Nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng - người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận sâu sắc, vững chắc - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nhớ về đồng chí Đào Duy Tùng - người lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận sâu sắc, vững chắc - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Đào Duy Tùng

 Khi công tác ở Khu Việt Bắc cách đây 72 năm, tôi đã từng nghe tiếng một đồng chí cán bộ Khu uỷ đã động viên và tổ chức đoàn dân công công tác tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái phục vụ chiến dịch biên giới thành công to lớn, làm thành một phần thắng lợi của chiến dịch, đó là anh Đào Duy Tùng. Chúng tôi đã kể lại chuyện đó với lòng khâm phục. Anh Đào Duy Tùng đã khẳng định trình độ tổ chức thực tiễn từ đó. Về sau tôi được chuyển về công tác ở cơ quan Trung ương, lại được biết thêm anh Đào Duy Tùng đã là học viên đầu tiên của Việt Nam theo học lớp Mác-Lê Bắc Kinh (tên gọi tắt của lớp học chủ nghĩa Mác-Lênin ở Bắc Kinh - Trung Quốc). Từ đây anh Đào Duy Tùng vừa là cán bộ công tác tổ chức thực tiễn, vừa là cán bộ tư tưởng lý luận của Đảng.

Anh Đào Duy Tùng thuộc dòng tư tưởng, dòng cán bộ lãnh đạo hàng đầu của Đảng kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Cương lĩnh và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên quyết đổi mới trước hết đổi mới kinh tế. Anh Đào Duy Tùng đã có thời gian giữ cương vị lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận của toàn Đảng, được tín nhiệm giao nhiệm vụ Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư. Anh Đào Duy Tùng cùng Tổng Bí thư đứng hàng đầu kiên quyết đổi mới có nguyên tắc. Năm 1987, Hà Nội xét duyệt vở kịch chuẩn bị đưa ra công diễn. Ban lãnh đạo công tác tư tưởng Thành ủy, trong đó có Bí thư Thành ủy nhận thấy nội dung vở “Em đẹp dần trong mắt anh” ấy và diễn xuất của Đoàn Kịch nói Hà Nội hơi thái quá, có thể dẫn khán giả hiểu sai chế độ xã hội chủ nghĩa, cho nên đã quyết định huỷ bỏ dự kiến công diễn. Nhận được tin, một số người thuộc giới lãnh đạo Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương đã phản ứng với Hà Nội, công kích Hà Nội và đưa ra lời kêu gọi “Hãy để quần chúng tự lựa chọn món ăn”, thực hiện “đa nguyên tư tưởng”. Anh Tùng trực tiếp đến xem và cũng cho ý kiến cụ thể là không thể cho công diễn và Hà Nội nên mời đồng chí Tổng Bí thư xem, cho ý kiến. Đây là vấn đề quan trọng về văn hoá văn nghệ trong đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xem xong đã cho ý kiến không thể công diễn. Thế là vở kịch “Em đẹp dần trong mắt anh” bị dẹp bỏ. Một thời gian sau, Ban Văn hoá văn nghệ Trung ương hợp nhất với Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương.

Có thể nói, anh Đào Duy Tùng đã có phần đóng góp lớn, tích cực giúp Tổng Bí thư chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 6 (năm 1989), theo đó Hội nghị nêu ra yêu cầu đổi mới có nguyên tắc, với sáu nguyên tắc cụ thể, trong đó có giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản,…đó cũng là những kinh nghiệm quý báu khi theo dõi công cuộc cải tổ đang diễn ra phức tạp ở Liên Xô. Hà Nội với tư cách và trách nhiệm của Thủ đô đã tiếp nhận Nghị quyết của Trung ương với tinh thần tự giác cao. Vì tính chất quan trọng và cấp bách của cuộc đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khi công tác ở Hà Nội và khi công tác ở Viện Mác-Lênin, tôi đã thường xuyên được làm việc và xin ý kiến đồng chí lãnh đạo công tác tư tưởng lý luận của Đảng. Tôi luôn nhận thấy dễ gần gũi, tình thân ái của anh Đào Duy Tùng. Tôi đến gặp anh ở cơ quan hay gặp ở nhà riêng cũng được, trong giờ hành chính hay trong giờ nghỉ cũng được, nghĩa là anh Đào Duy Tùng vẫn luôn giữ phong cách của người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Thái độ tiếp xúc của anh luôn chân thành, dễ chịu, dân chủ, lắng nghe và cho ý kiến rất cụ thể, đặc biệt trước những vấn đề nhạy cảm về chính trị. Có lần Cater - nguyên Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam để gặp người lãnh đạo Viện Mác-Lênin, anh Đào Duy Tùng đã khéo léo, tỉnh táo, sáng suốt thu xếp không để gặp riêng một người theo yêu cầu của Cater, mà tổ chức gặp chung mấy người của mấy cơ quan, trong đó có tôi và anh Nguyễn Duy Quý, tại nhà khách Chính phủ. Mọi việc diễn ra ổn thoả.

Cũng có vấn đề phải giải quyết rất kịp thời, tránh để “cái sảy nảy cái ung”, tránh để xảy ra như quá trình làm tan vỡ Liên Xô. Có một lần, diễn ra cuộc tọa đàm giữa một nhóm đảng viên, trong đó có đồng chí đã từng là cấp lãnh đạo cao, danh tiếng trong nước và quốc tế. Nội dung toạ đàm đã đưa ra yêu cầu quay lại chế độ dân chủ nhân dân, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, quay lại tên gọi Đảng Lao động, thay cho chế độ xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản Việt Nam. Có một người dự Hội nghị đó viết thư báo cáo với Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Sáng sớm, trước khi lên máy bay đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Đào Duy Tùng đã triệu tập thủ trưởng Viện Mác-Lênin và tôi lên chỗ làm việc ở số 7 Nguyễn Cảnh Chân (chỗ sơ tán để sửa hội trường số 4) từ 6 giờ sáng, có anh Vĩnh - Thư ký của anh Tùng cùng dự và theo dõi. Anh Đào Duy Tùng hỏi: các anh có uốn nắn gì không? Sao lại để diễn ra những cuộc trao đổi như thế, rồi anh đã nói gọn ghẽ, dễ hiểu về các quyết định của Đại hội Đảng và Quốc hội nước ta về những vấn đề trên.

Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Đào Duy Tùng (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.

Anh Đào Duy Tùng là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc sống cần kiệm, gần gũi đồng chí, đồng bào, dân chủ, lắng nghe ý kiến người khác, không định kiến để bụng. Anh có nếp sống vô cùng giản dị, nói và viết cũng rõ ràng, giản dị, không đao to búa lớn, không bay bướm hoa mỹ. Anh nói những vấn đề lý luận rộng sâu một cách dễ hiểu, không cầu kỳ, không phức tạp hoá vấn đề. Tôi cùng anh Nguyễn Phú Trọng, anh Phạm Văn Chương tham gia Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do anh Đào Duy Tùng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Nhật Bản hồi đầu tháng 1-1994. Khi đó anh Tùng trao đổi, thông báo với bạn ngắn gọn đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách khúc triết, chân thành, giản dị, dễ hiểu, thể hiện với bạn rằng Đảng Cộng sản Việt Nam trung thành vô hạn với chủ nghĩa Mác-Lênin, với chủ nghĩa xã hội, với bạn bè quốc tế. Trong chuyến đi nước ngoài ấy anh sống và sinh hoạt cùng chúng tôi một cách bình đẳng, giản dị.
 
Làm việc căng thẳng ở trụ sở Trung ương, mỗi ngày 10 đến 12 tiếng đồng hồ mới trở về căn nhà nhỏ hẹp ở số 10 ngõ Phan Chu Trinh. Đó là căn nhà 3 phòng nhỏ trong toà nhà ở tập thể. Lúc làm Vụ trưởng Vụ Huấn học, anh ở đó, lúc làm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương vẫn ở đó, lúc làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương cũng vẫn ở đó, và cho đến khi làm Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư anh cũng vẫn ở căn nhà với diện tích chật hẹp đó. Chỉ đến khi lâm bệnh nặng, Ban Tài chính quản trị Trung ương mới có thể xúc tiến làm được căn nhà riêng biệt để thực hiện chế độ, chính sách với anh. Thật là một tấm gương trong sạch, cần kiệm của một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng.
 
Anh Đào Duy Tùng khi làm Thường trực Ban Lý luận Trung ương, do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng Ban, đã có công lớn chuẩn bị thành lập Viện Mác-Lênin (sau là Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Anh đã thiết kế các viện nghiên cứu, đó là Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Viện Xây dựng Đảng, Viện Lịch sử Đảng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng, Viện quốc tế, Viện Thông tin lý luận, Vụ Quản lý khoa học, Nhà xuất bản Lý luận, Tạp chí Thông tin lý luận. Khi hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ cần chuyển các khoa một cách tự nhiên thành các Viện nghiên cứu. Anh cũng thiết kế các đề tài để nghiên cứu đưa một nước nông nghiệp sản xuất nhỏ trải qua thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thu hút nhiều cán bộ hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận nổi tiếng của các ngành, các địa phương toàn quốc tham gia. Đó là tiền đề cho việc tìm tòi các đề tài nghiên cứu kinh tế và chính trị cấp quốc gia sau này.
 
Thời gian anh phụ trách công tác huấn học của Đảng, sau làm Trưởng Ban Tuyên huấn, rồi tiến lên trách nhiệm cao phụ trách công tác tư tưởng lý luận của Đảng, cũng là thời gian việc học tập lý luận trong Đảng rất sôi nổi, khắp nước có được những lớp học chính trị theo chương trình sơ cấp, chương trình trung cấp, chương trình tại chức cao cấp, ngoài những trường lớp học tập trung. Đặc biệt từ cuối năm 1986, công tác tư tưởng lý luận được đổi mới. Đặc trưng của công cuộc đổi mới này là tăng cường đối thoại, thông tin hai chiều (từ trên xuống và từ dưới lên), các cấp đều rất chú trọng điều tra dư luận xã hội, phản ánh với cấp uỷ để lãnh đạo sát sao, kịp thời. Công tác tư tưởng là công tác của toàn xã hội, công tác của tất cả các ban của Đảng, của tất cả cơ quan chính quyền, của các đoàn thể nhân dân. Với tư cách một cấp uỷ viên ở địa phương và một cán bộ lãnh đạo ngành ở Trung ương, tôi đã từng được nghe anh Đào Duy Tùng phổ biến nghị quyết của Trung ương ở Hội trường Ba Đình, tôi nhận thấy anh Tùng còn là một tấm gương sáng về vai trò cấp uỷ viên phổ biến nghị quyết. Anh diễn đạt trung thành với nghị quyết, nói gọn gàng, rõ ràng, khúc triết, giản dị, dễ hiểu. Trong khi truyền đạt nghị quyết, anh luôn luôn liên hệ với thực tiễn và lý luận một cách sinh động và sâu sắc.
 
Cũng không ngờ rằng buổi chiều hôm đó lại là buổi làm việc cuối cùng của anh Tùng về lý luận. Nhớ lại một buổi chiều, do Tổ trưởng Tổ biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII bận việc, anh Tùng gọi tôi lên gặp ở phòng làm việc số 4 Nguyễn Cảnh Chân trước khi anh đi dự Đại hội của Đảng bộ thành phố Hải Phòng. Anh nói nên nhấn mạnh giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng cao và giữ vai trò lãnh đạo không phải chỉ vì nghèo khổ, mà vì đại biểu cho phương thức sản xuất mới. Vì vậy, nên xem kỹ những đoạn viết trong bản thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII liên quan đến sứ mệnh giai cấp công nhân và Đảng tiên phong là Đảng Cộng sản. Khi anh ở Hải Phòng về, tôi lại gặp anh nhưng không phải để trao đổi lý luận mà là thăm anh ở khu biệt thự Hồ Tây khi anh lâm bệnh suy giảm trí nhớ.
 
Anh Đào Duy Tùng là người lãnh đạo công tác tư tưởng và làm công tác tư tưởng lý luận sâu sắc, vững chắc, là người nêu tấm gương sáng mẫu mực về đạo đức, tác phong.
 
Anh Đào Duy Tùng xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi vô cùng quý mến và kính trọng Anh.
 
Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 2024.
 
Đồng chí Đào Duy Tùng  Khi công tác ở Khu Việt Bắc cách đây 72 năm, tôi đã từng nghe tiếng một đồng chí cán bộ Khu uỷ đã động viên và tổ chức đoàn dân công công tác tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái phục vụ chiến dịch biên giới thành công to lớn, làm thành một phần thắng lợi của chiến dịch, đó là anh Đào Duy Tùng. Chúng tôi đã kể lại chuyện đó với lòng khâm phục. Anh Đào Duy Tùng đã khẳng định trình độ tổ chức thực tiễn từ đó. Về sau tôi được chuyển về công tác ở cơ quan Trung ương, lại được biết thêm anh Đào Duy Tùng đã là học viên đầu tiên của Việt Nam theo học lớp Mác-Lê Bắc Kinh (tên gọi tắt của lớp học

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn