I. Bối cảnh quốc tế và trong nước đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

1.1. Bối cảnh quốc tế

- Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên thế giới dựa trên các nền tảng của sản xuất công nghiệp hiện đại, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của việc sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các tài nguyên thiên nhiên, của các tiềm năng sáng tạo và tri thức vô tận của con người. Nền kinh tế thế giới đã phát triển sang nền kinh tế tri thức và kinh tế số, với mô hình phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào tính sáng tạo và năng lực quản lý.

- Thế giới phát triển theo hướng đa cực, với nhiều khuynh hướng phát triển khác nhau song xu thế chung là hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển, với các hợp tác đa phương, song phương trên hai xu hướng là quốc tế hóa và khu vực hóa, thông qua các cơ chế hợp tác chính trị - kinh tế, ngoại giao cùng có lợi.

- Sự phát triển mạnh mẽ và sâu sắc của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, vừa tạo ra thời cơ phát triển nhanh, vừa tạo ra những thách thức đối với nước ta và các nước trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Cùng với xu thế này là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tin học, của truyền thông, tạo ra phương thức kết nối xã hội mới, các phương tiện biểu đạt mới trong một kỷ nguyên số. Công nghệ thông tin và truyền thông trở thành những phương tiện sản xuất, phân phối văn hóa, bên cạnh các phương tiện sản xuất và phân phối văn hóa có tính truyền thống khác, thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, trở thành một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại.

- Dân chủ hóa là một tiến trình diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới với sự  phổ biến rộng rãi triết lý phát triển đa dạng hóa, đa cực, thay vì triết lý phát triển đơn tuyến, đơn cực. Các xã hội ngày càng nhận thức sâu sắc hơn của giá trị dân chủ và coi dân chủ hóa là một phương thức để thúc đẩy xã hội phát triển.

- Cùng với các xu hướng phát triển mang ý nghĩa tích cực, thế giới ngày nay cũng đang đốí mặt với những khuynh hướng cực đoan chủ nghĩa, các xu hướng ly khai, biệt lập; sự phân cực trong xã hội và khoảng cách giàu – nghèo ngày càng sâu sắc; các mặt trái của quá trình toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh tới bản sắc và văn hóa dân tộc; các thảm họa về môi trường, các tác động của quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng là những vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải xử lý nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của chúng.

- Trong quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa, xu hướng cá thể hóa diễn ra mạnh mẽ, thay vì xu hướng coi con người là thành viên của các cộng đồng của các xã hội truyền thống. Trong xu thế này, việc xây dựng con người phát triển hài hòa về trí, thể, mỹ đã được nhấn mạnh, với những giá trị và tiêu chuẩn nhân cách nhằm phát triển con người có thể ứng phó được với một thế giới đầy biến động, một “ngôi nhà toàn cầu”. Bên cạnh việc chú trọng phát triển các kiến thức và kỹ năng quản lý và nghề nghiệp, các kiến thức và kỹ năng sống được chú trọng phát triển. Tính độc lập, hợp tác, có ý chí vươn lên, trách nhiệm, biết ứng phó với sự thay đổi, khoan dung đã và đang là các phẩm chất của con người toàn cầu mà các quốc gia đang chú trọng xây dựng thông qua gia đình, hệ thống giáo dục nhà trường, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, truyền thông. Tuy nhiên vẫn có những xu hướng phát triển con người mang tính phiến diện, hoặc quá chú trọng vào các phẩm chất nghề nghiệp mà quên đi tính hài hòa trong phát triển nhân cách hoặc đi theo xu hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan.

1.2. Bối cảnh trong nước

- Quá trình đổi mới kinh tế-xã hội Việt Nam được chính thức bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986 bởi chính sách chuyển đổi cơ chế vận hành của nền kinh tế từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình này, Đảng đã liên tục hoàn thiện đường lối đổi mới, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong xu thế này các chính sách về phát triển văn hóa, xây dựng con người đã dần được hoàn thiện thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

- Cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong xu thế này, quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, tỷ lệ dân cư đô thị tăng nhanh chóng. Di dân nông thôn – đô thị tăng mạnh cùng với quá trình hiện đại hóa. Các biến đổi kinh tế - xã hội này làm cho bộ mặt văn hóa đô thị và nông thôn thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải có những chiến lược phát triển văn hóa phù hợp.

*  Công cuộc Đổi mới đã đưa nước ta từ một trong những quốc gia nghèo với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm.Tỷ lệ dân nghèo giảm mạnh từ hơn nửa dân số (58% năm 1993) xuống ngưỡng dướitrên dưới 15% vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21; các chỉ số an sinh xã hội khác cũng được cải thiện đáng kể. Trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), Việt Nam đã về đích trước thời hạn một số mục tiêu, là điểm sáng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có vấn đề bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục….

*  Quá trình hội nhập quốc tế, với việc tham gia các cơ chế hợp tác đa phương và song phương, đã chuyển đổi không những nền kinh tế trong nước mà còn tác động đến những biến chuyển xã hội trong nước, tạo nên một hình ảnh xã hội Việt Nam đang ngày càng năng động hơn. Sự tham gia của người dân vào các quyết sách của Nhà nước đang ngày càng nhiều hơn. Đi cùng với những thay đổi về kinh tế là những thay đổi trong đời sống chính trị theo hướng phát huy dân chủ và tăng cường tiếng nói của người dân.

*  Những thành tựu của quá trình chuyển đổi vẫn được đánh giá là có sự thay đổi khá rõ rệt về mặt số lượng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở chất lượng và hiệu quả. Chất lượng dân số, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đang là vấn đề đáng lo ngại của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, đặc biệt là khoảng cách ngày càng rộng hơn về mức thu nhập giữa nông thôn và thành thị, cũng như mức chênh lệch ngày càng lớn xuất phát từ tình trạng ngăn cách về các mặt địa lý, xã hội, dân tộc và ngôn ngữ. Sự bất bình đẳng còn thể hiện ở sự chênh lệch về mức độ đầu tư, ở chất lượng dịch vụ xã hội giữa các vùng miền, giữa nông thôn và đô thị. Cơ hội phát triển là không công bằng giữa các vùng miền, giữa nông thôn với đô thị, giữa miền núi với đồng bằng.

*  Những thành tựu của công cuộc đổi mới và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy văn hóa phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách cho việc phát triển, nhất là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Cùng với những biến đổi về kinh tế-xã hội là những thay đổi trong đời sống văn hoá. Đó là việc hình thành thị trường văn hóa của Việt Nam đã được đẩy mạnh từ khi đất nước tiến hành đổi mới. Từ năm 1998 đến nay, văn hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh nền công nghệ thông tin có những bước phát triển như vũ bão. Bên cạnh các phương tiện truyền thông quen thuộc đã xuất hiện và phổ biến các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động, Internet… Cùng với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật, hệ thống truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet đã và đang trở thành phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam hiện thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á và tốc độ tăng nhanh trong những năm vừa qua.

*  Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường làm cho tính tích cực xã hội được phát huy, các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trở nên năng động, đa dạng và phong phú hơn, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, phức tạp. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động văn hoá; tạo hành lang pháp lý và cải cách hành chính để đảm bảo phát triển văn hóa đúng định hướng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Tình trạng xuống cấp đạo đức, các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng mạnh. Khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, phòng chống tệ nạn xã hội trở thành yêu cầu bức xúc của Nhà nước và nhân dân, chúng trở thành các vấn đề xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

II. Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

2.1 Điểm mạnh và cơ hội

Văn hóa Việt Nam có bề dày truyền thống mấy nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều biến cố thăng trầm nên đã kết tinh và lắng đọng được nhiều giá trị tích cực như: truyền thống yêu nước và dũng cảm, khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của hoàn cảnh, sự khoan dung, tinh thần cộng đồng, sự lạc quan và hồn hậu, trọng nghĩa tình, sự cần cù, khiêm cung, tình cảm. Hiện nay, Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến như một đất nước thanh bình, hiện đại, trẻ trung và năng động, một thành viên tích cực trong các hoạt động hợp tác quốc tế cho hoà bình và phồn vinh chung trên toàn cầu. Hơn nữa, bối cảnh chuyển đổi mang tính bước ngoặt của Việt Nam, sự “va đập” giữa cái mới và cái cũ tạo nên một hấp lực đặc biệt, khác với các xã hội đã phát triển ổn định. Nói cách khác sự tương tác, tương phản mạnh mẽ cũng như sự kết hợp, dung hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại trong bối cảnh của một xã hội đang chuyển đổi tiếp tục (từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và đô thị hóa, từ nền kinh tế bao cấp, đơn thành phần sang kinh tế thị trường, đa thành phần và hội nhập quốc tế ngày càng nhanh mạnh…) đang tạo nên một động năng cuốn hút và sức hấp dẫn riêng của văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa hiện tại  đang hướng đến việc kế thừa các giá trị văn hóa được phát triển qua nhiều nghìn năm lịch sử, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng tới tương lai như: dân chủ, hiện đại, nhân văn, khai phóng, khoan dung, rộng mở…Nhận diện được đặc tính, phẩm chất cơ bản này của văn hóa Việt Nam trong truyền thống và hiện đại này sẽ có ý nghĩa tích cực, để chuyển hóa thành “sức mạnh mềm” của đất nước, tạo sức thu phục và lôi kéo đối với bạn bè quốc tế.  

Việt Nam có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc, được hình qua hàng ngàn năm lịch sử. Nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao trên nhiều phương diện, được công nhận cả ở tầm quốc tế và trong nước là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Việt Nam có gần 4 vạn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố khắp trên cả nước, cùng với đó là hơn 61 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, 26 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh, 54 tộc người với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng.  Hệ thống di sản văn hóa phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng cùng các di sản được UNESCO công nhận là tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành những sản phẩm, dịch vụ độc đáo, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo dựng thương hiệu, vị thế của văn hóa Việt Nam.

*  Các văn bản pháp lý về quản lý văn hóa từng bước được hoàn thiện. Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành đúng thời điểm, từng bước đưa sự nghiệp văn hóa thích nghi với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Nhiều bộ Luật quan trọng liên quan đến văn hóa đã được ban hành như: Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Xuất bản, Luật tín ngưỡng và tôn giáo, Luật Du lịch, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện... Bên cạnh đó là hàng loạt các Nghị định, Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thiện thể chế văn hoá đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nhiều Chiến lược ngành đã được phê duyệt, làm căn cứ để triển khai các hoạt động trong thực tiễn: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành năm 2009); Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 (ban hành năm 2011); Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành năm 2011); Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2012); Chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành năm 2015); Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (ban hành năm 2016)... Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang được nỗ lực hoàn thiện, cố gắng theo kịp yêu cầu của thực tiễn, tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, đóng góp cho việc tạo dựng được môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho sự phát triển của văn hóa.

*  Chủ trương “xã hội hóa” hoạt động văn hóa đã thu được những kết quả thiết thực, bước đầu huy động được nhiều tiềm năng, nguồn lực trong xã hội. Xã hội hoá được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến sản phẩm văn hoá, xây dựng cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp văn hoá, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Nhờ chủ trương xã hội hóa, bức tranh tổng thể của văn hóa đã mang những sắc thái mới, đa dạng và năng động hơn, đáng chú ý là sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước cho văn hóa đến sự nhập cuộc, hiệp lực và phối hợp đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội cho các hoạt động văn hóa. Các công đoạn khác nhau của văn hóa trước đây chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước (từ khâu sáng tạo, sản xuất đến phân phối, tiêu dùng) nay trở thành hoạt động thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau trong xã hội, như cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài, nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam và quốc tế. Sự tham gia của nhiều chủ thể văn hóa đã thúc đẩy sự đa dạng trong loại hình, ý tưởng, xu hướng và phong cách của các biểu đạt văn hóa, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú hơn.

*  Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạngĐã có sự thể nghiệm nhiều phương thức, hình thức biểu đạt mới làm phong phú thể loại, phong cách sáng tác và sản phẩm nghệ thuật với các đề tài, chủ đề được mở rộng,bên cạnh những nỗ lực bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Một số tác phẩm mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh đã nhận được giải thưởng cao trong nước và quốc tế; việc ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào việc sản xuất sản phẩm văn hóa từng bước được thực hiện, nhiều dự án văn hóa nghệ thuật đã khuyến khích được những sáng tạo mới của các cá nhân nghệ sĩ, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và đưa ra những cách nhìn mới về những vấn đề của cuộc sống đương đại. Tính chủ động trong hoạt động và sáng tạo văn hoá, tính tích cực xã hội của nhân dân bước đầu được phát huy; dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hoá-xã hội được mở rộng. Đời sống tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt với nhiều lựa chọn các hình thức thưởng thụ giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật quốc gia và quốc tế.

*  Thị trường văn hoá của Việt Nam đã được đẩy mạnh từ khi đất nước tiến hành đổi mới. Kinh tế phát triển, đất nước thoát dần tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện là tiền đề góp phần thúc đẩy việc hình thành thị trường tiêu dùng văn hoá với nhu cầu ngày rất lớn. Văn hoá, từ một lĩnh vực bị xem là chủ yếu mang nặng yếu tố tuyên truyền, giáo dục và tiêu tiền, đang dần trở thành một lĩnh vực có giá trị kinh tế, mang lại lợi nhuận cho xã hội. Đặc biệt, hoạt động du lịch được đẩy mạnh, trong đó tiềm năng văn hóa được khai thác và tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Liên quan đến thị trường văn hóa,nhận thức về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật bước đầu nâng cao được, hình thành các tổ chức bảo hộ quyền tác giả, bảo vệ quyền lợi của người sáng tạo.

*  Hợp tác quốc tế về văn hóa được đẩy mạnh, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước. Giao lưu văn hoá với nước ngoài ngày càng được mở rộng cùng với quá trình đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ quốc tế của Nhà nước ta, góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Nhiều hiệp định văn hoá với các nước và nhiều tổ chức quốc tế, các điều ước quốc tế song phương và đa phương về di sản văn hoá, về quyền tác giả và quyền liên quan đã được ký kết; nhiều dự án về hợp tác văn hoá được thực hiện có hiệu quả. Nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hoá quốc tế trên quy mô lớn đã được tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài tạo được tiếng vang và ấn tượng tốt đẹp trong bạn bè quốc tế về bản sắc và bề dày truyền thống của văn hoá Việt Nam.

*  Công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet tiếp tục được đầu tư phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là mạng di động 3G. Sự lớn mạnh, phát triển tăng tốc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone... tạo cơ sở hạ tầng thông tin, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình cũng có nhiều đổi mới, tích cực hội nhập, học hỏi kinh nghiệm truyền thông của thế giới... từ đó truyền thông đại chúng đã có những bước phát triển vượt bậc, thông tin đa chiều, nội dung phong phú, góp phần nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ, giúp người dân tiếp cận nhanh với những tri thức mới của nhân loại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

*  Nhiều phong trào, cuộc vận động văn hóa được thực hiện và có những thành tựu nhất định, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Không khí dân chủ trong xã hội, tự do tín ngưỡng ngày càng được tôn trọng. Nhiều giá trị văn hóa đạo đức truyền thống được tôn vinh, tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của người dân bước đầu được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực đời sống văn hoá-xã hội được mở rộng.

*  Việt Nam có dân số trẻ, tiềm ẩn những tài năng mới trong tương lai, có độ nhạy bén về kinh doanh và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao. Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng. Thời kỳ này dự kiến kéo dài khoảng 40 năm. Một bộ phận của thế hệ trẻ được đào tạo bài bản, có tâm huyết với văn hóa, có khát vọng sáng tạo, đang nỗ lực khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm, tạo ra những sản phẩm văn hóa mới có sức truyền cảm và cập nhật với thời đại.

*  Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế giúp văn hóa Việt Nam có được cơ hội quảng bá rộng rãi trên thế giới. Văn hóa Việt Nam phát triển trong bối cảnh nền công nghệ thông tin có những bước phát triển như vũ bão. Sự gia tốc mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các phương tiện truyền thông cũ và mới, mạng viễn thông hiện đại, và Internet tốc độ cao mở ra khả năng giao lưu, hợp tác và phát triển toàn diện về văn hóa cũng như mở ra khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Trong bối cảnh xã hội đương đại, cùng với sự phát triển của các phương tiện kỹ thuật, hệ thống truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet đã và đang trở thành phương tiện quan trọng trong việc truyền bá các văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới

*  Khoa học công nghệ, truyền thông đại chúng phát triển mang đến cho người dân khả năng sáng tạo và thụ hưởng các sản phẩm văn hóa mới nhanh chóng, hiệu quả và có tính tương tác cao. Việc tiếp thu các sản phẩm văn hóa qua điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Những cộng đồng mạng vừa ảo vừa thực đã mở ra những kênh giao tiếp mới cho người Việt Nam và cũng là nơi chia sẻ những giá trị, chuẩn mực văn hóa nhóm, cộng đồng toàn diện và sâu sắc. Những phương tiện truyền thông cũ như phát thanh, truyền hình không bị thay thế mà tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của nó qua việc kết nối với Internet để tiếp cận với người dân và tăng tính hấp dẫn, tương tác cũng như giá trị kinh tế, lợi nhuận. Chưa bao giờ người Việt lại có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng cũng như tiếp cận các sản phẩm văn hóa đa dạng như trong giai đoạn hiện nay. Điều này cũng góp phần mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển văn hóa, đáp ứng các nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

*  Cuộc cách mạng 4.0 và nền kinh tế số tạo ra những thuận lợi cho sự phát triển văn hóa Việt Nam, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. Các nước phát triển trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa[1]. Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm mới (ví dụ qua các mạng xã hội trên internet), chúng cũng đòi hỏi những hành động nhạy bén và sự thích ứng liên tục với môi trường thay đổi. Sự chuyển đổi kỹ thuật số và tinh thần kinh doanh đưa ra những cơ hội, khả năng và thách thức mới cho ngành văn hóa về phương thức hoạt động.

*  Đảng và Nhà nước quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộcHơn nữa, chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, toàn diện tạo điều kiện văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Đặc biệt công nghiệp văn hóa đang được định hướng là một trong những ngành trụ cột của kinh tế.

*  Thị trường văn hóa trong nước đang tăng trưởng mạnh mẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân quan tâm đến đầu tư cho văn hóa. Kinh tế phát triển, đất nước thoát dần tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện đã hình thành nên một thị trường tiêu dùng/hưởng thụ văn hoá với nhu cầu ngày rất lớn. Những thành tựu của công cuộc đổi mới và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy thị trường văn hoá phát triển.

*  Đô thị hoá làm cho cơ cấu dân cư có bước thay đổi lớn. Từ sự thay đổi này sẽ dẫn đến những thay đổi về nếp sống, lối sống, tập tục v.v… đặt ra cơ hội mới trong việc giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương và di sản văn hoá trong bối cảnh đô thị năng động, phát triển đời sống văn hoá thích ứng với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

*  Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển theo nguyên tắc thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra sự tích cực xã hội và tích cực văn hóa cho người dân, là cơ hội thúc đẩy tinh thần tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hoá. Người dân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa, không như những người phản ứng thụ động mà với tư cách như những nhân tố chủ động, từ hoạch định đến đánh giá các vấn đề xã hội và văn hóa, thậm chí là người đồng kiến tạo xã hội và văn hóa cùng với bộ máy quyền lực nhà nước. Yếu tố nội sinh của sự phát triển xã hội và văn hóa được tăng lên cao, phần nào đó thể hiện vai trò tăng lên của người dân so với nhà nước trong nhiều vấn đề xã hội và văn hóa, một điều có thể coi là sự dân chủ xã hội và quyền công dân trong xã hội được tăng lên. Xã hội trở nên cởi mở và thông thoáng hơn trong việc chào đón, tiếp nhận và chấp nhận những ý kiến, quan điểm trái chiều của người dân thuộc mọi tầng lớp. Trong nhiều trường hợp, sự lắng nghe ý kiến người dân của nhà nước thực sự mang lại những thay đổi lớn trong việc hoạch định các chính sách quản lý, đặc biệt là chính sách văn hóa.. Sức mạnh dư luận xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội các vấn đề về văn hóa có cơ hội được khai thác hiệu quả nếu có các biện pháp quản lý phù hợp, đúng đắn.

*  Chủ trương hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, toàn diện tạo điều kiện văn hóa Việt Nam hội nhập và phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Mọi nguồn lực và nỗ lực của đất nước được huy động cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm mục tiêu lớn đưa đất Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhu cầu tái cơ cấu nền kinh tế đang hết sức mạnh mẽ, trong đó công nghiệp văn hóa đang được định hướng là một trong những ngành trụ cột.

(còn tiếp)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương

[1] Số hóa đang chuyển đổi lớn chuỗi mắt xích giá trị từ sáng tạo, sản xuất và phân phối. Kết quả là những mô hình kinh doanh mới phát triển, xuất hiện các chiến lược bán lẻ và marketing mới, ví dụ: môi trường mua  và bán lẻ số hóa hoàn toàn mới cho nội dung văn hóa được tạo ra bởi các tổ chức như amazon.com, iTunes, sự truyền bá văn hóa trên các diễn đàn truyền thông xã hội (như Facebook, Twitter…) đi cùng với sự phổ biến của các thiết bị công nghệ cầm tay (pods, pads, điện thoại, tablets, máy đọc), sự hòa nhập của người sản xuất và người tiêu dùng sản phẩm văn hóa trong môi trường số hóa mang tính tương tác, trong đó những người tiêu dùng của sản phẩm văn hóa thậm chí cũng đóng góp đến thiết kế và tái thiết kế của sản phẩm.

Theo Trang Thông tin điện tử Hội đồng lý luận Trung ương

(http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-su-phat-trien-van-hoa-viet-nam-den-nam-2030-phan-1.html)

 

I. Bối cảnh quốc tế và trong nước đối với sự phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 1.1. Bối cảnh quốc tế - Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trên thế giới dựa trên các nền tảng của sản xuất công nghiệp hiện đại, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của việc sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các tài nguyên thiên nhiên, của các tiềm năng sáng tạo và tri thức vô tận của con người. Nền kinh tế thế giới đã phát triển sang nền kinh tế tri thức và kinh tế số, với mô hình phát triển kinh tế ít phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà dựa chủ yếu vào tính sáng tạo và năng lực quản lý. - Thế giới phát triển theo hướng đa cực, với nhiều khuynh hướng phát triển khác nhau song xu thế chung là hòa

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
        Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản

Gửi bình luận của bạn