Những câu thơ trong bài thơ “Nha Trang những phát súng đầu” của đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa như đưa chúng ta quay trở về với những ngày tháng hào hùng của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm ấy, trong 101 ngày đêm vây chặt quân Pháp trong thị xã Nha Trang (nay là thành phố Nha Trang). 

Sáng mãi ngọn lửa tinh thần Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 - 23/10/2022)
Sáng mãi ngọn lửa tinh thần Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến (23/10/1945 - 23/10/2022)

“…Mặt trận Nha Trang

Vây chặt quân thù hơn ba tháng

Ta đã thắng!

Với tinh thần yêu nước vô song

Với muôn trái tim căm hờn sôi sục

Thắng!

Vì cùng chiến đấu với Nha Trang là cả nước!...”

Những câu thơ trong bài thơ “Nha Trang những phát súng đầu” của đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa như đưa chúng ta quay trở về với những ngày tháng hào hùng của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm ấy, trong 101 ngày đêm vây chặt quân Pháp trong thị xã Nha Trang (nay là thành phố Nha Trang). 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không lâu sau, thực dân Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Đầu tháng 10/1945, sau khi chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp đổ bộ gần 1.000 quân lên bãi biển trước Khách sạn Beau Rivage, thị xã Nha Trang, đánh chiếm nhiều địa điểm, chuẩn bị bàn đạp để mở rộng tiến công các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ. Với tinh thần “Quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân và dân Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cảm go, thử thách nhưng rất đỗi hào hùng. Nhiệm vụ vây chặt quân Pháp trong Nha Trang để giữ được con đường chi viện cho Nam bộ là yêu cầu bức thiết mà Trung ương đã đặt ra cho các Đảng bộ và chính quyền cách mạng miền Trung, trực tiếp là Đảng bộ, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, để lãnh đạo cuộc chiến đấu, Bộ Chỉ huy Mặt trận Nha Trang được thành lập. Đồng chí Trần Công Khanh làm chỉ huy trưởng, Hà Văn Lâu làm Tham mưu trưởng, Chính trị viên là Nguyễn Mô (Bùi Định). Lực lượng vũ trang chiến đấu của ta ở Nha Trang có đại đội tự vệ do Võ Văn Ký chỉ huy chiến đấu ở nội thị. Ngoại vi có đại đội tự vệ tập trung do đồng chí Hà Văn Lâu chỉ huy ở Ngọc Hội, Xuân Lạc. Các lực lượng phối hợp với nhau hình thành thế bao vây địch trong thị xã. Chủ trương của ta trong những ngày đầu chống Pháp là: “Dùng lực lượng tại chỗ chủ động tấn công vào một số mục tiêu quan trọng mà lực lượng địch ở đó tương đối mỏng, ta sẽ xâm nhập, như nhà ga, nhà đèn, kho Bình Tân nhằm tiêu diệt một số sinh lực địch, phá hủy cơ sở vật chất. Sau đó rút ra cùng lực lượng bên ngoài, thực hiện nhiệm vụ vây chặt quân Pháp trong thị xã, không cho chúng mở rộng diện chiếm đóng. Đồng thời, kiên quyết giữ vững hành lang giao thông Bắc – Nam, đảm bảo thông suốt con đường chi viện từ Bắc vào Nam”.

Trên tinh thần ấy, đúng 3 giờ sáng ngày 23/10/1945, Ban Chỉ huy Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa phát lệnh tấn công địch trên toàn mặt trận, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa. Một loạt các vị trí quân địch trong thị xã như: Khu nhà ga Nha Trang, nhà đèn (Sở điện lực), Sở thuộc (Viện Pasteur), khu Bình Tân,… bị lực lượng của ta nổ súng tấn công mãnh liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tại khu vực nhà ga, sau vài phút nổ súng ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu được nhiều vũ khí và trang bị. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Cả Nha Trang - Khánh Hòa sôi sục khí thế chống quân xâm lược. Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ huy, sau cuộc tiến công đồng loạt tiêu hao quân địch, ta rút về tuyến sau củng cố tổ chức và khẩn trương lập phòng tuyến, tiếp tục bao vây quân địch. Trong vòng một tháng, các lực lượng của ta trên phòng tuyến đã chiến đấu kiên cường, đánh lui tất cả các cuộc phản kích mở vây của quân Pháp. Các lực lượng tự vệ nội thị phối hợp chiến đấu, liên tiếp tổ chức những đợt tấn công chớp nhoáng vào các vị trí trọng yếu của quân Pháp, gây cho chúng một số thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Bước đầu đánh bại âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp.

Ảnh: Đồng chí Võ Nguyên Giáp (bên trái) và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa,

xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946

Diễn biến chiến trường ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Mặt trận Nha Trang được Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm. Trung ương đã điều 19 đơn vị bộ đội vào chi viện cho Mặt trận Nha Trang, đồng thời cử các đồng chí chỉ huy và các phái viên đến nắm tình hình và chỉ đạo Mặt trận. Đặc biệt, cuối tháng 01/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ vào kiểm tra tình hình miền Nam. Ngày 27/01/1946, đồng chí tới thị sát Mặt trận Nha Trang và biểu dương quân, dân Nha Trang - Khánh Hòa: “Với biết bao khó khăn cả ngày đầu kháng chiến đac bám trụ vững chãi một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao, giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch… cho đến lúc này giao thông của ta từ Bắc vào Nam vẫn thông suốt, để Trung ương vẫn tiếp tục chuyển vũ khí, bộ đội vào Nam bộ tạo điều kiện cho hậu phương chuẩn bị kháng chiến”, đồng thời chỉ đạo điều chỉnh cách bố trí và tác chiến. Theo chỉ đạo, ngày 01/02/1946, phần lớn lực lượng ta ở Mặt trận Nha Trang lui về căn cứ Đồng Trăn (Diên Khánh) để củng cố, tổ chức lại. Một phần lực lượng còn được điều ra Phú Yên tăng cường cho Chi đội 2 Nam tiến. Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 ngày đêm (từ 23/10/1945 đến 01/02/1946) tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kết thúc. Quân và dân Khánh Hòa chuyển sang thực hiện nhiệm vụ mới của cuộc kháng chiến.

Cuộc chiến đấu bao vây quân xâm lược Pháp tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã thể hiện ý chí và lòng yêu nước nồng nàn, khao khát độc lập tự do của các tầng lớp nhân dân, góp phần cùng cuộc chiến đấu của quân, dân cả nước. Chiến công trên Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa là chiến công hào hùng, biểu hiện sinh động tư tưởng tiến công cách mạng, đường lối chiến tranh Nhân dân, tinh thần đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa các đơn vị Trung ương chi viện với các lực lượng địa phương, giữa quân và dân ta. Mặt trận Nha Trang là cuộc hội quân của cả nước, là điểm hội tụ của yêu thương gắn bó Bắc - Nam, tình quân dân đậm đà thắm thiết. Đó là lượng bộ đội Nam tiến, với những chiến sĩ ở mọi miền Tổ quốc đã sát cá cùng chung chiến hào với quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa chiến đấu.

Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa đã giải quyết tốt nhiệm vụ vừa giữ vững con đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam góp phần đắc lực cùng đồng bào cả nước chi viện cho Nam Bộ kháng chiến, vừa góp phần quan trọng vào thắng lợi đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo được thời gian quý báu cho toàn tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ tranh thủ củng cố xây dựng thực lực về mọi mặt để sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh lâu dài. Chiến công đó đã được Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và khen ngợi. Trong thư gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi (22/12/1945), Bác viết: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ ở các mặt trận miền Nam, đặc biệt là các chiến sĩ ở Nha Trang và ở Trà Vinh, đã làm gương anh dũng cho toàn quốc. Tổ quốc biết ơn các bạn, toàn thể đồng bào noi gương các bạn”. 

Ảnh: Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc lấy ngày 23/10 là Ngày “Khánh Hòa kháng chiến”,

                      sau đó, đổi thành Ngày “Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến”

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử hào hùng ấy, ngày 09/10/1993, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết về việc lấy ngày 23/10 là Ngày “Khánh Hòa kháng chiến”; sau đó, đến ngày 16/01/1999, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc đổi tên thành Ngày “Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến”. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều công trình để tri ân, tưởng nhớ về sự kiện này như: Di tích lịch sử Ga Nha Trang; Trường Trung học cơ sở Võ Văn Ký; đường 23 tháng 10; đường Võ Văn Ký,… Đặc biệt, tại công viên trước Ga Nha Trang còn có Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Văn Ký, đây là một trong những “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Phát huy tinh thần hào khí ngày 23/10/1945, để xứng đáng hơn nữa với lời khen của Bác Hồ, Đảng bộ và Nhân dân Khánh Hòa luôn phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, lao động sáng tạo, nêu cao bản lĩnh, khí phách của vùng đất, con người Khánh Hòa, nỗ lực khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu giành được những thành tựu to lớn, làm cho tỉnh nhà có những chuyển biến toàn diện trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy trí tuệ, tài năng, tham gia thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ảnh: Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Văn Ký - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

cho thế hệ trẻ

Năm nay, Khánh Hòa kỷ niệm 77 năm Ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến trong không khí cả tỉnh đang quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đưa Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm đi vào cuộc sống. Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của quê hương, dân tộc, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử sự kiện 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc ngang tầm khu vực châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống của cả nước và thế giới mà Nghị quyết 09 đã đề ra.

Với 101 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, quân và dân Nha Trang đã làm nên một mốc son sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Những bài học về tổ chức, xây dựng lực lượng, đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với niềm tin, phấn khởi, tự hào, Đảng bộ, Nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, quyết tâm lập nhiều thành tích mới trên con đường xây dựng tỉnh Khánh Hòa ngày càng giàu đẹp, phát triển hiện đại.

                                                                                                              Lâm An

“…Mặt trận Nha Trang Vây chặt quân thù hơn ba tháng Ta đã thắng! Với tinh thần yêu nước vô song Với muôn trái tim căm hờn sôi sục Thắng! Vì cùng chiến đấu với Nha Trang là cả nước!...” Những câu thơ trong bài thơ “Nha Trang những phát súng đầu” của đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa như đưa chúng ta quay trở về với những ngày tháng hào hùng của Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm ấy, trong 101 ngày đêm vây chặt quân Pháp trong thị xã Nha Trang (nay là thành phố Nha Trang).  Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Không lâu sau, thực d&a

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn