Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương vô hạn cho các cháu thiếu niên và nhi đồng, Người khẳng định “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân”. Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là vấn đề mang tính chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, chứng kiến trẻ em ở các nước thuộc địa lầm than, Bác nghĩ về đất nước, thương thiếu niên, nhi đồng nước nhà phải sống cơ cực trong nỗi đau chung của người dân mất nước. Trong những năm hoạt động cách mạng, dù bận nhiều việc, Người vẫn luôn dành nhiều bài viết, gửi nhiều bức thư, bài thơ cho các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước, nhất là vào dịp Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu,… với những lời căn dặn ân cần, trìu mến. Người khuyên các em cố gắng học tập để kiến thiết đất nước; phải rèn luyện đạo đức cách mạng để trở thành công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Người căn dặn: “Các cháu phải chăm ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy phải kính trọng, lễ phép, đối với bạn phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, “Mong các cháu mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”. Trong Thư gửi thiếu niên nhi đồng toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong (ngày 15/5/1961), Người nêu rõ 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Thật thà, dũng cảm”. 

Theo Bác, trẻ em cần phải được chăm sóc và giáo dục thật tốt về mọi mặt: Sức khoẻ, học tập, vui chơi, giải trí và hoạt động đoàn thể để trở thành công dân có ích, gánh vác sứ mệnh đất nước sau này. Theo tư tưởng của Người, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, vì “Một năm khởi đầu bằng mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ”. Trước lúc “đi xa”, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”…

 Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn lực con người. Đường lối chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em được thể hiện rõ nét trong các văn kiện của Đảng. Hệ thống pháp luật về quyền trẻ em ngày càng được hoàn thiện. Vấn đề về quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013. Năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực với trẻ em. Tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em”.

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách liên quan đến trẻ em, các mô hình chăm sóc, giáo dục bảo vệ trẻ em hiệu quả. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, giúp ngăn ngừa các nguy cơ dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời, thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực tham gia của trẻ em vào các hoạt động xã hội. Công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được thực hiện nghiêm túc, bài bản. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động vì trẻ em, giai đoạn 2021 - 2030; chỉ đạo các đơn vị, địa phương đề xuất, góp ý sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách của Trung ương về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em để triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về: Chế độ học bổng cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số; chế độ hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho trẻ em bị bệnh tim trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em đang nuôi dưỡng tại Làng Trẻ em SOS Nha Trang;... kịp thời hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chính sách về học tập, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Công trình thanh niên khu sinh hoạt, vui chơi, học tập cho thiếu nhi

tại Nhà Thiếu nhi huyện Vạn Ninh do Huyện đoàn Vạn Ninh triển khai xây dựng

Công tác phối hợp liên ngành về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được phối hợp thường xuyên, chặt chẽ. Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động vì trẻ em, tổ chức các hoạt động Tết Nguyên đán, Tết Trung thu cho trẻ em, tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp với nhiều chủ đề ý nghĩa về vấn đề về quyền trẻ em; biện pháp, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích, an toàn trên môi trường mạng; Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn hóa, nghệ thuật tạo sân chơi cho các em học sinh tham gia; Tỉnh đoàn phối hợp với chính quyền, các ngành tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cho các em sinh hoạt tại nơi cư trú, các hoạt động dã ngoại, đền ơn đáp nghĩa, sinh hoạt hè, 100% cơ sở đoàn đều có công trình, phần việc dành cho thiếu nhi; Mặt trận các cấp tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;...

Diễn đàn trẻ em tỉnh Khánh Hòa lần thứ VII năm 2022, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức

 

Đặc biệt, từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai các chính sách hỗ trợ trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em, gia đình có trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động hỗ trợ trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 và trẻ em mồ côi có cha, mẹ tử vong do nhiễm COVID-19 với tổng kinh phí 771 triệu đồng. Ngành Y tế phối hợp tốt với các cơ sở giáo dục thực hiện tiêm vắc-xin cho các em học sinh tuổi từ 12 - 17 tuổi và trẻ từ 5 - 11 tuổi; Ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Chương trình “Kết nối mẹ đỡ đầu”, tiếp nhận đăng ký ủng hộ, đóng góp của các mẹ đỡ đầu, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh cho trẻ em mồ côi có cha, mẹ tử vong do nhiễm COVID-19 với tổng kinh phí 415 triệu đồng;…

Công đoàn ngành Giáo dục và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tổ chức trao tặng máy tính cho học sinh thiếu thiết bị học tập trực tuyến

Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm, các chỉ tiêu về sức khỏe, dinh dưỡng được cải thiện, chất lượng khám, chữa bệnh cho trẻ em ở tuyến huyện và xã ngày càng được nâng cao. Các dự án về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em được triển khai đồng bộ. Đến ngày 01/6/2021, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi là 7,38%, thể chiều cao theo tuổi là 8,53%. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em đã hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho 116 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí gần 7,3 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện tốt việc cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi, đến nay 100% trẻ em dưới 06 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng giảm, năm 2021 giảm còn 1%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc năm 2021 đạt 98,2%. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm và triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tăng cường hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích và bạo lực, xâm hại trẻ em; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các công trình phúc lợi, khu vui chơi giải trí cho trẻ em.

Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm đầu tư, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Triển khai hiệu quả công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo các cấp học. Đến năm học 2021-2022, trên địa bàn tỉnh có 534 trường mầm non, phổ thông và 05 trung tâm. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi ngày càng tăng; chất lượng học tập của học sinh ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng chặt chẽ. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của trẻ em ngày càng tốt hơn; các quyền được sống, phát triển, quyền học tập, quyền được tham gia, vui chơi của trẻ em ngày càng được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có nơi còn hạn chế; Một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bạo lực, xâm hại chưa được phát hiện và hỗ trợ kịp thời; Hiểu biết pháp luật của một số gia đình về quyền trẻ em, về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa có kiến thức và kỹ năng về bảo vệ trẻ em; Thông tin xấu, độc trên môi trường mạng, Internet ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và hành động của trẻ em;…

Để tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ và hiệu quả Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2030. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến trẻ em. Quan tâm đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tiếp tục đưa mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em, ưu tiên khu vực nông thôn, vùng núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có đông trẻ em dân tộc thiểu số sinh sống, Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em. Có chính sách trợ giúp, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các các hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ án, vụ việc liên quan đến quyền trẻ em...

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đặc biệt là cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Những tình cảm gần gũi, thân thương, nồng ấm và những lời dạy của Người về chăm sóc, giáo dục thế hệ măng non của đất nước là cơ sở cho Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh.

Lâm An

Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là vấn đề mang tính chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Những năm bôn ba tìm đường cứu nước, chứng kiến trẻ em ở các nước thuộc địa lầm than, Bác nghĩ về đất nước, thương thiếu niên, nhi đồng nước nhà phải sống cơ cực trong nỗi đau chung của người dân mất nước. Trong những năm hoạt động cách mạng, dù bận nhiều việc, Người vẫn luôn dành nhiều bài viết, gửi nhiều bức thư, bài thơ cho các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước, nhất là vào dịp Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu,… với những lời căn dặn ân cần, trìu mến. Người khuyên các em cố gắng học tập để kiến thiết đất nước; phải rèn luyện đạo đức cách mạng để trở thành công dân tốt, người cán bộ tố

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản

Gửi bình luận của bạn