Độc lập, tự chủ, sáng tạo là một đặc trưng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước, xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trong suốt quá trình cùng Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc vận dụng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người có ý nghĩa vô cùng to lớn, bảo đảm cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay
Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam hiện nay

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc của Đảng và dân tộc Việt Nam. Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách vĩ đại bao hàm sự thống nhất giữa đạo đức mẫu mực và thiên tài trí tuệ. Điều làm nên thiên tài Hồ Chí Minh trước hết là tư duy vô cùng sắc bén, mang đặc sắc, dấu ấn riêng của Người-phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Trong đó, độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét đặc trưng nổi bật, được thể hiện đặc biệt rõ trong suốt quá trình từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. 

Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước (1911), với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh đã chọn con đường đi sang phương Tây, một hướng đi khác biệt với con đường Đông du do Cụ Phan Bội Châu khởi xướng, tổ chức và đang là hướng đi phổ biến của nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước thời điểm đó. Đây là bước khởi đầu đúng đắn, quyết định chặng đường tiếp theo trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã được biết đến nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa và đó là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”1. Người đã không lựa chọn đi theo tư tưởng dân chủ tư sản của cách mạng Mỹ, hay cách mạng Pháp; cũng không đi theo tư tưởng của các đảng dân chủ xã hội thuộc Quốc tế II; hoặc tư tưởng cơ hội, xét lại chủ nghĩa Mác của tầng lớp công nhân quý tộc ở các nước châu Âu. Với tiêu chí nhất quán là độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào, Người đã lựa chọn “chủ nghĩa Lênin”, chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, làm nền tảng tư tưởng, thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của bản thân Người và cách mạng Việt Nam. Đó là con đường đi đúng đắn của cách mạng Việt Nam-con đường của một cuộc “cách mệnh thành công đến nơi”, “nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”2, “nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”3.

Là một chiến sĩ cộng sản chân chính, Hồ Chí Minh không giáo điều, rập khuôn máy móc lý luận Mác-Lênin khi vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà chú ý đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Người đã thực hiện xuất sắc chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”4. Khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là học thuyết chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, nhưng Hồ Chí Minh vẫn hết sức trân trọng những di sản truyền thống dân tộc và văn hóa nhân loại. Bằng tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo, Người nêu rõ: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta.... Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”5.

Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và bổ sung, phát triển phong phú thêm bằng những chất liệu của văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, khi xác định cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, Người cho rằng, trước tiên phải làm “dân tộc cách mệnh”, chưa phải là làm “giai cấp cách mệnh” như Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Người đã tránh được đường lối “tả” khuynh “giai cấp chống giai cấp” tồn tại trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX, nhất là từ Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928). Người chủ trương đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, chủ quyền và thống nhất Tổ quốc theo tinh thần: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”6.

Xác định cách mạng muốn thành công thì trước hết phải có đảng mácxít chân chính lãnh đạo, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, giai cấp công nhân chỉ chiếm tỷ lệ thấp, phong trào công nhân còn nhỏ bé, trong khi yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc và phong trào yêu nước phát triển mạnh, nên có thể và cần phải kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. “Công thức” thành lập đảng cộng sản do V.I.Lênin nêu ra7 đã được Hồ Chí Minh bổ sung thêm thành tố mới là phong trào yêu nước.

Cũng xuất phát từ tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh không dừng lại ở lý luận Mác-Lênin về liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, mà chủ trương thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, với nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về thực hiện đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, ngay từ những bài giảng lý luận chính trị tại các lớp đào tạo “hạt giống đỏ” ở Quảng Châu, Người đã khẳng định cách mạng Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trong thế giới đều là đồng chí của dân Việt Nam cả8. Nhưng Người cũng nêu rõ: “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”9. Sau này, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi nhận thấy xuất hiện tâm lý chủ quan, ỷ lại, dựa dẫm vào sự giúp đỡ của các nước phe XHCN, Người nhắc nhở: “Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”10.

Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, tiếp thu lý luận về hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của con đường nhân loại đi lên CNXH, CNCS, đồng thời, Người sớm bổ sung vào lý luận Mác-Lênin. Ngay từ tháng 4-1921, tức là chỉ 7 tháng sau khi đọc Luận cương của V.I.Lênin, tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc, trong bài viết “Đông Dương”, Người đã phân tích tình hình các nước châu Á và xác định có “những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”11. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Người chỉ ra rằng, đi lên CNXH là quy luật phát triển nội tại của cách mạng Việt Nam trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Người nhấn mạnh: “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”12. Điều này một mặt quy định đất nước đi lên CNXH không thể nhanh chóng, dễ dàng được; mặt khác chỉ ra rằng phải hiểu đúng về việc “không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Đó không phải là việc bỏ qua hoàn toàn những gì liên quan đến CNTB, mà chỉ bỏ qua giai đoạn thống trị của quan hệ sản xuất TBCN và kiến trúc thượng tầng TBCN.

Thực tiễn trên cũng là cơ sở để Hồ Chí Minh tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo về xây dựng CNXH ở Việt Nam: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”13. Người chủ trương phải thực hiện những bước đi dần dần, vững chắc, từ thấp đến cao căn cứ theo tình hình thực tế đất nước. Trước phong trào tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH ở các nước XHCN cuối những năm 50 và 60 của thế kỷ XX, Người nhắc nhở: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc”14.

Xác định rõ trong những động lực để xây dựng CNXH, quan trọng hàng đầu là động lực con người trên cả phương diện con người tập thể (cộng đồng) và con người cá nhân, trong khi khẳng định chủ nghĩa cá nhân là một trong những lực cản của sự nghiệp xây dựng CNXH, Hồ Chí Minh cũng lưu ý: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”15. Trong khi các nước XHCN chủ trương xây dựng nền kinh tế chỉ còn hai thành phần là quốc doanh (nhà nước), tập thể (hợp tác xã) và tập trung phát triển công nghiệp nặng, Người xác định nền kinh tế của đất nước trong chế độ dân chủ mới (thời kỳ quá độ lên CNXH) gồm nhiều thành phần, theo định hướng XHCN; có cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp hiện đại, trong đó trước hết là phát triển nông nghiệp; xây dựng và phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng, làm nền tảng tinh thần của xã hội mới.

Trong xây dựng Đảng cầm quyền đủ sức, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng CNXH, cùng với các nội dung xây dựng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, Hồ Chí Minh hết sức chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, trên cả phương diện đạo đức của tổ chức Đảng và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Người cũng quan tâm xây dựng Nhà nước thực sự là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, kết hợp giữa vai trò của đạo đức và pháp luật trong quản lý, điều hành xã hội. 

2. Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh được tạo lập trước hết bởi trí tuệ sắc sảo, mẫn tiệp, nhạy bén với cái mới ở Người. Trong quá trình vận động và tổ chức cách mạng Việt Nam, Người sớm phát hiện và có cách giải quyết các vấn đề một cách đúng đắn, chính xác. Chính nhờ tầm nhìn vượt trước thời gian của Người, trong nhiều trường hợp cụ thể, cách mạng Việt Nam đã có được sự chuẩn bị sẵn sàng và giành thắng lợi, như việc dự báo thời cơ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dự báo việc Mỹ sẽ đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội,... Đối với chính quyền cách mạng, Người đã từng phê phán loại cán bộ “đập đi, hò đứng”, thụ động, ỷ lại, không chịu suy nghĩ, tìm tòi những cách làm mới phù hợp với tình hình thực tế và nhắc nhở: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”16.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ sự minh định và nhất quán trong suốt cuộc đời cách mạng của Người là phấn đấu vì nước, vì dân. Với Người, “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân-tức là phục tùng chân lý”17. Chính vì vậy, sau khi nước nhà giành lại độc lập, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”18. Sự nghiệp cách mạng triệt để nhất chính là giải phóng nhân dân, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng chân chính cách mạng thì tiêu chí đầu tiên cũng phải là gần dân, trọng dân, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhà nước chỉ thực sự là xác lập được vị trí chính danh khi đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Với cá nhân, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”19. Người cũng từng bộc bạch với báo giới: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”20.

Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Hồ Chí Minh còn hình thành trên cơ sở luôn xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm điểm xuất phát và làm tiêu chuẩn, thước đo tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách, tránh chủ quan duy ý chí; đồng thời không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Chính vì xuất phát từ thực tiễn Việt Nam khác thực tiễn các nước châu Âu, nên Người đã có cách vận dụng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam khác với quan điểm của các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản, nhưng phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Xây dựng CNXH trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, Người nhắc nhở: “Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế”21.

3. Cuối thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân, trong đó có “bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng”22, dẫn đến đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội. Trải qua quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và bổ sung, phát triển lý luận, Đại hội VI (12-1986) của Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo đường lối đổi mới toàn diện. Ý Đảng và lòng dân thống nhất đã tạo thành sức mạnh to lớn đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. 

Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Từ một nước bị khủng hoảng kinh tế-xã hội gay gắt với mức lạm phát có lúc lên đến 774,7% (1986), Việt Nam đã vượt ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế23. Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được đẩy mạnh, với mức tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất khu vực và trên thế giới. Chính trị-xã hội ổn định, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng, an ninh được bảo đảm và tăng cường. Văn hóa-xã hội phát triển; đời sống của nhân dân được cải thiện. Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam đã phá thế bị bao vây, cô lập, cấm vận; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Có thể nói: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay”. Những thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó trước hết là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. 

Đường lối đổi mới của Đảng được khởi đầu từ đổi mới tư duy lý luận, trong đó có sự đổi mới trong nhận thức về con đường, cách thức để đi đến mục tiêu CNXH đúng đắn hơn, phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đất nước. Đó cũng đồng thời là quá trình nhận thức và vận dụng sáng tạo những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đúng đắn, sâu sắc, trong đó, đặc biệt là tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Người.


Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 7/2020

1. Ho Chi Minh-Notre camrade, Introduction historique de Charles Fourniau, editon sociales, Paris, 1970 (dẫn theo Phan Ngọc Liên: Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb CTQG, H, 2008, tr.178)

2, 3, 8. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 292, 304, 329-320

4. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 4, tr. 232

5. Hồ Chí Minh truyện, bản dịch Trung văn của Trương Niệm Thức, Bát Nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, 6-1949 (dẫn theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1997, tr. 43)

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 113

7. Đảng Cộng sản bằng chủ nghĩa Mác cộng với phong trào công nhân

10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 445

11. Sđd, T. 1, tr. 47

12. Sđd, T. 12, tr. 411

13, 17. Sđd, T. 10, tr. 391, 378

14, 21. Sđd, T. 13, tr. 71, 71

15. Sđd, T. 11, tr. 610

16. Sđd, T. 8, tr. 55

18, 20. Sđd, T. 4, tr. 64, 187

19. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2016, T. 1, tr. 86

22. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb ST, H, 1987, tr. 26

23. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 65-66.

PGS, TS LÝ VIỆT QUANG; ThS NGUYỄN THỊ NGUYỆT ANH

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc của Đảng và dân tộc Việt Nam. Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách vĩ đại bao hàm sự thống nhất giữa đạo đức mẫu mực và thiên tài trí tuệ. Điều làm nên thiên tài Hồ Chí Minh trước hết là tư duy vô cùng sắc bén, mang đặc sắc, dấu ấn riêng của Người-phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Trong đó, độc lập, tự chủ, sáng tạo là nét đặc trưng nổi bật, được thể hiện đặc biệt rõ trong suốt quá trình từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.  Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước (191

Tin khác cùng chủ đề

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng xã hội học tập theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quét sạch chủ nghĩa cá nhân để phòng, chống suy thoái
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “giặc nội xâm” đến cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm gương, nêu gương và noi gương của cán bộ, đảng viên và giải pháp thực hiện
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân dân

Gửi bình luận của bạn