Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Theo Người, để thực hiện được sứ mệnh lịch sử của quốc gia thì phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mà trước tiên là thu hút và sử dụng những người tài giỏi vào nền công vụ. Người chỉ rõ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là phải: tìm người tài giỏi vào nền công vụ; khéo sử dụng cán bộ; chăm lo toàn diện đến cán bộ và sửa đổi lề lối làm việc để nâng cao năng lực của chính quyền các cấp. Bài viết tập trung làm rõ 4 nội dung nêu trên và đưa ra một số khuyến nghị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính phục vụ nền công vụ hiệu quả, hiệu lực.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Với tư cách là người khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng, lý luận cho việc xây dựng nền hành chính quốc gia dân chủ, hiện đại – một nền hành chính thực sự là công cụ quyền lực của nhân dân lao động. Gắn liền với việc thiết kế bộ máy quản lý nhà nước, Người thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đây là vấn đề được Người suy nghĩ thấu đáo và nêu lên thành hệ thống quan điểm có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Từ chỗ coi “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”1. Người đi đến một kết luận hết sức ngắn gọn, rõ ràng và sâu sắc “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”2; “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”3.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Người đã ban hành một số sắc lệnh cụ thể quy định vị thế xã hội, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, như: Sắc lệnh số 188/SL năm 1948 và Sắc lệnh số 76/SL năm 1950). Trong đó, xác định rõ: công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân dưới sự lãnh đạo tối cao của Chính phủ. Vậy người công chức phải đem hết cả sức lực và tâm trí theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của Nhân dân mà làm việc. 

2. Xác định và sử dụng nhân tài trong nền công vụ

a. Tìm người tài giỏi vào nền công vụ

Sau khi giành được độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến việc tìm kiếm nhân tài, thu hút họ vào nền công vụ để giúp dân, giúp nước. Trong khoảng thời gian một năm, Người đã hai lần có chiếu cầu hiền. Tại bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng ở Báo Cứu Quốc, số 91 ngày 14/11/1945, Người đã nhấn mạnh về nhân tài cần phải được khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển để đáp ứng nhiệm vụ quan trọng: kiến thiết ngoại giao; kiến thiết kinh tế; kiến thiết quân sự; kiến thiết giáo dục.

Cũng ở chiếu cầu hiền thứ hai, bài viết “Tìm người tài đức” Báo Cứu Quốc số 411, ngày 20/11/1946, Người khẳng định: Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Tuy nhiên, việc phát hiện và lựa chọn nhân tài là việc làm không dễ dàng gì, bởi vì chỉ có nhìn nhận trong cuộc sống đời thường, trong lao động sản xuất, trong công tác, trong hoạt động xã hội khả năng sáng tạo, khả năng cống hiến của con người, tài năng mới biểu lộ. Do đó, phải có cơ chế, chính sách, có phương pháp tổ chức thực hiện và đặc biệt phải thật sự cầu thị thì mới có thể phát hiện được người hiền tài. 

b. Khéo sử dụng cán bộ trong nền công vụ

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng và bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng. Cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp. Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không”4, nghĩa là phải xem xét uy tín cán bộ trước quần chúng đến mức độ nào và phải xem người ấy xứng đáng với việc gì. Đặc biệt, Người chỉ ra tác dụng của việc bố trí sử dụng đúng người, đúng việc. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì sẽ thành công, dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng. Lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Theo Người, muốn dùng cán bộ cho đúng, cho tốt, đòi hỏi các cấp lãnh đạo: “Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra”5. Phải tạo ra môi trường để cán bộ khi được giao việc có quyền tùy cơ ứng biến mới có thể phát huy tài năng của họ, “không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác”6. Việc cân nhắc cán bộ, phải vì công tác tài năng, “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế có tội với Đảng, có tội với đồng bào”7

c. Chăm lo toàn diện đến cán bộ, công chức

Sắc lệnh số SL/188 về việc lập một chế độ lương mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 29/5/1948 đã nêu rõ những nguyên tắc chăm lo đến người làm công chức, như: trọng dụng thành tích tài năng; chú ý đến tình trạng gia đình; nâng đỡ phụ nữ và đồng bào miền núi làm công chức… Việc chăm lo đến người làm công chức không những chỉ là quan tâm lợi ích vật chất mà còn quan tâm đến tinh thần, đặc biệt là tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cán bộ, công chức phát huy hết tài năng để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đề cao việc giáo dục lòng trung thành với Đảng, Chính phủ, đức hy sinh, tận tụy của đội ngũ cán bộ, đồng thời quan tâm đến chính sách cán bộ về đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có… Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu”8.Bên cạnh đó, Người cũng luôn chú ý đến trí thức: “Đảng và Chính phủ đối với trí thức – Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Đảng và Chính phủ rất quý trọng những người trí thức của nhân dân, vì nhân dân. Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: Giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân”9.

d. Sửa đổi lề lối làm việc để nâng cao năng lực của chính quyền các cấp

Trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” (tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc lựa chọn cán bộ: 

Thứ nhất, những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.

Thứ hai, những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu hết Nhân dân, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.

Thứ ba, những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. người lãnh đạo đúng đắn cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi tiến hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn..

Thứ tư, những người giữ đúng kỷ luật.

Người cho rằng, việc kiện toàn công tác tổ chức chính quyền nhân dân có ý nghĩa quyết định nhất để giữ vững thành quả cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ có đức và tài là người phải có phẩm chất chính trị và năng lực lãnh đạo, nghiệp vụ công tác. Người quan niệm: “Ai cứ cắm đầu vào làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che dấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”10; đồng thời, Người khuyên mọi người phải hết sức tỉnh táo và kỹ lưỡng khi đánh giá những khuyết, nhược điểm và sai lầm của cán bộ; phải cần làm cho cán bộ biết dừng tại chỗ thấy cần phải dừng, để không phải vượt qua chỗ nguy hiểm mà mắc sai lầm.

3. Yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính phục vụ nền công vụ hiệu quả, hiệu lực

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị về đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ phải thực sự là nhiệm vụ “then chốt” của vấn đề “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng chỉ rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm…”11. Đồng thời, tiếp tục xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch, phục vụ Nhân dân và xã hội, với đội ngũ cán bộ, công chức trung trực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp và được trả lương hợp lý. Để thực hiện tốt điều này, chúng ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục cho cán bộ phải lấy đức là gốc của người cách mạng “Cán bộ, công chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ”12. Yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải gần gũi với Nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn và “không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân khi thi hành công vụ”13.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, chính là việc giáo dục, học tập cho đội ngũ cán bộ, công chức “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức mới có đủ vũ khí sắc bén, hình thành tư duy khoa học, khắc phục sự nhận thức giáo điều, bảo thủ, lệch lạc, mơ hồ và hoài nghi. 

Hai là, trong các cơ quan, tổ chức cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch về yêu cầu công việc đối với từng vị trí làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành và chất lượng công việc của cán bộ, công chức, theo đó, sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cho phù hợp với năng lực và trình độ của cán bộ, công chức. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương và cần “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp”14.

Ba là, xây dựng và thực hiện chế độ trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Hiện nay, sự yếu kém của một nền hành chính một phần là do giới hạn của quyền lực và phạm vi trách nhiệm đối với từng ngành, từng cơ quan, từng bộ phận và từng con người không được làm rõ. Tình trạng ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm chắc chắn là một cản trở lớn cho quá trình xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp. 

Trong thời gian vừa qua đã có một số ngành, lĩnh vực để xảy ra hàng loạt vi phạm có tính hệ thống và gần như là hệ quả tất yếu của tình trạng yếu kém về năng lực quản lý hoặc do thiếu trách nhiệm, nhưng những người có trách nhiệm vẫn vô can, tại vị là điều không thể chấp nhận. Vì vậy, cần phải xây dựng và thực hiện chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ với nguyên tắc: người lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ. Đây là một giải pháp quan trọng có tác dụng trực tiếp trong việc đề cao kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của bộ máy hành chính và các cán bộ, công chức nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “giao công việc mà không kiểm tra đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ”15. Việc kiểm tra này phải do Nhân dân giám sát, do tổ chức và người lãnh đạo trực tiếp thực thi. Kiểm tra phải theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, đó là những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để. Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng, ngày 29/7/1964, Người nhấn mạnh: “Các ủy ban và cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt là phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”16.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở phải nhận thức sâu sắc công tác thanh tra, kiểm tra, tính khách quan trong kiểm tra cán bộ là cực kỳ quan trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra không những nhằm phát hiện và trừng phạt nghiêm khắc những người làm sai mà còn tìm ra những sơ hở khiếm khuyết trong các quy định về hoạt động công vụ để có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời trong việc hoàn thiện cơ chế quản lý và bản thân bộ máy thi hành công vụ. Thanh tra, kiểm tra công vụ còn là cơ sở quan trọng để đánh giá việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc nhận xét, đánh giá và phát triển cán bộ, công chức.

Năm là, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội… góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Đây là vấn đề có quan hệ trực tiếp đến quá trình xây dựng nền hành chính trong sạch và một đội ngũ cán bộ tận tâm, liêm chính. Trong đó, “Mục đích của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó, để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn”17. Vì vậy, công tác chống quan liêu, tham nhũng cần được thực hiện một cách kiên quyết, kiên trì như Tổng Bí Thư Tô Lâm khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh theo phương châm không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”18

Sáu là, tạo động lực mạnh mẽ để thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có chất lượng cao, đạo đức công vụ trong sáng. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác”19. Đây là một trong những giải pháp quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức. Việc đãi ngộ cán bộ, công chức hợp lý không những thu hút được cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn gìn giữ được những phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng, ngăn ngừa được tình trạng tham ô, tham nhũng, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân trong thực thi công vụ. 

4. Kết luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta những chỉ dẫn và kinh nghiệm quý báu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Với tinh thần đổi mới, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ mà trước hết phải thiết lập được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để đội ngũ cán bộ, công chức “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”. Có như vậy, mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính, chuyên nghiệp để hướng tới một nền công vụ trong sạch, vững mạnh.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 15. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 68, 309, X, 314, 320, 320, 321, 316 – 317, 318, 316.
9. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 378.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 230.
12, 13. Quốc hội (2008). Điều 15, 17 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
14. Toàn văn phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026. https://vtv.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-hop-dau-tien-cua-chinh-phu-nhiem-ky-2021-2026-2021081117580912.htm.
16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 14. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 363 – 364.
17. Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 24.
18. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm. https://thanhtravietnam.vn/thoi-su/day-manh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-khong-ngung-khong-nghi-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-209519.html.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 196.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hải Vân
Học viện Chính trị Công an nhân dân

1. Đặt vấn đề Với tư cách là người khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng, lý luận cho việc xây dựng nền hành chính quốc gia dân chủ, hiện đại – một nền hành chính thực sự là công cụ quyền lực của nhân dân lao động. Gắn liền với việc thiết kế bộ máy quản lý nhà nước, Người thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Đây là vấn đề được Người suy nghĩ thấu đáo và nêu lên thành hệ thống quan điểm có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Từ chỗ coi “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, d&

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một cách phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị

Gửi bình luận của bạn