Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể về nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó trọng tâm là hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp
Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể về nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó trọng tâm là hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác GDNN trên địa bàn tỉnh những năm qua?


- Công tác GDNN luôn được tỉnh dành sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua. Hiện nay, mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng công lập được đầu tư, phân bổ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề ở các cấp trình độ. Toàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN, trong đó có 4 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN. Ngoài ra, còn có 16 cơ sở, doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nghề. Mỗi năm, hệ thống GDNN tuyển sinh đào tạo được hơn 29.000 người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp gần 7.000 người. Hoạt động đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo luôn được quan tâm, đạt hơn 90%; lao động qua đào tạo nghề ở các cấp trình độ cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh hiện nay đạt 81%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,7%.

 

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội


Ngoài thực hiện các nội dung của Trung ương giao, tỉnh đã đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang phát triển thành 1 trong 45 trường chất lượng cao; xây dựng và hoàn thành các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trung cấp, trung tâm GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ nhà giáo dạy nghề, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo và chương trình, giáo trình đào tạo ngày càng được nâng cao về chất lượng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động được quan tâm đúng mức. Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã dành hơn 85,7 tỷ đồng hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 27.256 lượt học sinh, sinh viên theo học trình độ cao đẳng và trung cấp. Đồng thời, bố trí hơn 37,4 tỷ đồng thực hiện chính sách học bổng nội trú cho 3.986 học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.


Thực hiện công tác đào tạo nghề gắn với Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2012-2020, mỗi năm, tỉnh bố trí hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho hơn 3.000 lao động nông thôn.


Đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng được tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo 17 nghề trình độ sơ cấp cho hơn 1.000 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm hỗ trợ đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trung bình mỗi năm hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho hơn 100 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp…

 

Người lao động học thực hành nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh.
Người lao động học thực hành nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh.


- Công tác GDNN trong tình hình mới còn những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?


- Trên thực tế, tâm lý “bằng cấp” của phụ huynh học sinh ít nhiều vẫn còn nặng nề, xem nhẹ việc học nghề đã gây khó khăn cho công tác tuyển sinh GDNN. Hiện nay, quy định pháp luật về các ngành nghề mà người lao động bắt buộc phải qua đào tạo nghề chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ. Chính sách tiền lương đối với lao động qua đào tạo còn khá thấp, chưa thu hút lao động tham gia học nghề. Quy định của Luật GDNN đối với thời gian học trung cấp từ 1 đến 2 năm không tương ứng với việc bố trí thời gian học văn hóa chương trình THPT là 3 năm. Từ đó, gây khó khăn cho công tác tổ chức đào tạo học sinh vừa học trung cấp vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.


Hiện nay, chính sách thu hút, kêu gọi đội ngũ nhà giáo giỏi vào công tác tại các cơ sở GDNN còn nhiều vướng mắc, chưa có chế độ đãi ngộ thích đáng. Công tác xã hội hóa các nguồn lực tham gia hoạt động GDNN còn hạn chế, do lợi nhuận mang lại cho nhà đầu tư, chính sách ưu đãi cho hoạt động đầu tư chưa được cụ thể hóa đi vào thực tiễn. Nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào GDNN chỉ tập trung ở một vài ngành nghề đào tạo ở trình độ sơ cấp như: Lái xe ô tô, nhóm ngành nhà hàng, khách sạn…


- Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, giai đoạn 2021-2025, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%; giai đoạn 2026-2030, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên?


- Theo Nghị quyết 09, mục tiêu GDNN là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là nhân lực chất lượng cao, nhân lực số phục vụ phát triển kinh tế biển và các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới, đối với lĩnh vực GDNN sẽ thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDNN; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở GDNN; quan tâm, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.


Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động; liên kết và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng; tăng cường ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong công tác đào tạo và đổi mới sáng tạo hướng nghiệp, khởi nghiệp; huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN; đa dạng công tác tuyên truyền, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN. Bên cạnh đó, chủ động hội nhập quốc tế về GDNN; phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu hình thành các nhóm nghiên cứu ứng dụng để phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm theo định hướng của tỉnh…


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)

 

Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể về nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó trọng tâm là hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này. - Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác GDNN trên địa bàn tỉnh những năm qua? - Công tác GDNN luôn được tỉnh dành sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua. Hiện nay, mạng lưới các trường trung cấp, cao đẳng công lập được đầu tư, phân bổ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề ở các cấp trình độ.

Tin khác cùng chủ đề

Hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng chống dịch đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh
Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
KỶ NIỆM NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1-6: Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa: Công trình xứng tầm, sân chơi ý nghĩa cho thiếu nhi
Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ y tế khẩn cấp Nhật Bản

Gửi bình luận của bạn