Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ to lớn và quý báu của nhân dân thế giới, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đại hội IV (12-1976) của Đảng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đã vì tình nghĩa quốc tế vô sản, dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ toàn diện, to lớn và quý báu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt những năm 1954-1968, Liên Xô đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến mặt trận ngoại giao của Việt Nam.

Liên Xô với cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trong những năm 1954 - 1968
Liên Xô với cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam trong những năm 1954 - 1968

Giai đoạn 1954-1964

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Sau Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương 1954, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. NQTƯ 7 (mở rộng) khóa II của Đảng Lao động Việt Nam (3-1955), xác định: “Kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân ta hiện nay là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm; đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất”1. Nghị quyết coi việc củng cố không ngừng tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân là phương châm đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Đảng, và cần “Làm cho nhân dân ta nhận rõ lập trường quốc tế của ta là đứng hẳn về phe dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo”2. Từ năm 1956 đến năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều chuyến thăm Liên Xô và các nước XHCN. Liên Xô cử các đoàn đại biểu thăm Việt Nam. Trên trường quốc tế, Liên Xô liên tục nêu cao vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đại diện ở các tổ chức quốc tế. Tháng 1-1957 và tháng 10-1958, Liên Xô kịch liệt phản đối kiến nghị của Mỹ và 12 nước khác kết nạp Nam Triều Tiên và Việt Nam Cộng hòa (Chính phủ Nam Việt Nam) vào Liên hợp quốc. Chính phủ Liên Xô cũng đã chuyển đến đồng Chủ tịch Hội nghị Giơnevơ là Vương quốc Anh tất cả các cáo buộc chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về những hành vi sai trái của Mỹ trong cuộc chiến tranh đang lan rộng3.

Từ năm 1959, Đảng Lao động Việt Nam xác định con đường của cách mạng miền Nam là đấu tranh vũ trang, “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”4. Những tài liệu chính thức tại Đại hội III (9-1960) của Đảng Lao động Việt Nam, xác định rõ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng CNXH ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi “ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Hai nhiệm vụ này được Hồ Chí Minh nói rõ tại Hội nghị Đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân, Mátxcơva, tháng 11-1960. 

Là người tiên phong trong việc xoay trục sang thế giới thứ ba, nhưng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nikita S. Khrushchev, nghi ngờ miền Bắc Việt Nam “nghiêng về phía Trung Quốc” và đối với ông, “vấn đề Việt Nam chỉ là một khía cạnh của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn của Liên Xô đối với Trung Quốc”5.  

Tháng 12-1963, HNTƯ 9 khóa III Đảng Lao động Việt Nam họp về tình hình quốc tế và nhiệm vụ quốc tế của Đảng và về cách mạng miền Nam. Nghị quyết Hội nghị về tình hình quốc tế dành nhiều trang phê phán chủ nghĩa xét lại, phê phán đường lối chung sống hòa bình, phê phán những người theo chủ nghĩa xét lại trong việc đánh giá Stalin và nhấn mạnh “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc hiện nay không thể tách rời cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là nguy cơ chủ yếu trong phong trào cộng sản quốc tế”6

Ngày 31-1-1964, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam, do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu, tới Mátxcơva, bắt đầu chuyến thăm Liên Xô. Tại các cuộc tọa đàm, Lê Duẩn và các đại biểu trong đoàn đã thể hiện các quan điểm của HNTƯ 9 khóa III của Đảng về các vấn đề quốc tế, đồng thời đề nghị Liên Xô ủng hộ những quyết định về phát triển cuộc đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng miền Nam với phương hướng là tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn. Tất nhiên quan điểm của Việt Nam khó được Khrushchev chấp nhận.  Lúc này, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Khrushchev, với chủ trương hòa hoãn với các nước phương Tây chi phối quan hệ quốc tế, cho rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam thực sự đã loại bỏ cơ hội theo đuổi một chính sách cùng tồn tại hòa bình. Khrushchev đã cho phía Việt Nam hiểu rằng, sẽ không có triển vọng trong việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nếu như Hà Nội không thay đổi lập trường7

Sau chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam, Liên Xô đã nhận thức rõ hơn vấn đề Việt Nam, về sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ vào Việt Nam. Liên Xô đã tổ chức một chương trình truyền thông lớn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam. Báo Pravda đăng bài với tựa đề “Không ai có thể chiến thắng những người yêu nước Nam Việt Nam”, ký tên tác giả là “Người quan sát”, khẳng định: Liên Xô ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, Liên Xô là “một người bạn đáng tin cậy cho tất cả những ai  đấu tranh cho hòa bình, tự do và giải phóng dân tộc”8

Cũng năm 1964, Liên Xô công bố Thư của Khrushchev gửi các nguyên thủ quốc gia trên thế giới về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia và các biện pháp giải quyết. Một vấn đề liên quan được đề cập trong thư là “sự thống nhất đất nước ở Đức, Triều Tiên và Việt Nam... Mong muốn thống nhất đất nước của nhân dân ở các nước đó đáng thông cảm và trân trọng. Tất nhiên, nguyện vọng thống nhất đất nước phải được giải quyết bởi chính người dân trong các nước đó và bằng chính quyền của họ chứ không phải bằng sự can thiệp quân sự từ bên ngoài hoặc xâm lược, ví dụ như đã xảy ra ở Nam Triều Tiên và Nam Việt Nam”9. Khrushchev khẳng định quan điểm: “để giải quyết được các vấn đề này, thì việc tránh sử dụng vũ lực, cho phép người dân ở những nước đó thực hiện bằng biện pháp hòa bình là cần thiết. Tất cả các quốc gia khác phải khuyến khích cách làm này”10

Trong bối cảnh quan hệ Xô-Trung căng thẳng, Liên Xô phải tập trung giải quyết các vấn đề châu Âu, hòa hoãn với Mỹ, thực hiện đường lối “cùng tồn tại hòa bình” của Khrushchev, quan hệ Việt-Trung lại đang tốt đẹp, việc Liên Xô chưa tập trung nhiều vào việc ủng hộ toàn diện đối với Việt Nam là có thể hiểu được. Các chuyến thăm và làm việc của hai bên, những tuyên bố của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bài viết trên báo thể hiện sự ủng hộ về ngoại giao ở mức độ nhất định của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Giai đoạn 1964-1968

Từ ngày 14-10-1964, Liên Xô có sự thay đổi lãnh đạo. Leonid Brezhnev làm Bí thư thứ nhất và A. N. Kosygin làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Không lâu sau sự kiện này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang dự lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười và được các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô đón tiếp thân mật. Trong bài phát biểu với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trước Xôviết Tối cao ngày 9-12, Kosygin nói rõ cần cung cấp “viện trợ và ủng hộ cần thiết cho nhân dân Việt Nam”; Bộ trưởng Ngoại giao Andrey Gromyco cũng nhắc lại cam kết này trong một phát biểu vào ngày 30-12. Ngày 20-12-1964, báo Pravda đăng tuyên bố của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đã giải phóng được ¾ miền Nam, trong đó có sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của Liên Xô. Ngày 1-1-1965, Liên Xô thông báo Mặt trận sẽ đặt phái đoàn thường trực tại Mátxcơva.  

Điểm nhấn trong chủ trương ủng hộ Việt Nam của Liên Xô là chuyến thăm của Kosygin, bắt đầu từ ngày 6-2-1965 nhằm củng cố nền tảng mới cho quan hệ giữa hai bên. Ngày 7-2, quân giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công căn cứ của Mỹ ở Pleiku. Mỹ lập tức trả đũa. Ngoài việc không quân Mỹ ném bom miền Bắc ngay ngày hôm sau, Tổng thống Johnson còn phê chuẩn các kế hoạch không kích miền Bắc Việt Nam. Ngày 9-2-1965, Chính phủ Liên Xô ra tuyên bố, Liên Xô “cùng với các đồng minh và bạn bè của mình có thể thực hiện những bước xa hơn để bảo vệ an ninh và tăng cường sự phòng thủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Ở Việt Nam, Kosygin và Phạm Văn Đồng cũng ra một tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định “Liên Xô sẽ không giữ thái độ làm ngơ đối với việc bảo đảm an ninh của một nước xã hội chủ nghĩa anh em” và sẽ “cung cấp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những khoản viện trợ và sự giúp đỡ cần thiết”11

Đằng sau những tuyên bố trên, cũng phải thấy rằng Liên Xô không muốn cho tình hình ở Việt Nam trở nên căng thẳng và mong muốn cho các bên có liên quan giải quyết với nhau thông qua thương lượng. Ngay khi mới tới Hà Nội, Kosygin đã phát biểu: “Chính phủ Liên Xô ủng hộ quyết định của Hội nghị Các nước Không liên kết tại Cairo kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế mới về Đông Dương với mục đích giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách hòa bình”12

Từ sau chuyến thăm của Kosygin, cùng với những viện trợ thiết thực về kinh tế, quân sự, các hoạt động ngoại giao của Liên Xô ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam được gia tăng. Liên Xô đã giúp Việt Nam ngăn chặn âm mưu của Mỹ sử dụng Liên hợp quốc vào các hoạt động phục vụ lợi ích riêng của Mỹ liên quan vấn đề Việt Nam. Các phát biểu công khai của các nhà lãnh đạo Liên Xô đã thể hiện và bảo vệ quan điểm của Việt Nam. Liên Xô còn tập hợp sự ủng hộ từ các nước khác, tạo sức ép đối với Liên hợp quốc nhằm tạo lợi thế về ngoại giao cho Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Liên Xô không tỏ ra tin tưởng vào thắng lợi sau cùng của Việt Nam trong cuộc chiến, nên mong muốn tìm kiếm giải pháp về vấn đề Việt Nam thông qua đàm phán. Phía Việt Nam thấy điều kiện đàm phán chưa chín muồi vì Mỹ vẫn tiến hành ném bom miền Bắc, chưa chịu rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Từ năm 1965, Bộ Chính trị đã nghiên cứu các khả năng đàm phán nhưng sau đó thấy quyết tâm xâm lược của Mỹ vẫn còn cao khi Mỹ chỉ đồng ý ngừng ném bom nếu Hà Nội chấm dứt “xâm nhập miền Nam” và rút quân. HNTƯ 12 khóa III (12-1965) nhận định: “Chỉ khi nào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị đè bẹp, những mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập của nhân dân miền Nam được bảo đảm thì ta mới có thể thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam”13. Hội nghị cũng khẳng định sách lược vừa đánh vừa đàm sẽ được sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 30-1-1967, Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Ilya Shcherbakov gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để trao cho Việt Nam những đề nghị của Liên Xô về đàm phán. Phạm Văn Đồng cho Shcherbakov biết: “vào lúc này, chúng tôi xem đấu tranh quân sự là chính”. Kết thúc buổi gặp, Phạm Văn Đồng nói, Hà Nội sẽ không phản đối việc Liên Xô thăm dò những dự định của Mỹ. Trong chuyến thăm Anh đầu tháng 2-1967, Kosygin và người đồng cấp, Thủ tướng Anh Harold Wilson, đều thể hiện sự quan tâm đến vấn đề đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Kosygin chỉ ra rằng, Liên Xô và Anh có thể giúp các bên tham chiến tìm lối thoát ra khỏi xung đột: “Cách tốt nhất để thực hiện điều này là làm cho Mỹ và Bắc Việt Nam ngồi lại với nhau” và đề nghị hai nước sẽ thuyết phục Tổng thống Johnson14. Cố gắng của Kosygin và Wilson đều không thành do trong văn bản mà Kosygin nhận được tại cuộc gặp, Mỹ vẫn đòi Bắc Việt Nam chấm dứt “sự xâm nhập” vào Nam Việt Nam thì mới chịu chấm dứt ném bom. Phải đến khi Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, những hình ảnh về lính Mỹ bị chết thảm thương và vô ích tại chiến trường miền Nam Việt Nam được đưa về từng gia đình Mỹ qua truyền hình, tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ khắp nước Mỹ, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ L.Johnson mới tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, trừ khu vực phía Bắc khu phi quân sự; sẵn sàng cử đại diện của Mỹ “đến bất cứ đâu”, vào “bất cứ lúc nào” để đàm phán về các biện pháp đưa cuộc chiến tranh đi đến kết thúc. Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin tại Mỹ nói chuyện với W. Averell Harriman, ngày 1-4-1968 đã giải thích rằng, Mátxcơva sẽ không chống lại bất kỳ một hoạt động nào của Mỹ ở miền Nam Việt Nam một khi Mỹ “để cho Bắc Việt Nam yên thân”. Cũng chính các nhà lãnh đạo Liên Xô gợi ý chọn Pari, Thủ đô nước Pháp, làm địa điểm diễn ra đàm phán sau khi nhiều địa điểm trước đó do Mỹ và Việt Nam đưa ra đều không được chấp nhận. 

Nhìn lại quá trình Liên Xô ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao chống Mỹ, cứu nước, có thể thấy cho đến năm 1964, Liên Xô chỉ tập trung hỗ trợ cho Việt Nam để xây dựng kinh tế, văn hóa-giáo dục, tăng cường năng lực quốc phòng ở mức độ đủ để xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Sự phối hợp và ủng hộ về ngoại giao của Liên Xô đối với Việt Nam cũng chỉ trên tinh thần lên án các hoạt động của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đấu tranh trên diễn đàn quốc tế đòi miền Bắc cũng phải có những điều kiện, vị thế mà Nam Việt Nam có. Từ năm 1964 đến năm 1968, Liên Xô quan tâm nhiều hơn đến vấn đề Việt Nam, tăng cường viện trợ kinh tế, văn hóa-giáo dục, viện trợ quân sự, đáp ứng nhu cầu của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nét mới của giai đoạn 1964-1968 là Liên Xô có những lần làm trung gian hòa giải. Xuyên suốt cả hai giai đoạn 1954-1964 và 1964-1968, Liên Xô mong muốn giải quyết tình hình căng thẳng ở Việt Nam thông qua đàm phán. 

Nghiên cứu quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô ngay từ giai đoạn đầu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho thấy, mặc dù cùng hệ thống XHCN, cùng hệ tư tưởng, nhưng mỗi nước, mỗi Đảng lại có những điều kiện riêng, nhiệm vụ cách mạng riêng mà các bên cần phải tôn trọng. Muốn thúc đẩy quan hệ, cả Việt Nam và Liên Xô cần phải biết kết hợp hài hòa giữa nhu cầu của mình và nhu cầu của đối tác, tìm ra những điểm tương đồng về lợi ích. 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 11/2019

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 16, tr. 207, 217

3. Xem Charles B. Mc Lane: “The Russians and Vietnam: Strategies of Indirection”, International Journal, Toronto Vol. 24, Iss. 1,  (Mar 1969), p. 51

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T. 20, tr. 82

5. Sergey, Radchenko: “Why Were the Russians in Vietnam?”, New York Times (Online), New York: New York Times Company, Mar 27, 2018

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2003, T. 24, tr. 769-770

7, 8, 9, 10, 11, 14. Ilya V. Gaiduk: Liên bang Xôviết và chiến tranh Việt Nam, Nxb CAND, H, 1998, tr. 31-32, 35, 22, 23, 70-71, 202-208

12. Charles B. Mc Lane: “The Russians and Vietnam: Strategies of Indirection”, International Journal, Toronto Vol. 24, Iss. 1,  (Mar 1969), p. 55. Cũng theo nghiên cứu này, cùng ngày 9-2-1965, phát biểu trước đó, Phạm Văn Đồng có nói đến một hội nghị về Đông Dương nhưng giới hạn thành phần tham gia là “các dân tộc ở Đông Dương”

13. Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, Nxb ST, H,1986, T. 2, tr. 32.

TS LƯƠNG VIẾT SANG

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Giai đoạn 1954-1964 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Sau Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương 1954, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. NQTƯ 7 (mở rộng) khóa II của Đảng Lao động Việt Nam (3-1955), xác định: “Kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân ta hiện nay là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm; đế quốc Mỹ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất”1. Nghị quyết coi việc củng cố không ngừng tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân là phương châm đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Đảng, và cần “Làm cho nhân dân ta nhận rõ lập trường quốc tế của ta là đứng hẳn về phe dâ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn