(TG) - Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, phản ánh truyền thống lịch sử và tâm thức, ước nguyện tốt đẹp của cộng đồng về tự nhiên, xã hội và cuộc sống con người. Trải qua những biến động, thăng trầm, những giá trị nhân văn của lễ hội luôn được phát huy, lan tỏa. Tuy nhiên, trước những tác động của bối cảnh mới, việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhân lên những giá trị nhân văn của lễ hội
Nhân lên những giá trị nhân văn của lễ hội

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA LỄ HỘI

Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời; cư dân chủ yếu là người nông dân với nghề nông trồng lúa nước. Những đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp đã góp phần sản sinh ra nhiều loại hình lễ hội. Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người dân háo hức đón chờ một năm mới. Song song với sự xoay vần của vũ trụ, thiên nhiên là tâm lí xốn xang, bâng khuâng của lòng người trong khoảnh khắc giao thời với những ước mong, hy vọng về tương lai, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Những mong ước, khát vọng đó được cộng đồng gửi niềm tin qua các lễ hội.

Trong lễ hội thường có nghi thức tế lễ, thể hiện sự biết ơn của con người với quá khứ, tổ tiên; những người đã có công khai mở, gây dựng cơ đồ, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc; thể hiện lòng biết ơn với các vị thần linh, thành hoàng làng, những vị thần tự nhiên đã cưu mang, giúp đỡ, chở che và mang lại những điều may mắn cho con người. Sau phần “lễ” với các nghi thức linh thiêng là phần “hội”. Nếu nghi thức “tế lễ” chủ yếu do các bậc cao niên, ông bà, cha mẹ thực hành, tham dự thì phần “hội” lại có sức hấp dẫn đặc biệt với nam thanh nữ tú. Họ chờ đợi, háo hức được tham gia hoặc được chiêm ngưỡng, hòa mình vào không khí náo nhiệt của những trò chơi dân gian, như: kéo co, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê, bắt vịt dưới ao, trèo cây mỡ, ném còn, đánh đu, đập niêu…; các cuộc thi như đua voi, đua bò, đua thuyền, chọi trâu, trọi gà, cờ tướng, cờ người, cướp cờ, cướp phết, thổi cơm nhanh, đấu vật…

Lễ hội có sức sống và sức hấp dẫn lâu bền trong đời sống xã hội vì nó mang trong mình những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Một trong những giá trị tiêu biểu của lễ hội là sự kết nối cộng đồng, là “sợi dây” kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự gắn bó bền chặt của con người với cội nguồn, tổ tiên.

Mỗi một lễ hội thường gắn với những câu chuyện, những sự kiện lịch sử. Bao phủ lên những sự kiện, câu chuyện lịch sử là không khí, sắc màu của huyền thoại, huyền tích với những kí ức về truyền thống hào hùng của cha ông trong thuở khai mở cơ đồ, dựng xây cuộc sống mới. Đến với lễ hội để hiểu hơn về truyền thống lịch sử, để gia tăng ý thức trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc; củng cố và khắc sâu thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Trong đời sống cộng đồng, lễ hội là điểm nhấn quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra các nghi thức, các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, độc đáo, nói lên phong tục tập quán và nét văn hóa đặc trưng của các tộc người, các vùng miền. Những sắc màu văn hóa thể hiện qua cách bài trí lễ vật, cảnh quan di tích, các bộ trang phục truyền thống; các thực hành văn hóa; cung cách ứng xử, giao tiếp của người dân là một khía cạnh quan trọng, kết tinh và hình thành lên bản sắc văn hóa cộng đồng.

Không chỉ kết nối con người hiện tại với quá khứ, củng cố tinh thần đại đoàn kết, lễ hội còn góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người. Được hòa mình trong không gian lễ hội với những nghi thức mang tính tâm linh, tôn giáo, mang lại cho con người nguồn cảm hứng tích cực với tinh thần hướng hiện, lòng từ bi, nhân ái, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Những giá trị nhân văn của lễ hội góp phần điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của con người theo hướng tích cực, giúp con người cân bằng trạng thái tâm lí, thắp sáng niềm tin và tình yêu cuộc sống.

Không chỉ có sức mạnh cố kết cộng đồng, không gian của lễ hội còn kích thích, khơi nguồn sáng tạo; rèn luyện khả năng khéo léo, nhanh nhạy, hoạt bát của con người; nâng cao trí lực, thể lực; mang lại sức sống, nguồn cảm hứng mới cho cộng đồng.

Trải qua những biến động, thăng trầm, lễ hội truyền thống vẫn giữ được những nét đẹp và giá trị nhân văn, nhân bản; là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đối với mỗi người dân. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều lễ hội truyền thống có sự mở rộng về quy mô, phạm vị, tính chất. Sức hấp dẫn của lễ hội không chỉ đối với người dân địa phương mà lan tỏa đến cộng đồng, du khách ở trong và ngoài nước.

Với sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân - chủ thể của lễ hội, đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, đưa nhiều lễ hội đặc sắc của Việt Nam trở thành những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, trước tác động của đại dịch COVID -19, việc tổ chức các hoạt động lễ hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hướng đến nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Năm nay, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động lễ hội du xuân đầu năm được tổ chức tưng bừng ở các địa phương, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi, mang lại những xung lực, sức mạnh, niềm tin để mỗi cá nhân vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mục tiêu, dự định, từ đó có nhiều đóng góp, cống hiến cho gia đình, quê hương, đất nước.

Nhìn chung, các lễ hội truyền thống vẫn gìn giữ, phát huy được những nét văn hóa ngàn đời. Một số lễ hội thất truyền đã được phục dựng; một số lễ hội có sự mở rộng về quy mô, phạm vi, tính chất; một số lễ hội có những sáng tạo, đổi mới trong khâu tổ chức, xây dựng kịch bản, bài trí không gian một cách khoa học, hợp lý; khắc phục được những bất cập mà báo chí, dư luận đã từng lên tiếng, góp ý.

NHỮNG HÀNH VI LỆCH CHUẨN

Bên cạnh những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, vẫn còn những hành vi, hiện tượng phản cảm diễn ra trong nhiều lễ hội cần được nhận diện để chấn chỉnh, khắc phục, đảm bảo không gian, môi trường lễ hội trong sạch, lành mạnh với những giá trị nhân văn, nhân bản được lan tỏa, phát huy. Về một số hành vi lệch chuẩn, phản cảm trong lễ hội dễ nhận thấy nhìn từ góc độ của những chủ thể tham gia lễ hội như:

Từ góc độ của chủ thể tham gia quản lý, tổ chức lễ hội

Lễ hội thường gắn liền với những di tích lịch sử - văn hóa mang tính tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Để quản lý, vận hành các hoạt động tại di tích, trong đó có lễ hội, thường có ban trị sự, ban quản lý di tích cùng chính quyền và người dân địa phương phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, một số lễ hội hiện nay đang có chiều hướng thương mại hóa, đề cao lợi ích vật chất, đồng tiền, bị thao túng bởi một số cá nhân. Họ tự cho mình quyền được ban phát lộc thánh với những cảnh “mua – bán”, “xin – cho” diễn ra ngay trong không gian lễ hội. Một số cá nhân viện cớ tổ chức lễ hội để kêu gọi sự quyên góp ủng hộ tiền bạc của các cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Đó là tình trạng thiếu minh bạch tài chính về tiền công đức của nhân dân. Đặc biệt, một số sư trụ trì lợi dụng hoạt động lễ hội, tâm linh tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện hành vi mê tín dị đoan, trục lợi niềm tin, tuyên truyền những tư tưởng bi quan, thần bí, đi ngược lại giáo lí của nhà Phật.

Ở một số địa phương, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân, dẫn đến những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp trong lễ hội. Một số nơi, chính quyền chưa làm tốt công tác quy hoạch, bảo vệ không gian, cảnh quan di tích - nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, dẫn đến tình trạng một số hộ dân xung quanh chiếm dụng, xâm phạm không gian lễ hội, xây dựng các công trình dân sinh, bày bán hàng quán, xả thải bừa bãi, gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến môi trường, không gian tổ chức lễ hội.

Cũng do khâu quản lý không tốt dẫn đến ở một số lễ hội có quy mô lớn, diễn ra thời gian dài, có hiện tượng chèo kéo, lừa đảo du khách; xuất hiện các loại hình trò chơi cá cược, đỏ đen, dịch vụ khấn thuê, gieo quẻ, xem bói đầu năm diễn ra một cách công khai, làm hoen ố và mất đi tính linh thiêng, tôn nghiêm trong không gian lễ hội.

Từ góc độ chủ thể người dân tham gia lễ hội

Một số người dân khi tham gia lễ hội cũng có những hành vi gây phản cảm khi họ mang cả những suy nghĩ phàm tục vào trong không gian linh thiêng của lễ hội. Nhiều người đi lễ hội không vì mục đích tham quan, chiêm ngưỡng, trải nhiệm, cảm nhận những giá trị tốt đẹp mà lễ hội mang lại, họ đến với lễ hội, đến các cơ sở thờ tự vì mục đích cầu danh lợi, địa vị, tiền tài, vì tham vọng cá nhân, dẫn đến những cảnh mâm cao cỗ đầy; đốt vàng mã tràn lan với số lượng lớn; nhét tiền lẻ trên những pho tượng Phật; là cảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc thánh trong không gian lễ hội. Đó là tâm lí đám đông khi nhiều người đổ xô đi coi lá số tử vi, dâng sao giải hạn, xem bói đầu năm, tạo điều kiện cho nạn mê tín dị đoan có đất hoàng hành.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2021

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn năm 2021

Với quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, một số cán bộ, công chức trong các cơ quan đoàn thể chưa thực sự để tâm đến công việc hành chính sự vụ, bị chi phối của dư âm Tết cổ truyền và không khí lễ hội đầu năm, dẫn đến hiệu tượng lợi dụng thời giờ hành chính, lạm dụng tiền bạc của cơ quan để vui xuân. Điều này làm giảm hiệu suất công việc, làm chậm nhịp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số người dân khi dự hội thiếu ý thức giữ gìn cảnh quan, không gian công cộng, có những hành vi xả rác bừa bãi, vệ sinh tùy tiện; có những hành vi ứng xử thiếu văn minh, lịch sự.

Những hành vi, hiện tượng lệch chuẩn, phản cảm đó cần được chấn chỉnh, lên án, đảm bảo sự tôn kính, linh thiêng và môi trường lành mạnh, nhân văn của lễ hội.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Địa phương có nhiều lễ hội nhất là thành phố Hà Nội với 1095 lễ hội, ít nhất là Lai Châu với 17 lễ hội. Trong các loại hình lễ hội, lễ hội dân gian chiếm tỷ lệ lớn, bao trùm và phổ biến rộng khắp trên các vùng miền của cả nước.

NHÂN LÊN NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

Xã hội sẽ ngày càng phát triển, nhu cầu về đời sống tinh thần với các hoạt động vui chơi, giải trí phong phú, lành mạnh của con người ngày càng lớn mà lễ hội là sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo không thể thiếu.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, con người sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện, thời gian để tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển của internet và mạng xã hội sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lễ hội. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng, sức sống của lễ hội ngày càng lớn trong đời sống cộng đồng.

Để phát huy những giá trị nhân văn, nhân bản, hạn chế và đẩy lùi những hành vi, hiện tượng phản cảm trong lễ hội, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những nhiệm vụ cơ bản như:

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt và triển khai tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng về quản lý và tổ chức lễ hội. Thực hiện nếp sống văn minh với những ứng xử văn hóa trong hoạt động lễ hội. Bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Thứ hai, đổi mới, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Nâng cao ý thức, tinh thần trân quý những giá trị nhân văn, tốt đẹp của lễ hội truyền thống - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc, có ý nghĩa và giá trị lớn trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức lễ hội. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06-CT/TTg ngày 20-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Bổ sung, ban hành thể chế, chính sách đầy đủ về quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo hành lang pháp lý với những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức khi tham gia lễ hội.

Thứ tư, song song với nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội cần nhận diện những hủ tục, tập tục lạc hậu, lỗi thời. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, bổ sung và đổi mới hình thức quản lý, tổ chức lễ hội một cách linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa đa dạng của nhân dân cũng như phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và những yêu cầu của bối cảnh mới đang đặt ra.

Thứ năm, có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi, truyền bá những tư tưởng thần bí, ma quái, gieo giắc nỗi ám ảnh, lo âu, sợ hãi, đầu độc tâm hồn con người, làm chậm nhịp phát triển của xã hội.

Thứ sáu, xây dựng mạng lưới đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở đủ về số lượng, có chuyên môn trình độ, có nghiệp vụ và năng lực quản lý, tổ chức để cùng chính quyền, ban quản lý di tích tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, gìn giữ những nét đẹp văn hóa cổ truyền cũng như có kế hoạch thật tốt đảm bảo hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, văn hóa, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm.

Thứ bảy, không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với những hạng mục công trình thiết yếu phục vụ hoạt động của lễ hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân. Dành những ưu tiên về quỹ đất cần thiết để hoạt động lễ hội diễn ra thuận lợi. Tôn tạo, trùng tu và chỉnh trang không gian, cảnh quan di tích, cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, trong lành, mang lại những cảm xúc tích cực cho cộng đồng.

Mỗi một người dân khi tham gia lễ hội cần có những hiểu biết nhất định về cội nguồn, truyền thống lịch sử của lễ hội; trân quý những giá trị và ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của lễ hội; có hành vi ứng xử văn hóa, văn minh khi tham gia những sinh hoạt văn hóa và những tương tác, chia sẻ về lễ hội trên không gian mạng. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định để lan tỏa giá trị tốt đẹp của lễ hội trong đời sống cộng đồng.

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, có tác dụng giáo dục, bồi đắp tư tưởng, tình cảm phong phú, lành mạnh cho con người. Bảo tồn và phát huy tốt những giá trị nhân văn của lễ hội không chỉ góp phần xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ mà những giá trị đó còn kiến tạo nền tảng tinh thần, là động lực quan trọng, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong bối cảnh hiện nay.

TS. Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

 

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CỦA LỄ HỘI Việt Nam là đất nước có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời; cư dân chủ yếu là người nông dân với nghề nông trồng lúa nước. Những đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, nghề nghiệp đã góp phần sản sinh ra nhiều loại hình lễ hội. Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người dân háo hức đón chờ một năm mới. Song song với sự xoay vần của vũ trụ, thiên nhiên là tâm lí xốn xang, bâng khuâng của lòng người trong khoảnh khắc giao thời với những ước mong, hy vọng về tương lai, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Những mong ước, khát vọng đó được cộng đồng gửi niềm tin qua các lễ hội. Trong lễ hội thường có nghi thức tế lễ, thể hiện sự biết ơn của con người với quá khứ, tổ tiê

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản

Gửi bình luận của bạn