Vấn đề tập hợp lực lượng hay vấn đề bạn thù là vấn đề cơ bản, quan trọng trong chính sách, chiến lược và phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế của mọi quốc gia. Chỉ xác định bạn thù, chúng ta mới xác định đúng giải pháp, phương châm chỉ đạo đối với các vấn đề về đối ngoại, đối nội, các tình huống phức tạp, nhạy cảm một cách hiệu quả. Đó là nguyên tắc chung của mọi cuộc cách mạng, song đối với một dân tộc nhỏ thì việc đó càng trở nên cấp thiết. Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng về tập hợp lực lượng của V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã để lại những quan điểm sâu sắc về bạn thù, và sau này được Đảng ta phát triển thành tư tưởng đối tác, đối tượng, là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận diện bạn, thù trong quan hệ quốc tế - vận dụng nhận diện đối tác, đối tượng hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhận diện bạn, thù trong quan hệ quốc tế - vận dụng nhận diện đối tác, đối tượng hiện nay

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bạn, thù

Thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa chiến lược, nền tảng của vấn đề xác định bạn thù. Trong Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận cuối tháng 8-1962, Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”[1]. Đối với một dân tộc nhỏ lại phải đối đầu với các kẻ thù mạnh và thâm độc thì thực hiện “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[2], làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Trả lời Đoàn đại biểu công nhân Thành Hoàng Diệu về vấn đề đối ngoại ngày 09-10-1945 tại Bắc Bộ phủ, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải hết sức khôn khéo, đứng trước bất kỳ kẻ thù nào, người cách mạng cũng phải hiểu rõ chúng là ai; mạnh yếu chỗ nào, tranh thủ và cô lập ai?...”[3]Thêm bạn bớt thù của Hồ Chí Minh vừa là tư tưởng, vừa là phương pháp hành động, một nghệ thuật tập hợp lực lượng[4].

Thứ hai, khi phải chống nhiều kẻ thù cùng một lúc, điều quan trọng là xác định đúng kẻ thù chủ yếu. Xác định kẻ thù chính yếu để chúng ta có thể tập trung sức mạng vào kẻ thù chính yếu trong khi lực lượng có hạn. Muốn xác định được kẻ thù chủ yếu phải xác định được đúng mâu thuẫn xã hội. Từ việc xác định quyền độc lập, tự do và quyền bình của dân tộc là trên hết, Hồ Chí Minh đã chỉ  ra mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa toàn dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược nước ta là mâu thuẫn chủ yếu. Cho nên kẻ thù chính của nhân dân Việt Nam chính là lực lượng đế quốc thực dân cướp nước ta, không phải là lực lượng phong kiến. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, bạn thù có thể thay đổi. Henry Temple Palmerston (1784-1865), người đã có nhiều năm làm Thủ tướng, Ngoại trưởng Anh quốc, giữa thế kỷ XIX đã rút ra kết luận rất quan trọng: Nước Anh không có những người bạn đồng minh vĩnh cửu và cũng không có kẻ thù vĩnh cửu[5]. Đối với cách mạng nước ta, kẻ thù chính cũng thay đổi. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, xác định Việt Nam có nhiệm vụ là chống đế quốc và phong kiến, song chống đế quốc Pháp là nhiệm vụ hàng đầu. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Hồ Chí Minh xác định kẻ thù chính là Pháp - Nhật, sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) kẻ thù chính là phát xít Nhật, đã đưa cuộc cách mạng Việt Nam đứng vào phe Đồng minh chống phát xít. Trong những năm 1945-1946, trong bối cảnh rất nhiều lực lượng nước ngoài có mặt tại Việt Nam, Đảng và Hồ Chí Minh đã xác định chính xác kẻ thù chính là “thực dân Pháp xâm lược”[6]Hiệp định Giơnevơ sắp được ký kết vào 21-7-1954, thì từ ngày 15-7-1954, Hồ Chí Minh đã sớm nhận định Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào...

Nhân dân Thủ đô Warsawa nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (năm 1957) (Nguồn: hochiminh.vn)

Thứ ba, phải biết triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Đây chính là lực lượng hậu bị gián tiếp hoặc thứ yếu của cách mạng. V.I.Lênin đã đưa ra những chỉ dẫn sáng suốt khi Người viết: “Chỉ có thể thắng một kẻ địch mạnh hơn bằng một nỗ lực hết sức lớn, và với điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỉ mỉ, hết sức chăm chú, hết sức cẩn thận, hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt” bé nhỏ nhất nào giữa các kẻ thù, bất cứ những mâu thuẫn bé nhỏ nhất nào về lợi ích giữa giai cấp tư sản các nước, giữa các tập đoàn hay các hạng tư sản khác nhau ở trong từng nước, cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, có điều kiện, ít chắc chắn và ít đáng tin cậy. Người nào không hiểu được chân lý ấy thì cũng chẳng hiểu gì về chủ nghĩa Mác, nói chung cũng chẳng hiểu gì về chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại”[7].

V.I.Lênin còn khẳng định: “Điều vừa nói trên đây đều đúng cho cả thời kỳ trước và sau khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền”8. Phát triển tư tưởng đó, Người nhấn mạnh: “phải lợi dụng những mâu thuẫn và những sự đối lập giữa hai nước đế quốc, giữa hai nhóm nước tư bản chủ nghĩa, khích động chúng chống lại nhau. Chừng nào chúng ta chưa giành được toàn thế giới, chừng nào về hai mặt kinh tế và quân sự, chúng ta còn yếu hơn thế giới tư bản chủ nghĩa, thì chúng ta còn phải giữ vững nguyên tắc này”[8]. Trong thư gửi X.G.Saumian, Ủy viên đặc trách lâm thời về các vấn đề Cápcadơ, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng dân ủy Bacu và kiêm chức Bộ trưởng Bộ dân ủy ngoại giao ngày 14-5-1918, V.I.Lênin căn dặn: nên biết lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù, chừng nào còn học làm ngoại giao[9].

Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng lợi dụng mâu thuẫn của V.I.Lênin. Trước Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã rất chú ý theo dõi mâu thuẫn giữa các nước đế quốc liên quan đến Đông Dương, tìm cách lợi dụng các mâu thuẫn đó có lợi nhất cho cách mạng nước ta. Trong chính sách đối với Đông Dương, giữa Mỹ và Anh - Pháp có khác nhau. Tại Hội nghị những người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ Liên Xô, Mỹ, Anh ở Tehran tháng 11-1943 và Yanta tháng 2-1945, khi bàn về các vấn đề thuộc địa sau chiến tranh, Tổng thống Mỹ Roosevelt  đã tán thành ý kiến của Stalin là không cho phép tái lập chế độ thuộc địa ở Đông Dương và đề nghị lập chế độ thác quản và sau đó trao trả độc lập khi điều kiện chín muồi như mô hình Philippines. Từ tình hình trên, Hồ Chí Minh quyết định phải tiếp cận với Mỹ, tranh thủ sự đồng tình của Mỹ, vì thái độ của Chính phủ Mỹ gây khó khăn cho Pháp thiết lập lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương.

Hơn nữa, Mỹ lại là nước lớn trên thế giới và trong liên minh chống phát xít. Điều đó có lợi cho cách mạng nước ta. Do vậy phải thuyết phục Mỹ “sớm công nhận và hợp tác với Mặt trận Việt Minh”, đồng thời “dùng Mỹ làm việc cản ngăn mưu đồ phá hoại cách mạng nước ta của Quốc dân Đảng Trung Quốc”[10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự Quân đội Liên Xô trong lễ đón đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô ngày 12/7/1955. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lợi dụng mâu thuẫn Pháp - Nhật. Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương và đảo chính Pháp vào ngày 09-3-1945. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đảng ta đã lợi dụng xung đột Nhật - Pháp, tranh thủ điều kiện thuận lợi do quân Đồng minh đánh tan phát xít Đức, quân phiệt Nhật, đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám thành công.

Hồ Chí Minh cũng rất tài tình lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng, dùng Tưởng để ngăn Pháp ra Bắc, tập trung chống Pháp ở miền Nam; lợi dụng mâu thuẫn giữa hai lực lượng chủ hòa (tướng Leclerc) và chủ chiến (d'Argenlieu), giữa các lực lượng quân Tưởng với nhau để góp phần củng cố chính quyền cách mạng non trẻ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh rất quan tâm lợi dụng mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh của Mỹ, nhất là Pháp, giữa phái chủ chiến và phái chủ hòa trong chính quyền Mỹ, giữa Mỹ và tay sai, giữa nhân dân Mỹ và Chính phủ Mỹ...

Thứ tư, nhân nhượng có nguyên tắc đối với kẻ thù. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dùng lối nói chuyện thì phải nhân nhượng nhau đúng mức”[11]. Trong hoạt động ngoại giao những năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đã thực hiện hai chiến lược ngoại giao lớn: Hòa với Tưởng để tập trung sức chống Pháp tái xâm lược và hòa hoãn với Pháp để đẩy nhanh quân Tưởng về nước.

Trước hết, đối với quân Tưởng. Quân Tưởng vào Việt Nam với 2 vạn quân cùng bè lũ tay sai để giải giáp quân Nhật theo quyết định của Hội nghị Potsdam với chủ trương “diệt cộng cầm Hồ”. Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương “Hoa -Việt thân thiện”, thực hiện sách lược mềm mỏng, mà Hồ Chí Minh gọi là “chính sách Câu Tiễn”[12]. Thực hiện “chính sách Câu Tiễn”, chúng ta nhận nhượng cho quân Tưởng nhiều quyền lợi về kinh tế như cho phép lưu hành tiền quan kim mất giá, cung cấp lương thực thực phẩm cho quân Tưởng, cho Hoa kiều hưởng nhiều quyền lợi. Về quân sự, nhẫn nhịn, tránh xung đột. Về chính trị, cho tay sai của Tưởng 70 ghế trong Quốc hội lập hiến không qua bầu cử, lập chính phủ liên minh với Việt Quốc, Việt Cách, dành cho họ chức Phó Chủ tịch nước và 4 bộ, còn 2 bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ là do nhân sĩ trung lập nắm. Đặc biệt, chúng ta phải giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương... Nhân nhượng là rất lớn, nhất là về chính trị, chia sẻ quyền lực. Nhờ các biện pháp hòa với Tưởng mà chúng ta đã phá tan kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp ở miền Nam, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, đồng thời làm tăng mâu thuẫn Pháp - Tưởng.

Đây là một thỏa hiệp, nhân nhượng có nguyên tắc theo tinh thần của V.I.Lênin. Nguyên tắc ở đây là mặc dù nhân nhượng rất nhiều, nhất là về chính trị, song không làm biến chất chính quyền cách mạng non trẻ. Đặc biệt, việc giải tán Đảng chỉ là giả vì Đảng rút vào bí mật, còn phía ta phải chấp nhận đặt cố vấn của Tưởng trong Bộ Quốc phòng, song chỉ là cố vấn về quân huấn.

Về nhận nhượng với Pháp qua Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946. Theo đó, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do, chưa phải độc lập; chấp nhận hợp nhất ba kỳ qua trưng cầu dân ý; 15.000 quân Pháp ra Bắc thay quân Tưởng giải giáp quân Nhật; chấm dứt xung đột và mở các cuộc thương lượng chính thức về quyền ngoại giao của Việt Nam, chế độ tương lai của Đông Dương, quyền lợi của Pháp ở Việt Nam. Hiệp định có ý nghĩa rất lớn: Đẩy được quân Tưởng và tay sai về nước. Đây là điều ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với nước ngoài, là sự công nhận trên thực tế nước Việt Nam mới; làm tăng mâu thuẫn giữa Tưởng và Pháp, đặc biệt “bảo toàn thực lực dành lấy giây phút nghỉ ngơi... chấn chỉnh đội ngũ”[13], “giữ vững lập trường càng mau tiến tới độc lập hoàn toàn”.

Đây cũng là sự nhân nhượng có nguyên tắc. Chúng ta chấp nhận là quốc gia tự do chưa phải độc lập, song tự do có chính phủ, tài chính, quân đội... là các thành tố của quốc gia độc lập. Về thống nhất Nam Kỳ qua trưng cầu dân ý: Trưng cầu dân ý ở Việt Nam đa số là người Việt nên chúng ta thắng là chắc. Còn 15.000 quân Pháp ra Bắc có thời hạn 5 năm và mỗi năm phải triệt thoái 1/3. Ngoài ra, nhờ hòa hoãn, thỏa hiệp được với Tưởng và Pháp nên chúng ta đã tranh thủ được những lực lượng thân với Tưởng cũng như thân Pháp, trung lập hóa được những lực lượng đó, giảm được sự chống đối của chúng đối với các mạng Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973 cũng vậy. Đẩy được kẻ thù chính song lại trung lập được kẻ thù thứ yếu, tránh được sự chống đối của chúng. Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong công trình nổi tiếng tổng kết hoạt động của Đảng ta, khẳng định: “Mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và về nhân nhượng có nguyên tắc”[14].

Thứ năm, phân biệt giữa nhân dân với chính phủ của những nước thù địch. Với phương châm “thêm bạn bớt thù”, cách mạng Việt Nam luôn xác định rõ ai là bạn, ai là thù, phân hóa “bạn - thù” ngay trong hàng ngũ đối phương để giành được sự đồng tình, ủng hộ nhiều nhất. Hồ Chí Minh luôn luôn phân biệt rõ nhân dân Pháp và bọn xâm lược Pháp. Người đã nhiều lần phát biểu, tỏ rõ lập trường nguyên tắc của Đảng và Chính phủ Việt Nam là chỉ chống bọn xâm lược Pháp, không chống nhân dân Pháp. Trong Thư gửi người Pháp ở Đông Dương ngày 20-10-1945, Người khẳng định: “Chúng tôi không thù ghét gì dân tộc Pháp. Sự chiến đấu của chúng tôi không nhằm đánh vào nước Pháp cũng không nhằm đánh vào những người Pháp lương thiện, mà chỉ chống lại sự thống trị tàn bạo ở Đông Dương của chủ nghĩa thực dân Pháp”[15]. Hồ Chí Minh còn đánh giá cao dân tộc Pháp đã truyền bá rộng rãi tư tưởng tự do, bình đẳng bác ái, những tư tưởng tiến bộ lớn và Người khẳng định là nhân dân Pháp đã “cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố: “hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta”,  “chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”3. Pháp phải tôn trọng độc lập của Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Người nhắc lại quan điểm đó: “Tôi đã đến nước Mỹ, tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa và có nhiều tài năng. Nhân dân Việt Nam không bao giờ nhầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam”[16], “Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình; chúng tôi chống là chống chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ”[17].

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam, năm 1967 (Nguồn: Hochiminh.vn)

Với quan điểm đoàn kết rộng mở mà Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của cả nhân dân Pháp, Mỹ. Tiếng nói phản chiến của đông đảo nhân dân đã tác động vào chính giới, buộc giới cầm quyền phải thương lượng, rút quân về nước. Việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, trong đó có nhân dân Mỹ, là hiện tượng rất đặc biệt trong lịch sử thế giới. Nguồn gốc cơ bản là do chúng ta có chính nghĩa và có quan điểm đoàn kết quốc tế đúng đắn, đã giương cao ngọn cờ chính nghĩa đó, thức tỉnh được lương tri của loài người. 

2. Đối tác, đối tượng, sự vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về “thêm bạn, bớt thù”

Trong điều kiện quốc tế mới sau Chiến tranh lạnh, quan điểm “thêm bạn, bớt thù” của Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta phát triển thành quan điểm về “đối tác” và “đối tượng”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 đã nêu những vấn đề rất cơ bản có tính định hướng về “đối tác”, “đối tượng”. Theo đó, những lực lượng xâm phạm độc lập dân tộc, cản trở việc thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là đối tượng đấu tranh của nhân dân ta; đối tượng trực tiếp, trước mắt là “chủ nghĩa thực dân mới và các thế lực thù địch chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”; đối tượng tác chiến và đấu tranh của quân và dân ta là “chống lại sự can thiệp và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc”[18]. Nghị quyết Đại hội IX và X của Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức về đối tác, đối tượng. Đặc biệt, trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước; đồng thời căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng và âm mưu, khả năng hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, Đảng đã đề ra Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới tại Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003). Chiến lược nêu những quan điểm chỉ đạo: Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có đối tác vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia - dân tộc là vĩnh viễn; trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới; không xác định cả một quốc gia là đối tượng đấu tranh mà chỉ nói các thế lực thù địch hoặc một số người trong giới cầm quyền ở một số nước nào đó có hành động cực đoan, hiếu chiến, chống đối nước ta, các cơ quan tình báo nước ngoài có hoạt động phương hại đến an ninh quốc gia. Trên quan điểm chỉ đạo trên, Nghị quyết xác định: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”[19].

Quan điểm về đối tác, đối tượng lại được Đảng ta bổ sung, phát triển tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Văn kiện chỉ rõ: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.

So với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003, thì Chiến lược an ninh quốc gia năm 2013, có 3 điểm mới: (1) không dùng từ “chủ trương” mà sử dụng cụm từ “những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền...”. Viết như vậy khái quát hơn; (2) về tính biện chứng giữa đối tượng - đối tác. Chiến lược năm 2003 viết: “... trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta”. Nghị quyết 28 khẳng định “trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Viết như vậy đã khái quát, thể hiện tính khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn về đối tác, không chỉ dừng lại ở một số đối tác như trước đây; (3) ứng xử đối với những mặt mâu thuẫn, khác biệt về lợi ích của đối tác, chúng ta không chấp nhận nó, mà “cần phải đấu tranh”. Đấu tranh nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, tăng cường tính đồng thuận, mở ra các thời cơ thuận lợi, tranh thủ tận dụng được những ưu điểm của mỗi đối tác để phát triển quan hệ. Đồng thời, tìm cách hạn chế tiến tới triệt tiêu các mâu thuẫn, lực cản ở mỗi đối tác, không phải triệt tiêu đối tác.

Như vậy, với Nghị quyết 28, Đảng ta đã nhìn nhận đối tác, đối tượng một cách toàn diện, khoa học và khách quan. Trong mỗi đối tượng, đối tác đều có điểm có thể hợp tác và cũng có điểm cần đấu tranh. Hết sức tránh cực đoan, mơ hồ, ngộ nhận cho rằng đối tác chỉ  mặt hợp tác hoặc đối tượng chỉ có mặt phải đấu tranh. Đồng thời, phải hết sức mềm dẻo sách lược đấu tranh với từng loại đối tượng trên từng khía cạnh, từng vấn đề vào thời điểm cụ thể, trên tinh thần hợp tác và phát triển; tránh xung đột, đối đầu, nhất là với các cường quốc; tránh bị cô lập, phụ thuộc.

Phát triển quan điểm về đối tác đối tượng, Đại hội XII của Đảng tái khẳng định: Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[20] và lần đầu tiên đưa ra phương châm “vừa hợp tác vừa đấu tranh” vào văn kiện Đại hội. “Trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân”2. Đồng thời, Đại hội cũng nhấn mạnh phương châm đối ngoại “thêm bạn, bớt thù”.

3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh nhận diện đối tác, đối tượng hiện nay

Từ nhận thức về đối tác, đối tượng đã trình bầy ở trên, chúng ta cần nhận diện đối tác, đối tượng của chúng ta hiện nay trên trường quốc tế.

Trước hết, về đối tác. Đối tác là những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam. Nói cụ thể hơn, “đối tác bao hàm hai hay nhiều bên hành động cùng nhau để nâng cao hợp tác bằng việc thực hiện mục tiêu chung, xây dựng những kênh/cơ chế nâng cao giải quyết bất đồng/hay tranh chấp, biện pháp thúc đẩy quan hệ và phương pháp đánh giá tiến bộ cũng như chia sẻ thành tựu hợp tác”[21].

Đối tác của Việt Nam chính là các nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 trong 200 quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam cũng có quan hệ với hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có các tổ chức rất quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, WTO... Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia[22]. Thực hiện chủ trương xây dựng quan hệ đối tác, chúng ta đã thiết lập được 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện gồm 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản); 12 đối tác chiến lược (Tây Ban Nha, Đức, Ý, Thái Lan, Indonesia, Singapore,  Pháp, Malaysia, , Philippines,  Australia và New Zealand); đối tác chiến lược về quản lý nước và ứng phó với biến đổi khí hậu với Hà Lan. Việt Nam cũng xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước (Canada, Myanmar, Brunei, Ukraina, Hungary, Nam Phi, Brasil, Argentina, Chile, Venezuela, Đan Mạch và Hà Lan). Đặc biệt, Việt Nam có hai đối tác đặc biệt là Lào và Cuba.

Thứ hai, về đối tượng. Đối tượng là những thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những thế lực có âm mưu và tiến hành chiến tranh xâm lược; “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chế độ; xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam. Có thể kể đến các nhóm đối tượng như sau: (1) những đối tượng có âm mưu và hành động nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nói chung. Chúng sẵn sàng liên minh, liên kết tập hợp lực lượng tiến công nước ta bằng lực lượng vũ trang khi có điều kiện; (2) các thế lực có âm mưu và hành động gây bạo loạn lật đổ, bạo loạn vũ trang ở nước ta, hoặc phối hợp cả hai hành động. Các biện pháp mà đối tượng này sử dụng là “diễn biến hòa bình”, triển khai các hoạt động nhằm thực hiện quan điểm “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang như quân đội, công an, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi có điều kiện sẽ kích động, gây bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh, bao gồm chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, chiến tranh tâm lý...; (3) các thế lực có âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc bằng phương thức vũ trang và phi vũ trang. Chúng đã và đang tiến hành các hoạt động xâm lấn biên giới, biển, đảo thuộc chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Chúng còn tìm cách gây sức ép về phương diện đối nội, đối ngoại, buộc chúng ta phải nhượng bộ lợi ích quốc gia. Khi có thời cơ, chúng sẵn sàng gây xung đột vũ trang, tiến hành chiến tranh chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông; (4) trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, những ai có hành động phá hoại an ninh phi truyền thống như an ninh kinh tế, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh con người, an ninh y tế... đều là đối tượng của Việt Nam; (5) về lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, những kẻ nào phá hoại an ninh văn hóa, tư tưởng của nước ta cũng chính là đối tượng của Việt Nam. Ngoài ra, bất kỳ thế lực nào chống phá an ninh mạng của Việt Nam cũng là đối tượng của chúng ta...

Tuy nhiên, cần có cách nhìn biện chứng. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh. Trong hợp tác có đấu tranh, trong đấu tranh có hợp tác; tránh hợp tác một chiều hoặc đấu tranh một chiều. Cố gắng thúc đẩy hợp tác, nhưng phải đấu tranh dưới hình thức và mức độ thích hợp với từng đối tượng, đối tác, trên từng vấn đề cụ thể. Hợp tác cần phát huy điểm tương đồng, mặt đối tác, tích cực; đấu tranh để bảo vệ lợi ích của ta, hạn chế mặt đối tượng, tiêu cực nhưng không cản trở, loại trừ hợp tác, tránh dẫn đến đối đầu, xung đột. Tăng cường hợp tác để tạo thêm thế trong đấu tranh.

Tóm lại, bạn, thù là vấn đề tập hợp lực lượng, vấn đề chiến lược của cách mạng, cũng là vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã để lại những quan điểm vô cùng sâu sắc về bạn - thù, tranh thủ thêm bạn bớt thù, kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh mới, Đảng ta đã phát triển tư tưởng của Hồ Chí Minh thành đối tác, đối tượng.

Đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia - dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, kết hợp chặt chẽ với tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho xây dựng đất nước, cần nhận thức và xử lý linh hoạt, sáng tạo quan hệ đối tác, đối tượng theo quan điểm của Đảng. Trong đối tác có đối tượng và trong đối tượng có đối tác, không tuyệt đối hóa mặt này hoặc mặt kia.

Để có nhận thức đúng về đối tác, đối tượng, chúng ta phải rất coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, nhất là nghiên cứu đặc điểm từng đối tác, đối tượng, cơ hội, thách thức đối với hòa bình, ổn định của đất nước, tận dụng cơ hội để khai thác tốt các điểm tương đồng; đồng thời, nhận rõ những bất đồng, thách thức để hóa giải; chủ động đối phó, kiên quyết không để đất nước rơi vào thế đối đầu, cô lập hoặc bị động đối phó. Mặt khác, phải thấy tính phức tạp của quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các trung tâm quyền lực, đặc biệt giữa Mỹ
và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là “thêm bạn, bớt thù”, không đứng về bên nào, chỉ đứng về hòa bình, ổn định, lẽ phải, công lý, pháp lý quốc tế./.

                                                                                                       

  GS.TS Vũ Dương Huân

Tài liệu tham khảo

1. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb.Sự thật, H.1970.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011 (bộ 15 tập - CD).

3. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016 (bộ 10 tập - CD).

4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005-2006 (bộ 55 tập - CD).

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật (bộ 69 tập - CD).

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016.

7. John Egan: Managing Prtnership: Preventing and Solving in Strategic Parnership, Allen & Unwin, Sydney, 2001.

8. Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb.Quân đội nhân dân, H.2000.

9­. Phạm Bình Minh: Ngoại giao Việt Nam 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Báo Thế giới &Việt Nam, đặc san tháng 8/2020.

10. Hoàng Bình Quân: Đối ngoại Đảng, một trong ba “chân kiềng” của ngoại giao Việt Nam, Báo Thế giới & Việt Nam, đặc san tháng 8/2020.

11. TS Trần Thị Minh Tuyết: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016.

12. Trần Triều và Hồ Lễ Trung: Thập đại tùng thư. 10 nhà ngoại giao lớn thế giới (Phong Đào dịch từ tiếng Trung Quốc), Nxb.Văn hóa -Thông tin, H.2003.

13. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ve-doi-tac-doi-tuong-trong-tinh-hinh-moi-theo-quan-diem-cua-dang-ta-424465.


Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.13, tr.453.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.5, tr.256.

[3] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, t.3, tr.34.

[4] Xem TS Trần Thị Minh Tuyết: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.132.

[5] Xem Trần Triều và Hồ Lễ Trung: Thập đại tùng thư. 10 nhà ngoại giao lớn thế giới (Phong Đào dịch từ tiếng Trung Quốc), Nxb.Văn hóa - Thông tin, H.2003, tr.70.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, t.8, tr.26.

[7] 8 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.41, tr.68-69, 69.

[8] 9. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t.42, tr.67.

[9] Xem V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2006, t.50, tr.96.

[10] Lê Kim: Bác Hồ tiếp xúc với tình báo phương Tây, Nxb.Quân đội nhân dân, H.2000, tr.17.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.8, tr.551.

[12] Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, H.1994, tr.10.

[13], 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, t.8, tr.49, 56.

[14] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H.1970, tr.31.

[15], 2, 3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.4, tr.75, 75, 86.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.14, tr.328.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, t.11, tr.314.

[18] Xem https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ve-doi-tac-doi-tuong- trong-tinh-hinh-moi-theo-quan-diem-cua-dang-ta-424465

[19] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IXNxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2003, tr.44.

[20], 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.153, 153.

[21] John Egan: Managing Prtnership: Preventing and Solving in Strategic Parnership, Allen & Unwin, Sydney, 2001, p.3.

[22] Xem Hoàng Bình Quân: Đối ngoại Đảng, một trong ba “chân kiềng”của ngoại giao Việt Nam, Báo Thế giới & Việt Nam, đặc san tháng 8/2020, tr.124.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bạn, thù Thứ nhất, Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa chiến lược, nền tảng của vấn đề xác định bạn thù. Trong Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận cuối tháng 8-1962, Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”[1]. Đối với một dân tộc nhỏ lại phải đối đầu với các kẻ thù mạnh và thâm độc thì thực hiện “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[2], làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Trả lời Đoàn đại biểu c&

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn