Chính quyền cách mạng đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là Xôviết Nghệ-Tĩnh, dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn nhưng đã để lại dấu ấn tốt đẹp về một chính quyền công nông đầu tiên. Trải qua các giai đoạn khảo nghiệm, tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng quyết định: Sau khi cách mạng giải phóng dân tộc giành được thắng lợi, sẽ xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực tế 75 năm qua, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã minh chứng việc Đảng lựa chọn kiểu nhà nước này là phù hợp nhất với điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Vấn đề chính quyền cách mạng ở Việt Nam từ Xôviết đến dân chủ cộng hòa
Vấn đề chính quyền cách mạng ở Việt Nam từ Xôviết đến dân chủ cộng hòa

Chính quyền cách mạng ở Việt Nam từ Xôviết Nghệ-Tĩnh đến Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa) là kết quả của quá trình khảo nghiệm và lựa chọn qua thực tiễn cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. 

1. “Quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”

Đây là kết quả được rút ra qua nghiên cứu của Hồ Chí Minh về các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, phản ánh trong tác phẩm Đường Kách mệnh (xuất bản năm 1927): Cách mạng tư sản Pháp, Cách mạng tư sản Mỹ và Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga. Qua nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ, Hồ Chí Minh kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”1. Do đó, “chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi, thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”2. Còn đối với cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải là tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”3. Như vậy là, nhà nước tư sản vẫn giống như nhà nước phong kiến ở chỗ quyền lực nằm trong tay số ít, chứ không phải nằm trong tay số đông là công nhân, nông dân và những người lao động khác. Chỉ đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công, trong khuôn khổ cách mạng vô sản, thì quyền lực mới thực sự trong tay số đông.

2. Xôviết công nông binh

Vẫn theo dòng tư duy chính quyền phải nằm trong tay số đông người, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và trong Lời kêu gọi, Đảng đã xác định nhiệm vụ: “a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập; c) Dựng ra Chính phủ công nông binh; d) Tổ chức ra quân đội công nông”4

Chính phủ công nông binh là hình thức của chính quyền theo kiểu của Nhà nước Xôviết. Do vậy, có thể nói rằng, hình mẫu Nhà nước Xôviết là sự lựa chọn đầu tiên của Đảng về kiểu nhà nước cách mạng ở Việt Nam và đồng thời là sự phát triển (hoặc cụ thể hóa) tư duy của Hồ Chí Minh về xác định quyền lực cho số đông trong cách mạng Việt Nam.

Trong thực tế, trước khi có kiểu chính quyền Xôviết (công nông binh) ở nước Nga thì đã có kiểu nhà nước Công xã Paris. Đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, diễn ra từ ngày 18-3-1871 đến tháng 5-1871. C.Mác tổng kết cuộc nổi dậy này trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Anh, tháng 6-1871. Sau này, V.I.Lênin đã nghiên cứu học thuyết về nhà nước vô sản của Công xã Paris mà C.Mác đã tổng kết để lập nên Nhà nước Xôviết ở nước Nga. 

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đảng đã lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931 trên phạm vi cả nước. Trước sức mạnh đấu tranh của công nông, nhất là sau đợt biểu tình của nông dân và công nhân các huyện của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày 12-9-1930, chính quyền phong kiến tay sai của thực dân Pháp đã bị tê liệt, nhân đó, lực lượng cách mạng đã chiếm trụ sở chính quyền phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng ở những làng xã của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Yên Thành, vùng Bến Thủy, nhiều xã ven tỉnh lỵ Vinh... thuộc tỉnh Nghệ An và các làng xã của các huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà... thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Đây là chính quyền cách mạng chỉ có ở cấp làng, xã, chứ chưa có ở huyện, thị. Chính quyền này được gọi là các làng “đỏ”, chính quyền Xôviết. Gần tám năm sau, ngày 9-8-1938, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương có bài viết Kỷ niệm về năm bạo động ở Nghệ An. Tại Mục IV Các làng “đỏ” ở Nghệ An làm những gì?, viết: Các làng “đỏ” ở Nghệ An đã: “1) Lập chính quyền dân chủ, rộng rãi của dân chúng theo hình thức Xôviết5; 2) Cho dân chúng các quyền tự do, dân chủ (tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do đi lại); 3) Tịch ký tài sản của bọn phản cách mạng chia cho dân nghèo; 4) Hủy bỏ các thứ thuế chợ, đò, hủy bỏ các thứ nợ nô lệ; 5) Lập tòa án quần chúng xử bọn phản cách mạng; 6) Cho nam nữ được bình quyền; 7) Lập đội võ trang tự vệ; 8) Cứu tế những kẻ bị nạn, bị tàn sát; 9) Đuổi bọn phản động ra khỏi làng; 10) Lập trường học chính trị, v.v.

Trong khoảng hai, ba tháng, những làng “đỏ” ở Nghệ An sinh hoạt dưới chế độ dân chủ của dân chúng, các cơ quan hành chánh của Chính phủ Pháp ở các hạt ấy đều vô dụng. Các làng “đỏ” tuy tồn tại thời gian không lâu, nhưng nó tiêu biểu chí hướng của nhân dân Đông Dương. Tính chất cuộc bạo động ấy là cuộc vận động chống đế quốc, chống tàn tích phong kiến, đòi dân tộc giải phóng, đòi thực hiện nền chính thể dân chủ rộng rãi, là bước đường tiến bộ của nhân dân Đông Dương muốn có một tổ chức để tự do bình đẳng liên hiệp trong một gia đình nhân loại toàn đấu”6.

Về mặt văn bản, có thể trên cơ sở cách gọi của Xứ ủy Trung Kỳ, nên trong Chỉ thị của Trung ương Đảng gửi Chấp ủy (Xứ ủy) Trung Kỳ trước khi mở Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930, có đề cập đến những cụm từ Xôviết. Trong bản Báo cáo ngày 29-9-1930, với nhan đề “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, với bút danh VICTO, Hồ Chí Minh viết: “Theo tư liệu chúng tôi hiện có... họ tổ chức ra Xôviết nông thôn, hoặc cơ quan gần như Xôviết nông thôn”7.

Cao trào cách mạng 1930-1931 bị thực dân Pháp và phong kiến tay sai đàn áp khốc liệt, Xôviết Nghệ-Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Thất bại của Xôviết Nghệ-Tĩnh đã minh chứng kiểu chính quyền Xôviết không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam, một nước thuộc địa và phong kiến8, trong xã hội thuộc địa và phong kiến đó, không chỉ có công nông mà còn cả địa chủ vừa và nhỏ, tư sản dân tộc (trừ tư sản mại bản) và tiểu tư sản, đều có tinh thần yêu nước, có thể đoàn kết với công nông đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. 

Hình mẫu chính quyền Xôviết kiểu như của Liên Xô chỉ nặng về lực lượng công nông mà chưa bao quát được ngoài lực lượng công nông là gốc còn có cả những lực lượng khác của toàn dân Việt Nam yêu nước, bất kể thuộc giai tầng nào. Đó là chưa kể lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo phong trào một cách tả khuynh, cô độc, hẹp hòi, bị tác động từ Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (10-1928). Ngày 20-5-1931, Trung ương Đảng đã gửi Chỉ thị cho Xứ ủy Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng do Xứ ủy Trung Kỳ khởi xướng trong cao trào cách mạng 1930-1931. Chỉ thị viết: “Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng”9. Sự phê bình của Trung ương Đảng như thế là rất trúng và rất cần thiết.

3. Nền dân chủ cộng hòa 

Cao trào cách mạng 1930-1931 không thành công vì bị thực dân và phong kiến tay sai đàn áp khốc liệt; Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Nghệ An mắc phải một số khuyết điểm, hạn chế trong chỉ đạo và một nguyên nhân quan trọng là kiểu chính quyền chỉ công nông thì không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, khi tất cả các giai tầng khác đều có tinh thần yêu nước, đều có một “mẫu số chung” là đoàn kết đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. Với những gì diễn ra thì kiểu chính quyền Xôviết đã bị lịch sử vượt qua.

Một bước tiến trong tư duy của Đảng về vấn đề chính quyền cách mạng đã được ghi dấu tại Hội nghị Trung ương Đảng các ngày 6, 7 và 8-11-1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Đây là Hội nghị Trung ương Đảng chủ trương thay đổi chiến lược cho cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và Đông Dương, Hội nghị đã quyết định tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc. Nghị quyết của Hội nghị viết: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”10. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương “để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”11. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng xác định: “Cuộc cách mệnh giải phóng các dân tộc của Mặt trận phản đế là một kiểu của cách mệnh tư sản dân quyền. Song đứng trong tình thế khác ít nhiều với tình thế 1930-1931, chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới”12. Cho nên, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 chủ trương: không “đưa khẩu hiệu lập Chính phủ “Xôviết công-nông-binh” mà đưa khẩu hiệu “Chính phủ Liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương”13 và cho rằng, Chính phủ này “là hình thức chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc, một bộ phận của giai cấp tư sản còn có thể đi chung với dân chúng trong một giai đoạn”14.

Bước tiến trong tư duy này của Trung ương Đảng tại Hội nghị tháng 11-1939 là bước tiến khá lớn. Nhưng, điều việc xác định tính chất/hình thức chính quyền cách mạng ở Hội nghị này vẫn bao gồm toàn “Liên bang Đông Dương”. Do vậy, tư duy này chưa thật thể hiện được quan điểm về quyền dân tộc tự quyết khi ba nước (Việt Nam, Lào, Campuchia) tuy cùng sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cùng chịu trong đơn vị hải ngoại “Liên bang Đông Dương thuộc Pháp-Indochine francaise) nhưng từ lâu đã là một dân tộc-quốc gia riêng, độc lập; và do như vậy, khi cách mạng thành công, mỗi dân tộc-quốc gia đều phải lập chính quyền riêng. Mặc dù nêu chủ trương sẽ lập Chính phủ Cộng hòa dân chủ, nhưng Hội nghị Trung ương Đảng vẫn cho rằng: “Đảng Cộng sản luôn luôn coi chính quyền Xôviết là hình thức chính phủ rộng rãi, dân chủ hơn hết và triệt để của dân chúng”15. Hình thức Xôviết, lúc này đã bị thực tế lịch sử vượt qua, vì tính chất của nó thường bị bó hẹp trong hai giai cấp là công-nông. 

Chỉ khi đến Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 tại Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) do Hồ Chí Minh chủ trì thì vấn đề chính quyền cách mạng mới được giải quyết rõ ràng và đúng đắn, triệt để hơn. Hội nghị đưa ra chủ trương tiếp tục giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, gác lại vấn đề cách mạng ruộng đất. Cùng với những quyết định quan trọng khác, như lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng Minh (gọi tắt là Việt Minh), chú trọng vấn đề võ trang bạo động trong đấu tranh giành chính quyền, Hội nghị đã chủ trương quán triệt quan điểm về quyền dân tộc tự quyết của V.I.Lênin: mỗi dân tộc - quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia) đều phải có mặt trận cứu quốc riêng, và chính quyền được lập nên sau thắng lợi của cách mạng phải là riêng mỗi nước, không còn tư duy lập Chính phủ Liên bang cộng hòa dân chủ Đông Dương nữa. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 5-1941 viết: “Sau lúc đánh đuổi được Pháp-Nhật, sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp-Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”16

Hình thức chính quyền cách mạng này được thể hiện rõ hơn trong Chương trình Việt Minh, một văn kiện kèm theo Nghị quyết Hội nghị: Việt Minh “chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp-Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở... Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”17 để thi hành những nhiệm vụ cụ thể về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, ngoại giao...

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (từ năm 1976, là Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đây là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy quyền lực, quyền lợi của nhân dân làm giá trị tối cao, làm điểm quy chiếu mọi tư duy và hành động. Điều này được phản ánh trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Nhà nước xuất hiện là do trong xã hội có các giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nó ra đời là từ yêu cầu của đấu tranh giai cấp. Cho nên, theo nghĩa gốc, nhà nước chính là đại diện cho ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước cùng với Đảng cầm quyền đóng vai trò đồng kiến tạo, nhà nước phục vụ. Trong xã hội của thế giới hiện đại, nhiều người thường dùng cụm từ Nhà nước dịch vụ công. Thực chất, hàm nghĩa của hai chữ phục vụ rộng hơn dịch vụ công. Nhà nước phục vụ hoàn toàn phù hợp với xã hội hiện đại, khi vấn đề bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân được coi trọng hơn. Sự thật thì nhà nước Việt Nam hiện nay là một tổ chức chính trị thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại, quản trị việc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, tổ chức cộng đồng các dân tộc, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân; công cụ chủ yếu của nhà nước là quân đội và công an. 

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Nhà nước Việt Nam thực hiện các chế định trong hoàn cảnh biến động khó lường của tình hình quốc tế và trong nước. Sự vận hành, hoạt động cụ thể của Nhà nước Việt Nam hiện tại và tương lai, sẽ có thể đổi thay để tương thích, nhưng, bản chất không có gì thay đổi - đó là một nhà nước theo chính thể dân chủ cộng hòa đúng theo những gì mà Đảng đã xác định, khảo nghiệm, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đầu năm 1930. Từ thực tiễn cao trào cách mạng 1930-1931, với chính quyền Xôviết Nghệ-Tĩnh, trải qua các Hội nghị Trung ương Đảng, đến Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của chính thể Cộng hòa dân chủ ngày nay là cả một quá trình nhận thức không ngừng nghỉ, thấm đượm qua bao máu xương của những người Việt Nam yêu nước.

Quá trình xác lập chính thể cộng hòa dân chủ của Việt Nam là một quá trình nhận thức từ chưa đầy đủ đến hoàn chỉnh. Tư duy của Đảng về nhà nước cách mạng lúc đầu theo hình mẫu chính quyền Xôviết. Từ thực tế cách mạng Việt Nam, Đảng đã có sự phát triển tư duy, tiến lên xây dựng một chính quyền nhà nước dân chủ cộng hòa. Chính thể Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay là sự tiếp nối của nền dân chủ cộng hòa. Nhà nước hiện nay với tính chất của một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là thực thể đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam.

Kiểu chính quyền Xôviết Nghệ-Tĩnh tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, trong phạm vi hẹp ở một số làng xã, nhưng chính đó là một thực tế quý báu để Đảng mài sắc thêm tư duy về vấn đề rất cơ bản của cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền. Chính vì vậy, Xôviết Nghệ-Tĩnh không chỉ có ý nghĩa to lớn về tinh thần cách mạng quật khởi của nhân dân do Đảng khơi dậy, mà còn có ý nghĩa làm điểm tựa cho tư duy cách mạng nói chung và cho bước tiến về nhận thức, hành động độc lập, tự chủ, sáng tạo. 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2020

1, 2, 3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 296, 292, 304

4, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 2, tr. 2, 79 

5. Bài này của Trung ương Đảng viết tháng 8-1938, thời kỳ phong trào đấu tranh dân chủ ở Đông Dương và thế giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (năm 1935), trong bài viết: “chính quyền dân chủ, rộng rãi của dân chúng”. Kỳ thực, chính quyền Xôviết là hình thức chính quyền công nông, chứ không phải là chính quyền mang tính chất rộng rãi của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam

6, 10, 11, 12, 13, 14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 6, tr. 408-409, 536, 537, 538, 539, 539, 539

8. Thuật ngữ thuộc địa và phong kiến là thuật ngữ Hồ Chí Minh nêu trong các bài viết ký tên Đ.X. đăng ở Chuyên mục Thường thức chính trị của báo Cứu quốc, từ ngày 16-1-1953 đến ngày 23-9-1953. Nxb Sự thật tập hợp in thành sách Thường thức chính trị, xuất bản năm 1954. Tác phẩm Thường thức chính trị mới nhất được in trong sách Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 254-260

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1999, T. 3, tr. 157

16, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 114, 149-150.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Chính quyền cách mạng ở Việt Nam từ Xôviết Nghệ-Tĩnh đến Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa) là kết quả của quá trình khảo nghiệm và lựa chọn qua thực tiễn cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.  1. “Quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người” Đây là kết quả được rút ra qua nghiên cứu của Hồ Chí Minh về các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, phản ánh trong tác phẩm Đường Kách mệnh (xuất bản năm 1927): Cách mạng tư sản Pháp, Cách mạng tư sản Mỹ và Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga. Qua nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản Pháp, Mỹ, Hồ Chí Minh kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn