Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người về báo chí – truyền thông thấm nhuần tính Đảng và tính Nhân dân sâu sắc. Nội dung bài viết khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí – truyền thông, đề xuất một số định hướng báo chí – truyền thông theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển báo chí – truyền thông trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển báo chí – truyền thông trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế

1. Khái quát chung

a. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí – truyền thông

Là Người đặt nền móng cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng1. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”2

Trong bài viết về Đông Dương, Người chỉ rõ: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những điều kiện cơ bản nhất để hành động (đó là): Tự do báo chí…”3. Trong bài Hạnh phúc của các em nhi đồng Liên Xô, Người viết: “Có thể nói, trẻ em Liên Xô là sung sướng nhất trên thế giới… Các em có báo chí riêng, nhà bán sách và nhà cho mượn sách riêng…”4

Trong bài Vấn đề dân bản xứ, Người chỉ rõ: “Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy (trong đó có tự do báo chí – truyền thông), thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”5

Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo báo chí – truyền thông. Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng tiếp tục giữ vững vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. 

b. Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động đến báo chí – truyền thông

Sau gần 40 năm đổi mới, sức mạnh tổng hợp, vị thế quốc tế của Việt Nam ở khu vực và thế giới đã được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước cơ bản được giữ vững và ổn định; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; nhà nước pháp quyền tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Nhưng những nguy cơ bất ổn chính trị, xã hội như các vấn đề bức xúc, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, mất trật tự, an toàn xã hội, khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh, an toàn thông tin… tiếp tục gia tăng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin ngày càng phát triển nhanh. Các vấn đề an ninh lãnh thổ, nhất là vấn đề Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ những đột biến, gây tác động tiêu cực tới an ninh, ổn định, phá vỡ môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển của đất nước6.

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị của Liên hợp quốc. Trên cơ sở Công ước quốc tế và Hiến pháp nước ta qua các thời kỳ, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, theo đó: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng… Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền tự do báo chí ở nước ta hiện nay một số quy định bảo đảm quyền còn chưa được cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng nên đã dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Thời gian qua, báo chí – truyền thông đã phát huy vai trò khá tích cực: góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Tuy nhiên, việc phát huy vai trò báo chí trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và còn nhiều bất cập, hạn chế. Công tác chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí chưa chủ động và kịp thời, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có dấu hiệu gia tăng trong đội ngũ những người làm báo. Vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam trong việc bồi dưỡng đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên chưa phát huy đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới7.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên truyền thông số mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội đất nước. Mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức8.

Trong cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên truyền thông số, phương thức đọc của con người có nhiều thay đổi, ngày càng hướng tới phục vụ nhu cầu của cá nhân, đọc để hưởng thụ và giải trí, thư giãn. Độc giả đã không còn bị động tiếp nhận thông tin, tri thức như trước đây nữa, ngược lại, họ đã trở thành nhân tố đóng vai trò trung tâm, hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin, tri thức. Do đó, tác giả và tòa soạn đã mất đi vai trò trung tâm như trong thời đại của in ấn, phát hành báo chí truyền thống. Khi đó, tòa soạn phải lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại và phát triển cũng như tiêu chí đánh giá sự thành công của mình. Cùng với đó, sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường được coi là một nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo. Phát triển kinh tế thị trường đồng nghĩa với việc phải tôn trọng các quy luật của thị trường, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà cả trong các hoạt động vê văn hóa – xã hội. Đi cùng với sự thay đổi về kinh tế, vật chất là sự thay đổi các giá trị tinh thần, các chuẩn mực đạo đức. 

Yêu cầu của quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ cũng tác động đến quản lý báo chí. Theo đó, mục tiêu quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới9.

Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như đã nêu trên tác động không nhỏ đến báo chí – truyền thông, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Vì vậy, cần có giải pháp định hướng báo chí – truyền thông theo tư tưởng Hồ Chí Minh để phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

2. Định hướng phát triển báo chí – truyền thông theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Thứ nhất, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng các yêu cầu về hội nhập. Củng cố và tăng cường mạng lưới cơ quan thường trú ở nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết tại các điều ước quốc tế10.

Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội. Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng. Rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. 

Thứ ba, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để siết chặt quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok, từ đó đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam. Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới. Duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao. Đồng thời, tăng cường đấu tranh để khóa hoạt động các tài khoản, hội nhóm, trang, kênh nội dung vi phạm trên các nền tảng xuyên biên giới. Thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có Văn phòng tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các bất cập liên quan tại Luật Quảng cáo, đặc biệt đối với quảng cáo trên môi trường mạng. Tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để kịp thời phổ biến quy định pháp luật, ngăn chặn, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo xuyên biên giới. Tập trung rà soát để điều chỉnh dòng tiền quảng cáo về các đơn vị sản xuất nội dung sạch, các đơn vị báo chí – truyền thông. Nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét các hành vi vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới. Tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, trong đó thể chế hóa khái niệm “báo hóa”, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý trang tin, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng, quản lý nền tảng xuyên biên giới… Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát toàn bộ giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp, quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi cung cấp thông tin của từng trang, yêu cầu ghi rõ từng chuyên mục vào giấy phép. Đưa đầy đủ dữ liệu giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước lên trên trang mic.gov.vn. Tăng cường rà soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về “báo hóa” trang tin điện tử, mạng xã hội, về đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sứ mệnh của báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội, tạo sự đồng thuận, đồng thời, lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Đẩy nhanh việc hoàn thiện, phê duyệt: Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí – truyền thông, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo lộ trình chung. Tiếp tục lan tỏa tư duy dùng công nghệ để “nhìn thấy” các vấn đề của báo chí – truyền thông, đánh giá báo chí bằng công nghệ, cơ sở dữ liệu, bằng các “tiêu chí nhận diện” tường minh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế để quản lý lĩnh vực. Hỗ trợ kinh tế báo chí và chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí – truyền thông, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ báo chí chuyển đổi số thành công để dẫn dắt, định hướng dư luận trong bối cảnh không gian mạng có nhiều luồng thông tin chi phối phức tạp. 

Thứ sáu, Chính phủ tiếp tục phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo, tổ chức quán triệt, thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác báo chí – truyền thông. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí – truyền thông. Ứng dụng công nghệ để đánh giá, đo quét nội dung thông tin. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nội dung thông tin; đối với các vi phạm rất nghiêm trọng, xem xét đình bản tạm thời và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí – truyền thông, các cá nhân liên quan. Chuyển hồ sơ, phối hợp, hướng dẫn các sở Thông tin và Truyền thông nâng cao vai trò quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương, đẩy mạnh xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 102.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 166.
3, 5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 48, 10 – 15.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 19. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 104.
6. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/ 2016 phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
7. Ban Chấp hành Trung ương (2017). Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/ 2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
8. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
9. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/ 2019 phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông (2017). Quyết định số 1095/QĐ-BTTTT ngày 05/7/2017 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2016). Luật Báo chí năm 2016.
2. Lê Thị Thu Hiền (2023). Vai trò của báo chí đối với phát triển nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số ở nước ta hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 14/12/2023.
3. Nguyễn Quang Vinh (2022). Báo chí với công cuộc chuyển đổi số hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 18/6/2022.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

1. Khái quát chung a. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí – truyền thông Là Người đặt nền móng cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy, đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng…”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”2.  Trong bài viết về Đông Dương, Người chỉ rõ: “Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, l&agrave

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn