Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam là bộ phận trọng yếu của truyền thống văn hóa dân tộc, phản ánh sự vận động của tiến trình dân tộc đấu tranh xác lập, củng cố quốc gia, dân tộc với các vương triều độc lập và tiếp biến các hệ tư tưởng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam mang tính nhân dân sâu sắc, với đạo đức, tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường, lòng nhân ái là nền tảng. Bài viết khái quát mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam theo quan niệm của văn hóa chính trị hiện đại.

Quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam
Quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam

Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam là bộ phận trọng yếu của truyền thống văn hóa dân tộc, phản ánh sự vận động của tiến trình dân tộc đấu tranh xác lập, củng cố quốc gia, dân tộc với các vương triều độc lập và tiếp biến các hệ tư tưởng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam mang tính nhân dân sâu sắc, với đạo đức, tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường, lòng nhân ái là nền tảng. Bài viết khái quát mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam theo quan niệm của văn hóa chính trị hiện đại. 

1. Mở đầu

Văn hóa chính trị ở Việt Nam là một bộ phận cơ bản, trọng yếu của toàn bộ nền văn hóa của dân tộc, ra đời và phát triển cùng với nền văn hóa dân tộc. Tiến trình văn hóa của dân tộc ta song hành cùng với tiến trình chính trị của dân tộc. Nếu văn hóa chính trị là phương diện chính trị của văn hóa đồng thời là phương diện văn hóa của chính trị thì văn hóa chính trị ở nước ta được mở đầu từ văn hóa Đông Sơn, thành lập nhà nước Văn Lang, phát triển thành nhà nước Âu Lạc. Văn hóa chính trị của Lạc Việt và Âu Lạc mở ra tiến trình của văn hóa chính trị mang bản sắc dân tộc Việt Nam. Quá trình này vận động, song hành để kiến tạo và gìn giữ bản sắc, phẩm giá văn hóa dân tộc và có sự gắn kết chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị trong truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam.

2. Đặc trưng của văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc được hình thành rất sớm, không trải qua chế độ nô lệ, nhưng ngay từ thời kỳ đầu đã bị nước ngoài đặt ách đô hộ cả nghìn năm. Thời kỳ này xuất hiện văn hóa chính trị đặc sắc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cổ vũ tinh thần quật khởi, tự lực tự cường dân tộc. Văn hóa chính trị đã trở thành cốt lõi của văn hóa dân tộc để duy trì sự tồn tại của dân tộc. Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam có một số đặc trưng chủ yếu sau:

Một là, cội nguồn văn hóa chính trị Việt Nam xuất phát từ nền văn minh sông Hồng, củng cố, phát triển các phong tục tập quán này để tạo lập nước Âu Việt. Thành tựu mở rộng nước Âu Việt và thúc đẩy ý thức dân tộc, hình thành quốc gia có cương vực, kỷ cương sau khi đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã mở ra các vương triều nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê và những nhà nước tiếp theo là những kỳ tích vĩ đại của văn hóa chính trị Việt Nam.

Hai là, văn hóa chính trị ở Việt Nam không chỉ là nền tảng của các cuộc đấu tranh để xác lập các vương triều độc lập trong lịch sử chính trị của dân tộc mà còn là một thành tố hoàn thiện các vương triều đó. Văn hóa chính trị thời nhà Đinh đã tạo nên sự hợp nhất, thống nhất 12 sứ quân thành một vương triều có kỷ cương phép nước. Văn hóa chính trị thời kỳ tiền Lê dưới sự trị vì của Lê Hoàn, các thời nhà Lý, nhà Trần đã củng cố đức trị và xây dựng hình thư, hình luật để quản lý đất nước. Trong quá trình quản lý đất nước, văn hóa chính trị ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa đối nội mà còn có cả ý nghĩa đối ngoại to lớn. Nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê và cả nhà Nguyễn sau này đều xây dựng văn hóa chính trị về giang sơn, bờ cõi, nền độc lập quốc gia và các chủ nhân của đất nước. Lý Thường Kiệt đã nhân danh văn hóa chính trị Đại Việt mà khẳng định rằng: Đất nước Việt Nam có vua nước Việt, có chủ quyền, có bờ cõi, có phong tục, tập quán không ai có quyền xâm phạm. Nhân danh văn hóa chính trị Đại Việt, Trần Hưng Đạo đã cổ vũ tinh thần bảo vệ Tổ quốc và kêu gọi quân sĩ gìn giữ lấy non sông, bờ cõi. Nguyễn Trãi cũng nhân danh văn hóa chính trị Đại Việt có truyền thống lâu đời, bình đẳng với tất cả các nước khác để cổ vũ lòng tự hào dân tộc. Văn hóa chính trị của dân tộc ngay từ những buổi đầu dựng nước đã trở thành nền tảng tinh thần của việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc.

Ba là, văn hóa chính trị truyền thống “thân dân” góp phần quan trọng trong phương diện củng cố và phát triển các nhà nước trong lịch sử dân tộc. Điều này không chỉ nói đến văn hóa chính trị Đại Việt xuyên suốt từ thời Ngô Quyền giành được độc lập đến khi nhà Nguyễn bắt đầu công cuộc thống nhất đất nước từ Hà Tiên đến Lạng Sơn. Văn hóa chính trị của các nhà nước phong kiến trong kỷ nguyên Đại Việt đã đạt được những thành tựu xuất sắc, tạo nên hoàng kim của một số triều đại trong thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê là do văn hóa chính trị mang trong mình tính nhân dân sâu sắc. Các nhà nước phong kiến trong kỷ nguyên Đại Việt được tôn vinh trong lịch sử là lúc mà các nhà nước ấy xây dựng một văn hóa chính trị thân dân. Tất cả những thời kỳ suy tàn của các nhà nước phong kiến trong thời kỳ Đại Việt đều biểu hiện sự khủng hoảng của văn hóa chính trị mà trước tiên là văn hóa chính trị ấy không được lòng dân.

Bốn là, tính nhân dân trong văn hóa chính trị truyền thống của dân tộc là thước đo cơ bản để đánh giá, để điều chỉnh sự phát triển của các vương triều. Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần một cách thiếu quang minh, chính đại đã vi phạm tính chính đáng trong văn hóa chính trị dân tộc mà mất nước về tay nhà Minh. Văn hóa chính trị thời nhà Mạc, nhà Trịnh và nhà Lê sau thế kỷ XV đã rối ren vì không duy trì được tính chính đáng trong việc thống nhất đất nước… Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và nhanh chóng xây dựng được chính quyền của dân, do dân, vì dân bởi vì đã phát huy cao độ động lực tính nhân dân trong văn hóa chính trị của dân tộc.

3. Nội dung quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong văn hóa chính trị truyền thống

Trong văn hóa chính trị truyền thống cũng như văn hóa chính trị hiện đại của dân tộc, thành tựu xuất sắc thể hiện rõ trong việc xây dựng chính quyền, nền hành chính quốc gia, các thiết chế văn hóa. Trong đó, phát huy tốt mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị. Nội dung này thể hiện cụ thể:

Một là, đạo đức là nền tảng của văn hóa chính trị suốt chiều dài phát triển của văn hóa chính trị và trong việc xây dựng các thiết chế của văn hóa chính trị. Nền văn hóa truyền thống của người Việt nghiêng về đức trị. Người Việt quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Tình ở đây là tình nghĩa, tình đồng bào, tình cảm đạo đức.

Nền văn hóa truyền thống Việt Nam kết tinh rất nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp tạo cơ sở cho sự hình thành và phát triển những giá trị cơ bản trong văn hóa chính trị. Chủ nghĩa cộng đồng, tinh thần yêu nước, lòng khoan dung, vị tha… là các giá trị đạo đức ngấm sâu vào nền tảng, vào cấu trúc của bản sắc văn hóa dân tộc. Trong quá trình phát triển, các triều đại phong kiến Việt Nam đã kết hợp, phát triển những giá trị đạo đức với những giá trị pháp luật làm cơ sở cho sự phát triển văn hóa chính trị. Trên nền tảng đức trị đã có nhiều bộ luật xuất hiện trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Hai là, “đức trị” là nền tảng cơ bản của việc xây dựng “pháp trị” trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Các nhà nước phong kiến Việt Nam từ thời Lý Trần, đến Lê Sơ, đến thời Nguyễn tuy có những bộ luật nhưng trước hết là nhà nước đức trị. Đó là nhà nước quân quyền, nhà nước của thiên tử, của vua và trị nước theo đạo làm vua. Viên Thông Quốc sư đời Lý viết rằng, trị nước “cốt yếu là hành vi của bậc nhân chủ như thế nào mà thôi. Nếu đức hiếu sinh hợp với lòng dân thì dân yên như cha mẹ, người trông như mặt trời, mặt trăng”(1). Nước thịnh trị hay loạn lạc đều phụ thuộc vào đức độ của vua. Vua Lý Thái Tông nói rằng: “Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lỗi vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn”(2).

Cũng như nhà Lý, nhà Trần củng cố vương quyền và kiện toàn bộ máy nhà nước còn mạnh mẽ hơn theo đức trị, bằng việc xây dựng tập đoàn phong kiến hùng mạnh và đề cao vai trò chính trị của cá nhân minh quân, lương tướng. Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đề cao đạo trị nước là tinh thần trung nghĩa. Trần Quốc Tuấn đề cao tinh thần trung liệt của Kỷ Tín, Do Vu cứu Cao đế và Chiêu vương để giáo dục quân lính. Vào thời Lê Thánh Tông, Bộ luật Hồng Đức là sản phẩm đặc sắc của nền chính trị Lê Sơ nhưng đường lối trị nước của ông lại là Lễ trị và đức trị. Về mặt lễ trị, Lê Thánh Tông chủ trương giáo dục các thần dân theo lễ nghĩa của Nho giáo. Đến thời nhà Nguyễn thì Nho giáo đã trở thành quốc giáo trong đạo làm người. Nhà Nguyễn trị nước bằng kỷ cương, phép tắc và đạo đức Tống nho rất chặt chẽ.

Ba là, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã kết hợp đức trị với pháp trị. Năm 1230 vua Trần Thái Tông cho soạn sách “Quốc triều hình luật”. Năm 1341, vua Trần Dụ Tông sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên định bộ Hoàng triều đại điển và soạn bộ hình thư để ban hành. Cùng với việc biên soạn hình thư và hình luật, các cơ quan tư pháp của thời Lý Trần trong kỷ nguyên độc lập được hoàn thiện mau chóng. Trong hệ thống tư pháp, các vấn đề về tội mưu phản, chống lại triều đình, những hành vi nguy hại đến tính mạng, lăng tẩm, Tông miếu của nhà vua là những tội hàng đầu trong 10 tội ác bị xử cực hình. Luật pháp nhà Lý Trần không phải là luật mang lại quyền lợi cho nhân dân mà chủ yếu là củng cố chế độ tư hữu ruộng đất và khẳng định những đặc quyền đặc lợi của giai cấp quý tộc. Trong Hình thư và hình luật đều quy định thường dân không được làm nhà cao cửa rộng như các vua, quan, không được may mặc giống các tầng lớp quý tộc. Trước luật pháp, vua quan nhà giàu đều có thể dùng tiền để bảo lãnh. Các điều luật về chuộc tội và nhận ruộng ở thời Lý và luật lệ tranh chấp ruộng đất ở thời Trần đều có lợi cho tầng lớp quan lại.

Cùng với tư tưởng dùng lễ để trị nước, Lê Thánh Tông đã ban hành Quốc triều hình luật vào năm 1483. Người ta thường gọi là Bộ luật Hồng Đức. Đây là bộ luật tổng hợp rất nhiều loại luật, về hôn nhân, về gia đình, về tố tụng, về dân sự và hình sự. Bộ luật được khởi thảo từ ý tưởng của Lê Lợi. Sau khi thắng giặc Minh, Lê Lợi nói rằng: “Từ xưa đến nay trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn”(3). Trải qua hơn 3 thập kỷ, hai triều đại vua Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông đến đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), ý tưởng này mới được thực hiện. Sau khi lên ngôi vua, Lê Thánh Tông có ý tưởng không chỉ xây dựng xã hội lễ trị mà còn dùng pháp trị để trị nước.

Lê Thánh Tông là người có học vấn uyên bác, ông không chỉ am hiểu đường lối và phương pháp trị nước của nhiều các bậc đế vương thời trước, ông còn sáng tạo ra cách trị nước bằng văn trị giáo hóa. Ông sáng tác thơ văn, chế định các loại chiếu, cáo và các văn kiện về giáo dục, quân sự, ngoại giao… Tác phẩm Thiên nam dự hạ tập và Hồng Đức quốc âm thi tập, biểu hiện rất rõ về đường lối văn trị trong lãnh đạo đất nước của ông. Ông đã tổ chức hội Tao đàn để trị nước bằng văn trị có một không hai trong lịch sử Đại Việt. Đường lối trị nước của Lê Thánh Tông dùng lễ trị, pháp trị, văn trị để tăng cường chế độ quân chủ chuyên chế. Tuy có một số hạn chế nhưng đó là đường lối thức thời, được lịch sử chấp nhận và làm cơ sở cho một văn hóa chính trị ra đời cùng với kiểu nhà nước đó.

Suốt thế kỷ XVI, XVII, XVIII đất nước ta bước vào thời kỳ đại loạn, phong trào nông dân nổ ra khắp nơi, mở rộng và kéo dài, đất nước chia năm phe, bảy phái rồi bị chia cắt làm hai miền: Đàng ngoài và Đàng trong. Sự đứt gãy của chính quyền phong kiến và sự phân chia phạm vi thống trị đất nước của họ Mạc, họ Trịnh, họ Lê, họ Nguyễn tạo nên cung vua, phủ chúa ở Đàng ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng trong. Rất nhiều đường lối trị nước đã xuất hiện trong giai đoạn này. Có đường lối trị nước theo bá đạo là đường lối dùng sức mạnh quân sự và đường lối theo Vương đạo là kết hợp giữa quân sự và chính trị.

Các mâu thuẫn rất lớn trong đường lối trị nước đã tạo ra các khuynh hướng lập trường rất khác nhau về mặt chính trị. Cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ là một cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Cuộc khởi nghĩa ấy chấm dứt sự khủng hoàng về đường lối trị nước và đặt cơ sở mới cho một văn hóa chính trị kết hợp giữa đức trị và pháp trị gắn với nguyện vọng của nhân dân đã xuất hiện. Tuy nhiên, lý tưởng trị nước của Quang - Trung Nguyễn Huệ bằng đức trị, lấy dân làm gốc, dùng những người hiền tài chưa kịp trở thành sự thật thì ông đã qua đời lúc còn rất trẻ vì bạo bệnh.

Chính quyền ở nước ta bước vào thế kỷ XIX do nhà Nguyễn nắm giữ. Nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước từ Hà Tiên đến Lạng Sơn và thiết lập lại cơ sở hành chính của đất nước. Đường lối trị nước của nhà Nguyễn là củng cố Nho giáo, lấy đức trị làm gốc. Nhà Nguyễn tuyên truyền rất mạnh mẽ Tống Nho, củng cố tam cương, bảo vệ ngũ luân đến từng thôn xóm và ra sức giáo dục ngũ thường. Muốn đức trị thì trước hết trên là vua phải lấy đức làm gốc. Sách Đại Nam thực lục chính biên có chép rằng: Minh Mạng nói: “Ta làm vua của cả một nước, vẫn nghĩ sâu sắc rằng mình là gốc của phong hóa, phải làm gương cho thiên hạ”(4). Tiếp đó, ông nói rằng: “Vua phải kính Trời. Bởi lẽ, Trời đối với vua cũng như vua đối với bầy tôi. Vua có đức xấu, Trời sẽ giáng tai họa để răn dạy nếu vua biết sợ hãi sửa mình thì ban cho điều tốt. Bầy tôi có lỗi, vua phải giáng phạt để trừng trị, nếu bầy tôi biết hổ thẹn, cố gắng sửa đổi thì lại liệu cất nhắc hơn lên. Việc dẫu có khác lẽ cũng là một”(5).

Cùng với dùng đức trị, để trị nước, nhà Nguyễn ra sức củng cố chính quyền bằng pháp trị. Năm 1811, Gia Long đã soạn bộ Hoàng Việt luật lệ nhằm thống nhất một số định chuẩn quan trọng trong cả nước. Đến thời Minh Mệnh (từ năm 1820 đến 1840): “Đặt ra hình phạt là cốt để răn dạy kẻ gian ác. Luật theo ý đời xưa, mà lệ lại châm chước việc đời nay, thay đổi không thể như keo gắn cột mà cố định được. Nước ta trước định luật lệ tựu trung có chỗ hợp với đời xưa mà không hợp với đời nay, hợp với pháp luật mà không hợp với phong tục… Trẫm nay nối dõi việc lớn, sửa sang nếp xưa, nghĩ ra sách hình thư là để dùng giúp trị nước”(6).

Cùng với đức trị, pháp trị, triều Nguyễn còn dùng văn trị giáo hóa. Triều Nguyễn nổi tiếng có những nhà văn giỏi áng văn hay mà đứng đầu là vua Tự Đức rồi đến Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương. Các bậc vương công, vương quyền triều Nguyễn dùng văn chương để trị nước. Trong hoàng cung của triều đình, rất nhiều bài thơ chính trị răn dạy con người lẽ phải, ngợi ca cái đúng, cái tốt, cái đẹp.

Có thể nói rằng, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX rất nhiều triều đại phong kiến ở Việt Nam đã có ý tưởng kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong văn hóa chính trị. Các ý tưởng ấy đặt ra cơ sở, mở ra khát vọng về một nhà nước pháp quyền cho tương lai dù hệ thống pháp luật này do nhà vua, nhà nước phong kiến đặt ra để trị dân và răn đe quan lại.

4. Kết luận

Theo quan niệm của văn hóa chính trị hiện đại thì nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó quyền và nghĩa vụ của mỗi người cũng như tất cả mọi người phải được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Nhà nước pháp quyền là một chế độ chính trị mà các cá nhân và tổ chức, cả nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật. Nhà nước pháp quyền có nghĩa vụ tôn trọng giá trị cao nhất là con người. Mọi người trong nhà nước pháp quyền phải bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước phải tuân thủ pháp luật, không được tùy tiện tách mình trên thiết chế của pháp luật và phải có bộ máy kiểm tra nghiêm ngặt việc nhà nước tuân thủ hiến pháp. Theo quan niệm này, nhà nước phong kiến Việt Nam mới có một số biểu hiện ban đầu hình thành nhà nước pháp quyền.

Bản chất thực sự của nhà nước pháp quyền, trước hết, phải là nhà nước thừa nhận và tôn trọng tính tối thượng của hiến pháp, luật pháp. Bình đẳng trước pháp luật là một yêu cầu đầu tiên của nhà nước pháp quyền. Thứ hai, quyền lực nhà nước được phân định rõ ràng quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ba quyền này có 3 cơ quan quyền lực khác nhau. Thứ ba, là nhà nước phải bảo đảm cho mọi người được hưởng quyền bảo trợ về pháp lý. Công dân có trách nhiệm ngang bằng trách nhiệm với nhà nước trong tất cả các điều luật. Thứ tư, là nhà nước pháp quyền phải bảo đảm an toàn pháp lý cho công dân không chỉ đối nội mà bao gồm đối ngoại. Thứ năm, là nhà nước pháp quyền nào cũng phải là nước của dân, do dân và vì dân.

Với năm tiêu chí như trên thì nhà nước phong kiến Việt Nam từ thời Lý Trần đến thời Nguyễn dù có bộ luật tiến bộ thì cũng chưa có tính chất nhà nước pháp quyền.

Nhìn chung, trong nền văn hóa chính trị truyền thống, tình trạng không rõ ràng về pháp luật kéo dài không chỉ do chúng ta bị ách ngoại bang thống trị nhiều thế kỷ mà còn do luôn phải đối diện với các âm mưu xâm lược, các cuộc chiến tranh quá khốc liệt, xã hội luôn trong thời chiến, chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế kéo dài. Tuy mỗi triều đại có một số bộ luật nhưng công lý vẫn ở trong tay nhà vua và những người quyền quý, cả vương quyền và thần quyền. Chế độ quân quyền vẫn áp đặt trong xã hội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, với Hiến pháp đầu tiên, dân tộc ta mới bắt đầu làm quen với một xã hội pháp trị. Tuy nhiên, văn hóa chính trị truyền thống đã tạo nên sự hư vô về luật pháp quá lâu và ảnh hưởng to lớn đến tâm lý dân tộc, tới cả phong tục tập quán.

Để xây dựng văn hóa chính trị mới, nhân dân ta hàng ngày, hàng giờ đang khắc phục sự hư vô về pháp luật, tạo điều kiện cho văn hóa chính trị gắn bó chặt chẽ với quyền tự do của nhân dân. Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải hiện đại hóa mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

_________________

Ngày nhận bài: 27-6-2024; Ngày bình duyệt: 29 -8-2024; Ngày duyệt đăng: 2-9-2024.

(1) Thơ văn Lý Trần (1977) tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 461 - 462

(2) Đại Việt sử ký toàn thư (1972), t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 216.

(3) Đại Việt sử ký toàn thư (1972), t.3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 59.

(4) Đại Nam thực lục chính biên (1965), tập XIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1965, tr.1.

(5) Sđd, tập XII, tr. 70.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, t.4, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1974, tr. 55.

TS NGUYỄN DUY CƯỜNG
Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

GS, TS ĐỖ HUY

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam là bộ phận trọng yếu của truyền thống văn hóa dân tộc, phản ánh sự vận động của tiến trình dân tộc đấu tranh xác lập, củng cố quốc gia, dân tộc với các vương triều độc lập và tiếp biến các hệ tư tưởng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam mang tính nhân dân sâu sắc, với đạo đức, tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự lực tự cường, lòng nhân ái là nền tảng. Bài viết khái quát mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị trong truyền thống văn hóa chính trị ở Việt Nam theo quan niệm của văn hóa chính trị hiện đại.  1. Mở đầu Văn hóa chính trị ở Việt Nam là một bộ phận cơ bản, trọng yếu của toàn bộ nền văn hóa của

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn