đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành các quyết định hành chính còn hạn chế, dẫn đến các vụ khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định hành chính của chính quyền cấp xã.

Về phía người dân, vì nhiều lý do như trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế... nên chưa thực sự phát huy vai trò và quyền làm chủ của mình thông qua quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội một cách thực chất, ngay cả quyền bầu cử là quyền thể hiện tập trung nhất quyền dân chủ trực tiếp thì một bộ phận người dân còn thực hiện một cách hình thức.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân như: Một số quy định của pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu; một bộ phận cán bộ, công chức quản lý chưa coi tham gia quản lý nhà nước và xã hội là một quyền quan trọng của công dân nên chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền. Việc tổ chức các hình thức, phương thức để huy động sự tham gia của người dân vào hoạt động của các cơ quan nhà nước có nơi chưa thật sự khoa học; nhận thức về vai trò và hoạt động của Mặt trận tổ quốc còn có những hạn chế nhất định... Thực trạng trên đòi hỏi cần phải có những giải pháp để tăng cường bảo đảm hơn nữa quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân trong thời gian tới.

3.Một số giải pháp tăng cường bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân ở Việt Nam thời gian tới

Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân

Đại hội lần thứ XIII khẳng định cần, “Xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm”[4, tr.285]. Khi xây dựng các quyết sách cần “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”[3, tr.169]. Hệ thống các văn bản luật cần quy định rõ ràng, đầy đủ và cụ thể cách thức thực thi quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, bảo đảm quyền này phải được thực hiện thực chất và có ý nghĩa. Hoàn thiện cơ chế bầu cử để người dân thực sự chọn được những người có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, tận tâm với hoạt động của nhà nước và xã hội, xứng đáng là đại diện của nhân dân. Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tiếp công dân để các văn bản luật này thực sự đi vào cuộc sống.

Hai là, tăng cường phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân

Để có thể tham gia quản lý nhà nước và xã hội, để biết, bàn, làm và kiểm tra, giám sát và thụ hưởng thì người dân phải có trình độ nhận thức, có ý thức và sự giác ngộ chính trị, hiểu được nội dung, yêu cầu của những vấn đề đặt ra. Nâng cao trình độ dân trí cũng như nhận thức của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội nói riêng là việc làm quan trọng và cần thiết. Cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các thiết chế dân chủ, nội dung các quyền làm chủ cũng như cơ chế, cách thức để người dân hiểu và thực hiện được quyền làm chủ của mình.

Ba là, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước

Toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó trước hết và chủ yếu là các cơ quan nhà nước cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo đảm quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân. Đổi mới quy trình lập pháp của Quốc hội, bảo đảm sự tham gia của công dân trong quá trình soạn thảo và thông qua pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời, nhanh chóng đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi tới Quốc hội. Đổi mới Chính phủ và bộ máy hành pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm nền hành chính công khai, minh bạch, trong sạch, vững mạnh. Sắp xếp lại các cơ quan của Chính phủ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước gắn với trách nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, hệ thống các cơ quan tư pháp hoạt động có hiệu quả, bảo đảm Toà án xét xử độc lập, khách quan và vô tư, đúng pháp luật.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức với cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt và đủ năng lực thi hành nhiệm vụ công vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân. Coi trọng công tác giáo dục đạo đức và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức để nâng cao lòng yêu nước, yêu chế độ, niềm tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội

Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân thể hiện được quyền dân chủ trực tiếp của mình, trong đó có yêu cầu lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Hệ thống các cơ quan thực hiện quyền kiểm tra, kiểm soát và cơ chế kiểm tra, giám sát cần được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, thực hiện chức năng, nhiệm vụ một cách hiệu quả trên thực tế. Thông qua kiểm tra, giám sát mới nhanh chóng phát hiện ra những vi phạm trong thực thi, từ đó có cơ chế kỷ luật, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Kết luận

Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu phát huy dân chủ và mở rộng sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội ngày càng quan trọng và cấp thiết. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để công dân tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội được coi là nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thực hiện đồng bộ một số giải pháp trên đây sẽ góp phần bảo đảm ngày càng hiệu quả hơn quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1]Ban Chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ - Văn phòng thường trực (2012), Tài liệu tổng kết Chỉ thị 12 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

[2]Bộ Nội vụ (2020), Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Hà Nội.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[5]Bích Lan-Bùi Hùng (2021), Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, https://quochoi.vn

[6]Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Viện Chính sách công và pháp luật (2014), Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động xã hội, Hà Nội.

[7]Ngành Thanh tra thực hiện 83.983 cuộc thanh tra và phát hiện vi phạm hơn 31 nghìn tỷ đồng, https://mof.gov.vn

[8]Trên 6 triệu lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), https://dangcongsan.vn

[9]TTXVN (2013), Đã có 20 triệu lượt ý kiến góp ý Hiến pháp, https://tuoitre.vn

[10]Bảo Yến - Nghĩa Đức (2022), Tiếp nhận và giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri không vì giãn cách xã hội mà gián đoạn, https://quochoi.vn

VŨ THỊ HOÀI PHƯƠNG
Học viện Chính trị khu vực I
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" (Nguồn ảnh: https://baochinhphu.vn/) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[5, tr 173]. Quan điểm này của Đảng chính là sự định hướng quan trọng cho bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội nói riêng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong điều k

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn