Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ Việt Nam - Liên Xô (1950-1954)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan hệ Việt Nam - Liên Xô (1950-1954)

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến  nhiều quốc gia trên thế giới. Song Liên Xô, nước Nga ngày nay, là nơi Người đã dừng chân sống, lao động và học tập lâu nhất (trải qua hơn 6 năm, với 3 thời kỳ hoạt động: 1923-1924, 1927 và 1934-1938). Cũng chính trong những năm tháng đó, mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô đã được Người chắp nối và bước đầu xây dựng. Tuy nhiên, phải từ năm 1950, sau khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quan hệ giữa hai nước mới thực sự mở ra một thời kỳ mới. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Quá trình này được gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn chồng chất. Đó là tàn dư của chế độ cũ để lại; nền kinh tế - tài chính bị tàn phá; thiên tai, nạn đói, dịch bệnh liên tiếp đe dọa đời sống của nhân dân; các thế lực đế quốc phản động trong và ngoài nước cấu kết với nhau mưu đồ thủ tiêu chính quyền cách mạng nhằm nô dịch dân tộc ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng non trẻ lúc này đứng trước một tình thế vô cùng khó khăn, một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ nền độc lập của đất nước. Do vậy, bên cạnh việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vấn đề tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài để giữ vững nền độc lập dân tộc trở thành yêu cầu vô cùng cấp thiết của cách mạng Việt Nam lúc này.

Luôn coi Liên Xô là thành trì của phong trào cách mạng thế giới, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi biện pháp để tranh thủ sự giúp đỡ, tương trợ của Liên Xô. Người đã gửi rất nhiều điện, công hàm cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao Liên Xô yêu cầu được Liên Xô công nhận và giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn liên lạc và yêu cầu Liên Xô can thiệp với tư cách là một cường quốc Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ủng hộ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - một nhà nước có đầy đủ những điều kiện pháp lý gia nhập Liên hợp quốc. Tuy nhiên, do nhiều lý do, những nỗ lực trên không nhận được sự hồi đáp của Đảng và Nhà nước Liên Xô.

Tháng 2-1947, thông qua cơ quan đại diện của ta ở Băng Cốc (Thái Lan),Việt Nam đã chắp nối được liên lạc với người đại diện của Liên Xô tại đây. Tháng 4-1947, trong dịp dự Hội nghị Liên Á, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gặp đại diện Liên Xô ở Niu Đêli (Ấn Độ). Hai bên nhất trí sẽ họp kín ở châu Âu vào mùa Thu năm 1947.

Thực hiện thoả thuận trên, tháng 9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đi Thụy Sỹ làm việc với đại diện Chính phủ Liên Xô. Trong cuộc gặp này, Việt Nam đã thông báo cho người đại diện Chính phủ Liên Xô về tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, về sách lược tự giải tán của Đảng vào tháng 11-1945, về lập trường của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức đề nghị Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về tài chính, quân sự và yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề xung đột Pháp - Việt ra Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chính phủ Liên Xô chưa muốn công khai can thiệp vào vấn đề Đông Dương. Liên Xô đang tập trung vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước sau Chiến tranh thế giới II. Hơn nữa, Liên Xô còn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ đối ngoại khác. Vì vậy, như nhà sử học người Pháp Benoit De Treglodé đã nhận xét: “Liên Xô chỉ thấy ở cuộc gặp này một cơ hội để tìm hiểu về tình hình thuộc địa của Pháp vào thời điểm mà Đảng Cộng sản Pháp còn giữ một vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của chính quốc”1. Mặt khác, do thiếu thông tin hoặc do những báo cáo sai lệch, trong một số năm, Đảng Cộng sản Liên Xô đã có những nhận xét không đúng về Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuối năm 1948, Liên Xô đã phê phán cho rằng tình trạng thiếu tổ chức và tính tài tử của bộ máy Việt Nam, lên án Việt Nam Dân chủ Cộng hoà “đã quay lưng lại một lần nữa với thế giới tiến bộ trong một xu hướng dân tộc hẹp hòi”2. Những nhận định ấy trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô.

Như vậy, cho đến trước năm 1950, trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách thức để liên lạc, kết nối mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, song do nhiều lý do từ phía Liên Xô, tiến trình đó vẫn chưa đem lại kết quả. Do đó, bên cạnh những nỗ lực nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô cũng như các lực lượng tiến bộ khác trên thế giới, việc chủ động thực hiện “Toàn dân, toàn diện, lâu dài dựa vào sức mình là chính” để kháng chiến chống thực dân Pháp là quyết định đúng đắn và vô cùng sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đường lối kháng chiến đó, cách mạng Việt Nam mới có thể xây dựng lực lượng, giữ vững được chính quyền ở thời kỳ khó khăn này.

Trong khi việc liên lạc giữa cách mạng Việt Nam với Liên Xô diễn ra một cách chậm chạp và chưa đạt được một thoả thuận đáng kể thì tình hình chiến tranh Đông Dương lại có những diễn biến mới phức tạp.

Nhận định một cách đúng đắn sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Đông Dương khi có sự can thiệp của đế quốc Mỹ và những thuận lợi của bối cảnh quốc tế lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đẩy mạnh những hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ từ bên ngoài, đặc biệt là từ Liên Xô, người anh cả của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Người quyết định lên đường thăm Trung Quốc và Liên Xô.

Ngày 21-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Người đã thông báo tình hình cách mạng Việt Nam, đường lối chủ trương của Đảng và đề nghị Trung Quốc giúp đỡ. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ Trung Quốc thông báo cho đồng chí Xtalin, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô biết Người đang ở thăm Trung Quốc và đề nghị được gặp trực tiếp Xtalin để thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết về tình hình cách mạng Việt Nam. Xtalin đồng ý và mời Người sang thăm Liên Xô.

Ngày 3-2-1950, từ Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tàu hoả đến Mátxcơva (Liên Xô). Tại đây, Người đã có các cuộc gặp gỡ với những người đứng đầu Đảng, Nhà nước Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tình hình Việt Nam và Đông Dương. Người nói về cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; về tình thế vô cùng gian nguy sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Việt Nam đã phải vận dụng những chiến lược, sách lược riêng để tồn tại và đi lên giữa muôn vàn khó khăn. Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật cũng là một biện pháp buộc phải làm. Người còn thông báo tình hình cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp và đề nghị Liên Xô cùng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế giúp đỡ.

Nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, Xtalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu rõ hơn, thông cảm với tình hình khó khăn của cách mạng Việt Nam và đồng tình với đường lối và chủ trương của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo trong những năm qua. Chính phủ Liên Xô hứa sẽ tích cực viện trợ mọi mặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, sẽ giúp đào tạo cán bộ trên mọi lĩnh vực phục vụ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này của Việt Nam như lời khẳng định của đồng chí Xtalin: “Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tất cả những gì có thể. Từ nay trở đi, đồng chí có thể tin tưởng ở sự giúp đỡ của chúng tôi... chúng tôi có nhiều hàng hoá, chúng tôi sẽ chuyển tới cho các đồng chí qua Trung Quốc. Nhưng vì điều kiện tự nhiên trở ngại, chủ yếu Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu, chúng tôi sẽ cung cấp”3.

Chuyến đi thăm Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thắng lợi ngoại giao có ý nghĩa to lớn đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam từ đây có thêm hậu phương lớn từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Trên cơ sở đó, tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Sau gần một tháng chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn, một dải biên giới dài 750 km gồm 35 vạn dân, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em4. Với chiến thắng Biên giới năm 1950, ta đã phá được thế bao vây, cô lập của kẻ thù, đưa cuộc kháng chiến của ta lên một giai đoạn phát triển mới. Cánh cửa hậu phương quốc tế đã được mở, từ đây, cách mạng Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

Ngay sau khi Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950 kết thúc, ngày 14-10-1950, từ Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư bằng tiếng Anh, ký tên Din, gửi cho đồng chí Xtalin báo cáo về tình hình thắng lợi của cách mạng Việt Nam5. Trong thư, Người đã cảm ơn sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc, Liên Xô đối với thắng lợi của Chiến dịch Biên giới. Bức thư còn nói về kế hoạch Đại hội Đảng toàn quốc dự kiến vào cuối tháng 12-1950: “Vào tháng 12 sắp tới, chúng tôi sẽ họp Đại hội toàn quốc để thành lập một Đảng mới: Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là “cải cách” thành một đảng có một nửa triệu đảng viên được huấn luyện tương đối về chủ nghĩa Mác - Lênin. (Hiện nay chúng tôi có 750.000, nhưng nhiều người sẽ phải loại bỏ (cleansed out)”. Điều này cũng đúng với chủ trương của Đảng về việc tạm ngừng kết nạp đảng viên trong toàn quốc vào thời gian này như trong Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 14-9-1950: “Nay xét tình hình Đảng gần đây, và xét sự cần thiết chuẩn bị cho Đảng ra hoạt động công khai, Trung ương quyết định tạm ngừng kết nạp đảng viên mới trong toàn quốc để tập trung năng lực, phương tiện vào việc củng cố hàng ngũ, giáo dục đảng viên làm cho Đảng thành một đảng mạnh mẽ theo đúng tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin”6. Thông qua sự kiện này cũng cho ta biết rằng, trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ II diễn ra, số lượng đảng viên của Đảng đã có khoảng 750.000 người và con số này đã được rà soát, thanh lọc, còn khoảng 730.000 người như Đảng đã công bố ở Đại hội II (2-1951).

Tháng 10-1952, Đảng Cộng sản Liên Xô tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX, tại Mátxcơva. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được lời mời tham dự với tư cách là Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam. Song trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ, việc tham dự Đại hội gặp rất nhiều khó khăn. Chính trong hoàn cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý vô cùng khéo léo để tránh sự tấn công của kẻ thù trên lĩnh vực chính trị đối với ta, mặt khác không làm ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô.

Ngày 30-9-1952, tại Bắc Kinh, trong điện báo gửi đồng chí Philipốp - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn được dự Đại hội. Tuy nhiên, Người phân tích rằng: “nếu như tôi đi theo đường chính thức thì thứ nhất là cái cớ để kẻ thù tấn công chính trị chống Việt Nam; thứ hai, nếu là chuyến đi chính thức sẽ gây nhiều bất tiện trong việc tổ chức đón tiếp”. Người đề nghị: “tôi đến Mátxcơva ẩn danh với tên khác. Nếu như tôi không đến tham dự được Đại hội thì Đảng Lao động sẽ cử đại diện là Đại sứ Nguyễn Lương Bằng đang ở Mátxcơva tham dự Đại hội”7.

Liên tục trong các ngày, từ ngày 2 đến ngày 6-10-1952, giữa Mátxcơva và Bắc Kinh liên tiếp chuyển các bức điện trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Ngoại giao Liên Xô về chuyến đi Mátxcơva của Người. Cuối cùng, 7 giờ sáng ngày 6-10-1952, theo giờ Bắc Kinh, điện báo tối mật thông báo cho Bộ Ngoại giao Liên Xô biết rằng, Hồ Chí Minh và Lưu Trần Siêu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (thành viên trong đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô) đã bay trên chiếc chuyên cơ của Liên Xô để lên đường đến Mátxcơva, tham dự Đại hội với tư cách không chính thức như nguyện vọng của Người.

Tại Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô ở Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời chúc mừng bày tỏ tình đoàn kết gắn bó của Đảng và nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô, về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, qua đó giúp nhân dân Liên Xô và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành. Người viết: “Nhân dân Việt Nam hiểu rằng, Đại hội sẽ chỉ rõ con đường xây dựng hòa bình ở Liên Xô và không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân Xôviết, củng cố thành trì hòa bình cho toàn thế giới, cổ vũ nhân dân Việt Nam tích cực đẩy mạnh hơn nữa công cuộc kháng chiến đánh bại chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai”8. Tuy nhiên, vì tham dự với tư cách không chính thức, nên Lời chúc mừng Đại hội lần thứ XIX - Đảng Cộng sản Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh do đại diện Liên Xô đọc trong sự tán thưởng nhiệt liệt của các đại biểu tham dự Đại hội.

Có thể nói, ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nhận thức rõ vai trò quan trọng của Liên Xô và sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn từ Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thực hiện những hoạt động đối ngoại với Liên Xô. Tuy nhiên, phải từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Xtalin năm 1950, quan hệ Việt Nam - Liên Xô mới từng bước được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Thực tế thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) của Việt Nam không thể tách rời sự giúp đỡ của Liên Xô. Và trong tiến trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người có công đầu, người đặt nền tảng quan trọng cho tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô.


Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 3/2014

1, 2. Benoit De Treglode: “Những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Nam và Liên Xô (1947-1948)”, Tạp chí Xưa và nay, (73), 2000, tr. 9-11

3. William Duiker: Hồ Chí Minh, Hyperion, New York. Bản dịch lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, 2000, tr. 286

4. Xem Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2006, tr. 429

5. Tài liệu Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nga, bản sao tiếng Anh, lưu Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu 558.295.11.7-8

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T.11, tr. 482

7. Tài liệu Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nga,  bản sao tiếng Nga, ký hiệu 558.295.11.10-11

8. Tài liệu đã dẫn, bản sao tiếng Nga, ký hiệu 592.43.1.152-154.

TS PHẠM THỊ THANH MAI

 

Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến  nhiều quốc gia trên thế giới. Song Liên Xô, nước Nga ngày nay, là nơi Người đã dừng chân sống, lao động và học tập lâu nhất (trải qua hơn 6 năm, với 3 thời kỳ hoạt động: 1923-1924, 1927 và 1934-1938). Cũng chính trong những năm tháng đó, mối quan hệ Việt Nam - Liên Xô đã được Người chắp nối và bước đầu xây dựng. Tuy nhiên, phải từ năm 1950, sau khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, quan hệ giữa hai nước mới thực sự mở ra một thời kỳ mới. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi ho&ag

Tin khác cùng chủ đề

Tháng 3 ở Ninh Vân!
Phát huy giá trị bộ bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trong công tác thông tin, tuyên truyền hiện nay
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TỈNH KHÁNH HÒA (2-4-1975 - 2-4-2024): TRANG SỬ HÀO HÙNG VÀ CHÓI LỌI
Tinh thần quyết chiến quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của đồng bào các dân tộc Tây Bắc
Nghệ thuật tác chiến phòng không trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Gửi bình luận của bạn