Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức và phát triển đảng viên là công tác thường xuyên của Đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), hệ thống tổ chức của Đảng được xây dựng và kiện toàn đáp ứng yêu cầu lãnh đạo kháng chiến. Mặc dù còn có những hạn chế nhưng Đảng đã kịp thời khắc phục, nâng cao năng lực lãnh đạo, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi.

Một số kinh nghiệm xây dựng hệ thống tổ chức và phát triển Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Một số kinh nghiệm xây dựng hệ thống tổ chức và phát triển Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

1. Xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức đảng

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trước mũi nhọn tiến công của kẻ thù và tình hình chính trị phức tạp, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo “Tự ý giải tán”, song thực chất Đảng rút vào hoạt động bí mật. Tuy nhiên, việc Trung ương Đảng ra tuyên bố tự giải tán mà không có những chỉ đạo, giải thích kịp thời đã gây ra một số ảnh hưởng không tốt trong Đảng và ngoài xã hội. Do không nắm vững thực chất của việc “giải tán Đảng”, một số đảng bộ địa phương thực hiện một cách máy móc, khiến cho tổ chức đảng tan rã, hiệu lực lãnh đạo của Đảng bị giảm sút, gây hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhân dân.

Bước vào kháng chiến, hệ thống tổ chức của Đảng đã dần được củng cố và kiện toàn. Ban Chấp hành Trung ương được tăng cường nhân sự, các đảng bộ địa phương cũng tiến hành củng cố tổ chức. Trong điều kiện kháng chiến ác liệt, các cấp bộ đảng đã cố gắng thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ theo đúng Điều lệ Đảng. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ chỉ định đã dần được bầu cử. Đại hội II (1951) của Đảng đã bổ sung những cán bộ xuất sắc nhất của Đảng và xây dựng tổ chức, lề lối làm việc khoa học, phát huy được trí tuệ tập thể, đẩy mạnh kháng chiến. Sau nhiều năm rút vào hoạt động bí mật, Đảng ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, là đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam có nhiệm vụ lãnh đạo kháng chiến đến thắng lợi, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo kháng chiến, hệ thống tổ chức của Đảng có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Trung ương Cục miền Nam thay Xứ ủy Nam Bộ, các Khu, Liên Khu ủy thay thế Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Sự thay đổi này theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với các đảng bộ địa phương.

Trong Quân đội nhân dân, hệ thống tổ chức của Đảng được thiết lập từ trên xuống dưới, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Đảng. Trong các giai đoạn kháng chiến, dù là chế độ cấp ủy đảng trong quân đội hay chế độ chính trị ủy viên thì Đảng vẫn tăng cường lãnh đạo Quân đội nhân dân một cách chặt chẽ, thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng là công cụ sắc bén của Đảng và Chính phủ.

Tuy nhiên, hệ thống tổ chức đảng có lúc còn quá cồng kềnh, chồng chéo, chưa thật sự phù hợp với thời chiến. Lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo chưa tốt, nhất là ở các đảng bộ địa phương thời kỳ đầu sau kháng chiến toàn quốc.

Về phát triển Đảng, chỉ trong vòng 4 năm, số lượng đảng viên tăng lên gấp 250 lần, từ khoảng 3.000 đảng viên năm 1945 lên trên 76 vạn đảng, viên cuối năm 19501. Số lượng đảng viên tăng nhanh làm tăng sức mạnh và khí thế của Đảng lên gấp bội, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Trong quá trình phát triển Đảng, do phát triển Đảng quá nhanh nên công tác củng cố Đảng nhiều lúc, nhiều nơi bị buông lỏng. Trên thực tế, các cấp ủy đảng chỉ thiên về tuyên truyền khẩu hiệu2 mà không chỉ rõ phương châm và nguyên tắc thực hiện nên phát triển Đảng một cách thiếu chọn lọc. Đảng phát triển không đều trong các giai cấp, tầng lớp, các giới, cụ thể là phát triển mạnh trong nông dân, tiểu tư sản trí thức, chậm phát triển trong công nhân, phụ nữ. Phát triển Đảng không đều giữa các vùng, vùng tự do phát triển Đảng ồ ạt, vùng tạm chiếm phát triển Đảng yếu, nhất là tại các đô thị. Ở miền núi, trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, công tác phát triển Đảng kém. Nhiều địa phương phát triển Đảng ồ ạt, không có nguyên tắc, nhiều địa phương lại hẹp hòi, không phát triển Đảng hoặc phát triển Đảng rất chậm. Tổ chức cơ sở đảng không thống nhất, có chi bộ chỉ có vài ba đảng viên, nhiều chi bộ có đến bảy, tám trăm đảng viên, có chi bộ lên tới 1.500 đảng viên.

Trước tình hình đó, tháng 9-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tạm thời ngừng phát triển Đảng để củng cố. Việc củng cố là cần thiết nhưng “việc đóng cửa Đảng tiến hành nhất loạt và kéo quá dài, trong lúc cuộc kháng chiến đang quyết liệt, quần chúng được thử thách, rèn luyện một cách rộng rãi và sâu sắc”3. Chính vì thế, trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù, nhiều quần chúng ưu tú thiết tha với Đảng đã không được kết nạp Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên chưa đến mức bị đưa ra khỏi Đảng đã bị khai trừ, làm cho số lượng cán bộ, đảng viên giảm sút.

Mặc dù có những khuyết điểm, nhưng những thành tựu trong xây dựng hệ thống tổ chức đảng và phát triển đảng viên vẫn là cơ bản. Qua 9 năm kháng chiến, Đảng đã trưởng thành vượt bậc mọi mặt, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

2. Một số kinh nghiệm

Từ thực tế lãnh đạo công tác xây dựng hệ thống tổ chức và phát triển đảng viên trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), có thể rút ra một số kinh nghiệm sau: 

Một là, khắc phục khó khăn, xây dựng hệ thống chức và phát triển Đảng rộng rãi, đều khắp. 

Trong kháng chiến chống Pháp, hình thái chiến trường chia ra thành các vùng như vùng giải phóng, vùng du kích, vùng tạm bị chiếm. Tại mỗi vùng ấy, những điều kiện để xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng và phát triển đảng viên khác nhau. Nhưng điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của phong trào cách mạng là phải có sự lãnh đạo của Đảng và thực tế cho thấy nơi nào tổ chức đảng được xây dựng và phát triển, lãnh đạo cách mạng thì công tác kháng chiến, kiến quốc ở đó được đẩy mạnh. Chính vì thế, bên cạnh việc xây dựng tổ chức và phát triển đảng viên tại những vùng tự do, vùng căn cứ, nơi có điều kiện thuận lợi, Đảng luôn chủ trương và lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức đảng tại vùng tạm bị chiếm, vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng hệ thống tổ chức đảng cũng chính là cuộc đấu tranh quyết liệt, một mất một còn với kẻ thù. Hệ thống tổ chức đảng phải được xây dựng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, phù hợp với thời chiến.

Hai là, gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng các tổ chức chính trị khác như chính quyền, đoàn thể, qua đó lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối của Đảng.

Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên phải tiến hành đồng thời với việc phát triển và củng cố Mặt trận, đoàn thể. Tổ chức đảng là hạt nhân lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc, thông qua các đoàn thể quần chúng. Cùng với tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên tại cơ sở, chính hội viên các đoàn thể quần chúng là người đảm bảo thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng. Mặt khác, phát triển Đảng chỉ thực sự mạnh mẽ khi các tổ chức quần chúng phát triển mạnh. Chính những hội viên ưu tú của các tổ chức quần chúng, thông qua hoạt động chiến đấu, lao động sản xuất, công tác trên các lĩnh vực là nguồn bổ sung liên tục, thường trực, dồi dào cho Đảng. Nhận thức rõ vấn đề đó, Đảng hết sức chú ý xây dựng và củng cố các đoàn thể quần chúng và đặc biệt là xây dựng Đảng đoàn, đảm bảo Đảng nắm chắc và lãnh đạo được các tổ chức quần chúng, định hướng các tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng. Gắn công tác tổ chức với phong trào đấu tranh cách mạng có mối quan hệ. chặt chẽ với nhau. Trong thời kỳ đầu kháng chiến, ở Nam Bộ, các đoàn thể cứu quốc phát triển mạnh mẽ và phong trào đấu tranh của quần chúng rất sôi động, nhưng Đảng phát triển chậm. Đó là do chưa gắn công tác tổ chức với công tác đấu tranh cách mạng, chưa qua thực tiễn đấu tranh cách mạng mà thu nạp những phần tử tiên tiến, cá nhân ưu tú. Hạn chế này đã được các cấp ủy đảng tại Nam Bộ thấy rõ và tích cực sửa chữa, nên đến những năm 1949. 1950, Đảng bộ Nam Bộ đã bắt kịp sự phát triển Đảng hết sức mạnh mẽ với các địa phương khác trong cả nước, góp phần tăng nhanh số lượng đảng viên toàn quốc và trên thực tế từ năm 1950 trở đi, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam Bộ đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần “chia lửa” với chiến trường chính Bắc Bộ.

Ba là, gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là trong những thời điểm khó khăn.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chúc mối liên hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Các cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện về chính trị, tư tưởng mới có thể nâng cao năng lực lãnh đạo, mới có thể tồn tại được trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù hay không sa ngã trước những cám dỗ về vật chất, danh lợi, địa vị... Trong kháng chiến, ở khắp các địa phương trong cả nước, nhiều cấp ủy đảng không giữ được tổ chức và vai trò lãnh đạo, dễ dàng bị kẻ thù phá vỡ. Cũng tương tự như vậy, một số đảng bộ địa phương đông nhưng không mạnh, khi gặp khó khăn hay sự đánh phá ác liệt của địch, cán bộ, đảng viên nằm im, chạy dài, số đảng viên còn hoạt động trên thực tế giảm sút nghiêm trọng. Đó là do tổ chức đảng đó, cán bộ, đảng viên đó không gắn việc xây dựng về tổ chức và rèn luyện về chính trị, tư tưởng, đã phát triển Đảng quá rộng, lại chưa chú ý đúng mức đến vấn đề học tập, rèn luyện về lập trường giai cấp, đạo đức, tác phong. Ngược lại, có những tổ chức đảng đã duy trì và phát triển về tổ chức do gắn việc xây dựng tổ chức với xây dựng về chính trị, tư tưởng nên cán bộ, đảng viên, nhất là những đồng chí trong cấp ủy đã thực sự gương mẫu trong lãnh đạo chiến đấu và sản xuất, được sự ủng hộ của nhân dân nên mặc dù kẻ thù đánh phá ác liệt vẫn bám trụ và bền bỉ lãnh đạo kháng chiến đến ngày thắng lợi.

Bốn là, xây dựng Đảng theo những nguyên tắc xây dựng và tổ chức của một đảng Mác-Lênin, nhằm bảo đảm tăng cường và giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. 

Đảng được xây dựng và phát triển trong một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, đại đa số đảng viên xuất thân từ nông dân, bị ảnh hưởng bởi tâm lý tiểu nông, cục bộ, định kiến... Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng chưa có điều kiện để đào tạo cán bộ một cách rộng rãi, đa số cán bộ, đảng viên hạn chế về trình độ học vấn, trình độ giác ngộ lý luận, hoạt động chủ yếu dựa vào nhiệt tình cách mạng và kinh nghiệm thực tiễn. Trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn thấp do trong hoàn cảnh kháng chiến, chúng ta chưa có điều kiện làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, mặt khác trình độ dân trí lúc đó còn thấp. Chính vì thế, Đảng đã không ngừng chú ý nâng cao trình độ giác ngộ lý luận cho đảng viên, đảm bảo tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, không chệch hướng mục tiêu lý tưởng và hoạt động của Đảng.

Trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt, khó có điều kiện tuân thủ những nguyên tắc xây dựng Đảng của một Đảng Mác-Lênin, tuy nhiên, Đảng luôn cố gắng tuân thủ những nguyên tắc đó. Thời kỳ đầu, các cấp ủy chủ yếu được thành lập theo phương pháp chỉ định. Nhưng khi có điều kiện thuận lợi, Đảng chú ý thực hiện đúng những nguyên tắc xây dựng Đảng, tổ chức bầu cử dân chủ Ban Chấp hành đảng bộ các cấp. Điều đó làm cho các cấp ủy đảng thực sự quy tụ được những cá nhân xuất sắc, được đông đảo cán bộ, đảng viên tín nhiệm, có đầy đủ năng lực trí tuệ, phẩm chất đạo đức đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc trên địa bàn phụ trách.

Năm là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng để mọi tư tưởng và hành động của Đảng thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy đảng địa phương và toàn thể đảng viên của Đảng.

Một đảng chỉ thực sự có sức mạnh khi xây dựng được sự đoàn kết thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hoạt động. Trong hệ thống các cấp ủy đảng, vai trò của Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt quan trọng. Chính vì thế, Trung ương Đảng không ngừng được xây dựng và kiện toàn, tập trung những cán bộ cách mạng, có năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo kháng chiến. Đồng thời trong hoàn cảnh kháng chiến, không phải lúc nào cũng có điều kiện tổ chức hội nghị cán bộ Trung ương hay Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được thành lập, những cơ quan thường trực giúp Ban Chấp hành Trung hương giải quyết mọi công việc một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Trong quá trình kháng chiến, Trung ương Đảng đã tăng cường lãnh đạo các Xứ ủy, liên khu ủy, đặc khu ủy. Đối với những địa bàn quan trọng, nhất là tại các đô thị có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, các vùng tập trung đông công nhân, Trung ương Đảng thành lập và lãnh đạo trực tiếp các cấp ủy đảng tại những địa bàn đó. Trong hoàn cảnh kháng chiến, số lượng ủy viên Ban Chấp hành còn chưa nhiều nhưng đã cố gắng nắm bắt tình hình để lãnh đạo kháng chiến, kiến quốc được toàn diện và kịp thời. Việc thành lập Trung ương Cục miền Nam năm 1951 đã đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương đối với một địa bàn quan trọng, xa Trung ương.

Đồng thời, Đảng đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp bộ đảng địa phương, nhất là tại cơ sở. Cuộc vận động xây dựng chi bộ tự động công tác nhằm mục đích ấy. Các cấp ủy đảng địa phương chính là cơ quan nắm bắt trực tiếp tình hình, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc tại cơ sở, trong khi đó tình hình diễn biến rất nhanh, không phải lúc nào cũng có thể chờ đợi sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Thực tế cho thấy những cấp ủy nào, đảng bộ nào thụ động, chờ đợi vào cấp trên sẽ bỏ lỡ những thời cơ thuận lợi và gặp phải những khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Trung ương Đảng cũng nhận thấy điều này. Cho nên, trong khi khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp đối với một số đảng bộ, Trung ương Đảng đồng thời giao nhiệm vụ cho những cấp ủy đảng ở những địa bàn kế cận, có điều kiện thuận lợi, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đó.

Sáu là, trong công tác phát triển Đảng, cần coi trọng cả số lượng và chất lượng để tổ chức đảng tập hợp được những phần tử ưu tú nhất của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội, tăng cường tính chiến đấu, tính tiên phong của Đảng.

Trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa bao giờ Đảng phát triển với tốc độ nhanh như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Căn cứ nhu cầu và khả năng thực tế, Đảng đã mạnh dạn kết nạp số lượng rất lớn đảng viên xuất thân từ giai cấp nông dân, có lúc, có nơi chiếm trên 90% số lượng đảng viên. Kết quả đó có những nguyên nhân khách quan nhưng phải khẳng định những cố gắng chủ quan của các đảng bộ vô cùng quan trọng. Đó là một thành tựu lớn trong xây dựng Đảng. Nhìn chung, những người được kết nạp là những cá nhân ưu tú của các giai cấp, tầng lớp, trong các dân tộc, tôn giáo, trong các ngành và các lĩnh vực. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng”4. Tuy nhiên, có thời điểm, một số đảng bộ còn diễn ra tình trạng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, vì thế đã kết nạp một số đông quần chúng còn chưa giác ngộ lập trường giai cấp, ít hiểu biết về Đảng. Một số đảng bộ rất đông đảng viên, nhưng công tác kháng chiến, kiến quốc không có gì nổi trội so với những đảng bộ khác. Số chi bộ đảng có vài trăm đảng viên trở lên rất nhiều, thậm chí có chi bộ đến 1.500 đảng viên. Số lượng đảng viên đông, thành phần phức tạp, sinh hoạt không đều là những nguyên nhân làm cho tổ chức đảng không thực sự mạnh mẽ. Khi đối mặt với sự đánh phá của địch, số lượng cán bộ, đảng viên thực tế còn hoạt động giảm đi rất nhanh, một phần do bị địch bắt, giam cầm, giết hại, một phần nằm im hoặc chạy dài.

Trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm xây dựng Đảng thời kỳ kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên giá trị. Vận dụng tốt những kinh nghiệm xây dựng Đảng giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp là chìa khóa giúp Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, lãnh đạo nhân dân tiến lên giành những thắng lợi trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 11/2016

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 13, tr. 95

2. Đảng bộ Nam Bộ tuyên truyền chủ trương xây dựng một Đảng quần chúng mạnh mẽ, một Đảng dân tộc, Đảng trẻ trung, Đảng hàng triệu người

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, T. 21, tr. 670-671

4. Hồ Chi Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 302.

TS NGUYỄN BÌNH, TS NGUYỄN QUANG HÒA

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức đảng Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trước mũi nhọn tiến công của kẻ thù và tình hình chính trị phức tạp, ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo “Tự ý giải tán”, song thực chất Đảng rút vào hoạt động bí mật. Tuy nhiên, việc Trung ương Đảng ra tuyên bố tự giải tán mà không có những chỉ đạo, giải thích kịp thời đã gây ra một số ảnh hưởng không tốt trong Đảng và ngoài xã hội. Do không nắm vững thực chất của việc “giải tán Đảng”, một số đảng bộ địa phương thực hiện một cách máy móc, khiến cho tổ chức đảng tan rã, hiệu lực lãnh đạo của Đảng bị giảm sút, gây hoang mang trong đảng viên và quần chúng nhâ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn