Kỷ niệm 114 năm (5-6-1911 - 5-6-2024), Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; là dịp để chúng ta ôn lại những năm tháng khó khăn, gian khổ, cả dân tộc chìm đắm trong đêm dài nô lệ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời bến cảng Nhà Rồng với khát vọng mãnh liệt - cứu nước, cứu nòi. Trên hành trình bôn ba nơi xứ người, với nhiều trải nghiệm quý báu, qua nhiều năm tháng, trong từng dấu ấn khác nhau, đã giúp Người tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cách mạng vô sản, con đường duy nhất đúng để cứu nước, giải phóng dân tộc.

Những dấu mốc lịch sử trên hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc
Những dấu mốc lịch sử trên hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc

 Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

1. Từ chủ nghĩa yêu nước, đến với chủ nghĩa cộng sản, tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam (1911-1920)

Đầu thế kỷ XX, đất nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đắm chìm trong ách nô lệ, bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Không chịu khuất phục cảnh lầm than nô lệ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa đã diễn ra, nhưng các con đường cứu nước mang màu sắc khác nhau, phong kiến hay dân chủ tư sản của các bậc tiền bối, sĩ phu yêu nước đương thời đều thất bại, bế tắc.

Nhận thức sâu sắc về thực tại xã hội và rất đau xót trước nỗi thống khổ của dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào, nên quyết định xuất dương tìm đường cứu nước. Người đi sang nước Pháp, sang Phương Tây để tìm hiểu vì sao họ giàu mạnh và hiểu những gì ẩn giấu sau những từ tự do-bình đẳng-bác ái mà thực dân Pháp rêu rao ở các nước thuộc địa.

Ngày 5-6-1911, từ bến Nhà Rồng (Sài Gòn) với tên gọi Văn Ba, Người xuống làm thuê cho một hãng tàu buôn của Pháp để bắt đầu thực hiện quyết tâm và khát vọng cứu nước, cứu dân.

Từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã đi đến nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh và rất nhiều thuộc địa của chủ nghĩa thực dân ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ; hoà mình vào cuộc sống của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa ra sức học tập, nâng cao vốn hiểu biết và tìm mọi cách để hoạt động cách mạng. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì nhận thấy “đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi và là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tháng 6-1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Vécxay (Pháp) bản Yêu sách của Nhân dân An Nam, gồm 8 điểm đề nghị Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Yêu sách là tuyên bố chính trị đầu tiên của nhân dân Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, đã thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, khát vọng của Nguyễn Ái Quốc và nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc, khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Sau gần mười năm trên chặng đường đầu tiên của hành trình khát vọng giải phóng dân tộc, trên hành trình đi khắp các châu lục, khảo sát thế giới, thấu hiểu bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân; nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, nghiên cứu tình hình, điều kiện mới của thế giới sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cộng sản, tìm thấy ánh sáng chân lý thời đại, tìm được con đường cách mạng Việt Nam - con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người một cách hoàn toàn và triệt để nhất.

Vào mùa Hè năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité). Luận cương của Lênin nhấn mạnh nhiệm vụ của các Đảng Cộng sản phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa; nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng lao động của tất cả các dân tộc chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Tư tưởng đó đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào, làm cho Người “rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biết bao” bởi đã đem đến “con đường giải phóng chúng ta!”. Kết quả tất yếu của sự chuyển biến về tư duy, nhận thức đưa Người đến một quyết định đúng đắn là bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12-1920). Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa cộng sản, “từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”.

2. Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, sáng lập Đảng Cộng sản, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước (1921-1930)

Với khát vọng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”,  sau khi tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã ra sức kiến tạo những nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, vươn tới thực hiện bằng được khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Những năm 1921-1930 là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và những quan điểm cách mạng của mình về trong nước; bắt đầu một thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi, học tập và nghiên cứu hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ở ngay trên đất nước Liên Xô - quê hương của V.I.Lênin vĩ đại, ở trung tâm phong trào cộng sản quốc tế. Đây cũng là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc bổ sung và phát triển lý luận của mình về vấn đề dân tộc thuộc địa và cách mạng giải phóng dân tộc.

Nhận thức được vai trò và ảnh hưởng to lớn của Quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia tích cực vào đời sống chính trị trong phong trào cộng sản quốc tế: Dự Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (1923), được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân; dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924) và được cử làm cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân; tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa (1922) - một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân thống trị, liên minh với giai cấp vô sản chính quốc để phối hợp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Tại Mátxcơva, Người vào học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản – nơi trang bị lý luận và những nguyên lý đấu tranh theo quan điểm của Quốc tế cộng sản và như Người nói là nơi “đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi - những người nô lệ, khả năng hoạt động chặt chẽ”.

Với kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú, Người viết nhiều bài báo đăng trên các tờ báo cách mạng ở Nga, ở Pháp, như: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí cộng sản, Thư tín Quốc tế,... tố cáo tội ác của thực dân Pháp, tình cảnh các dân tộc thuộc địa trong đó có nước ta, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Năm 1925, Người viết tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp. Những bài viết của Người đã được bí mật chuyển về nước và lưu truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, thức tỉnh họ, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập.

Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva - Liên Xô đến Quảng Châu - trung tâm của cách mạng Trung Quốc lúc bấy giờ, nơi đang sục sôi không khí cách mạng. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – một tổ chức cách mạng có khuynh hướng cộng sản; ra báo Thanh Niên để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về trong nước, đồng thời mở các lớp huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Những bài viết của Người về sau được tập hợp và xuất bản thành cuốn sách Đường Kách mệnh. Đây là cuốn sách giáo khoa lý luận chính trị đầu tiên của cách mạng Việt Nam, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, phản ánh những quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh; mở ra cho dân tộc ta con đường cách mạng đúng đắn để đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ, giành độc lập dân tộc, tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội - độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Không ngừng học tập lý luận, tổng kết thực tiễn phong phú ở nhiều nước, ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, làm chuyển hoá phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức để đi tới thành lập một chính đảng cách mạng đủ sức đảm đương thắng lợi sự nghiệp giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện do Người soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng hợp thành Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh đã vạch rõ đường lối cách mạng, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc. Sự ra đời của Đảng đã chấm dứt nguy cơ chia rẽ trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước, về lực lượng lãnh đạo đã kéo dài nhiều thập kỷ, mở ra “bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

3. Hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, trở về nước, thực hiện khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam (1930-1941)

Sau khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế cộng sản ở nước ngoài. Trong quá trình đó, Người đã bị bắt giam trong Nhà tù thực dân Anh ở Hồng Kông (1931 -1933). Dù bị giam cầm thể xác trong chốn lao tù, nhưng tâm trí Người, luôn theo dõi sát sao phong trào cách mạng trong nước, từng giờ, từng phút tìm cách trở về với cách mạng, vẫn nuôi dưỡng khát vọng “sớm trở về Tổ quốc tôi để giải phóng đồng bào”.

Sau khi trở lại Matxcơva (Liên Xô) vào tháng 6/1933, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Quốc tế Lênin – Trường dành cho những người cộng sản nước ngoài, nhằm giúp đỡ các Đảng Cộng sản đào tạo cán bộ cách mạng, nhất là cán bộ chủ chốt. Chính tại đây, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện đi sâu vào những vấn đề của cách mạng vô sản, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của bản thân tích luỹ qua hàng chục năm hoạt động cách mạng, để suy nghĩ và tiếp tục hoàn chỉnh con đường cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, năm 1935, Người tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản, tìm thấy trong nghị quyết Đại hội nhiều quan điểm mới về chiến lược, sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, đặc biệt là vấn đề phải xây dựng cho được một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc, đòi dân chủ, cơm áo và hoà bình.

Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, nhất là nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới do đế quốc phát xít gây ra đang tới gần, đe doạ vận mệnh các dân tộc, sau khi Quốc tế cộng sản “đồng ý” để Người về nước công tác, Hồ Chí Minh đã sớm rời Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (9-1938), bỏ lại bản luận án nghiên cứu sinh đang viết dở. Người đáp xe lửa, rời Mátxcơva, đi về phương Đông. Cuối năm 1939, Người đến Côn Minh – thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, tìm đường về nước.

Ngày 28-1-1941, sau hành trình "Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ”, Người đã “bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động". Từ đây, Người mở ra một chân trời mới trong việc tiếp tục hành trình hiện thực hóa khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, dẫn tới những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Người cùng Trung ương Đảng quyết định “thay đổi chiến lược” cách mạng giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; sáng lập Mặt trận Việt Minh để tổ chức vận động, tập hợp lực lượng cách mạng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong một Mặt trận dân tộc thống nhất; chủ trương tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng; chuẩn bị lực lượng mọi mặt chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945, thể hiện quyết tâm của Người: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, toàn dân tộc đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi vĩ đại đó là thắng lợi của hành trình khát vọng thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh; đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - “kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, mở ra một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

111 năm gắn liền với sự kiện lịch sử Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước đã trôi qua, nhưng, những ý nghĩa vĩ đại của sự kiện đó vẫn vẹn nguyên giá trị trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hơn 100 năm, Người tìm đường đi cho dân tộc ta đi, hơn 90 năm, Người sáng lập Đảng, lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thắng lợi to lớn, xây dựng đất nước phồn vinh, ấm no, hạnh phúc. Những mốc son trọng đại ấy luôn nhắc nhở Đảng ta, nhân dân ta gìn giữ, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng lý luận soi đường, dẫn dắt dân tộc từ đêm dài nô lệ bước tới đài vinh quang như ngày nay.

TS Minh Dương - Học viện CTQG  Hồ Chí Minh

 Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. 1. Từ chủ nghĩa yêu nước, đến với chủ nghĩa cộng sản, tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam (1911-1920) Đầu thế kỷ XX, đất nước ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đắm chìm trong ách nô lệ, bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Không chịu khuất phục cảnh lầm than nô lệ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa đã diễn ra, nhưng các con đường cứu nước mang màu sắc khác nhau, phong kiến hay dân chủ tư sản của các bậc tiền bối, sĩ phu yêu nước đương thời đều thất bại, bế tắc. Nhận thức sâu sắc về thực tại xã hội và rất đau xót trước nỗi thống khổ của dân tộc, người than

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn