Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mê Kông đỏ nặng phù sa, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là thường có chung vận mệnh lịch sử. Từ rất sớm, nhân dân hai nước đã đoàn kết gắn bó bền chặt bên nhau chống thù chung, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), đặc biệt từ khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước được nâng lên tầm cao mới.

Đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt Nam – Lào trong hai cuộc kháng chiến
Đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt Nam – Lào trong hai cuộc kháng chiến

1. Năm 1945, nắm bắt thời cơ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản  Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 và sự tuyên bố độc lập của Lào ngày 12-10-1945. Tuy nhiên, niềm vui độc lập mà nhân dân hai nước được hưởng chẳng được bao lâu. Với bản chất xâm lược, hiếu chiến, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Nam Bộ, ráo riết tìm cách đặt lại ách thống trị ra miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, ở Lào, Pháp cũng cho quân chiếm đóng Thượng Lào, Trung Lào, nhất là dọc các trục đường quan trọng số 7, số 8 và số 9 sát biên giới của Việt Nam. Âm mưu của thực dân Pháp là tìm cách lập lại ách thống trị của chúng trên bán đảo Đông Dương.

Trước bối cảnh đó, sớm nhận thức sự cần thiết của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, hai nước đã ký Hiệp định tương trợ Việt Nam - Lào (16-10-1945) và sau đó là Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt (30-10-1945).

Trên cơ sở pháp lý của các hiệp định đã ký kết, các đơn vị vũ trang Việt Nam sang phối hợp, sát cánh với quân dân Lào chống kẻ thù chung. Thực tiễn kháng chiến khó khăn, gian khổ, tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước trong hành trình đấu tranh giành độc lập, tự do, tiếp tục được củng cố và phát triển trong tình hình cách mạng mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi Liên Hợp quốc (12-1946): “Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền”1.

Sau một thời gian trở lại xâm lược Việt Nam và Lào, thực dân Pháp tìm mọi cách áp đặt sự thống trị tới mọi vùng miền của hai nước. Trước tình hình chiến tranh ngày càng lan rộng, ngày 12-12-1946, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương không chỉ đề cập tới những vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà còn nêu rõ chủ trương đoàn kết chiến đấu ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia. Tinh thần đoàn kết, sát cánh cùng chung chiến hào kháng chiến chống thực dân Pháp giữa quân dân hai nước tiếp tục được Tổng Bí thư Trường - Chinh khẳng định trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi: “Phải giúp đỡ các dân tộc Đông Dương về vật chất cũng như về tinh thần để chóng đè bẹp bọn thực dân phản động Pháp, kẻ phá hoại hoà bình và dân chủ trên thế giới”2.

Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng, để công tác giúp Bạn ngày càng hiệu quả, Bộ Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam đã chỉ đạo thành lập một hệ thống tổ chức chuyên giúp Bạn. Theo đó, đầu năm 1948, các Liên khu 3, 4, 5, 10 lần lượt cử nhiều cán bộ sang giúp Lào xây dựng cơ sở, tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang và huấn luyện tác chiến. Sau gần hai năm, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện”. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quân tình nguyện Việt Nam từ đây có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và trực tiếp, làm cho mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Lào Ítxala3 có bước phát triển mới.

 

 

2. Cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển phong trào cách mạng ở cả ba nước Đông Dương những năm này là phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong khi Đảng hoạt động bí mật và chưa có điều kiện thành lập ở mỗi nước một đảng riêng, Đảng Cộng sản Đông Dương có trách nhiệm lãnh đạo phối hợp cuộc kháng chiến của ba dân tộc. Trên tinh thần đó, đầu năm 1951, Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Tuyên Quang (11 đến 19-2-1951) quyết định thành lập ở mỗi nước một chính đảng, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng của mỗi nước. Ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam; ở Lào (sau Đại hội II, những người cộng sản đã tổ chức thành Nhóm nhân dân Lào để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến), chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Nhân dân Lào (22-3-1955).

 

Về vấn đề đoàn kết, liên minh chiến đấu cùng chống thực dân Pháp, “Đảng Lao động Việt Nam chủ trương dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ hai dân tộc Miên, Lào kháng chiến giành độc lập, cùng Việt Nam hoàn toàn giải phóng Đông Dương”4 và “dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương. Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến”5. Phát biểu tại Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào”6. Ngày 11-3-1951, tại Việt Bắc, Hội nghị liên minh nhân dân Lào - Việt Nam - Campuchia, biểu thị tình đoàn kết, liên minh chiến đấu của 3 nước đã được tiến hành. Các đại biểu các Mặt trận Liên Việt, Ítxala và Itxarắc, tuyên bố thành lập khối liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau, nhằm mục tiêu đánh đuổi bọn xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho mỗi nước hoàn toàn độc lập.

Như vậy, việc tăng cường đoàn kết liên minh chiến đấu giữa quân đội hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là chủ trương chiến lược nhất quán của Đảng kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Xuất phát từ chủ trương chiến lược đúng đắn này, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam gồm các Đoàn 80, 81, 82, 83 ở Thượng Lào, Đoàn 280 ở Trung Lào và các đại đội, tiểu đoàn ở Hạ Lào đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sát cánh cùng quân đội Lào chiến đấu và công tác. Trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản cao cả, cùng quân đội Lào Ítxala xây dựng cơ sở và phong trào kháng chiến từ nhỏ đến lớn, từ cơ sở đến từng vùng và toàn quốc. Kết quả của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước là những thắng lợi vang dội trên khắp chiến trường Thượng, Trung, Hạ Lào trong các năm 1951, 1952, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và nhân dân Đông Dương. Đặc biệt, sang năm 1953, để lãnh đạo cách mạng hai nước phát triển, đồng thời đưa tình đoàn kết liên minh chiến đấu giữa hai quân đội lên một tầm cao mới, Việt Nam và Lào đã quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công giải phóng Sầm Nưa. Trong “Thư gửi các đơn vị bộ đội ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng Lào”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”7. Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, tạo điều kiện cho cách mạng Lào phát triển. Tiếp đó, trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với quân dân Lào đẩy mạnh thế trận đánh địch, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Việt Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), lập lại hòa bình ở Đông Dương.

 

 

3. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển lên đỉnh cao của hình thức liên minh chiến lược trực tiếp chống đế quốc, trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết, chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Thủy chung với tình hữu nghị truyền thống, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ đến mức cao nhất cả về vật chất lẫn tinh thần cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân các bộ tộc Lào.

 

Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (19-10-1954) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (11-1954) đã ra nghị quyết khẳng định tiếp tục tăng cường đoàn kết giữa quân dân hai nước, trước mắt tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Lào.

Từ cuối năm 1958, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đẩy mạnh các hoạt động lật lọng, từng bước xoá bỏ các hiệp ước hoà hợp dân tộc đã được ký kết để cuối cùng trắng trợn xoá bỏ Chính phủ liên hiệp và hoà hợp dân tộc. Trước sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mỹ vào Lào, Hội nghị Trung ương Đảng Nhân dân Lào (3-6-1959) xác định cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn từ đấu tranh công khai hợp pháp là chủ yếu, chuyển sang đấu tranh vũ trang là chủ yếu.

Thống nhất với quan điểm trên của Đảng Nhân dân Lào, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (2-7-1959) đề ra chủ trương chi viện cách mạng Lào đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng trong tình hình mới và coi đây là một nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Theo đó, ngày 12-9-1959, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 446-QĐ/QP thành lập Đoàn 959 (còn gọi là Đoàn công tác miền Tây) với nhiệm vụ làm chuyên gia về quân sự cho Quân ủy Trung ương và Bộ Chỉ huy Tối cao Lào; tổ chức chi viện vật chất của Việt Nam cho cách mạng Lào và trực tiếp chỉ huy các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn. Sự chi viện, giúp đỡ và đoàn kết chiến đấu kịp thời của Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào bước sang giai đoạn mới, hỗ trợ đắc lực cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn sự phát triển của cách mạng hai nước, đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn đẩy mạnh việc đánh phá hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Đông Trường Sơn. Trước tình hình đó, được sự ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, đường Trường Sơn đã được lật cánh sang phía Tây, chạy trên đất Lào. Đặc biệt, trong nhiệm vụ hết sức quan trọng này, nhân dân các bộ tộc Lào ở nhiều bản, làng vùng Trung - Hạ Lào đã tự nguyện rời bỏ nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình đi nơi khác sinh sống, góp công, góp của cho sự phát  triển của đường Trường Sơn, kịp thời chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân hai nước. Và, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ của nhân dân hai nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào8, ngày 5-9-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Vương quốc Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Theo đó, từ cuối năm 1963, đầu năm 1964, Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 2.000 chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Đặc biệt, từ giữa năm 1964, đã thành lập hệ thống chuyên gia quân sự Việt Nam từ cơ quan Bộ chỉ huy Tối cao Lào xuống đến Bộ tư lệnh các quân khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn, có nhiệm vụ phối hợp với Bạn nghiên cứu kế hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ ở Lào.

Sau hơn một thập kỷ xâm lược Lào, đế quốc Mỹ không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, do đó, từ giữa năm 1965, chúng đã thực hiện bước leo thang chiến tranh mới, đưa lực lượng không quân Mỹ vào tham chiến ở Lào, đẩy mạnh chiến tranh đặc biệt ở Lào; đồng thời tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Trước bối cảnh đó, ngày 22-6-1965, Đảng Lao động Việt Nam đã hội đàm với Đảng Nhân dân Lào thống nhất các nội dung phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, trong đó tập trung giúp Lào xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang. Tiếp đó, ngày 3-7-1965, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết khẳng định: Việt Nam cần phải nỗ lực đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của Lào.

Quán triệt chủ trương của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đầu năm 1968, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân đội giải phóng nhân dân Lào9 mở chiến dịch tiến công Nặm Bạc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc - Khăm Đeng với trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia. Thắng lợi của chiến dịch Nặm Bạc thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào, đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân đội hai nước. Trong đó, thể hiện tình cảm chân thành nhất mực, sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (12-1968) đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Việt Nam đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào… Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”.

Những năm 1969 - 1972, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường”, tập trung quân phái hữu Lào, quân Thái Lan với sự chi viện của không quân Mỹ, mở nhiều cuộc tiến công lớn hòng thu hẹp vùng giải phóng, tiêu diệt các lực lượng cách mạng Lào, Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp đoàn kết chiến đấu với Quân đội giải phóng nhân dân Lào mở chiến dịch Mường Sủi (1969), Toàn Thắng (10-1969−4-1970), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (1972),... thắng lợi. Tiếp đó, trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng, khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào10 lãnh đạo quân dân Lào đứng lên lật nhào ách thống trị của kẻ thù, Đảng Lao động Việt Nam và Quân ủy Trung ương Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo quân tình nguyện phối hợp cùng nhân dân Lào đồng loạt nổi dậy và tiến công toàn diện, đập tan chính quyền phản cách mạng, góp phần vào sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (2-12-1975).

Có thể nói, trong từng giai đoạn và từng thời điểm cụ thể, nắm bắt chặt chẽ tình hình Lào đồng thời theo đề nghị của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Việt Nam đã lần lượt đưa các đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện sang phối hợp, đoàn kết, giúp đỡ quân đội và nhân dân Lào kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Lào đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đã từng nhận định: “Được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam giáo dục, rèn luyện, ngay từ đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản cao cả, mấy chục năm ròng in dấu trên khắp mọi chiến trường đất nước Lào, đem máu xương, công sức và kinh nghiệm của mình giúp Lào xây dựng lực lượng và chiến thắng”.

Trong thời kỳ mới, Việt Nam và Lào vững bước trên con đường hội nhập quốc tế, những bài học kinh nghiệm về chủ trương chiến lược nhất quán của Đảng trong lãnh đạo quân đội hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đoàn kết liên minh chiến đấu vẫn vẹn nguyên giá trị, có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực và thế giới.


Bài đăng trên Tap chí Lịch sử Đảng số 2/2014

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T.4, tr.470

2. Trường - Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb ST, H, 1975, T.1, tr.249

3. Quân đội Lào Ítxala thành lập ngày 20-1-1949

4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T.12, tr.476, 442

6. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T.6, tr.153-176

7. Sđd, T.7, tr.64

8. Hiệp định Giơnevơ về Lào ký kết ngày 23-7-1962

9. Năm 1966, Quân đội Lào Ítxala đổi tên thành Quân đội giải phóng nhân dân Lào

10. Năm 1972, Đảng Nhân dân Lào đổi tên thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

PGS, TS TRẦN THỊ THU HƯƠNG

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
1. Năm 1945, nắm bắt thời cơ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản  Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 và sự tuyên bố độc lập của Lào ngày 12-10-1945. Tuy nhiên, niềm vui độc lập mà nhân dân hai nước được hưởng chẳng được bao lâu. Với bản chất xâm lược, hiếu chiến, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Nam Bộ, ráo riết tìm cách đặt lại ách thống trị ra miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Trong khi đó, ở Lào, Pháp cũng cho quân chiếm đóng Thượng Lào, Trung Lào, nhất là dọc các trục đường quan trọng số 7, số 8 và số 9 sát bi&eci

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn