Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi quyết định, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Cuộc tiến công chiến lược đã để lại nhiều bài hoc quý; trong đó, nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ là nét đặc sắc, cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và hướng vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và hướng vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ. Ảnh: Tư liệu

 

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 (sau đây gọi tắt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954), đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tiến công quy mô lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; biểu hiện tập trung cao nhất những nội dung cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến lược trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó, việc lựa chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Điện Biên Phủ làm địa bàn quyết chiến chiến lược là sự lựa chọn xuất sắc, đầy sáng tạo của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Với sự chỉ đạo chiến lược, chiến tranh tài tình, sắc bén, linh hoạt của Đảng, trực tiếp là của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã lập nên kỳ tích, đập tan tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm của địch”, tiêu diệt phần lớn lực lượng cơ động chiến lược của Pháp, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh. Có thể khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học quý về tính độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, với nét nổi bật là: lựa chọn trước hướng tiến công chiến lược chủ yếu có lợi cho ta, điều địch lên hướng đã lựa chọn, kìm giữ địch ở địa bàn đã chuẩn bị, tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh. Nói cách khác, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật chọn hướng tiến công chiến lược với nghệ thuật “điều địch, trói địch” về chiến lược, thực hiện chiến dịch quyết chiến chiến lược, tiêu diệt lớn lực lượng cơ động chiến lược của địch.

Thông thường trong tác chiến, khi chọn hướng tiến công chiến lược phải căn cứ vào thế bố trí của địch để chọn, tập trung vào các mục tiêu chiến lược chủ yếu, quan trọng hay khu vực yếu nhất trong thế bố trí liên quan đến vấn đề hiểm yếu. Tuy nhiên, Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 lại có sự vận dụng độc đáo, sáng tạo về chọn hướng tiến công chiến lược. Theo đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã dự kiến trước hướng tiến công chiến lược chủ yếu (Tây Bắc), chuẩn bị mọi mặt, từng bước điều quân địch vào hướng, khu vực đã lựa chọn, kìm giữ địch và tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược; trong đó, nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược được thể hiện trên mấy vấn đề cơ bản sau:

Tạo lập thế trận có lợi để chọn hướng tiến công chiến lược, chiến lược chủ yếu - cơ sở quan trọng để dự kiến chiến dịch quyết chiến chiến lược

Khoét sâu vào mâu thuẫn gay gắt giữa tập trung và phân tán lực lượng của thực dân Pháp, từ năm 1950, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quân và dân ta tiến hành nhiều hoạt động tác chiến, nhằm phân tán sự đối phó của địch. Đặc biệt, năm 1953, ta mở nhiều chiến dịch trên các hướng: Tây Bắc, Thượng Lào, Hòa Bình, Ninh Bình, đồng bằng Bắc bộ, Liên khu 5, Tây Nguyên,… nhằm phân tán mạnh khối chủ lực cơ động của quân Pháp, tạo nên thế trận tiến công chiến lược có lợi; đồng thời, cũng dự kiến các hướng tiến công chiến lược: Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên; trong đó, Tây Bắc là hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Như vậy, từ thế trận tác chiến có lợi, chọn ra các hướng tác chiến chiến lược, thay vì theo lý luận, chọn hướng tiến công là một trong các nội dung của lập thế trận. Đây là sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật chọn hướng tiến công chiến lược chủ yếu.

Trong tác chiến nói chung, khi chọn hướng tiến công chiến lược phải dựa vào hình thái, thế bố trí lực lượng, phương tiện của địch, nhất là thế bố trí chiến lược trên hướng ta lựa chọn. Thế nhưng, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy lại lựa chọn Tây Bắc là hướng tiến công chiến lược chủ yếu, trong khi trên hướng này chưa xuất hiện lực lượng cơ động chiến lược chủ yếu của địch. Mặc dù vậy, Trung ương và Tổng Quân ủy tự tin sẽ điều được quân chủ lực cơ động của địch lên Tây Bắc, sẽ kéo địch vào các hướng không có lợi cho chúng về địa hình, về sử dụng binh khí kỹ thuật, vận chuyển tiếp tế và cơ động tăng viện để tiêu diệt. Việc chọn đúng hướng tiến công chiến lược là cơ sở rất quan trọng để lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược. Tuy chưa hình thành mục tiêu chiến lược, nhưng ta vẫn xác định Tây Bắc là hướng tiến công chiến lược chủ yếu - nghệ thuật chọn hướng tiến công chiến lược độc đáo, sáng tạo. Và để thực hiện ý tưởng này, Trung ương đã khéo khoét sâu điểm yếu trong Kế hoạch Navarre là tập trung nỗ lực hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta để xây dựng Kế hoạch tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Theo đó, ta sử dụng Đại đoàn 316 và Trung đoàn 48 tiêu diệt địch ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc; chuẩn bị 03 Đại đoàn: 308, 312, 304 (thiếu Trung đoàn 66) bố trí ở Phú Thọ, Tuyên Quang sẵn sàng cơ động tiến công các mục tiêu có lựa chọn theo diễn biến của tình hình trên hướng chiến lược chủ yếu.

Điều địch vào hướng đã lựa chọn, kìm giữ địch ở khu vực đã dự kiến; làm tốt công tác chuẩn bị, tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược; thực hiện đánh tiêu diệt lớn về chiến lược

Thắng lợi của Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 một phần nào đó có sai lầm của địch, nhưng yếu tố quan trọng hàng đầu là do các hoạt động tác chiến và đấu tranh của quân và dân ta, khi ta điều được quân địch lên Điện Biên Phủ. Để thực hiện quyết tâm tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, ta mở Chiến dịch Lai Châu, đánh mạnh địch ở Thượng Lào, Trung Lào, điều các đại đoàn chủ lực cơ động lên Tây Bắc,… chính các hoạt động này buộc Pháp phải đổ quân xuống Điện Biên Phủ để đối phó. Ngày 20 và 21/11/1953, khi ta đang tổ chức hội nghị phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, tướng Navarre đã cho 06 Tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Tổng Quân ủy nhận định: việc địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ta đã điều được 06 tiểu đoàn tinh nhuệ của địch lên Điện Biên Phủ, vì thế phải tìm cách giữ lại và kéo thêm chủ lực của chúng lên đây. Cũng trong hội nghị phổ biến nhiệm vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích tình hình của địch khi chiếm Điện Biên Phủ, rồi rút ra kết luận rất quan trọng: vô luận rồi đây địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta. Nó bộc lộ mâu thuẫn của địch giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng. Đúng như dự đoán của ta, ngày 22/12/1953, tướng Navarre đã đưa thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ. Cùng lúc đó, trên mặt trận Trung Lào ta thắng lớn, quân địch buộc phải thiết lập binh đoàn tác chiến tại Lào. Tính đến thời điểm cuối tháng 12/1953, đã có trên 20 tiểu đoàn cơ động chiến lược của Pháp phải rời chiến trường đồng bằng; ở Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn, 07 đại đội, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 đại đội xe tăng, quân số khoảng 11.800 quân (phần lớn là các đơn vị Âu Phi tinh nhuệ) hình thành một hệ thống tập đoàn cứ điểm lớn tại vùng rừng núi Tây Bắc và như vậy, ta chắc chắn giữ được địch ở Điện Biên Phủ. Đây chính là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược trên hướng tiến công chiến lược Tây Bắc - quyết tâm chiến lược lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, nhằm đánh bại những cố gắng cao nhất, hình thức phòng ngự mới nhất của địch, tạo ra cục diện mới trên chiến trường Đông Dương; theo chủ trương: tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của thực dân Pháp trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương.

Trong tác chiến chiến lược, nhất là tiến công chiến lược ở giai đoạn cuối của cuộc chiến, chiến dịch quyết chiến chiến lược thường được lựa chọn ở các địa bàn có các mục tiêu là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự - nơi quân địch tổ chức trận địa phòng ngự mạnh, chặt chẽ, liên hoàn, vững chắc. Thực tiễn, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô và các nước đồng minh đã lựa chọn chiến dịch quyết chiến chiến lược tại Berlin - thủ đô của nước Đức phát xít (chiến dịch Berlin), nơi đã được lực lượng chiến lược phát xít tổ chức phòng ngự cực mạnh. Nhưng trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ta lại chọn Điện Biên Phủ để tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược - nơi không phải là trung tâm chính trị, kinh tế lớn, lúc đầu chưa có địch (điều khác biệt với các lựa chọn thông thường). Mặc dù vậy, ta tin tưởng vào khả năng điều được quân địch lên Điện Biên Phủ và thực tế chúng ta không những đã điều được quân địch, mà còn kìm giữ chúng ở Điện Biên Phủ để tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược. Khi tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, ta không đánh chiếm các trung tâm chính trị, kinh tế, thành phố lớn, nhưng ta thực hiện được mục tiêu cơ bản nhất, lớn nhất là tiêu diệt lớn lực lượng cơ động chiến lược của địch (tiêu diệt khoảng 1/5 lực lượng địch trên toàn Đông Dương lúc bấy giờ), đó chính là yếu tố vô cùng quan trọng để kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là sự vận dụng đặc biệt xuất sắc, đặc biệt sáng tạo nghệ thuật lựa chọn chiến dịch quyết chiến lược trong tiến công chiến lược của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Lựa chọn chiến trường tác chiến có lợi cho ta, bất lợi cho địch, có điều kiện đánh đòn tiêu diệt lớn lực lượng cơ động chiến lược, kết thúc chiến tranh

Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, với chủ trương kéo địch lên địa bàn rừng núi để thực hiện các đòn tiến công chiến lược, Trung ương đã chọn Tây Bắc là chiến trường tác chiến chủ yếu. Đây là địa bàn tác chiến ta có điều kiện phát huy cao độ lợi thế của chiến tranh nhân dân Việt Nam, nhưng lại là chiến trường bất lợi đối với quân Pháp về khả năng chi viện, ứng cứu và bảo đảm. Đối với quân Pháp, việc bị điều động, phân tán lực lượng, thiếu quân cơ động trên các mặt trận, buộc chúng phải đánh lớn với ta ở Tây Bắc - chiến trường bất lợi về chiến lược vào thời điểm cuối năm 1953 đầu năm 1954, là minh chứng hùng hồn, một thất bại nặng nề không thể cứu vãn và từ đó phải chấp nhận trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường do ta lựa chọn - Điện Biên Phủ. Về phía ta, khi chọn Điện Biên Phủ cũng có những khó khăn: lần đầu tiên ta đánh một tập đoàn cứ điểm rất mạnh của địch, yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng rất cao, cần có hỏa lực pháo binh, phòng không mạnh, công tác bảo đảm cũng không dễ dàng. Song, những khó khăn này được Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy từng bước giải quyết hợp lý, như: tổ chức cho các trung đoàn pháo binh, pháo phòng không, các đại đoàn chủ lực tập trung huấn luyện về đánh địch trong công sự; dựa vào sức mạnh nhân dân để tiến hành công tác bảo đảm, v.v. Những chỉ đạo sáng suốt của Trung ương càng củng cố quyết tâm tiến hành chiến dịch quyết chiến chiến lược, trên hướng tiến công chủ yếu đã chọn, Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Như vậy, nét nghệ thuật quân sự đặc sắc ở đây chính là: chủ động lựa chọn chiến trường mà ở đó chúng ta phát huy cao độ được thế mạnh; hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch để đánh tiêu diệt địch về chiến lược.

Một số vấn đề cần vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), lúc này trên đất nước ta chưa có địch, các vấn đề về chọn hướng, thời cơ tác chiến chiến lược đều là dự kiến, vì vậy, những bài học quý về lựa chọn hướng, chiến dịch quyết chiến chiến lược trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tư lệnh chiến trường và cơ quan tác chiến chiến lược cần dự kiến chính xác các hướng tác chiến chiến lược, trong đó có hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Đây là vấn đề đã khó trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây nhưng sẽ càng khó khăn hơn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay, bởi lúc này quân địch chưa có, ta rất khó phán đoán chính xác ý đồ tiến công của chúng, song vẫn phải dự kiến để có cơ sở tiến hành công tác chuẩn bị.

Để làm được vấn đề này, trước hết, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa hướng tác chiến chiến lược và thế trận tiến công chiến lược, trên cơ sở chọn hướng tiến công chiến lược để lập thế trận và tiến hành thắng lợi các đòn tiến công chiến lược trên hướng đã lựa chọn. Từ bài học về chọn hướng chiến lược trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, người chỉ huy và cơ quan tham mưu tác chiến cần hình thành thế trận tiến công chiến lược để dự kiến hướng chiến lược trọng điểm; tạo lập được thế trận có lợi để chọn được hướng chủ yếu, nhưng đồng thời cũng buộc quân địch phải đánh theo sự điều động, điều hành tác chiến của ta.

Thứ hai, trên cơ sở các hướng tác chiến đã dự kiến, cần dự kiến các trận đánh, các chiến dịch, chiến dịch chiến lược; phải chủ động chuẩn bị các biện pháp đưa địch vào hướng, khu vực đã lựa chọn, để đánh địch ở thế trận, điều kiện, thời cơ có lợi. Quá trình thực hiện chú ý các yếu tố về môi trường tác chiến, điều kiện địa hình, làm sao có thể phát huy cao nhất lợi thế chiến tranh nhân dân Việt Nam, đánh địch được ở cả đồng bằng, ven biển và biên giới, bởi chiến tranh nhân dân đích thực thì không một thế lực nào có thể đánh bại được.

Thứ ba, phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt cho đánh địch trên hướng chiến lược chủ yếu, trong đó cần đánh giá đúng các thuận lợi, khó khăn, đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn để tác chiến có hiệu quả trên hướng đã lựa chọn.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa chọn hướng chiến lược với chủ động tiến hành các biện pháp tạo và nắm thời cơ đánh địch, nhất là thời cơ tiến hành các trận đánh quan trọng, các chiến dịch, chiến dịch chiến lược quyết định trong tác chiến chiến lược trong thời kỳ đầu chiến tranh.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

 
 

 

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ. Ảnh: Tư liệu   Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 (sau đây gọi tắt là Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954), đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là cuộc tiến công quy mô lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; biểu hiện tập trung cao nhất những nội dung cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam về chiến lược trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong đó, việc lựa chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, Điện Biên Phủ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Đoàn kết quốc tế - Tư tưởng chiến lược Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam
70 năm Điện Biên Phủ: Sức mạnh của toàn dân, sức mạnh của lòng dân

Gửi bình luận của bạn