Ngày 16-7-1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, Đảng bộ huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) đã vận động quần chúng nhân dân tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai có quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ giành thắng lợi. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa đã chung sức, đồng lòng để xây dựng, phát triển tỉnh.

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa (16-7-1930 - 16-7-2024): Mốc son lịch sử
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa (16-7-1930 - 16-7-2024): Mốc son lịch sử

Sục sôi khí thế cách mạng

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở Đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định khá nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình đấu tranh phối hợp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Lúc bấy giờ Đảng bộ huyện Tân Định có 20 đảng viên và hơn 500 hội viên các đoàn thể quần chúng, có những nơi cơ sở cách mạng phát triển mạnh, như: Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp.

Một góc thị xã Ninh Hòa hôm nay. Ảnh: THÁI THỊNH
Một góc thị xã Ninh Hòa hôm nay. Ảnh: THÁI THỊNH

Ngày 12-7-1930, Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ thị chính thức cho Đảng bộ huyện Tân Định tổ chức cuộc biểu tình. Huyện ủy triệu tập các bí thư khu vực đến nhà đồng chí Lê Dung (nay là nhà số 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) họp từ nửa đêm 13-7 đến sáng 14-7. Hội nghị chủ trương huy động tất cả hội viên các hội quần chúng trên địa bàn huyện tham gia, qua đó lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Cuộc biểu tình được tổ chức vào ngày 16-7-1930.

Đúng 5 giờ ngày 16-7-1930, đông đảo người dân các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại vùng núi ổ Gà phía đông làng Cây Chò (Văn Định Thượng, xã Ninh Đông ngày nay) rồi xuống đường kéo vào huyện lỵ. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đả đảo khủng bố”, “Giảm sưu, giảm thuế, bỏ thuế chợ, tăng giá lúa”, “Ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh”, “ Ủng hộ Liên bang Xô Viết”. Đoàn biểu tình hùng dũng kéo vào bao vây huyện đường, phá nhà giam, thả tù chính trị, đưa yêu sách. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, run sợ, không dám có hành động chống đối, phải cúi đầu chấp nhận ký vào bản yêu sách cách mạng của nhân dân. Thừa thắng, đoàn biểu tình tỏa về các ngả đường biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh, chợ đang đông người cùng tập trung tới nghe. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp đoạt. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, kết thúc thắng lợi cuộc biểu tình.

Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, hòa vào trào lưu chung của phong trào cách mạng cả nước, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Cuộc biểu tình chứng minh ý thức chấp hành chủ trương của Trung ương một cách nghiêm túc, sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - một Đảng bộ vừa mới thành lập chưa đầy 5 tháng. Đồng thời cũng chứng minh tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa, ngay từ khi có Đảng đã đi theo con đường cách mạng của Đảng. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17-12-2002, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định lấy ngày 16-7 hàng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Xây dựng quê hương giàu đẹp

Phát huy tinh thần ngày 16-7-1930, với sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến và đế quốc xâm lược. Vượt qua những mất mát, đau thương, quân và dân Khánh Hòa vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, kiên cường, bền bỉ chiến đấu và đã góp phần xứng đáng cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Suốt gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ tỉnh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới đất nước; không ngừng vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng trong hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn. Điểm nhấn đó là Tỉnh ủy đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế vượt trội giúp khơi thông tiềm năng để tỉnh bứt phá, phát triển. Từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, đến nay đã biến chuyển sâu sắc, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử; tình hình chính trị ổn định. Bức tranh kinh tế - xã hội có những gam màu tươi sáng. Tỉnh lần lượt tham gia câu lạc bộ 500 tỷ, 1.000 tỷ vào năm 1995 và năm 2000. Từ năm 2003, Khánh Hòa tự hào là 1 trong 15 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách và đóng góp cho Trung ương. Đặc biệt, sau 2 năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (20,7%); năm 2023 tăng trưởng 10,35%, đứng thứ 4 cả nước, thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16%. Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Khánh Hòa là địa phương thường xuyên được các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước chọn làm nơi tổ chức những sự kiện chính trị, văn hóa, khoa học mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Tình hình an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, GRDP tăng 12,73% (đứng thứ 2 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung); thu ngân sách nhà nước đạt hơn 9.730 tỷ đồng, tăng 23%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 46,36%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 62.543 tỷ đồng, tăng 15,1%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1.051 triệu USD, tăng 16,9%; doanh thu du lịch đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 96%, với 5,2 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 2,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt hơn 32.899 tỷ đồng, tăng 10,3%. Tiến độ lập, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch và việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm, dự án trọng điểm ngoài ngân sách, nhất là tại Khu Kinh tế Vân Phong được quan tâm chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt; các hoạt động đối ngoại, liên kết vùng, diễn đàn chính sách địa phương được quan tâm, tổ chức thành công. Các lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đi vào nề nếp, đồng bộ, hiệu quả. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tích cực, tập trung chỉ đạo triển khai các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng  theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Công tác cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, chặt chẽ, khách quan, đúng thẩm quyền, đúng quy định, chú trọng xây dựng cán bộ trẻ, cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và chuẩn bị một bước nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Tỉnh đã thực hiện giao nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý qua kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm; đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên đạt kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng tiếp tục được đổi mới, đạt nhiều tiến bộ. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo và thực hiện bài bản, quyết liệt, hiệu quả. Công tác dân vận, hoạt động của UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào thực chất, gần dân, sát cơ sở, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân.

Những kết quả đạt được gần 40 năm qua là minh chứng sống động cho đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, thể hiện sự vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng của tỉnh; sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển tỉnh.

T.K

(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa)

Sục sôi khí thế cách mạng Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở Đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định khá nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình đấu tranh phối hợp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Lúc bấy giờ Đảng bộ huyện Tân Định có 20 đảng viên và hơn 500 hội viên các đoàn thể quần chúng, có những nơi cơ sở cách mạng phát triển mạnh, như: Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp.

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn