Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, lịch sử cũng đánh giá cao những hoạt động tích cực của các đồng chí cán bộ cách mạng lớp tiền bối, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Bài viết góp phần làm rõ vai trò và hoạt động của đồng chí Lê Hồng Sơn tại Hội nghị thành lập Đảng, mùa Xuân năm 1930.

Những hoạt động tiêu biểu của đồng chí Lê Hồng Sơn tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930
Những hoạt động tiêu biểu của đồng chí Lê Hồng Sơn tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, lịch sử cũng đánh giá cao những hoạt động tích cực của các đồng chí cán bộ cách mạng lớp tiền bối, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Bài viết góp phần làm rõ vai trò và hoạt động của đồng chí Lê Hồng Sơn tại Hội nghị thành lập Đảng, mùa Xuân năm 1930. 

1. Lê Hồng Sơn là một trong những chiến sĩ cộng sản được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện, trở thành cán bộ thế hệ đầu tiên của Đảng

Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan, sinh ngày 29-6-1899, tại làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu, nay thuộc xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Được sự nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình, sớm tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng yêu nước, tiến bộ, đồng chí Lê Hồng Sơn mang trong mình tình cảm yêu nước sâu sắc, nồng nàn, cháy bỏng, ý chí quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân.

Tháng 11-1924, sau một năm rưỡi hoạt động ở Liên Xô, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) - nơi có đông người Việt Nam yêu nước hoạt động - để xúc tiến các công việc tổ chức thành lập chính đảng mácxít. Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam nhằm chuẩn bị tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời chính đảng tiên phong ở Việt Nam, đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"(1).

Thời gian đầu đến Trung Quốc hoạt động, để chuẩn bị cho quá trình thành lập Đảng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm cách gây dựng phong trào cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu. Nguyễn Ái Quốc đồng thời thực hiện hai việc lớn là thành lập một tổ chức chính trị và huấn luyện, đào tạo cán bộ, trực tiếp chuẩn bị những điều kiện, cơ sở cốt yếu cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Muốn lập được tổ chức, trước hết phải có lực lượng và con người. Tại Quảng Châu(2) lúc đó có nhiều thanh niên trí thức Việt Nam yêu nước đang hoạt động, nhận được sự giúp đỡ của Trung Quốc. Để có thể tiếp xúc được với những thanh niên này, Nguyễn Ái Quốc đã thông qua nhà cách mạng Phan Bội Châu và đồng chí Bôrôđin.

Chí sĩ Phan Bội Châu đã cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc địa chỉ, cách thức để có thể liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước đang ở Quảng Châu. Phan Bội Châu đánh giá rất cao tài năng, trí tuệ và tinh thần yêu nước của họ.

Từ đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc và đã nhìn thấy được lòng nhiệt thành cách mạng, sự nhiệt huyết và hoài bão của lớp thanh niên yêu nước Việt Nam lúc bấy giờ, trong đó những thanh niên có tư chất xuất sắc như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo họ thành cán bộ nòng cốt cho Đảng và cách mạng trong tương lai. Từ một thanh niên yêu nước nhiệt thành, với hoài bão giải phóng dân tộc, Lê Hồng Sơn đã sớm bắt gặp được lý tưởng cách mạng và với lý tưởng đó, Nguyễn Ái Quốc khơi dậy, phát huy, thôi thúc Lê Hồng Sơn khát khao cống hiến cho dân tộc.

Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-12-1924, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: sau khi trao đổi với Phan Bội Châu, Ông (Phan Bội Châu) đã đưa cho Nguyễn Ái Quốc một bản danh sách 10 người An Nam đã cùng Ông hoạt động trước đó: “Tôi đã chọn 5 người quê ở 5 tỉnh khác nhau. Chúng tôi sẽ cử một người An Nam đưa họ tới Quảng Châu. Tôi sẽ huấn luyện cho họ về phương pháp tổ chức. Chúng tôi sẽ gửi họ trở về Đông Dương hoạt động sau 3 tháng học tập; và chúng tôi sẽ lấy ra một đoàn khác. Trong lúc này, đây là biện pháp duy nhất”(3). Đây là lớp huấn luyện đầu tiên khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chưa được thành lập. Đối tượng trước tiên là những thanh niên trong nhóm Tâm Tâm xã và những người được đưa từ trong nước sang. Nguyễn Ái Quốc là người huấn luyện trực tiếp chủ yếu.

Tâm Tâm xã là tổ chức thanh niên Việt Nam yêu nước thành lập vào mùa Xuân năm 1923 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Các thành viên ban đầu của Tâm Tâm xã có Lê Hồng Sơn, Nguyễn Giản Khanh, Lâm Đức Thụ, Đặng Xung Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu và Hồ Tùng Mậu . Sau Trại Cày ở Thái Lan do Đặng Thúc Hứa thành lập, Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập ở Trung Quốc vào tháng 2-1912, thì Tâm Tâm xã là tổ chức của các thanh niên Việt Nam yêu nước có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với quá trình vận động của cách mạng Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Sau khi gặp nhóm thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần tiếp xúc, bàn bạc công việc, tuyên truyền giác ngộ và chọn một số thanh niên tích cực, thành lập ra nhóm Cộng sản đoàn tháng 2-1925. Nguyễn Ái Quốc cũng lựa chọn 9 thanh niên Việt Nam ưu tú của tổ chức Tâm Tâm xã thành lập tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn (khóa đầu tiên), làm nòng cốt cho hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trong số 9 hội viên, Nguyễn Ái Quốc đã kết nạp 5 đảng viên cộng sản dự bị, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn(4).

Sau nhiều suy tư làm thế nào để thành lập được một tổ chức làm cơ sở để phát triển thành một tổ chức cộng sản, một đoàn thể cách mạng, tập hợp được hết thảy mọi lực lượng nhằm mục đích giải phóng dân tộc, từ tổ chức nòng cốt Cộng sản Đoàn, Nguyễn Ái Quốc thành lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên với hy vọng: “nó là quả trứng, mà từ đó, nở ra con chim non cộng sản”(5). Tháng 6-1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời. Lê Hồng Sơn là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên.

Nguyễn Ái Quốc nhận thức một trong những việc quan trọng cần phải làm ngay lập tức và có chiến lược lâu dài, đó là công tác cán bộ. Bởi theo Người, muốn thành lập được tổ chức, trước hết cần phải có lực lượng, mà lực lượng quan trọng nhất ở đây là con người, đặc biệt là người cán bộ, nhân tố quyết định mọi thành bại của bất cứ một công việc gì dù lớn hay nhỏ. Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương thực hiện công việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Công việc này được Người tiến hành đồng thời với việc xúc tiến thành lập một tổ chức cách mạng.

Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, của cố vấn Bôrôđin (đại diện Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt đầu mở các lớp huấn luyện chính trị bài bản, có trụ sở cố định, có chương trình đào tạo, huấn luyện thống nhất. Các học viên được bí mật đưa đến Quảng Châu. Sau một tháng rưỡi học tập họ trở về nước. Nội dung của các lớp huấn luyện rất phong phú, bao gồm: các kiến thức về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, đặc biệt nhấn mạnh thời kỳ chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước (Triều Tiên, Trung Quốc...), mối liên hệ giữa chủ nghĩa Tam dân(6) và chủ nghĩa Mác - Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức của Đảng, công tác vận động, tổ chức quần chúng, hoạt động bí mật.

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn các bài giảng và sau này được tập hợp lại trong cuốn Đường Cách mệnh. Các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu tham gia với tư cách trợ giảng của lớp. Từ tháng 6-1925 đến cuối năm 1928, Lê Hồng Sơn có nhiều đóng góp cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên.

Năm 1929, Lê Hồng Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) hoạt động riêng rẽ. Thực tế đó phản ánh sự phát triển của cách mạng, quá trình vô sản hóa mạnh mẽ, kết thúc vai trò lịch sử của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất.

2. Hoạt động của Lê Hồng Sơn đóng góp vào Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản trong một thời ngắn đã chứng tỏ hệ tư tưởng vô sản giành được ưu thế tuyệt đối trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của giai cấp công nhân và thúc đẩy phong trào công nhân, phong trào yêu nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, ba tổ chức cộng sản lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau, không có lợi cho cách mạng. Yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này phải thành lập ngay một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên.

Thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan).

Nhận thức yêu cầu cấp thiết về việc thống nhất tổ chức và hành động, Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu đã cử người sang báo cáo tình hình cụ thể với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Xiêm đi Hương Cảng, Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc đã bí mật gặp gỡ một số người Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở đây để tìm hiểu thêm tình hình.

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp gặp các thành viên An Nam Cộng sản Đảng, đồng thời gửi thư cho các nhóm An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng đề nghị cử đại biểu đến Hương Cảng bàn việc hợp nhất. Đông Dương Cộng sản liên đoàn do đang trong quá trình chuẩn bị thành lập, đầu năm 1930 được chính thức ra đời cho nên chưa có sự liên hệ và do đó không có đại biểu tham dự.

Tháng 12-1929, tại Hồng Kông, Lê Hồng Sơn báo cáo toàn bộ tình hình với Nguyễn Ái Quốc và được Người giao nhiệm vụ cụ thể chuẩn bị Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc tường trình lại sự kiện Hội nghị thành lập Đảng trong báo cáo ngày 18-2-1930 gửi một đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản sau Hội nghị hợp nhất, ghi lại tiến trình trên: “... một đồng chí từ Hồng Công tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái, v.v.. Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, tôi nói cho họ biết những sai lầm và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một Đảng. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản...”(7).

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản diễn ra từ ngày 6-1-1930. Ngày 8-2-1930 các đại biểu lên đường về nước(8).

Đồng chí Lê Hồng Sơn đã có nhiều đóng góp cho sự kiện lịch sử quan trọng này.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam diễn ra tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng. Tham gia Hội nghị thành lập Đảng có 5 người: Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản - Chủ trì; 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu.

Giúp việc cho Hội nghị có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là hai người đã ở Trung Quốc từ trước đó.

Hội nghị diễn ra nhiều cuộc họp trong nhiều ngày, ở các địa điểm khác nhau dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng đã bàn các nội dung lớn theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc với tinh thần, nguyên tắc là bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương thành một đảng cộng sản.

Tại Hội nghị, dù không phải là đại biểu chính thức, nhưng Lê Hồng Sơn cùng Hồ Tùng Mậu đã gánh vác những nhiệm vụ quan trọng đối với việc tổ chức Hội nghị, đưa đón đại biểu, chọn địa điểm bí mật cho Hội nghị.

Nguyễn Ái Quốc đã cùng các đồng chí Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu chuẩn bị các công việc để Hội nghị diễn ra bảo đảm an toàn, thành công: bố trí chỗ ở bí mật cho các đại biểu từ trong nước sang, tiến hành gặp gỡ riêng các đại biểu sang dự Hội nghị và thảo luận với họ nhiều vấn đề dự định sẽ đặt ra cho Hội nghị sắp tới; thông báo và bàn bạc trước một số vấn đề sẽ đưa ra tại Hội nghị để các đại biểu chuẩn bị trước. Chuẩn bị địa điểm cụ thể cho các cuộc họp (nhiều địa điểm khác nhau để tránh bị theo dõi). Sắp xếp thời gian các cuộc họp (thời gian họp không liên tục vì còn phải chờ đông đủ các đại biểu từ trong nước sang). Chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị.

Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên chương trình nghị sự, gồm: 1. Đại biểu của Quốc tế Cộng sản nói lý do cuộc hội nghị; 2. Thảo luận ý kiến của đại biểu Quốc tế Cộng sản về: a) Việc hợp nhất tất cả các nhóm cộng sản thành một tổ chức chung, tổ chức này sẽ là một Đảng Cộng sản chân chính; b) Kế hoạch thành lập tổ chức đó(9). Với trách nhiệm là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích để các đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng “biết những sai lầm của họ và họ phải làm gì. Họ đồng ý thống nhất vào một đảng”(10). Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thông qua các văn kiện do đại biểu Quốc tế Cộng sản là Nguyễn Ái Quốc dự thảo: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt; quyết định thành lập một Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; thống nhất cử Ban Chấp hành Trung ương lâm thời; chủ trương xây dựng các tổ chức Công hội, Nông hội, Hội phản đế.

Sự thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất là một điều kiện cực kỳ quan trọng cho thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào để tiến lên trên con đường của chủ nghĩa cộng sản(11). Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ nhưng đầy sự sáng tạo, kiên cường của các đảng viên thuộc lớp đầu của Đảng, của các tầng lớp nhân dân, phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong tiến trình lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng.

Các công việc chuẩn bị cho Hội nghị và phục vụ quá trình diễn ra Hội nghị được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo dưới sự chỉ dẫn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Lê Hồng Sơn cùng với Hồ Tùng Mậu đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành một Đảng Cộng sản hoàn thành chương trình đã định ra. Với chức trách là cán bộ, phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành tốt đẹp việc tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam. Sau khi Đảng được thành lập, Lê Hồng Sơn được phân công ở lại hoạt động trong Chi hội Việt Nam của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh của một thanh niên đầy nhiệt huyết, một học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tin tưởng, đào tạo, bồi dưỡng trưởng thành đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.

Cùng với Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn là một trong số những người đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo theo chiến lược cán bộ.

Đồng chí có những đóng góp quan trọng vào tiến trình vận động của cách mạng Việt Nam, quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt.

Cuộc đời của đồng chí là tấm gương để các thế hệ đảng viên học tập, noi theo và kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà các thế hệ tiền bối của Đảng, của dân tộc đã để lại.

_________________

Ngày nhận bài: 8-8-2024; Ngày bình duyệt: 27-8-2024; Ngày duyệt đăng: 30 -9-2024

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.209.

(2) Quảng Châu - thủ phủ tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc), khi đó là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn ở miền Nam Trung Quốc. Quảng Châu cũng là nơi đứng chân của những nhà hoạt động yêu nước và cách mạng Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, hoặc xuất dương tìm đường cứu nước hoặc thất bại phải lánh nạn ra nước ngoài.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.9-10.

(4) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930 -1954), tập 1, Nxb Nghệ An, tái bản lần thứ nhất có chỉnh lý, bổ sung năm 2018, tr.40

(5), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.4, 8.

(6) Tam dân: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc của Tôn Trung Sơn.

(7), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.19-20, 19.

(8) Theo Báo cáo của N.A.Q (tức Nguyễn Ái Quốc) ngày 18-2-1930 nhan đề Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, xem: ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Sđd, tr.19-20.

(11) Sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đông Dương Cộng sản liên đoàn đề nghị được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 24-2-1930, “Lâm thời chấp ủy” (theo cách gọi lúc đó, tức là Ban Chấp hành Trung ương lâm thời) Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp, xem xét, ra Quyết nghị đồng ý để Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, đến thời điểm đó, việc thống nhất tất cả ba tổ chức cộng sản Việt Nam đã hoàn thành. Xem ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Sđd, tr.26.

PGS, TS TRỊNH THỊ HỒNG HẠNH
Viện Lịch sử Đảng,
Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, lịch sử cũng đánh giá cao những hoạt động tích cực của các đồng chí cán bộ cách mạng lớp tiền bối, trong đó có đồng chí Lê Hồng Sơn. Bài viết góp phần làm rõ vai trò và hoạt động của đồng chí Lê Hồng Sơn tại Hội nghị thành lập Đảng, mùa Xuân năm 1930.  1. Lê Hồng Sơn là một trong những chiến sĩ cộng sản được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hướng dẫn, rèn luyện, trở thành cán bộ thế hệ đầu tiên của Đảng Đồng chí Lê Hồng Sơn t&ecir

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn