Tinh thần nhân văn là tinh thần cốt lõi của văn hoá tinh thần. Dân tộc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lịch sử truyền thống là bằng văn hoá. Nhân nghĩa thắng hung tàn. Nhân nghĩa, nhân văn là mục tiêu, là động lực và là phương thức của chính trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đây chính là sức sống vô biên của văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá chính trị Việt Nam nói riêng.

Bàn về sức sống của văn hóa chính trị Việt Nam
Bàn về sức sống của văn hóa chính trị Việt Nam

Văn hóa chính trị còn là sự thấu hiểu văn hóa dân tộc và các nền văn hóa của nhân loại (Trong ảnh: Tại đền Ngọc Sơn, thầy đồ viết câu đối chúc mừng năm mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân)-Ảnh: TTXVN

Lịch sử thế giới đã chứng minh, khẳng định và đã thể hiện sức mạnh lớn lao của tinh thần nhân văn của nhiều dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình. Mọi người Việt Nam đều tự nhận thấy tinh thần nhân văn là sản phẩm tinh thần cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, là tư tưởng và tình cảm thiêng liêng giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu bậc thang giá trị dân tộc. Tinh thần đó đã phát huy sức mạnh vô biên của nó trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và là một động lực nội sinh to lớn của cộng đồng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Tinh thần nhân văn, có thể nói, đó là tinh thần cốt lõi của văn hoá tinh thần. Dân tộc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lịch sử truyền thống là bằng văn hoá - Nhân nghĩa thắng hung tàn. Nhân nghĩa, nhân văn là mục tiêu, là động lực và là phương thức của chính trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đây chính là sức sống vô biên của văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá chính trị Việt Nam nói riêng.

1. Cơ sở hình thành và phát triển của văn hoá chính trị Việt Nam truyền thống

Thứ nhất, công cuộc xây dựng đất nước, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên, với quê hương xứ sở và lịch sử đấu tranh chống thiên tai

Đây là cơ sở chung của tình yêu đất nước đối với nhân dân của mọi quốc gia - dân tộc; đồng thời cũng là cơ sở chung của văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Việt Nam với vị trí địa lý và đặc điểm về địa hình, khí hậu, tài nguyên, sinh thái, là một thiên nhiên nhiệt đới gió mùa phong phú, đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với con người. Trong quá trình xây dựng đất nước, con người vừa thích nghi, vừa khai phá những tài nguyên và mặt thuận lợi của thiên nhiên để mở mang đồng ruộng, xóm làng, phát triển kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với các nghề thủ công, chăn nuôi, đánh bắt, buôn bán... Mặt khác con người cũng phải liên kết lại trong cuộc đấu tranh khắc phục những trở ngại của thiên nhiên, chống thiên tai nhất là chống ngập lụt, hạn hán... Từ rất sớm nhân dân ta đã biết đắp đê sông, đê biển để chống lũ lụt, bão tố; đào kênh, khơi mương, làm thủy lợi để chống hạn hán, tưới tiêu cho đồng ruộng. Công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội trong những đặc điểm của thiên nhiên Việt Nam đã sớm tạo nên sự gắn bó cộng đồng, sự gắn bó với quê hương, xứ sở. Đó chính là cơ sở của tình yêu đất nước, của tình cảm cách mạng và là cơ sở hình thành, phát triển của văn hóa chính trị Việt Nam.

Thứ hai, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc

Chống ngoại xâm không phải là đặc điểm riêng của lịch sử Việt Nam vì dân tộc nào trong quá trình sinh tồn và phát triển của mình mà lại không có lần phải chiến đấu để bảo vệ độc lập và chủ quyền của mình.

Tính đặc thù và đặc biệt của chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam biểu thị tập trung ở chỗ: Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống giặc ngoại xâm nhiều lần như Việt Nam. Kể từ kháng chiến chống Tần thế kỷ III TCN đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa kết thúc, trong hơn 23 thế kỷ, tính ra thời gian kháng chiến giữ nước và đấu tranh chống đô hộ ngoại bang với những cuộc khởi nghĩa và những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, đã lên đến trên 12 thế kỷ, chiếm quá nửa thời gian lịch sử. Điều đáng lưu ý ở đây là độ dài thời gian, tần số xuất hiện, độ chênh lệch khi bước vào cuộc chiến, cường độ, số lượng các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng quá lớn so với các nước khác trên thế giới.

Do đó, con đường sống còn và chiến thắng của dân tộc ta là phải biết huy động sức mạnh của toàn dân, của cả đất nước, sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn thể dân tộc.

Lịch sử chống ngoại xâm với những đặc điểm trên đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và sự phát triển của tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí quật cường bất khuất, niềm tự tôn dân tộc, văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam

Sự phát triển xã hội luôn luôn diễn ra trong sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Trong quy luật vận động chung của xã hội loài người, sự tiến triển của các hình thái kinh tế - xã hội của mỗi nước mang những nét đặc thù có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hoá, ý thức, trong đó có văn hóa chính trị.

Trong thời cổ đại, Việt Nam không trải qua thời kỳ phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ. Quan hệ nô tỳ - tức chế độ nô lệ gia trưởng - có phát triển ở mức độ nào đó, nhưng không bao giờ trở thành quan hệ chi phối, thống trị của xã hội và nô tỳ chưa bao giờ giữ vai trò lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội. Chế độ chiếm hữu nô lệ không coi nô lệ là con người, chà đạp thân phận và nhân phẩm của họ, gạt bỏ quần chúng nô lệ là lực lượng sản xuất chủ yếu ra khỏi thành viên của cộng đồng xã hội, do đó để lại dấu ấn nặng nề trong mối quan hệ cũng như tình cảm giữa con người và con người. Việt Nam không phải thế.

Chế độ phong kiến Việt Nam cũng mang đặc điểm của chế độ phong kiến phương Đông và khác với chế độ phong kiến phương Tây. Trong thời kỳ phong kiến, ở Việt Nam không có thời kỳ tồn tại của chế độ lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô, không trải qua thời kỳ phân quyền cát cứ lâu dài. Đặc điểm này cũng tác động tích cực rất lớn đến sự cố kết cộng đồng và sự phát triển của tinh thần, ý thức dân tộc và văn hóa chính trị Việt Nam.

Thứ tư, sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hoá dân tộc

 Những kết quả nghiên cứu khảo cổ học gần đây cho phép xác nhận trong thời cổ đại, trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay hình thành ba trung tâm văn hoá - văn minh dẫn đến sự ra đời của ba nhà nước sơ khai: văn hoá Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc, văn hoá Sa Huỳnh với vương quốc Champa cổ, văn hoá óc Eo với vương quốc Phù Nam. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, ba dòng văn hoá và lịch sử đó hòa nhập vào dòng chảy chung của Việt Nam, lấy dòng văn hoá Đông Sơn với nước Văn Lang - Âu Lạc làm dòng chủ lưu.

Việt Nam là một nước gồm nhiều thành phần tộc người mà ta quen gọi chung là nhiều dân tộc, là một quốc gia đa tộc người. Hiện nay, nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh (Việt) chiếm 87% dân số, sống tập trung ở vùng đồng bằng và đô thị, đồng thời sống xen kẽ ở vùng trung du và miền núi. Các dân tộc thiểu số phần lớn sống ở vùng trung du và miền núi, cũng sống xen kẽ với nhau. Mỗi dân tộc có vốn văn hoá riêng, tạo nên những vùng địa - tộc người rất phong phú, đa dạng. Nhưng do sự gắn bó lâu đời trong một quốc gia thống nhất, do yêu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và do sự giao lưu, hội nhập văn hoá, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn có mẫu số chung của một nền văn hoá thống nhất trong tính đa dạng, một ý thức chung về vận mạng cộng đồng.

Về phương diện địa lý, Việt Nam bao gồm nhiều vùng địa lý với những đặc điểm khác nhau về địa hình, khí hậu, môi trường, sinh thái. Những điều kiện tự nhiên đó kết hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tạo nên những vùng địa - văn hoá khác nhau cũng góp phần tăng thêm tính đa dạng của văn hoá Việt Nam.

Việt Nam ở vào vị trí đầu mối giao thông tự nhiên của Đông Nam Á vừa nối liền với đại lục vừa nhìn ra đại dương và hải đảo, một khu vực giao tiếp của nhiều nền văn minh trên thế giới. Văn hoá Việt Nam qua giao lưu và tiếp biến, đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hoá bên ngoài làm phong phú văn hoá dân tộc, nhưng vẫn giữ bản sắc văn hoá của mình. Đó là tính thích nghi, hội nhập, tiếp biến và bản lĩnh của văn hoá Việt Nam.

Tinh thần yêu nước, ý thức về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia là một bộ phận tạo thành của văn hoá Việt Nam, vừa kết tinh những giá trị tiêu biểu, vừa chi phối sự phát triển của nền văn hoá dân tộc nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng.

Thứ năm, quá trình thống nhất quốc gia và hình thành sớm của dân tộc Việt Nam

Nhà nước Việt Nam ra đời không chỉ trên cơ sở phân hóa xã hội, phân hóa giai cấp, mà chủ yếu còn do yêu cầu của lịch sử rằng phải có một tổ chức đứng ra để tập hợp lực lượng, để chỉ huy dân tộc xây dựng và quản lý các công trình đê điều, thủy lợi và yêu cầu tự vệ chống ngoại xâm. Quá trình hình thành, phát triển của nhà nước đó gắn liền với quá trình thống nhất quốc gia.

Việc sử dụng quyền lực nhà nước ở thời kỳ dựng nước cũng không phải chủ yếu là để thống trị giai cấp, mà chủ yếu là để cố kết dân tộc, tập hợp lực lượng, chỉ huy dân tộc đánh giặc ngoại xâm và chống thiên tai xây dựng đất nước. Đây là những nét độc đáo mang đậm tính nhân văn sâu sắc của lịch sử chính trị Việt Nam. Nó hình thành quy luật cơ bản của chính trị Việt Nam, của văn hóa chính trị Việt Nam – Đoàn kết mang đậm tính nhân văn.

Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam là một đề tài khoa học đã được giới sử học Việt Nam và nhiều nhà Việt Nam học nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Trước đây có một xu hướng nghiên cứu sự hình thành dân tộc Việt Nam theo quan niệm "dân tộc (nation)" của các nước châu Âu, coi "dân tộc như một phạm trù lịch sử hình thành trên cơ sở phát triển của chủ nghĩa tư bản, đó là "dân tộc tư sản". Theo quan điểm này, ở Việt Nam cũng như phương Đông nói chung, vào thời kỳ trước chủ nghĩa thực dân chưa có khả năng hình thành và tồn tại "dân tộc". Nhưng càng ngày càng có nhiều nhà khoa học cho rằng quá trình hình thành dân tộc ở Việt Nam và nhiều nước phương Đông diễn ra không hoàn toàn như phương Tây và quan điểm cho rằng dân tộc Việt Nam hình thành sớm được nhiều người chấp nhận. Đó là quá trình cố kết cộng đồng diễn ra trên cơ sở liên kết cộng đồng nhà (gia đình) - làng (công xã nông thôn) - nước (quốc gia, dân tộc) trong những điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử và kết cấu kinh tế - xã hội của Việt Nam gần với phương Đông và khác với phương Tây.

Quá trình thống nhất quốc gia và thống nhất dân tộc sớm tác động sâu sắc đến sự phát triển của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc, tạo nên tinh thần đoàn kết dân tộc và sự cố kết cộng đồng mang tính dân tộc, chưng cất nên đặc trưng của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

2. Bản chất, bản sắc văn hoá chính trị Việt Nam

Văn hoá chính trị có ảnh hưởng to lớn tới phương thức và hiệu quả thực hiện quyền lực chính trị, nhất là trong việc nâng cao tính tích cực chính trị của công dân. Văn hóa chính trị với tư cách là một phạm trù của khoa học chính trị, nó có vai trò rất quan trọng trong hoạt động chính trị nói chung. Tuy nhiên, văn hoá chính trị là một vấn đề mới đối với lý luận Mác-xít. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin chưa đề cập trực tiếp nhiều đến khái niệm này, nhưng nội dung tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin-chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị nhất-nó được xem là  cơ sở cho việc khảo cứu khái niệm này ít nhất là ở ba yếu tố cơ bản: giai cấp, dân tộc, nhân loại:                                

 Yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hoá. Quan hệ dân tộc-nhân loại là quan hệ trường cửu; khát vọng tự do, khát vọng nhân văn là khát vọng theo chiều dài lịch sử. Từ đây có thể thấy rằng dấu hiệu nội hàm cơ bản nhất của khái niệm văn hoá (được hiểu theo nghĩa hẹp gắn với đời sống tinh thần của con người) là tinh thần nhân văn.

Yếu tố nhân loại chính là nhu cầu, khát vọng vươn tới tự do, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển cùng khả năng hoạt động thực tiễn thực hiện nhu cầu, khát vọng ấy của con người, loài người. Yếu tố này trường tồn theo chiều dài lịch sử tồn tại của con người và loài người chứ không chỉ là hiện tượng tâm lý tạm thời. Đó cũng chính là khát vọng nhân văn, tinh thần nhân văn (văn hóa tinh thần).

Yếu tố giai cấp và đấu tranh giai cấp tác động vào bước đi của văn hoá chứ không quyết định được bản chất của một nền văn hoá. Khi lợi ích của giai cấp thống trị xã hội mâu thuẫn với lợi ích dân tộc, nhân loại thì nó kìm hãm sự phát triển của nền văn hoá dân tộc ấy và khi lợi ích của giai cấp thống trị xã hội thống nhất với lợi ích dân tộc, nhân loại thì nó thúc đẩy nền văn hoá của dân tộc ấy phát triển.

Văn hoá chính trị là một khái niệm kép, nó được cấu thành từ hai khái niệm “văn hoá” và “chính trị”. Nhưng văn hoá chính trị không phải là sự cộng gộp giản đơn dấu hiệu cơ bản của hai khái niệm này, mà đó là văn hóa đứng ở trong chính trị hay chính trị có tính văn hoá. Nó là sự thẩm thấu của văn hoá vào chính trị, là chính trị có tính văn hoá.

Khái niệm “văn hoá”, theo nghĩa hẹp của nó liên quan tới đời sống tinh thần, lĩnh vực tinh thần của con người. Tinh thần nhân văn là tinh thần cốt lõi của văn hóa tinh thần. Còn chính trị là gì ? Cũng có nhiều định nghĩa về chính trị, song khả dĩ có thể vạch ra dấu hiệu nội hàm cơ bản của nó là mối quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, dân tộc, các lực lượng xã hội nhằm giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước để phát triển đất nước.

Vậy văn hoá chính trị chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa các giai cấp, các quốc gia, dân tộc, các lực lượng xã hội nhằm mục tiêu tiến bộ xã hội và giải phóng con người.

Yếu tố dân tộc làm nên bản chất và bản sắc của một nền văn hoá chứ không phải yếu tố giai cấp, cho nên văn hoá chính trị Việt Nam là do văn hoá dân tộc Việt Nam làm nên, nó là kết tinh của văn hoá dân tộc Việt Nam theo chiều dài dựng nước và giữ nước. Khảo sát ở quốc gia nào cũng thế, với nghĩa chung nhất thì văn hoá chính trị là một phương diện của văn hoá, một mặt của văn hoá, một lĩnh vực biểu hiện của văn hoá - lĩnh vực chính trị. Điều đó có nghĩa là văn hoá chính trị bao chứa toàn bộ những yếu tố của văn hoá nói chung được hình thành và phát triển trong lĩnh vực chính trị. Nếu như văn hoá là kết tinh toàn bộ giá trị tinh thần nhân văn của con người, thì văn hoá chính trị cũng là cái kết tinh toàn bộ giá trị tinh thần nhân văn của một nền chính trị (cả thể chế chính trị và cả con người chính trị). Văn hoá chính trị Việt Nam, vì vậy, xuyên suốt cơ thể văn hoá dân tộc Việt Nam, nó hình thành cùng với lịch sử văn hoá Việt Nam, do đó, nó cũng hình thành cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam; nó là một phương diện của nền văn hoá Việt Nam. Những gì hình thành nên văn hoá chính trị Việt Nam, thì đồng thời cũng là những gì tạo nên văn hoá dân tộc Việt Nam. Khái niệm văn hoá Việt Nam rộng hơn khái niệm văn hoá chính trị Việt Nam. Hơn nữa, lịch sử văn hoá Việt Nam gắn liền, hay nói đúng hơn, là hiện thân của lịch sử sinh thành, tồn tại và đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cái khía cạnh riêng thể hiện văn hoá chính trị Việt Nam là khía cạnh đời sống chính trị. Mà chính trị Việt Nam thì vô cùng phong phú, đa dạng, nó là đời sống chính trị - xã hội của dân tộc có hàng nghìn năm lịch sử với biết bao biến cố, thăng trầm, biết bao những chiến công hiển hách.

Vậy là, nền văn hoá Việt Nam chính là nền tảng của văn hoá chính trị Việt Nam - cái kết tinh toàn bộ các giá trị tinh thần nhân văn do con người Việt Nam sáng tạo ra trong suốt chiều dài lịch sử phát triển dân tộc, quốc gia, đất nước. Có thể nói, toàn bộ hệ thống giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam là những thành tố tạo nên văn hoá chính trị Việt Nam. Bản sắc văn hoá dân tộc là cái lắng đọng sâu thấm nhất các giá trị truyền thống dân tộc. Còn bản sắc văn hoá chính trị Việt Nam là cái lắng đọng sâu thấm nhất các giá trị truyền thống trong khía cạnh, lĩnh vực hoạt động chính trị của dân tộc Việt Nam, cả tư duy chính trị, cả hành vi chính trị. Mà lĩnh vực chính trị Việt Nam, hoạt động chính trị Việt Nam, có thể nói, chính là lịch sử Việt Nam cô đọng lại:

Đó là lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bởi lịch sử loài người từ khi có giai cấp cũng có thể nói chính là lịch sử chính trị;

Hoạt động chính trị, nói một cách chung nhất, đó là hoạt động sống chi phối mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội có giai cấp: lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng xã hội, trong đó xây dựng thể chế chính trị khách quan, khoa học là cốt lõi nhất chi phối toàn bộ công cuộc xây dựng đời sống vật chất và tinh thần, tạo dựng môi trường thuận lợi để con người tồn tại và phát triển. Văn hoá chính trị ra đời từ đó.

Vì thế, các thành tố hình thành văn hoá chính trị Việt Nam không chỉ là các điều kiện thiên nhiên, môi trường sinh thái, mà còn là điều kiện xã hội, môi trường xã hội Việt Nam; những yếu tố quan trọng hình thành văn hoá chính trị Việt Nam còn phải là tâm lý, tính cách con người Việt Nam thể hiện trong lao động, học tập, chiến đấu, trong xây dựng một quốc gia thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường, một nền chính trị nhân văn; đó còn là thiên hướng phát triển con người và phát triển dân tộc; là năng lực và trình độ hoạt động chính trị của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử; đó còn là những tư chất, tính khí, năng khiếu, tài năng kinh bang tế thế của những cá nhân xuất chúng trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, trong xây dựng và kiến thiết xã hội trong các thời kỳ lịch sử; đó là sự vận dụng thời cơ, xử lý tình huống, lợi dụng xu thế phát triển của chính trị quốc gia và quốc tế, vận hội, thời thế của thời cuộc và thời đại. Đó, tuy chưa đầy đủ, nhưng là những điều cơ bản nhất khi bàn về sức sống mãnh liệt của văn hóa chính trị Việt Nam.

Tất cả những yếu tố vô cùng phong phú, đa hình, đa dạng có tính tổng hợp đó đã hình thành nên diện mạo và bản chất văn hoá Việt Nam nói chung, những giá trị văn hoá chính trị đặc sắc của Việt Nam nói riêng. Văn hoá chính trị Việt Nam gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, bản chất của văn hoá chính trị Việt Nam được kết tinh từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là đấu tranh và phấn đấu thực hiện những ước mơ, khát vọng của con người Việt Nam. Lịch sử đó đã hình thành nên những giá trị văn hoá chính trị truyền thống Việt Nam. Truyền thống không để lại cho hiện đại những công trình văn hóa vật chất đồ sộ, bởi vì dân tộc ta phải dồn sức liên tục chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai, nhưng truyền thống đã để lại cho hiện đại, cho thế hệ hôm nay và mai sau cả một kho tàng văn hóa tinh thần đồ sộ, một văn hóa chính trị Việt Nam đặc sắc. Đó là:

Thứ nhất, một nền chính trị nhân văn, thương dân, dân là gốc;

Thứ hai, tư tưởng chính trị đấu tranh cho độc lập và chủ quyền quốc gia, tự do, tự lực, tự cường;

Thứ ba, tinh thần tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ, quy tụ người hiền;

Thứ tư, một nền chính trị đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý;

Thứ năm, vừa đề cao đức trị vừa đề cao pháp trị; hình thành tư tưởng về một nền chính trị pháp quyền;

Thứ sáu, tư tưởng và hành vi chính trị khoan dung, độ lượng, vị tha;

Thứ bảy, hòa hợp, hữu nghị, hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ.

Tất cả những giá trị, phẩm chất và năng lực đó hợp thành một nền chính trị nhân đạo, nhân văn, tất cả vì con người. Đó chính là bản chất của văn hoá chính trị Việt Nam. Đó là những giá trị nền tảng và cũng chính là trình độ, là sức sống có cội nguồn, gốc rễ vững bền và là sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.

Là một phương diện của văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá chính trị Việt Nam cũng có tất cả các khía cạnh, các bộ phận và các yếu tố văn hoá Việt Nam. Vì vậy, xây dựng văn hoá chính trị Việt Nam hiện nay thực chất là phát huy tinh thần nhân văn lên tầm cao mới tiên tiến và hiện đại. Việc xây dựng văn hoá chính trị Việt Nam hiện nay trước hết ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng chính trị. Một nền chính trị dù trình độ tổ chức cao, công nghệ hoàn hảo, nhưng mục tiêu phi nhân đạo thì nền chính trị đó không thể là chính trị văn hoá.

Chính trị là một lĩnh vực hoạt động rộng lớn và hết sức quan trọng, nó quyết định vận mệnh của đất nước và sự phát triển của xã hội và con người.Vì vậy, văn hóa chính trị có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống xã hội. Nó là toàn bộ những sáng tạo của một cộng đồng tạo nên thiết chế quyền lực, phương thức vận hành, những giá trị chi phối hoạt động chính trị, những mối quan hệ và ứng xử giữa con người với nhau trong quá trình chính trị. Cũng như các sáng tạo văn hóa khác, văn hóa chính trị cũng chịu những tác động khách quan và chịu sự chi phối bởi những đặc trưng chung của văn hóa.

Cũng giống như quá trình sáng tạo văn hóa nói chung, một đặc điểm quan trọng của văn hóa chính trị là cùng với những yếu tố nội sinh - những yếu tố có cội nguồn bản địa, sinh ra từ cơ tầng văn hóa truyền thống, tạo nên tính đồng nhất cao trong văn hóa chính trị, luôn có những yếu tố ngoại lai nhưng được tiếp biến và có sức sống trong văn hóa bản địa hoặc những giá trị văn hóa bản địa bị biến đổi dưới tác động của chúng, được gọi là yếu tố ngoại sinh. Văn hóa chính trị Việt Nam không nằm ngoài những quy luật chung này của nhân loại.

Bên cạnh những yếu tố nội sinh, trong văn hóa chính trị còn phải kể đến tư tưởng chính trị, các học thuyết cai trị và các giáo lý tôn giáo được du nhập vào nước ta qua các thời kỳ lịch sử (Nho, Phật, Lão) đã từng có vai trò chi phối trong quá khứ. Những yếu tố này thậm chí còn tiếp tục tác động đến thiết chế chính trị hiện đại.

Tuy nhiên, một đặc điểm rất nổi bật trong văn hóa chính trị Việt Nam là những tư tưởng và học thuyết ngoại lai chỉ có sức sống khi nhập thân vào dân tộc, hòa đồng với những tư tưởng, đạo lý chính trị bản địa, tuy không được hình thức hóa bằng các học thuyết, chủ nghĩa nhưng luôn là cốt lõi cho bệ đỡ tư tưởng chính trị. Thậm chí, nó còn là nhân tố chi phối buộc các học thuyết và hệ tư tưởng ngoại lai phải thay hình đổi dạng để phù hợp với đặc điểm dân tộc. Đó là chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và truyền thống nhân ái, hòa đồng mang tính chất làng xã.

Mặt khác, trải qua một thời gian dài, thích nghi, biến đổi, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo và các giá trị văn hóa tiếp nhận khác cũng đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng.

Bước vào thời kỳ hiện đại, Đảng ta khẳng định để xây dựng nền văn hóa chính trị Việt Nam tiên tiến, hiện đại, cần kế thừa các giá trị văn hóa chính trị truyền thống tốt đẹp được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kế thừa các giá trị văn hóa chính trị tinh hoa của các nước trên thế giới, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một sản phẩm của văn hóa chính trị Việt Nam. Tuy nhiên, là sản phẩm của văn hóa chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải khắc phục những mặt hạn chế vốn có của một số yếu tố truyền thống lạc hậu không còn phù hợp và cần liên tục được chỉnh đốn, hoàn thiện, hóa thân vào dân tộc, phát triển, nâng lên tầm cao mới những mặt ưu trội của văn hóa chính trị Việt Nam, trường tồn cùng dân tộc.

Mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no, tư do và hạnh phúc. Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc. Vì vậy, vị trí lãnh đạo của Đảng là phù hợp với quy luật vận động của lịch sử Việt Nam không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong cả thời kỳ xây dựng đất nước.

Văn hoá chính trị làm cho sự tác động của chính trị đến đời sống xã hội giống như sức mạnh của văn hoá. Đó là loại sức mạnh không dựa vào quyền lực hay ép buộc là chủ yếu, mà chủ yếu là loại sức mạnh tạo dựng đồng thuận xã hội thông qua cảm hoá, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý thức tự giác của các tầng lớp nhân dân, thi đua, yêu nước, đoàn kết, đồng thuận hướng tới xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh

      (Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Chính trị học - Học viện CTQG Hồ Chí Minh)

 

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021

2. Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông-gợi những điểm nhìn tham chiếu. Nxb Văn học,1995.

3. Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hoà Văn, Nguyễn Văn Vĩnh-Bước đầu tìm hiểu những giá trị văn hoá chính trị truyền thống Việt Nam. Nxb CTQG, Hà Nội 2009.

4. Nguyên Văn Huyên (Chủ biên)-Con người chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại. Nxb CTQG, Hà Nội 2009.

5. Nguyễn Hoài Văn (Chủ biên)- Đại cương lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Nxb CTQG, Hà Nội 2010.

 

6. Nguyễn Hữu Lập-Văn hoá chính trị Hồ Chí Minh-Giá trị lý luận và thực tiễn. Nxb QĐND, Hà Nội 2016.

Văn hóa chính trị còn là sự thấu hiểu văn hóa dân tộc và các nền văn hóa của nhân loại (Trong ảnh: Tại đền Ngọc Sơn, thầy đồ viết câu đối chúc mừng năm mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân)-Ảnh: TTXVN Lịch sử thế giới đã chứng minh, khẳng định và đã thể hiện sức mạnh lớn lao của tinh thần nhân văn của nhiều dân tộc trong cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình. Mọi người Việt Nam đều tự nhận thấy tinh thần nhân văn là sản phẩm tinh thần cao quý nhất của dân tộc Việt Nam, là tư tưởng và tình cảm thiêng liêng giữ vị trí chuẩn mực cao nhất của đạo lý và đứng đầu bậc thang giá trị dân tộc. Tinh thần đó đã phát huy sức mạnh vô biên của nó trong các cu

Tin khác cùng chủ đề

Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Quan điểm phát triển văn hóa, con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
Bảo đảm tính đảng và tính khoa học của khoa học lịch sử và khoa học chính trị trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để phòng, chống tận gốc tham nhũng, tiêu cực
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Quan điểm của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh về phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và vận dụng trong thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay

Gửi bình luận của bạn