Dấu ấn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch giai đoạn 1971 - 1975
Dấu ấn của Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch giai đoạn 1971 - 1975

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) tổ chức “Ðoàn công tác đặc biệt” (sau là Ðoàn 559, đến tháng 7/1970 đổi tên thành Bộ tư lệnh Trường Sơn), có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân-chính-đảng từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc chiến đấu, công tác, thực hiện các nhiệm vụ khác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là để lại dấu ấn đậm nét trong thắng lợi của các chiến dịch từ năm 1971 đến 1975.

Đơn vị binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất, hoạt động trên địa bàn rộng nhất với phương thức đa dạng nhất

Về tổ chức, biên chế, đầu năm 1974, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã phát triển đến đỉnh cao về quy mô tổ chức binh chủng hợp thành, gồm 9 sư đoàn binh chủng, 12 trung đoàn binh chủng cơ động và 1 sư đoàn cao xạ, 1 trung đoàn tên lửa do Bộ phối thuộc; toàn tuyến có hơn 10.000 xe vận tải các loại và hơn 1.500 xe-máy phục vụ các binh chủng. Tổng quân số kể cả lực lượng phối thuộc và thanh niên xung phong là 120.000 người.

Chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn hạ quyết tâm trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

Về địa bàn hoạt động, đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trở thành mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 trục dọc, 21 trục ngang nối Đông và Tây Trường Sơn, tổng chiều dài hơn 17.000km; một tuyến đường kín dài 3.140km; hệ thống đường sông dài 500km; hệ thống đường ống xăng dầu gần 1.500km xuyên Đông và Tây Trường Sơn vào đến Bù Gia Mập (Bình Phước); hệ thống đường dây thông tin gồm 4.000km dây trần, 11.569km dây bọc, 384km dây cáp... từ miền Bắc đến các chiến trường miền Nam, Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, đi qua 20 tỉnh của 3 nước Đông Dương.

Hoạt động của Bộ đội Trường Sơn diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, từ sửa chữa, làm mới, ngụy trang, chiến đấu bảo vệ cầu, đường; tổ chức vận tải đường bộ, đường sông bằng phương tiện thô sơ, cơ giới, cả ngày lẫn đêm; tổ chức và bảo vệ hệ thống bến, kho, trạm, binh trạm; tiếp nhận, cất trữ, cấp phát vật chất, vũ khí, trang bị; đưa đón cán bộ, bộ đội vào Nam, ra Bắc; chiến đấu chống địch tiến công đường bộ, đường sông và đường không; phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực của Bộ và LLVT hai nước bạn; đào tạo cán bộ; tổ chức giao liên, văn hóa-văn nghệ; thu dung, điều trị thương binh, bệnh binh; sửa chữa, khôi phục xe-máy, khí tài, trang bị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, vận động nhân dân các địa phương trên tuyến vận tải chiến lược đi qua... hợp thành tổng thể thống nhất mang tính đa dạng, đặc thù riêng biệt.

Với tầm vóc của một đơn vị binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất, hoạt động trên địa bàn rộng nhất với phương thức đa dạng nhất, Bộ đội Trường Sơn là lực lượng chiến lược góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch, trong đó có các chiến dịch từ năm 1971 đến 1975.

Lực lượng chi viện chiến lược, hậu phương chiến lược trực tiếp của các chiến trường, chiến dịch

Với thế trận đường vận tải, cơ động như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, cùng với lực lượng hùng mạnh của Bộ đội Trường Sơn, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh trở thành căn cứ chiến lược, nơi đứng chân của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật. Từ Trường Sơn, các binh đoàn chủ lực xuất phát tham gia nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Chiến dịch Đường 14-Phước Long cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bằng sự nỗ lực cao độ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn, sức người, sức của chi viện các chiến trường ngày càng tăng. Suốt 16 năm dưới sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển hơn một triệu tấn vật chất, vũ khí giao cho các chiến trường; bảo đảm hành quân cho hơn hai triệu lượt người; vận chuyển 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật tham gia các chiến dịch, tiếp sức cho các chiến trường đánh bại từng chiến lược chiến tranh của địch. Khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, lượng hàng vận chuyển tới các mặt trận lên tới 66.500 tấn. Trong năm 1973 và 1974, lượng hàng giao cho các chiến trường là hơn 403.300 tấn, gấp 3,8 lần giai đoạn 1969-1972. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn làm nên kỳ tích cơ động 3 quân đoàn chủ lực thần tốc từ miền Bắc vào tham gia giải phóng miền Nam.

Bộ đội Trường Sơn thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo sức khỏe cho các đơn vị trên tuyến vận tải chiến lược và các đơn vị hành quân vào Nam, ra Bắc. Từ năm 1966 đến 1975, quân y Bộ đội Trường Sơn đã thu dung gần 430.000 thương binh, bệnh binh; điều trị khỏi về đơn vị tiếp tục chiến đấu gần 325.000 đồng chí (hơn 75,5%), không cứu được 2.518 đồng chí (0,58%), số còn lại chuyển về tuyến sau. Trong các chiến dịch, nhất là Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào năm 1971, quân y Bộ đội Trường Sơn đã cứu chữa hàng nghìn tù binh, thực hiện tốt chính sách nhân đạo, chính sách tù, hàng binh của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta.

Lực lượng tác chiến tại chỗ, đạt hiệu quả cao

Đến giữa năm 1964, khi Bộ đội Trường Sơn phát triển phương thức vận tải cơ giới, đế quốc Mỹ tập trung lực lượng, sử dụng nhiều vũ khí, trang bị hiện đại nhất lúc bấy giờ để tiến hành cuộc “chiến tranh ngăn chặn” với cường độ ngày càng cao. Tính đến khi Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27/01/1973), Mỹ và tay sai đã huy động 733.000 lần chiếc máy bay đánh phá 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường của ta gần 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa số bom đạn mà “khối trục” phát xít sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Đồng thời, địch mở hàng trăm cuộc hành quân càn quét, đánh phá, nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta.

Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Bộ đội Trường Sơn đã chiến đấu 2.500 trận bộ binh, loại khỏi vòng chiến đấu 18.740 tên địch, bắt 1.190 tên; thu, phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại; bắn rơi 2.455 máy bay các loại, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược. Riêng 6 tháng đầu năm 1972, lực lượng phòng không Bộ đội Trường Sơn bắn rơi 194 máy bay các loại, trong đó có 71 chiếc rơi tại chỗ; lực lượng bộ binh liên tục chiến đấu, diệt 1.924 tên địch, làm bị thương 1.515 tên, bắt 55 tên, thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Bộ đội Trường Sơn là lực lượng phối hợp tác chiến quan trọng với bộ đội chủ lực trong các chiến dịch. Trong Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, Bộ đội Trường Sơn bắn rơi 346 máy bay, diệt 8.105 tên địch, bắt 1.160 tên, phá hủy 136 xe tăng, xe cơ giới và 86 khẩu pháo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một hướng chính của chiến dịch. Cuối năm 1972, Bộ đội Trường Sơn phối hợp với Bộ đội Pathet Lào tiến công giải phóng một vùng rộng lớn từ ngã ba các đường 11, 13 đến Đồng Hến và từ Saravane, Bolaven đến Attapeu ở Hạ Lào. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, nhiều đơn vị của Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp tham gia các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ đội Trường Sơn sử dụng 6 sư đoàn binh chủng tham gia chiến đấu. Trong đó, 2 sư đoàn ô tô chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn đã trở thành lực lượng cơ động bộ binh đi cùng xe tăng, thiết giáp của các quân đoàn chủ lực đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và Dinh Độc Lập.

Lực lượng trực tiếp góp phần tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia

 Những năm 1970, 1971, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Ðông Dương. Ở Campuchia, Mỹ tiếp tay cho tập đoàn phản động Lonnon Xirich Matắc đảo chính lật đổ chính phủ trung lập Sihanouk, phong tỏa cảng Sihanoukville, cắt đứt tuyến chi viện đường biển của ta. Ở Lào, chúng sử dụng tay sai tiến công Cánh Đồng Chum, Sảm Thông, Loong Chẹng, Mường Phìn... Bộ đội Trường Sơn đã phối hợp với LLVT và nhân dân hai nước bạn đẩy mạnh tiến công địch ở Trung-Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, giải phóng các khu vực Attapeu, Saravane, Kengcốc, Pha Lan, mở rộng vùng giải phóng đến Tây Nguyên và miền Ðông Nam Bộ, tạo thế và lực mới cho cách mạng 3 nước. Sau cuộc đảo chính của Mỹ và ngụy Lonnon (năm 1970), đường vào cảng Sihanoukville bị cắt, toàn bộ vật chất chi viện cho LLVT Giải phóng Campuchia đều do Bộ đội Trường Sơn đảm nhiệm. Tháng 02/1973, Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt đưa Quốc trưởng Sihanouk và Hoàng hậu về thăm vùng giải phóng Campuchia theo Đường Trường Sơn.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Trường Sơn tích cực, tận tình giúp đỡ bạn xây dựng, củng cố cơ sở chính trị và LLVT, ổn định đời sống và sinh hoạt cho khoảng 250.000 bà con các dân tộc trên địa bàn hoạt động. Đáp lại tình cảm của Đảng, nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam mà Bộ đội Trường Sơn là đại diện tiêu biểu, trực tiếp, LLVT và nhân dân hai nước bạn đã góp công sức, máu xương xây dựng, chiến đấu bảo vệ tuyến vận tải chiến lược; chở che, giúp đỡ bộ đội và các lực lượng chiến đấu, công tác; tự nguyện dời bản, chuyển nhà để tuyến vận tải chiến lược ngày càng mở rộng, vươn xa...

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, sức mạnh của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa 3 nước Đông Dương được phát huy cao độ, trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần quốc tế vô sản vô tư, trong sáng, thủy chung, chí nghĩa, chí tình. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc vai trò là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa thành công chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, tăng cường đoàn kết, liên minh chiến đấu của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Chiến tranh ngày càng lùi xa, nhưng dấu ấn Bộ đội Trường Sơn trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ năm 1971 đến 1975 sẽ không phai mờ trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử xây dựng, phát triển, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.

Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự 

Thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) tổ chức “Ðoàn công tác đặc biệt” (sau là Ðoàn 559, đến tháng 7/1970 đổi tên thành Bộ tư lệnh Trường Sơn), có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam; đưa bộ đội, cán bộ cơ quan dân-chính-đảng từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc chiến đấu, công tác, thực hiện các nhiệm vụ khác. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là để lại dấu ấn đậm nét trong thắng lợi của các chiến dịch từ năm 1971 đến 1975. Đơn vị binh chủng hợp thành có quy mô lớn nhất, hoạt động trên địa bàn rộng nhất với phương thức đa dạng nhất Về tổ chứ

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn