Trẻ em người dân tộc thiểu số, học tiếng Kinh còn khó, ấy vậy mà ở Sơn Lâm, các em lại được làm quen với những từ tiếng Anh rất sớm. Từng con chữ được các đoàn viên, thầy giáo ở địa phương miệt mài gieo cho các em, cũng là hạt mầm hi vọng về tương lai tốt hơn cho thiếu nhi vùng cao.

Tấm lòng của người thầy Raglai
Tấm lòng của người thầy Raglai

Trẻ em người dân tộc thiểu số, học tiếng Kinh còn khó, ấy vậy mà ở Sơn Lâm, các em lại được làm quen với những từ tiếng Anh rất sớm. Từng con chữ được các đoàn viên, thầy giáo ở địa phương miệt mài gieo cho các em, cũng là hạt mầm hi vọng về tương lai tốt hơn cho thiếu nhi vùng cao.


Kiên nhẫn gieo chữ


Lớp học bắt đầu lúc 18 giờ 30 phút, nhưng chưa đến 18 giờ, thầy giáo trẻ Bo Bo Hồng Thịnh (sinh năm 1994, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lâm) đã chộn rộn xen lẫn lo âu vì trời mưa, thầy sợ mấy đứa học trò nhỏ không chịu đến lớp. “Mình biết mấy đứa chịu khó, siêng năng, nhưng cũng sợ trời mưa gió, tụi nhỏ ngại đi học”, thầy Thịnh nói. Sát giờ vào lớp, khoảnh sân trước phòng học ở Trung tâm Văn hóa xã đã rộn ràng tiếng cười nói của các học sinh, phụ huynh. Đếm đi đếm lại đã được hơn 20 em, thầy Thịnh liền đưa các em vào lớp để kịp giờ học. Giữa màn đêm tĩnh mịch, lớp học tiếng Anh của thầy trò diễn ra sôi nổi.

 

Thầy giáo Bo Bo Hồng Thịnh dạy học miễn phí cho thiếu nhi xã Sơn Lâm.

Thầy giáo Bo Bo Hồng Thịnh dạy học miễn phí cho thiếu nhi xã Sơn Lâm.


Lớp học không phân biệt độ tuổi, từ những em học sinh lớp 2, lớp 3 mới bập bẹ vài từ tiếng Anh đến những học sinh lớp 6, lớp 7 đều được tham gia. Ở đây, thầy Thịnh dạy cho các em về từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Chốc chốc, thầy giải nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt, có học sinh không hiểu được, thầy lại phải giải thích bằng tiếng Raglai. Các em không bắt buộc phải ghi chép bài, mà cần tập trung nghe giảng, thực hành nên đều rất hứng thú.  “Em học được nhiều từ mới tiếng Anh lắm. Mỗi buổi, thầy Thịnh dạy một chủ đề khác nhau nên em rất thích”, em Lê Thị Trúc Vy chia sẻ.

 

Được sự tận tình chỉ dạy của thầy giáo, các học sinh tự tin hơn  trong giao tiếp và sử dụng tiếng Anh.

Được sự tận tình chỉ dạy của thầy giáo, các học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và sử dụng tiếng Anh.


Theo thầy Thịnh, qua quá trình dạy học, thầy nhận thấy những học sinh người Raglai có ưu thế khi phát âm tiếng Anh, do hai thứ tiếng đều không có dấu. Tuy nhiên, về ngữ pháp, từ vựng, các em có phần chậm hơn. Bên cạnh việc học tiếng Anh, các em còn được rèn luyện khả năng giao tiếp để bớt e dè. Hào hứng chia sẻ với chúng tôi những từ tiếng Anh vừa được học, em Tro Hoàng Nam chia sẻ: “Trên lớp, chúng em cũng được học tiếng Anh nhưng chưa được thực hành nhiều. Khi học ở đây, được thực hành nói, giao tiếp nhiều nên em mạnh dạn hơn. Khi có kiến thức, kỹ năng tiếng Anh tốt, sau này em muốn được học, làm việc ở môi trường sử dụng ngoại ngữ nhiều để mở mang thêm nhiều điều hay”.

 


Thầy Thịnh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Anh của Trường Đại học Khánh Hòa, qua công tác vài nơi, thầy trở về quê nhà xã Sơn Lâm để dạy học tại Trường Tiểu học Sơn Lâm. Nói về công việc ý nghĩa mình đang làm, thầy chia sẻ: “Trước đây, tôi đi học cũng vậy, đâu có điều kiện học thêm. Ở địa phương không có lớp dạy thêm như dưới xuôi, nên trẻ em trên này thiệt thòi lắm. Cùng là người dân tộc thiểu số, hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn của các em trong học tập và những điểm cần khắc phục nên làm được gì cho các em thì cố hết sức mình”. Nói về những khó khăn, thầy chỉ mong có thêm vài bộ bàn ghế học sinh để các em ngồi học được thoải mái hơn, hay có thêm cái loa để dạy học sinh nghe được rõ hơn...


Lớp học ý nghĩa


Đội mưa đến chờ đón con tan học từ sớm, đứng ngoài hành lang nhìn thấy con gái đọc trôi chảy từng câu tiếng Anh, đôi mắt bà Mấu Thị Thoa ánh lên niềm vui. Nhà ở thôn Ko Róa, thôn xa nhất của xã, cách điểm học tới gần 8km, nhưng gần 2 tháng nay, tối cuối tuần nào bà cũng chở con đến lớp. “Mình vất vả chút, nhưng chẳng là gì so với thầy giáo dạy miễn phí cho các cháu. Vợ chồng tôi đều làm nông, tiền đủ ăn đã may lắm, lấy đâu cho con học thêm. Khi thấy Đoàn xã thông báo có lớp học tiếng Anh miễn phí, tôi mừng lắm, liền xin cho con tới học. Từ khi học xong, về nhà thi thoảng lại thấy cháu tự luyện nói tiếng Anh, mình ít chữ không hiểu gì nhưng thấy vậy phấn khởi lắm”.

 

Thầy giáo Thịnh cùng các học sinh tại lớp học.

Thầy giáo Thịnh cùng các học sinh tại lớp học.


Lớp học do Đoàn xã Sơn Lâm mở từ tháng 7-2022, tổ chức vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, duy trì đến nay với khoảng 30 học sinh, trong đó phần lớn là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Thảo - Bí thư Đoàn xã Sơn Lâm cho biết, mong muốn mở lớp học miễn phí cho học sinh ở địa phương đã được chị ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Đến nay, khi nhận được sự hỗ trợ của thầy Bo Bo Hồng Thịnh, giáo viên tiếng Anh tại xã, cùng với sự ủng hộ của Đảng ủy xã, Đoàn xã đã mở lớp, vận động các phụ huynh ở xã cho con em đến học. Dù biết mở và duy trì lớp học không phải điều dễ dàng, nhưng Đoàn xã và thầy giáo vẫn quyết tâm thực hiện. “Điều đáng quý là dù thầy Thịnh nhận được nhiều lời mời của các phụ huynh để dạy thêm tiếng Anh cho con em họ song thầy đều từ chối. Đến khi tôi tâm sự với thầy về kế hoạch của mình thì thầy đồng ý ngay”, chị Thảo bộc bạch.


Chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn cho biết, lớp học tiếng Anh miễn phí của Đoàn xã Sơn Lâm là mô hình lớp học miễn phí đầu tiên của đoàn thanh niên trên địa bàn huyện. Trước đây, các cơ sở đoàn từng có kế hoạch tổ chức các lớp học miễn phí nhưng chưa thực hiện được. Sau thời gian dạy học trong kỳ nghỉ hè, đến nay, lớp học vẫn được duy trì, thu hút các học sinh trên địa bàn xã đến lớp. Lớp học đã tận dụng được nguồn giáo viên tại chỗ hỗ trợ cho các thiếu nhi, giúp các em hình thành thói quen học tập ngoài giờ đến trường để củng cố thêm kiến thức, kỹ năng. Để hỗ trợ lớp học, Huyện đoàn Khánh Sơn đã làm việc, đề nghị Đoàn xã Sơn Lâm liên hệ khi gặp khó khăn, cần hỗ trợ. Đồng thời, khi có các nguồn hỗ trợ, Huyện đoàn sẽ kết nối để Đoàn xã có thêm điều kiện tiếp tục duy trì lớp học đạt hiệu quả cao. Còn chị Nguyễn Thị Thu Thảo chia sẻ, địa bàn miền núi nên việc mở lớp, vận động học sinh tham gia đã khó, việc kiếm nguồn hỗ trợ để duy trì lớp học còn khó gấp bội. Khi có điều kiện, Đoàn xã sẽ mở thêm một lớp nữa để các em được tham gia nhiều hơn.


Giữa màn đêm ở miền sơn cước, mỗi cuối tuần, lớp học tiếng Anh miễn phí cho các thiếu nhi lại sáng đèn. Với tâm huyết của những cán bộ đoàn và thầy giáo trẻ, chúng tôi mong rằng, lớp học sẽ duy trì lâu dài để các thiếu nhi được chăm lo, học tập tốt.


VĨNH THÀNH



 

Trẻ em người dân tộc thiểu số, học tiếng Kinh còn khó, ấy vậy mà ở Sơn Lâm, các em lại được làm quen với những từ tiếng Anh rất sớm. Từng con chữ được các đoàn viên, thầy giáo ở địa phương miệt mài gieo cho các em, cũng là hạt mầm hi vọng về tương lai tốt hơn cho thiếu nhi vùng cao. Kiên nhẫn gieo chữ Lớp học bắt đầu lúc 18 giờ 30 phút, nhưng chưa đến 18 giờ, thầy giáo trẻ Bo Bo Hồng Thịnh (sinh năm 1994, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lâm) đã chộn rộn xen lẫn lo âu vì trời mưa, thầy sợ mấy đứa học trò nhỏ không chịu đến lớp. “Mình biết mấy đứa chịu khó, siêng năng, nhưng cũng sợ trời mưa gió, tụi nhỏ ngại đi học”, thầy Thịnh nói. Sát giờ vào lớp, khoảnh sân trước phòng học ở Trung tâm Văn hóa xã đã rộn r&agr

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản

Gửi bình luận của bạn