- Xin ông cho biết, vì sao đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 8 và 11?
- Theo quy định tại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ở cấp THCS và THPT, ngoài các môn học bắt buộc và lựa chọn, còn có 35 tiết/năm học bắt buộc dành cho nội dung giáo dục địa phương. Tài liệu để thực hiện nội dung giáo dục địa phương được sử dụng như sách giáo khoa, do UBND tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. Những năm trước, tuy Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GD-ĐT phê duyệt từ sớm, nhưng Tài liệu giáo dục địa phương cho khối lớp 6, 7, 10 được Bộ GD-ĐT phê duyệt chậm sau khi khai giảng năm học, do vướng mắc trong các khâu thẩm định giá, in ấn, phát hành. Năm học này, đến tháng 10, Bộ GD-ĐT mới có quyết định phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8 và 11 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, các trường chưa thể giảng dạy nội dung giáo dục địa phương đối với khối lớp 8 và 11.
- Để kịp thời cung ứng Tài liệu giáo dục địa phương lớp 8 và 11 cho các trường, đảm bảo thực hiện đúng quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở GD-ĐT đã và đang triển khai những công việc gì, thưa ông?
Học sinh Trường THCS Võ Văn Ký (TP. Nha Trang) trồng cây lưu niệm tại chuyến "Hành trình đi tìm địa chỉ đỏ" về thăm nhà liệt sĩ Võ Văn Ký tại thị xã Ninh Hòa. |
- Sở đã hướng dẫn các trường THPT, các phòng GD-ĐT thông báo rộng rãi các quyết định của Bộ GD-ĐT về việc phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Khánh Hòa; đồng thời tổng hợp nhu cầu sử dụng của học sinh, giáo viên, thư viện nhà trường để báo số lượng về Sở GD-ĐT. Sở cũng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản Gia Định, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (đơn vị hợp đồng biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương) hoàn tất các thủ tục kê khai giá với Bộ Tài chính và in tài liệu, đảm bảo cung ứng đầy đủ Tài liệu giáo dục địa phương trước khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2023 - 2024.
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường có thể chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình dạy học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần. Vì vậy, sở đã chỉ đạo các trường xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế để dự kiến tổ chức dạy học nội dung giáo dục địa phương trong học kỳ 2 năm học 2023 - 2024, đảm bảo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
- Xin cảm ơn ông!
H.NGÂN (Thực hiện)
Tuy năm học 2023 - 2024 đã diễn ra được 2 tháng nhưng đến nay, các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thể triển khai giảng dạy nội dung giáo dục địa phương đối với khối lớp 8 và 11 theo lộ trình Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do chưa có tài liệu. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.